Tại sao một số người không bị COVID-19
Những người có phản ứng miễn dịch tại chỗ hoặc phản ứng nhanh sẽ không bị nhiễm bệnh ngay cả khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 qua đường mũi.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện lý do tại sao một số người vẫn không nhiễm COVID-19, ngay cả khi đã tiếp xúc với virus qua khoang mũi.
Theo một nghiên cứu gần đây, những người này có phản ứng miễn dịch tại chỗ và nhanh hơn so với những người mắc COVID-19 có triệu chứng.
Tiến sĩ Marko Nikolić, tác giả chính của nghiên cứu và là cố vấn danh dự về y học hô hấp tại University College London, cho biết trong thông cáo báo chí: “Những phát hiện này làm sáng tỏ nguyên nhân virus lây nhiễm thành công vào cơ thể người hoặc nhanh chóng bị tiêu diệt trước khi các triệu chứng phát triển.”
Đây là nghiên cứu thử thách trên người đầu tiên của các chuyên gia người Anh và Hà Lan. Trong đó, những người tham gia cố ý tiếp xúc với SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19.
Các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng 16 người tham gia trẻ dưới 30 tuổi và khỏe mạnh. Không ai mắc bệnh đi kèm và chưa từng nhiễm COVID-19 hoặc chích vaccine.
Trước khi bình duyệt, bản in trước của nghiên cứu đã được công bố trực tuyến vào tháng 4/2023.
3 phản ứng miễn dịch khác nhau
16 người có phản ứng khác nhau khi tiếp xúc với virus và được phân theo nhóm.
Nhóm đầu tiên gồm sáu người có triệu chứng và được phân loại là nhiễm trùng kéo dài.
Nhóm thứ hai gồm những người không có triệu chứng nhưng xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính với COVID-19. Những người này được phân loại là nhiễm trùng tạm thời.
Nhóm thứ ba không có triệu chứng và xét nghiệm PCR liên tục cho kết quả âm tính với COVID-19. Các tác giả xác nhận những người này đã nhiễm bệnh nhưng khỏi bệnh nhanh đến mức không thể kiểm tra bằng xét nghiệm cận lâm sàng.
Theo các tác giả, nhóm thứ hai và thứ ba, gồm những người mắc COVID-19 không có triệu chứng, có phản ứng miễn dịch nhanh hoặc ít rầm rộ hơn.
Vào ngày 1, các tế bào miễn dịch di chuyển đến mũi (vị trí nhiễm trùng) ở các nhóm không có triệu chứng (nhóm 2 và 3).
Tuy nhiên, những người có kết quả âm tính với COVID-19 thì thu hút được ít loại tế bào miễn dịch hơn, trong khi nhóm dương tính với virus có tất cả các loại tế bào miễn dịch.
Những người biểu hiện triệu chứng và nhiễm COVID-19 kéo dài có phản ứng miễn dịch chậm và hệ thống hơn. Những người tham gia này có tất cả các loại tế bào miễn dịch đi vào mũi vào ngày 5 thay vì ngày 1.
Yếu tố di truyền
Các tác giả viết, những người có một số gen hoạt động mạnh, chẳng hạn như HLA-DQA2, “sẽ ngăn ngừa sự khởi phát của nhiễm virus kéo dài tốt hơn.”
Các nghiên cứu khác cho thấy sự gia tăng hoạt động của gen HLA-DQA2 trong máu có liên quan đến nhiễm COVID-19 nhẹ hơn.
HLA-DQA2 là một trong nhiều gen kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA). Gen HLA tạo ra các protein thụ thể trên bề mặt tế bào. Khi mầm bệnh lây nhiễm tế bào, protein HLA sẽ làm nhiệm vụ báo hiệu cho các tế bào miễn dịch.
Các tác giả cho biết dữ liệu xác nhận HLA-DQA2 còn giúp ngăn chặn sản xuất virus SARS-CoV-2 trong các tế bào bị nhiễm bệnh.
Những người biểu hiện triệu chứng có phản ứng miễn dịch hệ thống hơn
Chỉ những người mắc COVID-19 có triệu chứng mới biểu hiện phản ứng interferon có hệ thống. Interferon là chất truyền tin của hệ miễn dịch, giúp giảm hoặc làm trầm trọng thêm các hoạt động miễn dịch và viêm.
Các tác giả đã rất ngạc nhiên khi phát hiện interferon trong máu được kích hoạt trước các interferon ở vị trí nhiễm trùng. Interferon trong máu hoạt động mạnh nhất vào ngày 3 của đợt nhiễm trùng; tuy nhiên, interferon tại vị trí nhiễm trùng (mũi) chỉ hoạt động vào ngày 5.
Trong thông cáo báo chí, các tác giả cho biết phản ứng miễn dịch chậm ở mũi có thể khiến bệnh nhiễm trùng phát triển nhanh chóng.
Những người không biểu hiện triệu chứng không có phản ứng interferon toàn thân và hiếm khi có tế bào nhiễm bệnh.
Các tác giả viết, không lạ gì khi “các tế bào nhiễm bệnh hầu như chỉ được tìm thấy” trong khoang mũi của những người có triệu chứng. Các tế bào niêm mạc khoang mũi của những người này bắt đầu sản xuất virus SARS-CoV-2, góp phần làm tăng số lượng virus.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times