Phần 1: Tìm hiểu về thảo dược Trung Hoa

Thuốc thảo dược Trung Hoa là một trong những liệu pháp chữa bệnh lâm sàng chính trong hệ thống y học cổ xưa của Trung Hoa. Tuy nhiên, người phương Tây không biết đến thảo dược Trung Hoa nhiều như châm cứu, có thể vì sự phức tạp và tác dụng chữa bệnh không nhanh chóng như châm cứu – một phương thức giảm đau nhanh chóng.

Ngoài việc sử dụng các loại thảo dược hoặc thực vật, thuốc thảo dược Trung Hoa còn sử dụng khoáng chất, côn trùng như tằm được dùng để điều trị các bệnh về da, và các sản phẩm từ sinh vật biển như vỏ hàu, các bộ phận của động vật lớn hơn như xương hổ.

Những người tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ Trung y thường rất bối rối không biết loại thuốc họ sẽ dùng có tác động như thế nào, tác dụng của thuốc và cách bào chế các bài thuốc này.

Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến về thuốc thảo dược Trung Hoa là coi thuốc thảo dược Trung Hoa như chất hóa học tương tự các loại thuốc hoặc vitamin khác. Thật vậy, có rất nhiều chất hóa học trong mỗi loại thảo dược riêng lẻ và đôi khi có chứa chất chiết xuất – những thành phần hóa học đặc biệt được chế tạo thành thuốc.

Ví dụ, bệnh sốt rét có thể được điều trị bằng chiết xuất từ cây Thanh hao. Tuy nhiên, khi dùng thuốc thảo dược Trung Hoa, các vị thuốc không được lựa chọn dựa trên thành phần hóa học mà dựa trên năng lượng đầu ra tổng thể.

Ví dụ khác, một loại thảo mộc thường được sử dụng là Hoàng kỳ có vị hơi ngọt, tính ấm nhẹ và có tác dụng với các kinh phổi, lá lách và thận. Do khí lá lách (năng lượng quan trọng) là năng lượng chính đối với sự hấp thụ thức ăn, trao đổi chất và miễn dịch, nên Hoàng kỳ có tác dụng tốt cho tình trạng kém hấp thu, trao đổi chất chậm và các cơ quan bị suy yếu, giúp điều chỉnh khả năng miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn và virus.

Thận khí điều tiết tiểu tiện nên Hoàng kỳ cũng có tác dụng điều trị rối loạn chức năng tiết niệu do phì đại tuyến tiền liệt. Hoàng kỳ thường được sử dụng kết hợp với các thành phần thảo dược khác để điều trị các bệnh như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ và các tác dụng phụ của hóa trị hoặc xạ trị.

Mọi người thường cho rằng, có thể dùng cùng một bài thuốc thảo dược Trung Hoa mãi mãi giống như dùng các thực phẩm và chất bổ sung dinh dưỡng khác. Tuy nhiên, trạng thái năng lượng của cơ thể thay đổi khi được điều trị bằng thảo dược, vì vậy, thành phần và liều lượng của các loại thảo dược cần được điều chỉnh 1 hoặc 2 tuần/lần hoặc định kỳ, tùy thuộc vào tình trạng của từng người.

Tuần tới: Phần 2 sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn về các loại thảo dược Trung Hoa và cách sử dụng.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn