Lối sống lành mạnh và các vị thuốc cổ xưa giúp làm sạch mạch máu, bảo vệ sức khỏe tim mạch
Bệnh tim mạch (CVD) là căn bệnh nguy hiểm nhất trên toàn thế giới. Năm 2021 tại Hoa Kỳ đã có gần 700,000 ca tử vong qua đời vì bệnh tim, chiếm 1/5 tổng số ca tử vong.
Khi người ta già đi, các mạch máu không thể tránh khỏi bị tổn thương, thậm chí một số mạch máu có thể bắt đầu xơ cứng lại và hình thành cục máu đông. Vì vậy, làm sạch mạch máu trở thành một bước quan trọng để có sức khỏe tim mạch tốt.
Sau đây là những gợi ý về sức khỏe và lối sống để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch.
1. Cách ăn uống: Ăn uống [hợp lý] là rất cần thiết cho sức khỏe mạch máu. Tăng lượng rau và trái cây có thể làm tăng nồng độ chất chống oxy hóa trong cơ thể để bảo vệ lớp nội mạc mạch máu khỏi bị hư hại bởi tổn thương oxy hóa. Ngoài ra, giảm các loại thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol và nhiều muối cũng có thể giúp duy trì sức khỏe mạch máu.
Cuộc khảo sát dài hạn kéo dài gần 30 năm của Đại học Shiga ở Nhật Bản cho thấy rằng lượng rau, trái cây và cá ăn vào càng thấp, cùng với lượng muối ăn vào càng cao, sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong do CVD càng cao.
2. Tập thể dục: Thường xuyên tập thể dục nhịp điệu như chạy bộ, bơi lội, hoặc đạp xe có thể cải thiện chức năng tim phổi, tăng sức mạnh cơ tim và tăng tính đàn hồi của mạch máu.
Nghiên cứu được công bố trên Tập san Cao huyết áp (Journal of Hypertension) năm 2012 cho thấy đối với các bệnh nhân có nhiều nguy cơ bị bệnh tim do huyết áp cao, tập thể dục thường xuyên có thể giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch từ 16% đến 67%. Bên cạnh đó, những người ít vận động hơn có nguy cơ tử vong cao gấp đôi.
3. Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý có thể giảm gánh nặng cho cơ thể và giảm nguy cơ bị CVD.
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Dinh dưỡng Lâm sàng Âu Châu (European Journal of Clinical Nutrition) năm 2020 cho thấy ở người trưởng thành, cứ tăng mỗi 5kg (11lb) trọng lượng cơ thể, thì nguy cơ tử vong do CVD tăng 11% và nguy cơ bị bệnh mạch vành tăng 18%.
4. Ngưng hút thuốc: Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây tổn thương mạch máu. Bỏ hút thuốc có thể giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch đồng thời cải thiện sức khỏe thể chất tổng thể.
5. Kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu: Huyết áp cao và lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng thành mạch máu và làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Bạn hãy thường xuyên kiểm tra và kiểm soát các chỉ số này có thể duy trì sức khỏe mạch máu.
6. Điều chỉnh tâm lý: Nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tập san Y tế của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA Network Open) cho thấy những người lạc quan hơn về tương lai có nguy cơ bị bệnh tim thấp hơn.
7. Áp dụng các phương pháp giảm căng thẳng: Căng thẳng kinh niên có thể dẫn đến tổn thương mạch máu. Các phương pháp giảm căng thẳng như thiền định hoặc hít thở sâu, rất hiệu quả trong việc giúp các mạch máu khỏe mạnh.
Thảo dược Trung Y và đơn thuốc làm sạch mạch máu
Những loại thảo mộc nào của Trung Y có thể làm sạch mạch máu?
1. Hoa xô: Hoa xô được sử dụng rộng rãi trong các đơn thuốc Trung Y. Hoa xô có chức năng đẩy mạnh lưu thông máu, tiêu trừ huyết ứ, hạ huyết áp và bảo vệ tim. Thảo dược này cũng có thể giúp duy trì sức khỏe mạch máu.
2. Táo gai: Táo gai rất dồi dào các loại flavonoid như acid maslinic, rutin, và quercetin. Flavonoid có tác dụng hạ lipid máu, chống oxy hóa, kháng viêm, chống kết tập tiểu cầu. Vì vậy, táo gai giúp ngăn ngừa và/hoặc điều trị bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch.
3. Xích thược (rễ phơi hay sấy khô của 3 loài thược dược): Xích thược có tác dụng thông khí huyết, trừ huyết ứ, thanh nhiệt, giải độc, giảm đau. Xích thược có thể được dùng để điều trị các bệnh tim mạch, bệnh gan và lá lách, bệnh phụ khoa, v.v… Xích thược chứa chủ yếu các loại glycoside, chẳng hạn như paeoniflorin, vốn có các tác dụng chống oxy hóa nhất định và có thể giúp giảm lipid máu và ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch.
Tác dụng chính của Xích thược là thúc đẩy tuần hoàn máu và tiêu trừ huyết ứ, cải thiện vi tuần hoàn và có tác dụng điều trị phụ trợ nhất định đối với một số bệnh do lưu thông máu kém như đau bụng kinh và kinh nguyệt không đều.
4. Tam thất: Với công dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, loại bỏ huyết ứ, hạ huyết áp và chống kết tập tiểu cầu, tam thất được sử dụng rộng rãi trong phòng ngừa và điều trị các bệnh tim mạch.
Đơn thuốc Trung Y giúp làm sạch mạch máu
1. Huyết phủ trục ứ thang (Thuốc sắc Đào nhân và Hồng hoa): Là bài thuốc Trung Y cổ điển với các công dụng thúc đẩy lưu thông máu và loại bỏ ứ đọng máu, đẩy mạnh khí và giảm đau. Bài thuốc này thích hợp cho những bệnh nhân có triệu chứng nặng của huyết ứ như đau thắt ngực, bệnh tim mạch vành và huyết khối tĩnh mạch não.
2. Thông khiếu hoạt huyết hoàn: Đây là đơn thuốc Trung Y để điều trị các bệnh tim mạch và mạch máu não. Thành phần gồm có Xích thược, thân rễ Xuyên khung, hạt Đào nhân, Hồng hoa, và Xạ hương. Thuốc có lợi ích trong việc đẩy mạnh lưu thông máu và loại bỏ ứ máu, hạ huyết áp và cải thiện chức năng mạch vành và não.
3. Phục phương Đan sâm Tích Hoàn (CDDP): CDDP là thuốc nhỏ giọt của Trung Y được làm từ Đan sâm, Tam thất và Băng phiến tổng hợp. Thuốc cho thấy nhiều hiệu quả trong việc loại bỏ ứ máu, điều hòa khí, hạ huyết áp và bảo vệ tim. CDDP cũng phù hợp để điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch vành, đau thắt ngực và các bệnh tương tự khác.
Nghiên cứu được công bố trên tập san Y học Thay thế và Bổ sung Dựa trên Bằng chứng (Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine) vào năm 2020 cho thấy ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch vành đã được can thiệp mạch vành qua da, sau khi uống Phục phương Đan sâm Tích Hoàn, đã có sự cải thiện đáng kể và giảm 47% nguy cơ bị bệnh tim mạch trầm trọng.
Dinh dưỡng cân đối với 5 loại thực phẩm để bảo vệ mạch máu
Những loại thực phẩm nào được khuyến khích để làm sạch mạch máu?
1. Rau: Rau rất dồi dào các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là acid folic, potassium, magnesium, cellulose, và các thành phần khác, có thể giúp giảm mức cholesterol và huyết áp, đồng thời ngăn ngừa xơ cứng động mạch. Nên ăn nhiều loại rau xanh như rau chân vịt, và bông cải xanh.
2. Trái cây: Trái cây chứa rất nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, đặc biệt là vitamin C và cellulose, có thể giúp giảm mức cholesterol, loại bỏ các gốc tự do và giảm hình thành huyết khối. Bạn nên ăn nhiều trái cây có múi như cam, bưởi, chanh.
Nghiên cứu Sức khỏe Y tá được thực hiện bởi Khoa Sức khỏe Cộng đồng Harvard cho thấy so với những người ăn ít hơn 1.5 khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày, những người ăn ít nhất 8 khẩu phần mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh tim mạch thấp hơn 30%.
3. Quả hạch: Các loại quả hạch chứa rất nhiều acid béo không bão hòa và các chất chống oxy hóa, có thể giúp giảm mức cholesterol, giảm huyết khối và ngăn ngừa xơ cứng động mạch. Bạn nên ăn các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, và hạt điều với lượng vừa phải.
Tập san Dinh dưỡng, Trao đổi chất và Bệnh Tim mạch (Nutrition, Metabolism and Cardiovascular Disease) đã công bố nghiên cứu năm 2022 theo dõi hơn 3,000 thanh niên trong hơn 20 năm và ghi lại tình trạng sức khỏe của họ trong khoảng thời gian 30 năm. Người ta phát hiện rằng những người ăn nhiều quả óc chó khi còn trẻ có các chỉ số sức khỏe tốt hơn những người hoàn toàn không ăn quả óc chó. Những chỉ số liên quan đến nguy cơ bị tim mạch như trọng lượng cơ thể, kích thước vòng eo, huyết áp và nồng độ triglyceride của những người này đều thấp hơn. Điều đó cho thấy họ ít có khả năng bị bệnh tim mạch hơn.
4. Cá: Một số nghiên cứu đã phát hiện rằng cá rất dồi dào acid béo không bão hòa, có thể giúp giảm mức cholesterol, giảm huyết khối và ngăn ngừa xơ cứng động mạch. Bạn nên ăn cá hồi, cá ngừ, cá mòi và các loại cá có nhiều acid béo omega-3 với lượng vừa phải.
5. Thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt dồi dào các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là nhiều cellulose và các chất chống oxy hóa, có thể giúp giảm mức cholesterol và ngăn ngừa xơ cứng động mạch. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt và bánh mì nguyên cám.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thực phẩm chỉ đóng vai trò hạn chế và không thể thay thế hoàn toàn việc điều trị y tế. Nếu bị bệnh tim mạch hoặc các bệnh có nguy cơ cao khác, bạn cũng cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times