Hạ viện công bố dự luật gia hạn thẩm quyền theo dõi không cần lệnh
Hạ viện đã ban hành một dự luật gia hạn Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc năm 1978.
Hôm 12/02, Hạ viện đã đưa ra một dự luật gia hạn Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA), vốn là để nhắm mục tiêu vào công dân ngoại quốc nhưng đôi khi bao gồm cả người Mỹ vào thủ tục này.
Dự luật này thực hiện một loạt cải cách sâu rộng đối với thẩm quyền theo dõi FISA, thẩm quyền này bị giám sát ngày càng chặt chẽ kể từ khi được gia hạn lần gần nhất hồi năm 2018.
Năm ngoái, Quốc hội đã gia hạn thẩm quyền này—dự kiến hết hạn vào cuối năm 2023—cho đến tháng 04/2024. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ gia hạn thẩm quyền theo dõi trong thời hạn 5 năm.
Kể từ khi được gia hạn hồi năm 2018, FISA đã liên tục gây chú ý về các hành vi lạm dụng, khiến nhiều người ủng hộ trung thành quyền riêng tư trong Quốc hội kêu gọi cải cách trên diện rộng — hoặc là bãi bỏ đạo luật này.
Những hành vi lạm dụng đáng chú ý nhất trong số này xảy ra trước khi đạo luật được gia hạn vào năm 2018.
Trong cuộc điều tra Crossfire Hurricane về mối liên hệ bị cáo buộc là của cựu Tổng thống Donald Trump với Nga, người ta phát hiện ra rằng FBI đã sử dụng thẩm quyền FISA để theo dõi chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông. Một báo cáo sau đó của biện lý đặc biệt cho thấy rằng toàn bộ cuộc điều tra này là không hợp pháp và việc sử dụng FISA đối với Tổng thống Trump và các cộng sự của ông cũng là không hợp pháp.
Sau vụ việc này, luật mới sẽ cấm FBI hoặc các cơ quan tình báo khác theo thẩm quyền này theo dõi những người được bổ nhiệm chính trị, cho dù là được Thượng viện hay không phải Thượng viện xác nhận.
FISA được mở rộng hồi năm 2008, bổ sung Mục 702 vào luật năm 1978, làm tăng đáng kể phạm vi của đạo luật này.
Theo luật hiện hành, các cơ quan tình báo có thể “tiết lộ” dữ liệu Mục 702—bao gồm cả dữ liệu riêng tư của người Mỹ—nếu một cơ quan cấp cao hơn quyết định rằng việc tiết lộ là cần thiết vì các mục đích an ninh quốc gia.
Đặc biệt, thẩm quyền này đã liên tục bị lạm dụng.
Những vụ lạm dụng lớn nhất đã bị phơi bày trong một báo cáo năm 2021, trong đó tiết lộ rằng chỉ trong một năm, FBI đã truy vấn bất hợp pháp tận 3.3 triệu người Mỹ.
Các trường hợp cụ thể đã tiết lộ những cáo buộc gây sửng sốt, bao gồm cả việc FBI đã theo dõi một nghị sĩ đương nhiệm của Quốc hội, hơn 20,000 nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử, những người biểu tình ngày 06/01 và Black Lives Matter, cùng những người khác — sử dụng thẩm quyền của Mục 702.
Để hạn chế những hình thức lạm dụng này trong tương lai, luật này cũng sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp kiểm tra các truy vấn theo Mục 702 trong vòng 180 ngày kể từ ngày điều tra.
Những cải cách khác trong “Đạo luật Cải cách Tình báo và Bảo vệ Mỹ quốc” dài 82 trang do Dân biểu Laurel Lee (Cộng Hòa-Florida) giới thiệu, bao gồm việc yêu cầu FBI phải đưa ra văn bản cơ sở pháp lý cho việc giám sát một công dân Hoa Kỳ. Dự luật này sẽ yêu cầu giám đốc FBI thông báo cho Quốc hội về các yêu cầu giám sát liên quan đến các thành viên Quốc hội. Đạo luật này cũng sẽ rút lại quyền của FBI trong việc sử dụng Mục 702 để điều tra một vấn đề không liên quan đến an ninh quốc gia và thực hiện các thay đổi đối với các tòa án cho phép truy vấn theo Mục 702.
Một đợt gia hạn FISA trong thời gian ngắn đã được thông qua hồi tháng 12/2023 bất chấp sự phản đối của những người bảo tồn truyền thống và cấp tiến ngay trước khi chương trình này hết hạn vào ngày 31/12/2023.
Ủy ban Quy tắc Hạ viện dự kiến sẽ tranh luận về dự luật này vào ngày 14/02.
Hôm 12/12/2023, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) nói rằng cần phải cải tổ mạnh mẽ thẩm quyền theo dõi gây tranh cãi này nhưng đã không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp đang diễn ra về vấn đề này giữa hai ủy ban đầy quyền lực của Hạ viện.
Trong khi luật ban đầu được thông qua năm 1978 được tạo ra để bảo vệ quyền tự do dân sự của người Mỹ khỏi sự lạm dụng thẩm quyền theo dõi, thì việc sửa đổi dự luật này năm 2008, bao gồm Mục 702, đã mở rộng đáng kể phạm vi của luật. Theo các quy tắc được nêu trong Mục 702, các quan chức tình báo có thể tiến hành tìm kiếm các thông tin liên lạc mà không cần lệnh, bao gồm cả thư điện tử, tin nhắn văn bản, và các cuộc gọi điện thoại. Thẩm quyền này mở rộng đến các hoạt động liên lạc được định tuyến thông qua khu vực tư nhân của Hoa Kỳ, khu vực trước đây được bảo vệ bởi luật riêng tư.
Tuy nhiên, trong số những bí mật của chính phủ mà ông Edward Snowden tiết lộ hồi năm 2014, chương trình này đã trở thành tâm điểm của nhiều vụ lạm dụng quyền lực nổi tiếng.
Các nhóm tự do dân sự đã phản đối đạo luật này, với lý do lo ngại về khả năng lạm dụng. Trong vài năm qua, các thẩm quyền được trao cho cộng đồng tình báo thông qua FISA đã được sử dụng để điều tra các công dân Mỹ, chẳng hạn như những người có liên quan đến các cuộc biểu tình ngày 06/01/2021.
Trong một cuộc họp báo hôm 12/12/2023, ông Johnson đã nói rất dài về vấn đề này, nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách nhưng không đưa ra bình luận nào về cuộc tranh cãi rộng hơn về vấn đề lệnh cho phép thực thi.
“FISA là một văn bản luật rất quan trọng và Mục 702, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm nay, là một điều khoản thực sự, thực sự quan trọng vì nó bảo vệ chúng ta ở trong nước, ông nói. Nó bảo vệ chúng ta khỏi các cuộc tấn công khủng bố. Đó là công cụ mà chúng ta sử dụng để phát hiện ra những âm mưu đó khi chúng đang được lên kế hoạch, và nó rất, rất hiệu quả theo cách đó.”
“Đó là lý do tại sao quý vị có những người theo phái bảo tồn truyền thống và phái tự do, cấp tiến, đồng ý rằng điều luật này là một công cụ thực sự quan trọng.”
Ông Johnson nhắc đến việc lạm dụng chương trình này, nói rằng ông đồng tình với những người khác rằng Mục 702 cần những thay đổi đáng kể.
“Điều mà tất cả chúng tôi cũng đồng tình là mục này phải được cải cách mạnh mẽ vì nó đã bị lạm dụng 287,000 lần,” ông Johnson nói, nhắc đến một báo cáo gần đây của tòa án tiết lộ số lần FBI đã truy vấn bất hợp pháp dữ liệu của công dân Mỹ được thu thập theo Mục 702.
Sau báo cáo này, FBI tuyên bố sẽ có những thay đổi—nhưng đây không chỉ là đầu tiên cơ quan này hứa như vậy.
Các cơ quan tình báo đã khẩn nài Quốc hội gia hạn thẩm quyền này.
Điều trần trước Quốc hội, Giám đốc FBI Christopher Wray nhắc lại những lời kêu gọi này.
Ông nói: “Mất 702 có nghĩa là mất đi khả năng của chúng ta với tư cách là một quốc gia để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ quốc và các doanh nghiệp Mỹ quốc khỏi những mối đe dọa đó.”
Về các mối đe dọa khủng bố, sau cuộc tấn công ngày 07/10/2023 của Hamas vào Israel, FISA đã trở nên quan trọng, theo ông Wray.
Ông nói: “Vì vậy, ý tưởng cho rằng đất nước này sẽ đơn phương tước bỏ vũ khí và tự làm mù khả năng bảo vệ người Mỹ trước các tổ chức khủng bố ngoại quốc và các chương trình xâm nhập của Trung Quốc với tôi là không hợp lý chút nào.”
Ông Wray cho biết FBI đã chịu trách nhiệm về những sai sót trong việc tuân thủ liên quan đến FISA và đưa ra “một loạt những cải cách để giải quyết chúng.”
Ông nói: “Bản thân tòa án FISA và các tổ chức bên ngoài khác đã phát hiện ra rằng những cải cách đó đã có tác động đáng kể về phương diện cải thiện mức độ tuân thủ. Hiện giờ là ở mức tuân thủ 98.99%, và chúng tôi còn chưa xong hẳn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đẩy tỷ lệ tuân thủ đó thậm chí lên cao hơn nữa.”
Theo ông Wray, nếu FISA không được gia hạn, thì sẽ là “đang đánh mất thứ có giá trị.”