Cần sa làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng
Việc sử dụng cần sa làm tăng nguy cơ nhập viện và điều trị tại ICU do COVID-19, nhưng không ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong.
Theo nghiên cứu của JAMA Network Open được công bố ngày 21/06 bởi các nhà khoa học tại Đại học Washington ở St. Louis, người dùng cần sa có tỷ lệ nhập viện do COVID-19 cao hơn 80% và tỷ lệ điều trị tại đơn vị chăm sóc đặc biệt ICU cao hơn 27%.
Tiến sĩ Li-Shiun Chen, giáo sư tâm thần học tại Trường Y Đại học Washington, nói với The Epoch Times, “Nguy cơ nhập viện và điều trị tại ICU do COVID-19 liên quan đến sử dụng cần sa “tương đương với thuốc lá và có thể so sánh với chỉ số BMI cao và bệnh tiểu đường.”
Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng cần sa không làm tăng nguy cơ tử vong do COVID.
Nghiên cứu đã đánh giá hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 72,000 bệnh nhân COVID-19 để xem liệu việc sử dụng chất gây nghiện có ảnh hưởng đến kết cục của bệnh hay không.
Kết quả cho thấy, thuốc lá và cần sa là những yếu tố nguy cơ độc lập dẫn đến kết cục xấu ở bệnh nhân COVID-19. Tiến sĩ Chen cho biết, điều này có nghĩa là một người vừa hút thuốc vừa dùng cần sa có nguy cơ gặp phải kết cục xấu nhiều gấp đôi so với khi việc chỉ dùng một thứ.
Các tác giả cũng đã đánh giá việc sử dụng vaping và rượu, nhưng cỡ mẫu quá nhỏ để có thể rút ra kết luận chính xác.
Những phát hiện ban đầu về chất gây nghiện
Trong số 72,501 bệnh nhân, gần 10% cho biết có sử dụng cần sa và 13.4% có hút thuốc lá.
Tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ phổ biến chung ở Hoa Kỳ: Khoảng 12% người Mỹ hút thuốc và 17% sử dụng cần sa.
Các tác giả lưu ý rằng mặc dù cần sa làm tăng số ca nhập viện và điều trị tại ICU do COVID-19, nhưng không làm tăng nguy cơ tử vong.
Tiến sĩ Chen cho biết trong thông cáo báo chí, “Kết quả cho thấy nguy cơ tử vong từ thuốc lá là rõ ràng nhưng cần thêm bằng chứng về cần sa.”
Nghiên cứu không tìm ra lý do tại sao sử dụng cần sa làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng do COVID-19.
Tiến sĩ Chen cho biết nghiên cứu dựa trên dữ liệu sức khỏe điện tử ban đầu. Dữ liệu được thu thập bằng báo cáo tự điền của bệnh nhân về sử dụng cần sa, nhưng không khảo sát về loại cần sa, tần suất sử dụng, v.v.
Nghiên cứu hiện tại đặt ra câu hỏi về việc sử dụng chất gây nghiện ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào khi một người bị nhiễm virus.
Bà nói rằng hầu hết các nghiên cứu về COVID-19 đều tập trung vào các bệnh lý đi kèm, chẳng hạn như vấn đề về chuyển hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng chất gây nghiện cũng nên được xem xét, khi nghiên cứu cho thấy nguy cơ tương đương với các bệnh kèm theo.
Cần sa và COVID-19
Nghiên cứu của Tiến sĩ Chen trái ngược với một số nghiên cứu trước đó khi cho rằng cần sa có thể giúp bảo vệ người dùng khỏi COVID-19.
Một bài báo năm 2024 được đăng tải trên Journal of Cannabis Research (Tập san Nghiên cứu Cần sa) đã xem xét khoảng 1.7 triệu ca nhập viện do COVID-19 ở Hoa Kỳ. Kết quả phát hiện những người lạm dụng và phụ thuộc cần sa có tỷ lệ tử vong do COVID và nguy cơ phải thở máy cũng như bị tắc mạch phổi thấp hơn.
Tiến sĩ Joseph-Kevin Igwe, trợ lý giáo sư lâm sàng tại Đại học Y Baylor và là tác giả chính của bài báo, cho biết nghiên cứu của ông là một nghiên cứu thuần tập đa trung tâm, mang tính đại diện trên toàn quốc, kéo dài hơn một năm, trong khi nghiên cứu trên JAMA Open Network là một nghiên cứu thuần tập đơn trung tâm trong hai năm.
Ông viết trong thư điện tử gửi tới The Epoch Times, “Đây có thể là sự khác biệt rõ nhất và giải thích nhiều khác biệt về kết quả, vì các khu vực trong báo cáo về sử dụng cần sa ở các nhóm bệnh nhân và mã hóa giữa các khu vực/bệnh viện có sự khác nhau đáng kể.”
Một nghiên cứu của Science Advances năm 2022 đã phát hiện cannabidiol, hay CBD, một hợp chất có nguồn gốc từ cần sa, có thể ngăn chặn sự nhân lên của SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19.
Các tác giả cũng phát hiện cannabidiol mất đặc tính ức chế SARS-CoV-2 khi kết hợp với delta-9-tetrahydrocannabinol (THC), hợp chất tác động thần kinh chính của cần sa. THC là chất mang lại cho người dùng cảm giác “phê.”
Bà Marsha Rosner, giáo sư nổi bật tại Khoa Nghiên cứu Ung thư Ben May của Đại học Chicago và là một trong những tác giả cao cấp của nghiên cứu, nói với The Epoch Times rằng nghiên cứu của họ chỉ đánh giá tác động của CBD tinh khiết và do đó không thể so sánh với nghiên cứu về cần sa.
“THC … không ức chế SARS-COV-2 và khi kết hợp với CBD sẽ đối kháng với tác dụng của CBD. Nhưng chúng tôi không biết cần sa hoặc hạt gai dầu có tác dụng gì vì chưa có kết quả nghiên cứu,” vị giáo sư nổi tiếng cho biết.
Bà lưu ý rằng cần sa và hạt gai dầu là hỗn hợp các hóa chất, có thể hoạt động rất khác với chất tinh khiết.
Một nghiên cứu khác cho thấy việc sử dụng cần sa có liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Những rủi ro khác
Cần sa là loại thuốc làm thay đổi tâm trạng và nhận thức của người sử dụng, được chiết xuất từ cây gai dầu.
Tác dụng phụ về tâm thần của cần sa bao gồm suy giảm trí nhớ, mất nhận thức và cử động cơ thể. Người dùng liều cao có nguy cơ bị rối loạn tâm thần và hoang tưởng.
Các nghiên cứu cho thấy cần sa có thể làm gián đoạn sự phát triển bộ não ở thanh thiếu niên. Một nghiên cứu ở New Zealand năm 2012 cho thấy việc sử dụng cần sa liên tục từ độ tuổi thanh thiếu niên đến trung niên làm giảm 8 điểm chỉ số IQ.
Sử dụng chất gây nghiện và rủi ro sức khỏe
Thông điệp chính mà bài nghiên cứu của Tiến sĩ Chen muốn nhấn mạnh là mọi người nên thận trọng khi sử dụng chất kích thích, cân nhắc cách mà chúng ảnh hưởng đến cơ thể, đặc biệt khi có bệnh nhiễm trùng.
Do việc hợp pháp hóa cần sa ở khắp các tiểu bang, bà nhận thấy ngày càng nhiều bệnh nhân quan tâm đến cần sa và các dẫn xuất trong trị liệu sức khỏe tâm thần.
Tiến sĩ Chen cho biết, “Công chúng cảm thấy cần sa là an toàn, không gây hại cho sức khỏe như thuốc lá hoặc uống rượu bia, thậm chí có thể có lợi.”
Tuy nhiên, như bài báo của bà cho thấy, cần có nhiều nghiên cứu hơn về việc sử dụng cần sa.
Bà đề cập đến quá trình nghiên cứu về tác hại của rượu đối với sức khỏe.
Ban đầu, các kết luận nghiên cứu cho thấy ở một mức độ nhất định, rượu là có hại, nhưng sau đó, các nghiên cứu gần đây phát hiện rằng rượu cũng có lợi ở một số mức độ khác nhau. Hiện nay, nghiên cứu mới nhất cho thấy không có một lượng rượu nào là an toàn cho sức khỏe.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times