Tiểu bang Virginia tuyên bố bùng phát căn bệnh ‘hiếm gặp nhưng trầm trọng’
Bộ Y tế tiểu bang Virginia (VDH) đã công bố đợt bùng phát bệnh viêm màng não mô cầu trên toàn tiểu bang, với số ca nhiễm được ghi nhận gấp 3 lần mức bình thường.
Bệnh viêm màng não mô cầu do vi khuẩn “Neisseria meningitidis loại Y” gây ra và có thể dẫn đến nhiễm trùng màng não, tủy sống và máu. Bệnh này có thể trầm trọng và thậm chí dẫn đến tử vong. VHD cho biết trong bài đăng trên blog vào hôm 30/08, 27 trường hợp viêm màng não mô cầu “hiếm gặp nhưng trầm trọng” đã được báo cáo ở miền Đông, Trung, và Tây Nam Virginia kể từ tháng 06/2022.
“Số ca nhiễm vượt gấp 3 lần con số dự kiến trong khoảng thời gian này. Hầu hết trường hợp là cư dân ở miền Đông Virginia, nơi đợt bùng phát khu vực được công bố lần đầu tiên vào tháng 09/2022.”
“5 bệnh nhân đã tử vong do các biến chứng liên quan đến bệnh này. Chủng vi khuẩn liên quan đến đợt bùng phát này được cho là đang lây lan rộng rãi hơn ở Hoa Kỳ. Nguy cơ đối với người dân Virginia là thấp.”
Mặc dù VDH chưa xác định yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sự lây lan hiện tại, nhưng thử nghiệm đã xác định các sự cố “có liên quan nhiều đến di truyền.” Hầu hết bệnh nhân là người da đen trưởng thành từ 30 đến 60 tuổi.
Trong số 27 trường hợp bị viêm màng não mô cầu do VDH xác định, có 26 trường hợp được tìm thấy nằm trong số những người chưa chích vaccine chống vi khuẩn Neisseria meningitidis loại Y.
Trong Hội Thảo Trực Tuyến Về Bệnh Viêm Màng Não Mô Cầu Của Liên Minh Chích Ngừa năm 2023, chuyên gia về bệnh nhiễm trùng tại Đại học University of Sydney, Úc, cho rằng các biện pháp hạn chế COVID-19 có thể là nguyên nhân khiến số ca nhiễm viêm màng não mô cầu ngày càng gia tăng.
Ông Booy cho biết các biện pháp đó là giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, và rửa tay nhằm ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng như viêm màng não mô cầu. Và bởi vì ít tiếp xúc, “chúng ta phải gánh khoản nợ miễn dịch; chúng ta đã không được tiếp xúc với tất cả các loại bệnh nhiễm trùng.”
“Hiện giờ, hệ miễn dịch đã mất đi một phần trí nhớ, hoặc không bao giờ nhớ lại … vì vậy bây giờ, chúng ta phải trả cho khoản nợ đó và chúng ta sẽ bị nhiễm trùng nhiều hơn vào năm 2023.”
Theo VDH, hầu hết các ca nhiễm viêm màng não mô cầu đều được ghi nhận ở miền Đông Hoa Kỳ, nơi có 20 trong số 27 ca nhiễm được xác định. Miền Tây Nam ghi nhận 5 ca nhiễm và miền Trung Hoa Kỳ ghi nhận 2 ca nhiễm. Không có ca nhiễm bệnh nào được báo cáo từ miền Bắc hoặc Tây Bắc Hoa Kỳ.
CDC cho biết, “Người ta lây lan vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu sang người khác bằng cách lan truyền dịch tiết đường hô hấp và cổ họng (nước bọt). Nói chung cần phải tiếp xúc gần (ví dụ như ho hoặc hôn) hoặc tiếp xúc thời gian dài mới lây lan những vi khuẩn này.”
May mắn thay, loại vi khuẩn này không dễ lây lan như vi trùng gây cảm lạnh thông thường hoặc cúm. Mọi người sẽ không nhiễm vi khuẩn này qua tiếp xúc thông thường hoặc hít thở không khí ở nơi có người bị bệnh viêm màng não mô cầu.
Cơ quan này cho biết những người thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm bệnh, như những người sống cùng nhà và bạn cùng phòng, có “nguy cơ cao” bị bệnh.
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng viêm màng não mô cầu là do 6 loại vị khuẩn Neisseria meningitidis – A, B, C, W, X, và Y. Ở Hoa Kỳ, loại B, C thường là nguyên nhân gây ra hầu hết các bệnh.
Tổng quan về bệnh viêm não mô cầu
Vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu tồn tại trong khoảng 1/10 người ở phần sau mũi và họng.
Tỷ lệ bị bệnh viêm màng não mô cầu cao nhất ở Hoa Kỳ là trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, thanh thiếu niên và thanh niên từ 16 đến 23 tuổi và người lớn 65 tuổi trở lên.
Một số tình trạng bệnh lý có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, do đó khiến một số người có nguy cơ bị viêm màng não mô cầu cao hơn, bao gồm HIV, suy giảm chức năng và giải phẫu lá lách (functional and anatomic asplenia), thiếu hụt dai dẳng thành phần bổ thể liên quan đến rối loạn ‘hệ thống bổ thể’ vốn giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Asplenia nghĩa là thiếu lá lách, cơ quan nhỏ nằm trong lồng xương sườn trái, sản xuất bạch cầu và bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm màng não mô cầu là sốt, đau đầu, và cứng cổ. Các triệu chứng khác có thể bao gồm buồn nôn, nôn, thay đổi trạng thái tinh thần hoặc lú lẫn, sợ ánh sáng hoặc mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), viêm màng não có thể do các sinh vật khác như virus, nấm, và ký sinh trùng gây ra. Tuy nhiên, viêm màng não do vi khuẩn “đặc biệt đáng lo ngại.”
CDC ước tính 10 đến 15 người trong số 100 người nhiễm bệnh sẽ tử vong ngay cả khi điều trị bằng kháng sinh. Dự kiến có tới 1/5 người sống sót sẽ bị khuyết tật lâu dài như điếc, cụt chi, tổn thương não, và các vấn đề thần kinh.
Chích vaccine, điều trị
Có hai loại vaccine chống viêm màng não mô cầu được sử dụng ở Hoa Kỳ – vaccine MenACWY và vaccine MenB.
CDC cho biết, “Những vaccine này giúp bảo vệ chống lại cả 3 nhóm huyết thanh (B, C, và Y) của vi khuẩn Neisseria meningitidis thường gặp nhất ở Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, “vaccine viêm màng não mô cầu không có hiệu quả 100%. Nghĩa là một số người vẫn có thể bị viêm màng não mô cầu sau khi chích vaccine.”
CDC khuyến nghị tất cả trẻ em từ 11 – 12 tuổi nên chích vaccine MenACWY, với 1 mũi chích nhắc lại khi 16 tuổi. Thanh thiếu niên từ 16 đến 18 tuổi cũng có thể chích vaccine MenB.
Trẻ em từ 2 tháng đến 10 tuổi có thể chích vaccine MenACWY nếu gặp các vấn đề như thiếu thành phần bổ thể, HIV, tổn thương lá lách, hoặc nằm trong nhóm dân số được xác định có nguy cơ cao bị một số loại viêm màng não mô cầu.
Một số người không thể chích vaccine, bao gồm trẻ em bị dị ứng đe dọa tính mạng, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, và người đang bị bệnh nhẹ như cảm lạnh.
Các bác sĩ thường điều trị bệnh viêm màng não mô cầu bằng nhiều loại kháng sinh khác nhau. CDC cảnh báo – “điều quan trọng là phải bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.”
“Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh viêm màng não mô cầu, họ sẽ cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh ngay. Thuốc kháng sinh giúp giảm nguy cơ tử vong.”
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times