Sức khỏe răng miệng – Các bài thuốc thảo dược và 8 thực phẩm giúp giảm đau
Bác sĩ Hồ Nãi Văn chia sẻ các mẹo giúp điều trị hiệu quả loét miệng, sưng nướu và các vấn đề khác liên quan đến răng miệng.
Các vấn đề về răng miệng có thể gây đau đớn cũng như khiến một số người xấu hổ. Loét miệng, lở miệng, viêm mép miệng và sưng nướu, … có thể ảnh hưởng đến ăn uống, nói chuyện và thậm chí cả chất lượng giấc ngủ.
Trung y tin rằng các vấn đề ở miệng chủ yếu là do dạ dày hoặc đại tràng “hỏa” quá mức gây ra.
Theo Trung y, cơ thể người có hệ thống “kinh mạch” đảm nhiệm chức năng vận chuyển “khí” và máu đi khắp cơ thể. Khí và máu là các chất cơ bản cấu tạo nên cơ thể và duy trì mọi hoạt động sinh lý. Cơ thể có 12 đường kinh lạc chính tương ứng với 12 tạng phủ (cơ quan nội tạng), bắt đầu từ đó tuần hành đến tay, chân, đầu và mặt.
Kinh mạch bị tắc nghẽn sẽ khiến khí huyết không lưu thông, tạo điều kiện cho “tà khí” hoặc “khí bệnh” (các yếu tố gây bệnh) có cơ hội xâm nhập cơ thể, dẫn đến nhiều căn bệnh tiềm ẩn.
Trung y xem phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (ẩm), táo (khô), hỏa (nhiệt) là lục tà, tức 6 yếu tố gây bệnh từ bên ngoài.
Chứng vị nhiệt (nóng rát dạ dày) là tình trạng hỏa nhiệt quá mức ở dạ dày dẫn đến khô miệng, hôi miệng, nướu đỏ và sưng tấy, môi nứt nẻ. Tương tự như vậy, chứng đại tràng kết nhiệt (nóng rát đại tràng) là tình trạng hỏa nhiệt quá mức trong đại tràng dẫn đến táo bón, đắng miệng, loét lưỡi, viêm họng… Những “hỏa tà” này sẽ theo các kinh dạ dày và kinh đại tràng đến miệng, gây nhiều cảm giác khó chịu khác nhau.
Vì vậy, để ngăn ngừa và điều trị các biến chứng về răng miệng, chúng ta cần tập trung vào việc loại bỏ “hỏa tà”. Đầu tiên, hãy điều chỉnh chức năng của dạ dày và đại tràng, sau đó là duy trì vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh nhiễm trùng hoặc suy giảm chức năng. Cuối cùng, chúng ta cũng nên chú ý đến việc điều chỉnh và cân bằng ăn uống cũng như sinh hoạt để tăng sức đề kháng và khả năng miễn dịch.
Chữa loét miệng bằng cây Bối mẫu và Bạch cập
Sách cổ Trung y có cuốn “Bản Thảo Cương Mục” ghi lại rằng Triết Bối mẫu (một loài thực vật có hoa thuộc họ hoa ly) là dược liệu dùng để chữa loét miệng, có tác dụng thanh nhiệt, thải độc, nhuận hầu và giảm ho.
Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy Bối mẫu có giá trị y học quan trọng và có thể điều trị ho, viêm, loét dạ dày, huyết áp cao, tiêu chảy, viêm phế quản và nhiều bệnh khác.
Đối với những bệnh nhân bị loét miệng như những vết loét trắng, có thể nghiền Triết bối mẫu thành bột mịn, trộn với mật ong và bôi lên các vết loét trong miệng. Thực hiện 5 đến 6 lần mỗi ngày, vết loét sẽ cải thiện nhanh chóng.
Cây Bạch cập (một loài lan đất Trung Hoa) cũng là thảo dược dùng để chữa loét và viêm miệng. Thảo dược này có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, giảm sưng tấy và kích thích tăng trưởng cơ bắp. Nghiền Bạch cập thành bột mịn, cách bôi [và số lần bôi] tương tự như Bối mẫu.
Bấm huyệt chữa sưng nướu
Theo Trung y, các răng trên thuộc kinh vị và các răng dưới thuộc kinh đại tràng. Vì vậy, nên ăn ít hoặc đơn giản là tránh các đồ ăn cay, chiên rán và các thực phẩm kích thích khác để tránh tăng nhiệt và hỏa trong dạ dày hoặc đại tràng, vốn là nguyên nhân gây sưng và đau nướu.
Nếu nướu bị sưng đau, bạn có thể ấn vào huyệt Hợp cốc ở bàn tay và huyệt Nội đình ở bàn chân. Hai huyệt này lần lượt nằm trên đường kinh đại tràng và dạ dày, đều có tác dụng chữa nóng rát đại tràng và dạ dày.
Huyệt Hợp cốc nằm ở phần trũng giữa ngón cái và ngón trỏ khi xòe bàn tay, huyệt Nội đình nằm ở đường nối giữa ngón chân thứ hai và ba. Việc ấn thường xuyên vào các huyệt này giúp dập tắt hỏa vị và duy trì khoang miệng khỏe mạnh.
8 thực phẩm giúp răng miệng khỏe mạnh hơn
Để phòng ngừa, giảm sưng và đau nướu nên thường xuyên ăn 8 loại trái cây và rau sau:
1. Thanh long
2. Chuối
3. Kiwi
4. Lê
5. Dưa hấu
6. Mướp
7. Cần tây
8. Đậu xanh
Cam thảo trị sưng lưỡi
Các tình trạng ở miệng như sưng lưỡi, tê, cứng và kém linh hoạt có thể là dấu hiệu của một bệnh trầm trọng cần được điều trị. Tuy nhiên, nếu không nghiêm trọng, có thể thử dùng cam thảo để điều trị.
Cách chuẩn bị và sử dụng nước súc miệng bằng cam thảo:
Chuẩn bị:
Đun sôi rễ cam thảo thành nước cốt đặc, sau đó để nguội và lọc lấy nước.
Cách dùng:
Ngậm nước sắc cam thảo và súc miệng một lúc rồi nhổ ra. Lặp lại khi cần để giảm các triệu chứng.
Bài thuốc trên đã được ghi lại trong cuốn “Bản Thảo Cương Mục.” Ngoài ra, các nghiên cứu cũng xác nhận cam thảo có thể được dùng để điều trị các bệnh về răng miệng, tiêu hóa và các bệnh ngoài da khác nhau.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times