Thuốc từ thảo mộc tự làm – Cách sắc và chiết xuất thảo dược tại nhà

Trên khắp thế giới, các nhà thảo dược được đào tạo theo kiểu “bác sĩ nghiệp dư” đang hướng tới người dân trong cộng đồng, nuôi dưỡng hạnh phúc, và truyền lại kiến thức truyền thống.

Xã hội hiện đại tràn ngập thuốc tây, khoa học thì thường nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến thuốc thảo dược, như trong một bài viết năm 2013 đăng trên Tập san Frontiers in Pharmacology (Lĩnh vực Dược lý). Tuy nhiên, các phương pháp điều trị truyền thống có lịch sử hàng thiên niên kỷ trong nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới và ngày càng trở nên phù hợp với những người quan tâm đến các phương pháp tiếp cận toàn diện và tự nhiên hơn để chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc.

Các tác giả của một nghiên cứu toàn cầu năm 2020 xem thực vật có giá trị và ý nghĩa đồng thời là “nguồn nghiên cứu trong quá trình tìm kiếm các hợp chất hoạt tính cho y học.” Theo nghiên cứu này, “10% tổng số thực vật có mạch (từ 350,000 đến gần nửa triệu) được sử dụng làm cây thuốc.”

Làm thế nào để chúng ta tiếp cận được tất cả trí tuệ cổ xưa ấy?

Tìm kiếm kiến thức cổ xưa

Nhiều người trong chúng ta đã đánh mất những kiến thức truyền thống từ tổ tiên của mình. Tôi nhớ ông nội từng đưa tôi đi dạo xuyên qua các khu rừng ở nước Đức, giải thích cho tôi về các loại nấm khác nhau, loại nào có thể thu hoạch và ăn được, những loại khác chỉ có thể dùng làm thuốc hoặc “tốt hơn hết là không nên chạm vào.” Bây giờ, 40 năm sau, tôi đọc rất nhiều sách về nấm để học lại những kiến thức được người lớn tuổi trong gia đình truyền lại khi tôi còn nhỏ.

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng cho những ai muốn tìm hiểu thêm. Việc sử dụng các đặc tính chữa bệnh của thực vật trong các chế phẩm tự nhiên từ thảo dược cơ bản không phải là môn khoa học hóc búa và có thể lĩnh hội được bằng một đầu óc nhạy bén và sự quan tâm đến thế giới thực vật.

Cách chữa bệnh của các bác sĩ nghiệp dư

Sự hồi sinh mối quan tâm đến các phương pháp điều trị bằng thảo dược mới đây một phần là dựa trên “hệ thống bác sĩ nghiệp dư,” một điểm sáng được sử dụng trong đám mây đen của Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc (1966–1976). Theo một bài viết đăng trên Tập san Nursing Digest (Chăm sóc Tiêu hóa), trong thời gian ngắn (3–6 tháng), nhưng các nhân viên y tế được đào tạo chuyên sâu đã thực hiện các dịch vụ y tế ở khu vực nông thôn.

Trong một báo cáo của Harvard năm 2008 nêu rõ:

“Chương trình bác sĩ nghiệp dư là một chiến lược chi phí thấp nhưng đạt được kết quả cao về mặt sức khỏe. Nguyên tắc cốt lõi của chiến lược là duy trì sức khỏe cho mọi người. Chương trình đã đến được với tất cả mọi người – cốt lõi là chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ấn tượng không kém, các bác sĩ nghiệp dư là một phần của cộng đồng, hiểu cộng đồng, quan tâm đến cộng đồng và được cộng đồng tin tưởng.”

Các bác sĩ nghiệp dư còn được đề nghị như giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về COVID-19 cho các vùng nông thôn trong một bài ý kiến đăng trên Tập san Frontiers in Public Health (Lĩnh vực Sức khỏe Công cộng) năm 2022.

Thời nay, các chuyên gia về thảo dược cộng đồng, người được các nhà thảo dược dày dạn kinh nghiệm đào tạo nhiều năm và đã thực hành sử dụng phương pháp chăm sóc bằng thảo dược theo cách truyền thống và lịch sử, thường làm việc dựa trên cùng nguyên tắc, không chỉ ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mà còn có ở Hoa Kỳ. Chúng tôi hiểu rõ cộng đồng của mình vì là một phần trong đó và truyền lại kiến thức truyền thống để đem sức khỏe trở lại cho người dân với mức giá hợp lý.

Sơ lược các phương pháp bào chế thảo dược cơ bản

Vì vậy, mục tiêu của bài viết này là giới thiệu những kỹ thuật cần thiết nhất về cách sắc và chiết xuất cây thuốc tại nhà.

Tuỳ thuộc vào loại thảo mộc, thực vật, cây bụi và cây thân gỗ được dùng, mà sử dụng các bộ phận khác nhau bao gồm: phần nằm trên mặt đất (lá và hoa), vỏ cây hoặc rễ cây.

Phương pháp chiết xuất phổ biến nhất bao gồm chiết xuất bằng dầu (lạnh/ấm), chiết xuất bằng nước (lạnh/ấm), hoặc chiết xuất bằng rượu.

Các quá trình này có một chuỗi các tên gọi:

  • Sắc thuốc – đun các nguyên liệu thân thảo ở nhiệt độ sôi trong thời gian dài.
  • Ngâm lạnh – quá trình xử lý bằng nước lạnh.
  • Ngâm nóng – như pha trà uống hoặc trà tắm.
  • Rượu thuốc – một dung dịch chiết xuất bằng rượu.
  • Chiết xuất (ấm hoặc lạnh) – nguyên liệu thực vật được xử lý trong dầu (“chiết xuất” đôi khi cũng được sử dụng như một thuật ngữ chung để chỉ phương pháp bào chế thuốc thảo dược).

Các chế phẩm tiêu chuẩn sẽ được sử dụng nguyên trạng hoặc chuyển thành dạng kem (chăm sóc da có sự kết hợp giữa dầu và nước), thuốc mỡ (dưỡng ẩm da mà không cần dùng nước), thuốc đắp (nguyên liệu thực vật dưỡng ẩm được bôi lên một miếng vải để bọc hoặc che phần cơ thể cần điều trị) và các công dụng chữa bệnh khác.

Các công thức cơ bản

Chuẩn bị thảo dược trước khi chiết xuất, bẻ nhỏ các thảo dược thành các mẩu dài khoảng 1/4 inch (0.6 cm). Dùng chày và cối để giã và nhẹ nhàng nghiền những phần nguyên liệu cứng như rễ, vỏ cây hoặc trái mọng khô.

1. Chiết xuất bằng dầu lạnh

Dầu thảo dược chiết xuất được sử dụng làm chất nền cho kem, chế phẩm chăm sóc da, và dầu massage. Chiết xuất dầu ấm đơn giản là một dạng dầu được làm ra nhanh hơn (chỉ trong 1 tiếng) so với chiết xuất lạnh, vốn mất 3–5 tuần.

  • Cho các nguyên liệu vào lọ có nắp đóng kín.
  • Đổ dầu lên toàn bộ nguyên liệu thực vật. Dầu ô liu hoặc dầu hạnh nhân được ưa chuộng hơn, nhưng dầu hạt hướng dương hoặc dầu jojoba (thực chất là dạng sáp lỏng chứ không phải dầu) cũng có tác dụng. Ưu điểm của dầu jojoba là thời hạn sử dụng lâu dài và ổn định.
  • Sử dụng tỷ lệ 1:10 với nguyên liệu tươi và tỷ lệ 1:20 với nguyên liệu thực vật khô. Bảo đảm dầu bao phủ hoàn toàn tất cả các thảo dược.
  • Đặt lọ thảo dược ở nơi ấm áp và sáng sủa (nhưng không có nắng!)—ngoại trừ cây St. John’s Wort (Ban âu), cần đặt dưới ánh nắng mặt trời để chiết xuất.
  • Lắc thường xuyên và kiểm tra kỹ xem có hình thành nấm mốc không.
  • Ngâm trong khoảng 3–5 tuần.
  • Lọc và đổ vào chai thủy tinh tối màu.
  • Bảo quản ở nơi mát mẻ, tránh ánh sáng.

2. Chiết xuất bằng dầu ấm

  • Cho nguyên liệu thực vật vào bình chịu nhiệt.
  • Sử dụng tỷ lệ thực vật/dầu như đã đề cập ở trên trong quá trình chiết xuất dầu lạnh.
  • Đun cách thủy hỗn hợp dầu/thảo mộc rất nhẹ nhàng trong khoảng một tiếng ở nhiệt độ tối đa là 104℉ (40℃).
  • Để nguội. Lọc và bảo quản như mô tả ở trên.

Liều dùng: Sử dụng lượng dầu cỡ hạt đậu để điều trị vùng da cần chăm sóc trên cơ thể. Khi muốn thêm vào các công thức chăm sóc da, hãy làm theo khuyến nghị của từng công thức cụ thể.*

3. Chiết xuất bằng nước lạnh hoặc ấm

Sắc thuốc có tác dụng tốt nhất trong việc phóng thích các thành phần hoạt tính từ rễ, vỏ cây, lá cứng, và trái mọng khô.

  • Cho vào nước lạnh (1 muỗng canh nguyên liệu tươi hoặc 1 muỗng cà phê nguyên liệu khô cùng 180-210ml nước).
  • Đun sôi liên tục trong ít nhất 10–20 phút (thêm nước nếu cần).
  • Để nguội và lọc.

Ngâm lạnh là một quá trình chiết xuất lạnh được sử dụng đặc biệt cho tất cả các nguyên liệu thực vật có chất nhầy (dẻo hoặc sền sệt) hoặc không bền nhiệt (dễ bị phân hủy bởi nhiệt).

  • Thực hiện theo bước đầu tiên ở trên.
  • Để hỗn hợp ở bất cứ nơi đâu cho chiết xuất từ vài tiếng đến ba ngày (lắc hoặc khuấy hàng ngày).
  • Lọc.

Liều dùng: Nếu thuốc sắc và nước ngâm được sử dụng để uống, nên uống một chén nhỏ 1-2 lần mỗi ngày trong 2-4 tuần.*

Ngâm ấm chỉ đơn giản là pha trà cổ điển hoặc ủ tắm.

  • Dùng 1 muỗng canh nguyên liệu thực vật tươi hoặc 1 muỗng cà phê nguyên liệu khô.
  • Rưới 180-210ml nước nóng đều lên khắp các nguyên liệu.
  • Đậy nắp và ngâm trong 3-5 phút – một số loại trà thuốc yêu cầu thời gian ủ lâu hơn từ 10-15 phút.

Ủ tắm yêu cầu nồng độ ngâm cao hơn vì nước tắm làm pha loãng thuốc.

Liều dùng: Khuyến cáo thông thường đối với các loại trà thuốc là uống 1–3 chén mỗi ngày.*

4. Chiết xuất bằng rượu

Rượu thuốc là rượu chiết xuất từ các nguyên liệu tươi hoặc khô.

  • Cho thảo dược vào một lọ có nắp đậy kín.
  • Rót rượu ngập toàn bộ thảo dược (loại rượu 40º hoặc cao hơn một chút). Mặc dù vodka là loại mà các bác sĩ nghiệp dư thường dùng nhưng bạn có thể dùng loại rượu yêu thích của mình, chẳng hạn như brandy, gin, rum, tequila, bourbon, hay whiskey.
  • Dùng tỉ lệ 1:2 với thảo dược tươi và tỉ lệ 1:5 cho thảo dược khô.
  • Lắc đều.
  • Đậy kín lọ và đặt ở nơi ấm áp và có nắng.
  • Để ủ trong khoảng 2-4 tuần, lắc đều mỗi ngày.
  • Lọc và đổ vào chai thuỷ tinh tối màu.
  • Bảo quản ở nơi tối và thoáng mát. Bảo quản và dùng tốt trong vòng 2 năm.

Liều dùng: rượu thuốc được dùng với liều lượng pha loãng từ 1-30 giọt, 1-3 lần mỗi ngày, tuỳ thuộc vào loại thảo mộc được chiết xuất hoặc độ tuổi và tình trạng sức khỏe mỗi người.*

Cách lọc các loại thảo mộc

Lọc là quá trình đơn giản để tách riêng chất rắn và chất lỏng. Bạn cần chuẩn bị một chiếc bát hoặc lọ có kích thước phù hợp với lưới lọc/rây và lót một lớp vải muslin hoặc vải linen sạch. Đổ dung dịch có lẫn thảo mộc rắn vào lưới lọc đã lót vải. Chất lỏng sẽ chảy vào bát/lọ bên dưới, còn phần rắn sẽ đọng lại trên miếng vải. Vắt chặt miếng vải để chiết hết các thành phần thảo dược hòa tan trong dầu hoặc nước.

Lưu ý: Đối với tất cả các khuyến nghị và liều lượng thảo dược dành riêng cho từng người, vui lòng tham khảo ý kiến của các chuyên gia về thảo dược ở địa phương.*

Cần nghiên cứu thêm về phương pháp chữa bệnh bằng thảo dược

Việc sử dụng thực vật làm nguồn nghiên cứu trong quá trình tìm kiếm các hoạt chất làm thuốc đã được chứng minh là đem lại kết quả khoa học đáng kể. Một bài phân tích về tài liệu khoa học đăng trên International Journal of Environmental Research and Public Health (Tập san Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Y tế Công cộng) liên quan đến cây thuốc cho thấy rõ ràng rằng trong 20 năm qua, nhiều tiến bộ đã đạt được nhanh chóng, đạt đỉnh điểm vào năm 2010. Từ năm đó trở đi, các ấn phẩm đã ổn định ở mức chỉ trên 5000 bản mỗi năm.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học kêu gọi nghiên cứu thêm để khuyến khích việc sử dụng thuốc thảo dược trên quy mô rộng hơn. Hiếm khi các loại thực vật được đưa vào thử nghiệm lâm sàng và kinh phí cho nghiên cứu về hiệu quả của thuốc thảo dược vẫn còn thiếu.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hiện đại chú ý đến những điều khác chứ không phải thuốc thảo dược, đó là lý do tại sao mỗi người phải tự tìm cách để hiểu rõ cách sử dụng và điều chế dược phẩm từ thực vật.

Một nghiên cứu năm 2020 đăng trên Journal of Pharmacy and Bioallied Sciences (Tập san Khoa học Dược phẩm và Sinh học về việc bào chế cây thuốc) đã giải thích chủ đề trên một cách chi tiết hơn, cung cấp giải thích chi tiết về các thuật ngữ và có thể hữu ích cho những ai quan tâm để tự tìm hiểu thêm một bước nữa.

*Tuyên bố này chưa được FDA đánh giá. Sản phẩm này không nhằm mục đích chẩn đoán, điều trị, chữa bệnh hoặc ngăn ngừa bệnh tật.

Tác giả khuyến khích độc giả tiếp tục đến khám và điều trị với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, bao gồm bác sĩ. Tác giả không hành động với tư cách là bác sĩ, chuyên gia về khoa dinh dưỡng – nhà dinh dưỡng học được cấp phép, nhà tâm lý học hoặc chuyên gia y tế khác được cấp phép. Theo đó, tác giả không cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế hoặc liệu pháp dinh dưỡng và sẽ không chẩn đoán, điều trị hoặc chữa trị dưới bất kỳ hình thức nào cho bất kỳ bệnh, tình trạng hoặc bệnh tật về thể chất hoặc tinh thần nào.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Alexandra Roach
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Alexandra Roach là một chuyên viên sức khỏe toàn diện, nhà thảo dược và giáo viên vận động được hội đồng chứng nhận, đồng thời cũng từng là nhà báo, tác giả và người dẫn chương trình tin tức truyền hình. Cô đã nhận được sự khen ngợi từ các chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ vì công việc của mình với các quân nhân và hành văn với quan điểm cởi mở về sức khỏe.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn