Rễ cam thảo có hiệu quả với bệnh viêm gan, viêm ruột và viêm dạ dày
Rễ cam thảo có thể giúp thuyên giảm các vấn đề về bệnh gan, viêm dạ dày, loét, và vi khuẩn phát triển quá mức.
Với vị ngọt và hoạt tính mạnh, rễ cam thảo là loại thảo dược trợ giúp cho tiêu hóa.
Hợp chất glycyrrhizin trong cam thảo, với vị ngọt hơn đường gấp 50 lần, là chất kháng khuẩn và chống oxy hóa tự nhiên, cũng như có khả năng chống các khối u và virus. Chất chống oxy hóa có thể liên kết với các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do hoặc các loại oxy hoạt động vốn gây ra nhiều bệnh tật.
Trong Trung y, rễ cam thảo được dùng để cân bằng khí (sinh lực), đặc biệt ở lá lách, được xem là bộ phận quan trọng đối với toàn bộ cơ thể và hệ tiêu hóa. Rễ cam thảo cũng được quan tâm rộng rãi trong Đông y và Tây y nhờ đặc tính chống viêm đường tiêu hóa ở các bệnh về gan và ung thư, ợ chua, loét, và đau dạ dày.
Gần đây, một tổng quan năm 2022 trên International Journal of Molecular Sciences (Tập san Khoa học Phân tử Quốc tế) đã kiểm chứng rễ cam thảo trong việc điều trị các bệnh viêm ruột (IBD).
Làm thuyên giảm bệnh viêm ruột
Rễ cam thảo hoạt động như một chất làm dịu – tạo ra một lớp phủ lên màng nhầy để làm dịu chứng viêm, khiến các nhà nghiên cứu liên tưởng đến bệnh viêm ruột. Rễ cam thảo cũng đóng vai trò là thuốc long đờm, giúp loại bỏ đờm. Theo một nghiên cứu năm 2014, các khiếm khuyết về chất nhầy góp phần gây bệnh viêm ruột.
Viêm là một phần của quá trình chữa lành tự nhiên ở các bệnh và chấn thương cấp tính, nhưng tình trạng viêm toàn thân kéo dài có thể là kết quả của các yếu tố lối sống như cách ăn uống, virus, lão hóa, và độc tố.
Các tác giả của tổng quan năm 2022 cho biết tỷ lệ bệnh viêm ruột và ung thư đại trực tràng gia tăng đã góp phần gây ra lượng lớn ca tử vong hàng năm, tạo ra nhu cầu về nhiều giải pháp điều trị hơn. Bệnh nhân IBD cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn.
Do vậy, việc phát hiện các loại thuốc mới để điều trị bệnh về đường ruột là rất cần thiết. Cam thảo (tên khoa học là Glycyrrhiza glabra) đã được dùng rộng rãi trong Trung y từ hàng ngàn năm nay. Cam thảo và các chiết xuất từ cam thảo có tác dụng chống dị ứng, kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm, và chống ung thư. Những đặc tính dược lý này giúp điều trị các bệnh về viêm.
Cam thảo chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa
Theo một tổng quan năm 2021 trên Plants (Tập san Thực vật), cây cam thảo có nguồn gốc từ châu Á, châu Âu và chứa khoảng 400 hợp chất, trong đó bao gồm 300 hợp chất flavonoid, cho thấy cam thảo là “một trong những thảo dược được nghiên cứu rộng rãi nhất” với “đặc tính dược lý vững chắc.”
Flavonoid có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt là do đặc tính kháng viêm, chống ung thư, và chống oxy hóa. Flavonoid liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim và thường được dùng trong dược phẩm và thực phẩm bổ sung.
Mười hai loại flavonoid trong cam thảo có tác dụng ức chế sự phát triển của ung thư bằng cách gây ra apoptosis (chết tế bào theo chương trình). Nghiên cứu cho thấy các hoạt động ở cấp độ tế bào của rễ cam thảo có thể ngăn ngừa tổn thương mô trong bệnh tự miễn và các rối loạn viêm khác.
Một hợp chất khác của cam thảo gọi là isoliquiritigenin, cũng có tác dụng ngăn chặn ung thư bằng cách kết hợp các cơ chế bao gồm apoptosis, cũng như autophagy (tự thực bào). Tự thực bào là quá trình tế bào tái chế các mảnh vụn để duy trì hoạt động tế bào. Isoliquiritigenin còn ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới (chống tạo mạch), giống với tác dụng của một số loại thuốc trị ung thư.
Theo các nghiên cứu, hợp chất này “hoạt động như một chất chống oxy hóa tự nhiên trong tế bào ung thư gan ở người,” giúp làm giảm các loại oxy hoạt động.
Cam thảo và bệnh gan
Từ xưa, cam thảo đã được dùng để điều trị ung thư gan và các bệnh về gan – cả hai chứng bệnh đều đang gia tăng do béo phì, cách ăn uống kém và các yếu tố lối sống khác. Một tổng quan khác trên tập san Plants cho thấy cam thảo có ích cho gan bị tổn thương do rượu, dùng thuốc quá liều, thuốc hóa trị, chất gây ô nhiễm môi trường, và các hóa chất khác (góp phần gây ra các bệnh như xơ gan, viêm gan, và bệnh gan nhiễm mỡ).
Trong khi nhấn mạnh cam thảo là phương thuốc chữa gan của Trung y, các tác giả viết, “Gan thực hiện một số chức năng quan trọng (trao đổi chất, giải độc và sản xuất mật). Gan chống lại các hóa chất lạ bằng cách loại bỏ chất độc và giải độc. Một lá gan tốt mới có thể chuyển hóa và đào thải thuốc ra khỏi cơ thể, nên để duy trì sức khỏe tổng thể thì cần bổ gan.”
Nhật Bản và Trung Quốc đang dùng thuốc bảo vệ gan để bổ trợ cho chức năng gan, bao gồm cả thuốc có chứa glycyrrhizin. Các tác giả lưu ý loại thuốc đó cũng có tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương do nội độc tố ở màng ngoài của một số vi khuẩn, vốn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết.
Các tình trạng đường ruột khác
Đặc tính kháng khuẩn của cam thảo cũng có tác dụng mạnh mẽ đối với nhiều tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột như hàm lượng vi khuẩn, virus và nấm cao.
Cam thảo có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng, bất kể liều lượng và nguồn cung khác nhau. Các nghiên cứu được tiến hành trong ống nghiệm, nghĩa là bên ngoài cơ thể con người.
Nghiên cứu cũng cho biết cam thảo có thể tiêu diệt vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) và nấm Candida albicans. Sự phát triển quá mức của vi khuẩn E. coli trong ruột sẽ gây tiêu chảy, co thắt dạ dày, đau dạ dày, buồn nôn và nôn. Bên cạnh đó, nấm candida nhiều quá mức thì có liên quan đến IBD.
Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) cũng phản ứng tốt với cam thảo. H. pylori phát triển quá mức gây loét dạ dày và có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
“Rễ cam thảo thực sự được ưa chuộng trong việc chữa các vết loét và chứng ợ nóng vì bản chất cam thảo rất mát, giảm đau và nhầy,” nhà thảo dược học Rosalee de la Forêt chia sẻ với The Epoch Times.
Một nghiên cứu năm 2014 trên Pharmacognosy Research (Tập san Nghiên cứu dược liệu học) đã so sánh cam thảo với thuốc bismuth subsalicylate ở những bệnh nhân đang sử dụng ba loại thuốc bổ sung để điều trị nhiễm trùng H.pylori.
Các cuộc kiểm tra đã xác nhận cam thảo và thuốc bismuth đều có hiệu quả giảm đau và chữa lành mô. Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh cam thảo có thể nhanh chóng tiêu diệt tất cả các chủng H.pylori và giảm bớt triệu chứng loét – mà không có tác dụng phụ đối với hệ vi khuẩn đường tiêu hóa.
“Các nhà nghiên cứu hiện đang tập trung vào các chất chống loét ít tốn kém, ít độc hại và hiệu quả hơn. Các loại thảo dược là một trong những nguồn thuốc mới hấp dẫn nhất và cho kết quả đầy hứa hẹn trong việc kiểm soát bệnh loét dạ dày tá tràng,” bài viết nêu rõ.
Nguy hiểm với liều lượng cao
Do các nghiên cứu sử dụng nhiều dạng, liều lượng, và thậm chí cả các loại cam thảo khác nhau khiến người tiêu dùng không hiểu được liều lượng sử dụng thích hợp. Vì cam thảo là thành phần tạo hương vị trong một số sản phẩm, nên người tiêu dùng cần thiết lưu ý đến tổng lượng dùng hàng ngày.
Liều lượng trở thành mối quan tâm đặc biệt vì việc dùng nhiều hoặc thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh, đặc biệt là cao huyết áp. Các nhà thảo dược lâm sàng có thể đưa ra hướng dẫn bổ sung.
Cô Rosalee de la Forêt cho biết, “Một số người rất dễ bị huyết áp cao khi dùng với liều lượng lớn mỗi ngày. Cho dù bệnh nhân có xu hướng bị cao huyết áp hay không, tôi thường thận trọng khi kê toa nhiều hơn 3 đến 5g rễ cam thảo mỗi ngày.”
Rễ cam thảo khô thường ở dạng bột, viên nang, viên nén hoặc dạng lỏng. Một số chiết xuất không chứa glycyrrhizin (được loại bỏ để giảm tác dụng phụ) gọi là cam thảo khử glycyrrhizin (deglycyrrhizinated licorice – DGL).
Theo cô Lily Choi, bác sĩ châm cứu và thầy thuốc Trung y chuyên về kiểm soát cơn đau, cách khác để dùng rễ cam thảo an toàn hơn là “điều hòa/kết hợp với các loại thảo mộc khác.”
Theo Tập san Ethnopharmacology, rễ cam thảo được xem là một “loại thảo dược thiết yếu” trong Trung y và có mặt trong khoảng 90% bài thuốc thảo dược. Rễ cam thảo cũng là thành phần của nhiều loại thuốc được cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc vì theo Trung y, cam thảo giúp cân bằng khí của lá lách.
Liên quan đến lá lách
Cô Choi giải thích với The Epoch Times rằng trong Trung y, bệnh suy nhược lá lách có liên quan đến quá trình trao đổi chất kém, thiếu năng lượng, và dư thừa đờm. Lá lách, được Tây y cho là cơ quan dư thừa không cần thiết, còn trong giáo lý Đông y, lách là cơ quan bạch huyết quan trọng, có tác dụng lọc chất độc tốt nhất.
Cô cho biết rễ cam thảo được đánh giá cao trong Trung y vì cam thảo nằm trong số các loại thảo dược có thể bồi bổ cho lá lách.
Cô Choi nói, “Nhiều khi con người bị mất cân bằng đường ruột, lá lách sẽ yếu đi. Cam thảo là loại thảo dược rất mạnh, nhưng chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân thận trọng khi sử dụng từng loại thảo dược và không nên dùng mỗi ngày. Nếu bạn muốn dùng cam thảo mỗi ngày, tốt nhất là nên có bài thuốc hàng ngày.”
Cô đề nghị dùng cam thảo trong một hỗn hợp cồn thuốc hoặc trà, có thể uống hai đến ba ngày một lần. Theo cô Choi, rễ cam thảo cũng có thể trộn với , hoa cúc hoặc hoa sen – tất cả đều có lợi cho sức khỏe tiêu hóa.
Vị ngọt mạnh của rễ cam thảo cũng có thể che giấu hương vị khó chịu của các loại thảo mộc khác khi trộn chung với nhau. “Tiêu thụ rễ cam thảo là thói quen bổ ích cho sức khỏe. Cam thảo kết hợp hài hòa với tất cả các loại thảo mộc, và giúp phân phối dược tính đến cơ quan thích hợp.”
Tâm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times