Nghiên cứu: Thai phụ dùng cần sa có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cơ quan sinh dục nam của thai nhi
Theo các nghiên cứu gần đây, việc dùng cần sa trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bộ não của thai nhi và cản trở quá trình trưởng thành lành mạnh của tinh hoàn trẻ sơ sinh nam.
Phụ nữ mang thai đôi khi dùng cần sa hay CBD, một thành phần trong cần sa không gây tác động đến thần kinh, để làm giảm triệu chứng lo lắng và buồn nôn. Trong một nghiên cứu được công bố ngày 11/07 trên tập san Tâm thần học Phân tử, các nhà nghiên cứu tại Cơ sở Y tế Anschutz của Đại học University of Colorado đã điều tra về cách mà CBD ảnh hưởng đến sự phát triển bộ não của thai nhi, với các thí nghiệm trên chuột.
Các con chuột được chích CBD trong suốt quá trình mang thai đến khi sinh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thai nhi khi tiếp xúc với CBD bị suy giảm khả năng của vỏ não trước trán — một vùng não quan trọng trong việc học tập — ảnh hướng đến khả năng sẵn sàng bắt đầu hoạt động.
Chuột con cái được phát hiện bị suy giảm nhận thức, với liều cao CBD ảnh hưởng đến kỹ năng giải quyết vấn đề. Trong khi đó, chuột con đực được quan sát thấy có độ nhạy cảm đau cao hơn.
Bà Emily Bates, giáo sư tại phụ tá Trường Y khoa Đại học University of Colorado và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này rất quan trọng để giúp bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân mang thai biết rằng việc tiêu thụ CBD khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bộ não của thai nhi.”
“Điều này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì CBD gần đây đã được hợp pháp hóa tại liên bang và có sẵn trong các cửa hàng tạp hóa và trạm xăng. Chúng tôi cần các bác sĩ lâm sàng bắt đầu hỏi về mức tiêu thụ CBD trong thời gian thăm khám trước sinh và giáo dục công chúng về rủi ro tiềm ẩn trong thai kỳ.”
Ảnh hưởng đến tinh hoàn nam
Trong một nghiên cứu khác được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia ngày 11/07, các nhà nghiên cứu phát hiện việc tiêu thụ cần sa có thể dẫn đến những tác động bất lợi cho sự phát triển tinh hoàn nam ở thai nhi.
Tinh hoàn là hai tuyến hình trứng ở trong bìu của nam giới, có nhiệm vụ sản xuất tinh trùng và hormone nam. Ở thai nhi nam, chức năng nội tiết của tinh hoàn bao gồm điều hòa quá trình nam tính hóa của một số cơ quan.
Các tác giả nhấn mạnh rằng mức tiêu thụ cần sa của phụ nữ mang thai đã gia tăng trên toàn thế giới trong vài thập niên qua. Nhiều quốc gia đang tranh luận về việc hợp pháp hóa loại thuốc này cho mục đích giải trí và trị liệu.
Họ cho biết: “Sự hiểu biết về tác động bất lợi tiềm tàng của cần sa với chức năng sinh sản của nam giới trong quá trình phát triển là điều rất cần thiết. Nghiên cứu của chúng tôi nêu bật những tác động bất lợi tiềm ẩn của cannabinoids trên tinh hoàn đang phát triển và mở đường cho việc giải mã thêm về tác động của cannabinoids ở cấp độ phân tử và tế bào ở thai nhi.”
Trong một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2022 trên tập san Khả năng sinh sản và Vô sinh (pdf), việc dùng cần sa trong thời gian dài gây ra tác động đáng kể đến khả năng sinh sản của nam giới.
Nghiên cứu đã tuyển chọn các loài linh trưởng đực trưởng thành không phải người và cho chúng tiếp xúc với THC (delta-9-tetrahydrocannabinol) không độc trong một khoảng thời gian với liều tăng dần tương ứng với chu kỳ phát triển tinh trùng của động vật. Lượng THC sau đó đã tăng đến mức tương đương với liều cần sa y tế nặng ở người, trước khi tinh dịch của loài linh trưởng được thu thập để nghiên cứu.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Jamie Lo, giáo sư phụ tá sản phụ khoa tại Trường Y khoa Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon cho biết, “Phân tích của chúng tôi về các mẫu được thu thập cho thấy việc dùng THC liên quan đến tác động bất lợi đáng kể trên hormone sinh sản của động vật, bao gồm giảm mức testosterone và co rút tinh hoàn nghiêm trọng. Cụ thể, chúng tôi quan sát thấy kích thước tinh hoàn giảm hơn 50%.”
Bà nói: “Thật không may, những tác dụng này dường như trở nên xấu hơn khi liều THC tăng lên, cho thấy tác dụng phụ thuộc vào liều có thể xảy ra.”
Cảnh báo liên bang về tình trạng cân nặng thấp ở trẻ sơ sinh
Nhiều cơ quan liên bang đã cảnh báo phụ nữ mang thai không nên dùng cần sa.
Theo Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện (SAMHSA), “ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai coi cần sa là phương pháp tự nhiên, an toàn để điều trị chứng buồn nôn và ói mửa, hay ‘ốm nghén’. Tuy nhiên, việc dùng cần sa trong thời kỳ này là không an toàn và đi kèm với những rủi ro nghiêm trọng, có khả năng gây tử vong.”
Cơ quan này khuyên rằng: “Tránh dùng cần sa khi mang thai và cho con bú để con bạn có một khởi đầu khỏe mạnh trong cuộc sống. Không có lượng cần sa nào được chứng minh là an toàn trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.”
Cần sa chứa gần 500 hóa chất, bao gồm các hợp chất làm thay đổi tâm trí có thể đi qua nhau thai và xâm nhập vào thai nhi.
Trích dẫn nhiều nghiên cứu, SAMHSA tuyên bố rằng việc dùng cần sa trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến tình trạng hạn chế tăng trưởng ở thai nhi, trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non và các vấn đề về phát triển bộ não lâu dài, từ đó ảnh hưởng đến trí nhớ, học tập và hành vi.
Việc dùng cần sa khi cho con bú là nguy hiểm vì một số hóa chất có thể truyền qua sữa sang em bé. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), THC trong cần sa được lưu trữ trong mỡ cơ thể và bài tiết từ từ theo thời gian.
Điều này có nghĩa là em bé vẫn có khả năng tiếp xúc với hóa chất ngay cả khi người mẹ ngừng dùng cần sa. CDC khuyến khích phụ nữ mang thai nên “tránh tất cả các loại cần sa.”
Cân nặng và vòng đầu của trẻ sơ sinh cũng bị ảnh hưởng bởi cần sa. Một nghiên cứu ngày 16/05 được công bố trên tập san Lĩnh vực Nhi khoa cho thấy tình trạng “giảm đáng kể” cân nặng khi sinh của trẻ có mẹ dùng cần sa trong ba tháng đầu thai kỳ. Trọng lượng của các bé thấp hơn trung bình 154g.
Nếu phụ nữ tiếp tục dùng cần sa trong suốt thời kỳ mang thai, cân nặng của trẻ sơ sinh sẽ thấp hơn trung bình 185g.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy chu vi vòng đầu của trẻ bị “giảm đáng kể.” Trẻ sơ sinh có mẹ dùng cần sa trong ba tháng đầu có chu vi vòng đầu giảm 0.47cm, trong khi vòng đầu của trẻ có mẹ dùng cần sa trong suốt thai kỳ giảm 0.79 cm.
Các tác giả nghiên cứu cho biết cân nặng khi sinh và chu vi vòng đầu thấp có liên quan đến nhiều vấn đề về thần kinh và tâm lý cũng như các biến chứng về sức khỏe trong thời thơ ấu và tuổi trưởng thành của trẻ.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times