Mức độ nặng của bệnh COVID không bị ảnh hưởng bởi tải lượng virus khi lây nhiễm lần đầu
Kết quả nghiên cứu này mâu thuẫn với kết quả của các nghiên cứu trước đó cho thấy những bệnh nhân có biểu hiện nghiêm trọng về COVID-19 có xu hướng có tải lượng virus cao.
Theo một nghiên cứu gần đây của JAMA Network Open, tải lượng hoặc số lượng virus SARS-CoV-2 trong khoang mũi không dự đoán được mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các tác giả viết, “Chúng tôi đã quan sát thấy sự thay đổi đáng kể về VL (tải lượng virus) khi chẩn đoán. Thật thú vị, chúng tôi không tìm thấy mối liên quan giữa VL lúc chẩn đoán và tình trạng COVID-19 nghiêm trọng trong môi trường phần lớn là bệnh nhân ngoại trú này.”
Phát hiện này mâu thuẫn với các nghiên cứu trước đó cho thấy bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện bệnh nghiêm trọng có xu hướng có tải lượng virus cao.
Các tác giả cho biết thêm, “Các phát hiện của nghiên cứu này cho thấy rằng nên thận trọng khi sử dụng tải lượng virus ở cấp độ cá nhân… làm đại diện cho mức độ nghiêm trọng của COVID-19, đặc biệt là trong bối cảnh khả năng miễn dịch hiện có ngày càng đa dạng”.
Các tác giả nghiên cứu đã theo dõi những người không bị nhiễm bệnh và chưa được chích ngừa thuộc nhóm giả dược trong các thử nghiệm vaccine COVID-19, họ nhận thấy tải lượng virus cao không thể giải thích được.
Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của từng cá nhân
Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư y tế dự phòng tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, người không tham gia nghiên cứu, cho biết ông không quá ngạc nhiên với phát hiện này. Ông nói thêm rằng viêm phổi do COVID-19, một biến chứng COVID-19 nặng, được xác định bởi phản ứng miễn dịch của cơ thể hơn là bởi tải lượng virus.
“Phản ứng miễn dịch của chúng ta quyết định độ nặng của [bệnh]. Vì vậy, sức mạnh của phản ứng miễn dịch của chúng ta phần lớn có liên quan đến tình trạng viêm phổi,” Tiến sĩ Schaffner nói.
SARS-CoV-2 lây nhiễm vào cơ thể theo hai giai đoạn. Đầu tiên, virus bám vào các tế bào ở khoang mũi và đường hô hấp trên. Các triệu chứng có xu hướng nhẹ ở giai đoạn này.
Ở giai đoạn thứ hai, virus xâm nhập vào đường hô hấp dưới và có thể bắt đầu lây lan vào cơ thể.
Hệ thống miễn dịch của một số người có thể tạo ra phản ứng viêm mức độ mạnh mẽ đối với virus, có thể chuyển thành bệnh nặng; những người khác có thể bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Các nghiên cứu đã đưa ra những cách giải thích khác nhau về độ nặng của bệnh COVID-19. Người già hoặc những người mắc bệnh chuyển hóa có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nặng. Tuy nhiên, nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng nguyên nhân của những biểu hiện khác nhau này có thể là do di truyền.
Những người đã bị nhiễm trùng trước đó hoặc đã được chích ngừa có xu hướng được bảo vệ khỏi các triệu chứng và nhiễm trùng trong tương lai.
Vaccine đường niêm mạc được xem xét lại
Mặc dù nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc nhiều với virus không thể bảo đảm rằng [người đó] sẽ bệnh nặng, nhưng nhưng không nói rằng người đó sẽ không bị bệnh.
Tiến sĩ Stanley Perlman, giáo sư vi sinh học và miễn dịch học tại Đại học Iowa, nói với The Epoch Times rằng, “Ở khu vực đông người hoặc gần người bị nhiễm bệnh sẽ làm tăng khả năng bị nhiễm bệnh.”
Các tác giả cho biết những phát hiện của nghiên cứu đặc biệt liên quan đến việc phát triển vaccine niêm mạc COVID-19.
Tiến sĩ Perlman cho biết, các phát hiện của nghiên cứu chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến việc “đánh giá hiệu quả của vaccine niêm mạc, vì tải lượng virus sẽ không nhất thiết phản ánh tác động đối với bệnh lâm sàng.”
Tiến sĩ Schaffner cho biết vaccine niêm mạc cho COVID-19 vẫn có thể phù hợp.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times