Bệnh viện Mayo lần đầu tiên ghép thanh quản thành công cho bệnh nhân ung thư
Một người đàn ông ở Massachusetts mắc một dạng ung thư thanh quản hiếm gặp đã phục hồi một phần giọng nói và hơi thở tại Bệnh viện Mayo.
Sáu phẫu thuật viên tại Bệnh viện Mayo ở Arizona đã ghép thành công thanh quản cho Marty Kedian, một người đàn ông 59 tuổi ở Massachusetts mắc bệnh ung thư sụn, một dạng ung thư thanh quản hiếm gặp.
Đây là ca ghép thanh quản toàn phần đầu tiên được thực hiện trên một bệnh nhân bị ung thư thanh quản đang hoạt động. Theo thông cáo báo chí từ Mayo Clinic, ghép thanh quản là một phẫu thuật phức tạp, tới nay chỉ thực hiện được ba ca. Thanh quản chứa các dây thanh âm và bảo vệ cổ họng khỏi bị nghẹn thức ăn.
Khôi phục chất lượng cuộc sống
Ông Kedian được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào năm 2013 sau khi ông bắt đầu gặp khó khăn khi nuốt thức ăn. Các bác sĩ cho biết căn bệnh của ông cần phải được phẫu thuật. Ông đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật trong thập niên sau đó, khi một phần thanh quản của ông bị cắt bỏ và giọng nói của ông trở nên trầm và khàn. Khi ông không thể tự thở được nữa, ông đã được mở khí quản ra da.
Với công việc kinh doanh in ấn đòi hỏi việc phải nói chuyện với mọi người, ông Kedian suy sụp vì chất lượng cuộc sống ngày càng giảm sút. Khi được thông báo rằng ông cần phẫu thuật cắt bỏ thanh quản, ông đã từ chối.
“Tôi không muốn phẫu thuật cắt thanh quản,” ông nói, “Tôi muốn có một cách để lấy lại chất lượng cuộc sống của mình.”
Ông Kedian cho biết một phần lý do thôi thúc ông từ chối việc mất đi thanh quản là sự ra đời của đứa cháu đầu lòng.
“Tôi muốn đọc truyện cho cháu nghe trước khi đi ngủ bằng chính giọng của mình,” ông nói.
Vợ của ông Kedian, bà Gina, đã lên mạng để tìm kiếm những giải pháp tốt hơn và đã tìm thấy bác sĩ David Lott, một bác sĩ chuyên phẫu thuật tai mũi họng đang hành nghề ở tiểu bang Arizona. Bác sĩ Lott là một chuyên gia phẫu thuật thanh quản, đứng đầu nhóm nghiên cứu phục hồi và ghép thanh quản.
Ông Kedian cho biết rằng thật khó để thích nghi với việc ống thở thò ra khỏi cổ họng. Mọi người sẽ hỏi ông về thói quen hút thuốc và xa lánh ông dù cho ông chưa bao giờ hút thuốc lá.
“Tôi cảm thấy kỳ lạ và không muốn đi đâu cả,” ông Kedian nói.
Nguyên nhân căn bệnh ung thư của ông không được tiết lộ. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân cũng không được biết.
Cuộc gặp gỡ với bác sĩ Lott đã mang lại cho ông Kedian niềm hy vọng.
Trong thông cáo báo chí của bệnh viện, bác sĩ Lott cho biết, “Tôi quyết định trở thành phẫu thuật viên thanh quản và nhà nghiên cứu để xây dựng một chương trình thúc đẩy các ranh giới của khoa học tiến lên phía trước.”
“Không ai thực sự nghĩ đến thanh quản của mình cho đến khi nó biến mất. Sau đó, khả năng nói, thở và nuốt của bạn không còn nữa, và bạn phải thở qua một lỗ trên cổ. Điều này sẽ tạo cho người bệnh một cảm giác bị cô lập, và nhiều người trở thành cái vỏ vô hồn của con người họ trước đây. Tôi muốn tìm cách giúp khôi phục chất lượng cuộc sống của họ.”
Ca ghép thanh quản đầu tiên của bệnh viện Mayo
Chương trình Ghép Thanh quản và Khí quản của bệnh viện Mayo ở Arizona là chương trình ghép thanh quản đầu tiên và duy nhất được Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng Hoa Kỳ phê chuẩn, theo một thông cáo báo chí khác công bố vào tháng 02/2023 thông báo về việc chuẩn bị cho ca cấy ghép của bệnh viện Mayo.
Bác sĩ Lott cho biết, “Bởi vì phẫu thuật ghép thanh quản còn quá mới nên chúng tôi không biết nhiều về nhu cầu ức chế miễn dịch,” đồng thời ông cho biết thêm rằng nhóm của ông hy vọng sẽ hiểu được liệu có cách nào để sử dụng các loại thuốc mới hoặc thuốc truyền thống đặc biệt phù hợp với thanh quản được ghép hay không. Sau ghép, bệnh nhân sẽ được kê toa thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa tình trạng thải ghép.
Bác sĩ Lott cho biết, “Tất cả các ca cấy ghép đều phức tạp, nhưng chúng tôi phải chuẩn bị nhiều loại mô hơn và nhiều bộ phận chuyển động hơn khi ghép thanh quản so với các ca cấy ghép khác. Thanh quản thực sự là một loại cơ quan sinh học. Nó không chỉ là mô sống mà còn có các khớp và cơ quan được cấy ghép phải có khả năng chuyển động.”
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính sẽ có hơn 12,000 trường hợp ung thư thanh quản mới ở Hoa Kỳ vào năm 2024. Bác sĩ Lott cho biết ca phẫu thuật này được thực hiện như một phần của thử nghiệm lâm sàng và sẽ được áp dụng cho nhiều người hơn.
Ông cho biết, “Thử nghiệm lâm sàng này cho phép chúng tôi tiến hành một cuộc khảo sát khoa học thực sự nhằm nghiên cứu kỹ lưỡng về tính an toàn và hiệu quả của việc ghép thanh quản như một lựa chọn đáng tin cậy cho bệnh nhân.”
Giọng nói được phục hồi 60 phần trăm
Kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố ngày 9/7 trên Mayo Clinic Proceedings.
Vào thời điểm ông Kedian đến phòng khám, ông đã dùng thuốc ức chế miễn dịch do được ghép thận. Ông phải phụ thuộc vào ống mở khí quản để thở, hạn chế khả năng giao tiếp và làm cho việc nuốt thức ăn trở nên khó khăn. Bác sĩ chẩn đoán đề nghị phẫu thuật cắt toàn bộ thanh quản để loại bỏ hoàn toàn ung thư.
Các tác giả viết trên tập san Mayo Clinic Proceedings, “Bất kỳ lựa chọn nào khác đều sẽ không có cơ hội chữa khỏi bệnh tương tự và có thể làm xấu đi chức năng thanh quản còn lại.”
Bốn tháng sau hậu phẫu ghép thanh quản, thực quản trên, khí quản trên, tuyến giáp, hầu họng và tuyến cận giáp, ông Kedian đã có thể nuốt được chất lỏng và chất rắn một cách không hạn chế, chất lượng giọng nói đạt khoảng 60% và không phải phụ thuộc vào ống thở của mình.
Các phẫu thuật viên viết trong báo cáo, “Bệnh nhân hài lòng với quyết định ghép thanh quản của mình và không hề hối hận.”
Bác sĩ Lott cho biết ông Kedian đã hồi phục khá tốt. Ông Kedian đã có thể nói bằng một giọng mới – mặc dù âm thanh vẫn giống nhau, bao gồm cả chất giọng Boston của ông ấy – và có thể tự thở và nuốt.
Nam Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times