Liệu các công trình kiến trúc Mỹ có đang khiến chúng ta căng thẳng?
Tác động tâm lý do kiến trúc mang lại — cả khơi dậy cảm hứng lẫn gây đau đầu — đáng được chúng ta quan tâm chú ý hơn nhiều.
Ông Renzo Piano, một kiến trúc sư nổi danh thế giới, đã từng gọi nghề nghiệp của mình là một nghề “nguy hiểm.”
Nói theo cách riêng của ông: “Nếu một nhà văn viết một cuốn sách dở tệ, thì ôi dào, mọi người sẽ chẳng đọc. Nhưng nếu quý vị tạo ra một công trình kiến trúc tồi, thì quý vị sẽ áp đặt diện mạo xấu xí cho một địa điểm trong một trăm năm.”
Từ ngữ quan trọng ở đây là “áp đặt.” Kiến trúc tồi được áp đặt lên chúng ta. Đại đa số người dân không có quyền ra quyết định. Tình trạng này cần phải thay đổi.
Người ta tự hỏi nghệ thuật gia người Ý này sẽ nghĩ gì về nước Mỹ, một nơi mà những kỳ công kiến trúc xấu xí ngự trị chỗ cao. Trong một bảng xếp hạng 10 tòa nhà xấu nhất thế giới dựa trên các bình luận trên X, trước đây là Twitter, sáu tòa nhà trong số đó là nằm ở Hoa Kỳ. Những tòa nhà xấu xí này bao gồm Tòa nhà J. Edgar Hoover tọa lạc ngay tại thủ đô, Tòa thị chính Boston ở Massachusetts, Tòa nhà Verizon trên Pearl Street ở thành phố New York, Khu phức hợp Watergate ở Hoa Thịnh Đốn, Phi trường Quốc tế Denver ở Colorado, và tòa nhà Trump Tower ở Las Vegas.
Tất nhiên, một số người sẽ nói, vẻ đẹp nằm trong con mắt của người thưởng lãm — suy rộng ra, điều này có nghĩa là sự xấu xí cũng nằm trong con mắt của người xem.
Tuy nhiên, chỉ một người thực sự kém thành thực mới có thể nhìn ngắm khắp cả nước và thốt lên, với sự chắc chắn hoàn toàn, rằng đất nước này không có quá nhiều công trình xây dựng xấu xí.
Những tòa nhà kém duyên dáng không chỉ khiến đôi mắt bị căng thẳng thôi đâu. Chúng còn gây ra sự căng thẳng thẳng đối với tâm lý con người nữa. Tác động tâm lý do kiến trúc mang lại — cả khơi dậy cảm hứng lẫn gây đau đầu — đáng được chúng ta quan tâm chú ý hơn nhiều.
Xét cho cùng, những tòa nhà được thiết kế khéo léo, mang lại lợi ích cho con người đã được chứng minh là có tác dụng giảm căng thẳng, nâng cao sự tập trung, và giúp cải thiện tâm trạng. Điều này đặt ra câu hỏi: Vậy thì những tòa nhà được thiết kế vụng về, khiến người ta mệt mỏi đang gây ra điều gì cho chúng ta?
Tóm lại là không có gì hay cả.
Để giải quyết vấn đề này, trước tiên chúng ta phải tìm ra căn nguyên của vấn đề, mà điều này dường như nằm trong đầu các kiến trúc sư.
Như ông Robert Gifford, một nhà tâm lý học đã dành nhiều thập niên nghiên cứu về cách mà môi trường xung quanh ảnh hưởng đến tâm trí con người, đã chỉ ra rằng các kiến trúc sư và người không trong nghề quan sát (và sử dụng) các tòa nhà theo những cách hoàn toàn khác nhau. Trong một nghiên cứu của mình, ông Gifford lưu ý rằng các kiến trúc sư không chỉ “không đồng ý với những người không trong nghề về chất lượng thẩm mỹ của các tòa nhà,” mà họ còn “không thể dự đoán được người bình thường sẽ đánh giá các tòa nhà này như thế nào, ngay cả khi họ được trực tiếp yêu cầu phải dự đoán.”
Điều này gắn liền với thuyết về mức độ tri nhận (CLT), giúp giải thích mối liên hệ giữa khoảng cách tâm lý và mức độ hình thành suy nghĩ của một người. Khoảng cách tâm lý giữa một người và một sự kiện hoặc sự vật càng xa thì suy nghĩ của họ càng có khuynh hướng trừu tượng. Chẳng hạn, về mặt tâm lý, mười người thiệt mạng ở một vùng đất Phi Châu xa xôi thì rất khác với mười người thiệt mạng ngay tại chính cộng đồng của quý vị.
Áp dụng CLT vào kiến trúc, quý vị sẽ nhanh chóng thấy khoảng cách tâm lý có thể thúc đẩy nỗi ám ảnh của người Mỹ trong tạo ra những đồ vật xấu xí như thế nào. Một kiến trúc sư ngồi trong một văn phòng cách xa nhiều dặm với nơi mà bản thiết kế của anh ta hoặc cô ta được xây nên, thì chỉ nhìn nhận công trình từ một cấp độ toán học, khách quan thuần túy. Gần như có thể bảo đảm rằng có một khoảng cách tâm lý rất lớn. Ông Gifford nhận thấy rằng các kiến trúc sư không chỉ có những quan điểm thẩm mỹ trái với những người không phải là kiến trúc sư; mà họ dường như thiếu khả năng nhận ra sự khác biệt giữa khuynh hướng thẩm mỹ của chính họ và của những người không phải là kiến trúc sư.
Khi thiết kế các tòa nhà, đặc biệt là các tòa nhà sẽ được rất nhiều người dân Mỹ nhìn thấy, đi ngang qua, và sử dụng, thì ý kiến của người dân có nên được lắng nghe hay không?
Đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng.
Kiến trúc sư La Mã Vitruvius tin rằng một kiến trúc thực sự đáng trân trọng cần có ba đặc điểm: sự vững chắc, tiện ích, và vẻ đẹp.
Đây nên được xem là bộ ba tốt đẹp của kiến trúc. Một tòa nhà nằm trên nền móng vững chắc và phục vụ một mục đích cụ thể là chưa đủ; tòa nhà này cũng phải làm cho người ta hài lòng về mặt thẩm mỹ — hoặc ít ra, không hoàn toàn chướng mắt. Ông Vitruvius gợi ý rằng các tòa nhà “nên làm cho người ta vui vẻ và khiến tinh thần của họ phấn chấn lên.” Điều này đặc biệt đúng đối với các tòa nhà công cộng.
Nhà thiết kế người Mỹ David Staczek đã thảo luận về việc các văn phòng và các không gian chung khác được thiết kế kém có thể thúc đẩy sự trì hoãn và thậm chí là coi thường theo nhiều cách như thế nào. Quý vị đã bao giờ lái xe đi ngang qua một tòa nhà rất xấu xí và cảm thấy sao mà tâm trạng của mình cáu bẳn chưa? Tất nhiên là quý vị đã từng làm vậy rồi. Có một thuật ngữ pháp lý tên là “sự khinh miệt ngầm” (constructive contempt). Có lẽ đã đến lúc xem sự khinh miệt ngầm này (construction contempt) là một sự khinh miệt về mặt kiến trúc (architectural contempt).
Như ông Staczek đã chỉ ra, cũng giống như cách chúng ta tránh những tuyến đường nhất định có nhiều ổ gà hoặc đông xe cộ, thì chúng ta cũng có khuynh hướng tránh những không gian được thiết kế tệ hại, chẳng hạn như những con hẻm tối, những văn phòng ở tầng hầm, hoặc một số phòng hội nghị. Những cảnh quan căng thẳng cho thị giác trở thành những cảnh quan có hại về mặt tâm lý. Ví dụ, các văn phòng có trần thấp, hệ thống thông gió kém, và quá ít cửa sổ sẽ ảnh hưởng đến năng suất và tâm trạng của nhân viên. Môi trường khó chịu tạo ra những con người khó chịu. Kiến trúc xấu xí làm nổi bật những mặt xấu trong con người chúng ta.
Ông Jonathan Pageau, một nghệ sĩ và diễn giả người Canada, đã nhiều lần cho rằng sự suy tàn của nét đẹp kiến trúc có liên quan với sự trỗi dậy của chủ nghĩa thế tục. Điều này cũng có lý. Khi xã hội ngày càng rời xa Thần, có thể chúng ta đang ngày càng rất có thể xây dựng — và chấp nhận việc xây dựng — những công trình đậm chất thế tục.
Dù nguyên nhân là gì đi nữa, đã đến lúc phải xem xét việc xây dựng ở một khía cạnh khác. Khi đất nước ngày càng bị chia rẽ, việc thúc đẩy “nâng cao tinh thần” của người dân là điều mà tất cả độc giả, bất kể khuynh hướng chính trị, chắc chắn đều có thể ủng hộ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times