Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy thuốc trừ sâu có liên quan đến bệnh Parkinson
Một nghiên cứu mới cho thấy người dân sống ở những khu vực dùng nhiều atrazine, lindane và simazine có nguy cơ bị Parkinson cao hơn từ 25-36%.
Theo một nghiên cứu sẽ được trình bày tại cuộc họp thường niên lần thứ 76 của Học viện Thần kinh học Hoa Kỳ vào tháng Tư năm nay, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ nông nghiệp có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị Parkinson ở vùng Rocky Mountain và Great Plains tại Hoa Kỳ.
Mười bốn loại thuốc trừ sâu được xác định có liên quan chặt chẽ đến bệnh Parkinson là những loại được dùng nhiều nhất ở Colorado, Idaho, Kansas, Montana, Nebraska, Nevada, New Mexico, North Dakota, Oklahoma, South Dakota, Texas, Utah và Wyoming.
Simazine, lindane và atrazine có mối liên quan chặt chẽ nhất với bệnh Parkinson. Thuốc diệt cỏ atrazine và simazine, thuốc trừ sâu lindane liên quan đến tăng 31%, 36% và 25% nguy cơ bị bệnh.
Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận này bằng cách xem xét dữ liệu toàn quốc từ 21.5 triệu người thụ hưởng Medicare từ 67 tuổi trở lên vào năm 2009 và 465 loại thuốc trừ sâu có trong Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. Sau đó, họ tập trung vào 65 loại và xác định lượng dùng trung bình hàng năm theo quận từ năm 1992-2008.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những địa phương dùng càng nhiều thuốc trừ sâu như simazine, lindane và atrazine thì tỷ lệ bị Parkinson ở đó càng cao.
Tỷ lệ Parkinson đang gia tăng
Bệnh Parkinson là một trong những rối loạn thần kinh phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo Tổ chức Parkinson, gần 90,000 người được chẩn đoán Parkinson mỗi năm. Con số này tăng mạnh so với tỷ lệ chẩn đoán những năm 1980 là 60,000 người/năm. Người ta ước tính rằng 1.2 triệu người sẽ sống chung với bệnh vào năm 2030. Nguy cơ bị Parkinson tăng theo tuổi và tỷ lệ nam thường cao hơn nữ.
Tổ chức Parkinson báo cáo rằng tỷ lệ mới mắc ở các tiểu bang Rust Belt và miền nam California, đông nam Texas, miền trung Pennsylvania và Florida cao hơn so với vùng khác. Ông James Beck, Giám đốc Khoa học của Quỹ Parkinson, cho biết trong một thông cáo báo chí năm 2022 về tỷ lệ cập nhật: “Biết được thông tin này cho phép chúng tôi phục vụ người bệnh Parkinson và gia đình họ tốt hơn, đồng thời lên kế hoạch cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ trong tương lai.”
Thuốc trừ sâu từ lâu đã được biết là liên quan đến Parkinson
Nghiên cứu mới nhất bổ sung thêm bằng chứng ngày càng tăng về mối liên quan giữa thuốc trừ sâu và Parkinson. Một nghiên cứu vào tháng 05/2023 được công bố trên tập san Nature Communications cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với thuốc trừ sâu dẫn đến các trường hợp bị Parkinson ở những công nhân trong trang trại bông. Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học California–Los Angeles (UCLA) và Đại học Harvard, xác định 10 loại thuốc trừ sâu độc hại trực tiếp ảnh hưởng đến tế bào thần kinh trong não chịu trách nhiệm về vận động tự chủ. Theo thông cáo báo chí của UCLA Health, sự phá hủy tế bào thần kinh này là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Parkinson.
Theo nhóm tác giả, kể từ khi phát hiện chất độc có tên MPTP vào năm 1976, nhiều nghiên cứu đã tập trung tìm hiểu về các chất ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thuốc trừ sâu, xem chúng ảnh hưởng đến Parkinson như thế nào. MPTP là chất độc thần kinh làm suy giảm phần não chịu trách nhiệm vận động và chức năng khen thưởng. Sự suy giảm này có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng kinh điển của Parkinson, bao gồm run, cứng người và cử động chậm chạp. MPTP có cấu trúc tương tự như thuốc trừ sâu paraquat.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times