Nghiên cứu: Tiêu thụ thức uống có đường làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim lên tới 20%
Phụ nữ được cho là tiêu thụ thức uống chứa chất làm ngọt nhân tạo nhiều hơn.
Theo một nghiên cứu gần đây, việc tiêu thụ quá nhiều thức uống chứa đường liên quan đến tăng nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, có thể dẫn đến đột quỵ hoặc suy tim.
Nghiên cứu được bình duyệt và công bố trên tập san Circulation: Arrhythmia and Electrophysiology (Tuần hoàn: Loạn nhịp và Điện sinh lý học) vào ngày 05/03, điều tra về việc tiêu thụ thức uống có đường liên quan như thế nào đến chứng rung nhĩ (AF) – một loại rối loạn nhịp tim. Tình trạng này có thể dẫn đến cục máu đông trong tim. Bệnh làm tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ và các vấn đề khác liên quan đến tim mạch. Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu di truyền của hơn 200,000 cá nhân cũng như loại thực phẩm mà họ tiêu thụ trong 24 giờ.
Các tác giả phát hiện việc tiêu thụ hơn hai lít thức uống chứa đường (sugar-sweetened beverages – SSB) và chứa chất làm ngọt nhân tạo (artificially sweetened beverages – ASB) mỗi tuần liên quan đến tăng nguy cơ bị AF. Trong số những người uống lượng ASB như vậy hàng tuần, nguy cơ rung nhĩ cao hơn 20%. Nguy cơ cao hơn 10% ở những người dùng SSB.
Tiêu thụ một lít hoặc ít hơn nước ép trái cây nguyên chất (pure fruit juice – PJ) mỗi tuần, như nước cam hoặc nước ép rau 100%, liên quan đến giảm 8% nguy cơ bị bệnh.
Các tác giả nói rõ rằng họ không thể xác nhận liệu thức uống chứa đường có gây nên rung nhĩ hay không. Tuy nhiên, họ tuyên bố, “việc tiêu thụ SSB và ASB có thể dự đoán rủi ro AF ngoài các yếu tố rủi ro truyền thống.”
Theo thông cáo báo chí ngày 05/03 từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), nơi đăng tải tập san, tác giả chính của nghiên cứu, bà Ningjian Wang, nhà khoa học tại Bệnh viện Nhân dân số 9 Thượng Hải cho biết: “Những phát hiện trong nghiên cứu của chúng tôi không thể kết luận dứt khoát rằng một loại thức uống có nhiều nguy cơ sức khỏe hơn loại khác do sự phức tạp trong cách ăn uống và một số người có thể dùng nhiều loại thức uống.”
“Tuy nhiên, dựa trên những phát hiện này, chúng tôi khuyên mọi người nên giảm hoặc thậm chí tránh thức uống chứa đường và chất tạo ngọt nhân tạo bất cứ khi nào có thể. Đừng cho rằng dùng thức uống ít đường và chứa chất làm ngọt nhân tạo ít calorie là tốt cho sức khỏe, bởi điều này có thể tiềm ẩn những nguy cơ sức khỏe.”
Dữ liệu của các đối tượng tham gia được lấy từ Biobank Vương quốc Anh. Nghiên cứu xem xét 201,856 cá nhân đăng ký Biobank từ năm 2006- 2010 và theo dõi họ trong gần 10 năm. Trong thời gian này, có 9,362 ca rung nhĩ được báo cáo.
Các tác giả đã xác định được sự khác biệt về giới tính trong việc tiêu thụ thức uống. Những người tham gia tiêu thụ nhiều thức uống chứa chất làm ngọt nhân tạo có nhiều khả năng là nữ giới. Ngược lại, những người tiêu thụ nhiều thức uống có đường thường là nam giới.
Người dùng ASB thường trẻ hơn, với chỉ số khối cơ thể và tỷ lệ bị bệnh tiểu đường type 2 cao hơn. Người dùng SSB có xu hướng trẻ hơn, với chỉ số khối cơ thể và tỷ lệ bị bệnh tim cao hơn cũng như tình trạng kinh tế xã hội kém hơn.
Hút thuốc được xác định là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn. “Những người hút thuốc uống hơn hai lít thức uống chứa đường mỗi tuần có nguy cơ bị AFib (rung nhĩ) cao hơn 31%, trong khi nguy cơ gia tăng đáng kể không được ghi nhận ở những người từng hút thuốc hoặc chưa bao giờ hút thuốc.”
Bà Wang cho biết mối liên quan giữa nguy cơ rung nhĩ và thức uống chứa đường “có thể đẩy mạnh việc phát triển các chiến lược phòng ngừa mới bằng cách xem xét giảm thức uống này để cải thiện sức khỏe tim mạch.”
Tất cả các tác giả của nghiên cứu đều liên kết với các tổ chức của Trung Quốc. Họ đến từ Trường Y thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Chiết Giang và Đại học Khoa học và Công nghệ Thượng Hải. Ngoài ra, một trong những tác giả này còn liên kết với Đại học Uppsala ở Thụy Điển.
Thức uống có đường và các vấn đề về sức khỏe
Một số nghiên cứu khác cho thấy thức uống chứa đường có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe. Một nghiên cứu vào tháng 08/2023 trên gần 100,000 phụ nữ sau mãn kinh cho thấy những người tiêu thụ một hoặc nhiều khẩu phần thức uống chứa đường mỗi ngày có “tỷ lệ bị ung thư gan và tử vong do bệnh gan mạn tính cao hơn đáng kể.”
Nghiên cứu cho thấy có khoảng 65% người trưởng thành ở Hoa Kỳ tiêu thụ thức uống có đường hàng ngày.
Tiêu thụ loại thức uống này có liên quan đến tình trạng tăng cân. Điều này là do các nhà sản xuất thường thêm lượng lớn fructose, một loại đường, để làm ngọt thức uống. Fructose không kích thích cảm giác no và giảm hormone gây đói trong cơ thể như glucose.
Do đó, khi một người dùng thức uống chứa đường, họ thường có thêm tất cả lượng calorie từ fructose này kèm với lượng calorie thông thường được tiêu thụ.
Một nghiên cứu tổng quan năm 2016 của nhiều nghiên cứu cho thấy “mối liên quan thuận” giữa tiêu thụ thức uống chứa đường và nguy cơ béo phì, “đặc biệt là ở trẻ thừa cân.”
Việc dùng quá nhiều thức uống chứa đường có thể khiến gan bị quá tải bởi đường fructose chuyển hóa qua gan, sau đó tạo thành chất béo. Tiêu thụ quá nhiều fructose có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
Theo một nghiên cứu năm 2017, tiêu thụ quá nhiều fructose liên quan đến việc “gan phóng thích một số chất trung gian quan trọng dẫn đến thay đổi sự giao tiếp giữa gan và ruột, các cơ, và mô mỡ, từ đó làm bệnh trầm trọng thêm.”
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times