FDA phê chuẩn loại thuốc đầu tiên điều trị chứng tê cóng nghiêm trọng
Thuốc làm giãn mạch máu giúp ngăn máu đông, giảm nguy cơ cắt cụt ngón tay hoặc ngón chân.
Hiện tại, tình trạng tê cóng nghiêm trọng có thể được điều trị bằng thuốc Aurlumyn của Công Dược phẩm và công nghệ sinh học Actelion Pharmaceutical, một loại thuốc giãn mạch chích. Đây là loại thuốc đầu tiên nhận được sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để điều trị tình trạng bệnh lý do tiếp xúc với thời tiết quá lạnh. Thành phần chính trong Aurlumyn là iloprost, có tác dụng làm giãn mạch máu, ngăn ngừa máu đông, giảm nguy cơ cắt cụt ngón tay hoặc ngón chân.
Loại thuốc này được chấp thuận lần đầu tiên vào năm 2004 trong điều trị tăng áp động mạch phổi.
Tiến sĩ Norman Stockbridge, Giám đốc Bộ phận Tim mạch và Thận tại Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá thuốc của FDA, cho biết trong một thông cáo báo chí, “Sự chấp thuận này giúp cho bệnh nhân có được sự lựa chọn điều trị đầu tiên cho tình trạng tê cóng nghiêm trọng. Lựa chọn mới này sẽ cung cấp cho các bác sĩ một công cụ giúp ngăn việc cắt cụt các ngón tay hoặc ngón chân bị tê cóng – có thể làm thay đổi cuộc sống của bệnh nhân.”
FDA cho biết, các tác dụng phụ phổ biến nhất của Aurlumyn bao gồm nhức đầu, đỏ bừng, tim đập nhanh, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn, chóng mặt và hạ huyết áp.
Aurlumyn đã được nghiên cứu trong một thử nghiệm lâm sàng kéo dài 12 năm với 47 người trưởng thành bị tê cóng nghiêm trọng sau khi được giải cứu khỏi một ngọn núi. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 33; không ai có tiền sử bệnh lý hoặc phẫu thuật. Tất cả các trường hợp bị tê cóng bàn chân và bàn tay đều là những người đã bị tê cóng khi đang ở trên cao. Các bệnh nhân đều dùng aspirin và nhận được sự chăm sóc theo các tiêu chuẩn khác nhau, chẳng hạn như làm ấm cơ thể nhanh chóng. Nhóm thứ nhất tham gia nghiên cứu được chích tĩnh mạch Aurlumyn cứ sáu giờ/ngày trong tối đa trong tám ngày. Nhóm thứ hai dùng Aurlumyn cùng với một loại thuốc chưa được phê chuẩn, trong khi nhóm thứ ba sử dụng các loại thuốc điều trị tê cóng nghiêm trọng chưa được phê chuẩn khác.
Sau khi dùng phương pháp quét xương, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng không có bệnh nhân nào trong nhóm dùng Aurlumyn cần cắt cụt chi, so với 19% bệnh nhân ở nhóm thứ hai và 60% ở nhóm thứ ba.
Chứng tê cóng phát triển như thế nào?
Chứng tê cóng có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Giai đoạn nhẹ nhất là chỉ ở mức tê cóng bình thường. Tình trạng này không làm tổn thương da, thường không cần can thiệp y tế vì không gây tổn thương vĩnh viễn. Các triệu chứng của tê cóng bao gồm da lạnh hoặc có cảm giác châm chích do lưu lượng máu giảm. Giai đoạn tiếp theo là bị tê, da bị viêm hoặc đổi màu. Da có thể trở nên cứng hoặc giống như sáp khi tình trạng tê cóng trở nên trầm trọng hơn và tình trạng tê cóng nghiêm trọng xuất hiện.
Tình trạng tê cóng nghiêm trọng xảy ra khi da và mô bên dưới đóng băng, ngừng lưu thông máu. Khi điều này xảy ra, cắt cụt đôi khi là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, hiện giờ thì [bệnh nhân] có thể được chích Aurlumyn vào chỗ mô đóng băng để ngăn máu đông lại.
Tình trạng tê cóng nghiêm trọng có thể là nguy cơ khi tham gia các môn thể thao mạo hiểm như leo núi, và cũng là nguy cơ của những người vô gia cư, trẻ em và người già. Cho dù tình huống của người đó là gì đi nữa thì việc ở ngoài trời lạnh trong thời gian dài cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị tê cóng và có thể khiến cho kết cục của chấn thương trở nên trầm trọng hơn.
Đặc biệt, những người bị một số bệnh lý nhất định, bao gồm bệnh mạch máu ngoại biên, suy dinh dưỡng, bệnh Raynaud, tiểu đường, suy giáp, viêm khớp và tai biến mạch máu não, có nguy cơ bị tê cóng cao hơn. Những người sống ở độ cao lớn hoặc nơi có gió lạnh lớn cũng có nguy cơ cao hơn.
Mang lại hy vọng mới cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn
Việc phê chuẩn loại thuốc này mang lại một lựa chọn đáng khích lệ cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang điều trị cho những bệnh nhân bị tê cóng nghiêm trọng. Mặc dù cần có các nghiên cứu bổ sung để hiểu rõ hơn về tác động lâu dài và các công dụng tiềm năng khác của Aurlumyn, nhưng việc phê chuẩn này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực y tế.
Khánh Nam biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.