‘Không đường’ không có nghĩa là tốt cho sức khỏe

Các chất làm ngọt nhân tạo dán nhãn không đường có thể gây hại cho sức khoẻ của bạn

Một người bạn của tôi bị bệnh tiểu đường, anh ấy luôn uống nước giải khát không đường vì cho rằng những loại nước này không có hại. Tuy nhiên, đây chỉ là sự tưởng tượng bởi vì những sản phẩm gắn nhãn không đường mà bạn tin là tốt cho sức khỏe có thể gây tác dụng ngược lại.

Các loại chất làm ngọt nhân tạo phổ biến

Như chúng ta đã biết, tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt có thể dẫn đến các bệnh như tiểu đường, tăng mỡ máu, béo phì, khối u và các bệnh tự miễn, gây hại cho sức khỏe con người. Kết quả là, chất làm ngọt không đường đã được phát triển và dần trở thành một ngành công nghiệp rộng lớn.

Chất làm ngọt nhân tạo là một chất tổng hợp thường ngọt hơn đường nhưng không chứa hoặc chứa rất ít chất này. Trước tiên chúng ta hãy xem xét kỹ hơn một số chất làm ngọt nhân tạo thường được sử dụng.

  • Aspartame: Chất làm ngọt aspartame là có hàm lượng calo rất thấp nhưng có vị ngọt gấp 200 lần so với đường, đó là lý do tại sao nó được sử dụng rộng rãi trong kẹo cao su và đồ uống như Diet Coke.
  • Sucralose: Đây là loại chất ngọt hơn đường khoảng 600 lần và là một thành phần phổ biến trong nhiều loại đồ uống, kẹo và đồ nướng.
  • Saccharin: Saccharin được sử dụng trong kẹo cao su, dược phẩm và các sản phẩm khác.

Chất làm ngọt nhân tạo nguy hiểm cho sức khỏe như thế nào

Mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) coi những chất làm ngọt nhân tạo nói chung là an toàn, nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng những chất này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta. Vậy, những tác hại có thể có của chúng là gì?

Sucralose là một trong những chất tạo ngọt nhân tạo được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, nếu được sử dụng với số lượng lớn trong thời gian dài, chất này cũng có thể gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, làm tăng lượng đường và nồng độ insulin trong máu, đồng thời ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc sử dụng saccharin trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa. Ngoài ra, trong các thí nghiệm trên động vật, người ta đã phát hiện ra rằng saccharin có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Tất nhiên, nguy cơ này vẫn chưa thể kết luận trong các nghiên cứu trên người, nhưng dù sao chúng ta cũng cần cảnh giác.

Aspartame ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và ung thư, các hợp chất trong nó còn có chứa một lượng phenylalanine nhất định, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ não và dây thần kinh, gây đau đầu, thậm chí là động kinh.

Nhắc đến chất tạo ngọt nhân tạo, không thể không nhắc đến xylitol. Xylitol, còn được gọi là sorbitol, có tự nhiên trong một số loại trái cây và rau quả, chẳng hạn như táo gai, mận khô và củ dền. Xylitol ngọt và ít calo. Do đó, chất này thường được sử dụng thay thế đường nhằm tăng độ ngọt cho sản phẩm mà không làm tăng calo. Xylitol được sử dụng rộng rãi trong kẹo cao su, kẹo, phụ gia thực phẩm và các sản phẩm vệ sinh răng miệng.

Mặc dù xylitol an toàn trong hầu hết các trường hợp, nhưng nó vẫn là một hóa chất nhân tạo gây rủi ro cho sức khỏe khi tiêu thụ trong thời gian dài. Ví dụ, xylitol có thể bị phân hủy bởi vi khuẩn đường ruột để tạo ra khí, gây ra các triệu chứng như đầy bụng, tiêu chảy hoặc đau bụng. Uống một lượng đáng kể xylitol trong thời gian dài cũng có thể gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột và các vấn đề về trao đổi chất. Xylitol có hàm lượng calo thấp nhưng nó vẫn có thể gây tăng đột biến lượng đường trong máu. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường nên quan tâm đến lượng xylitol mà họ tiêu thụ.

Hơn nữa, tất cả những chất làm ngọt này có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và do đó làm tăng cân, đặc biệt là ở thanh thiếu niên và trẻ em. Điều này chủ yếu là do mọi người thường nghĩ chất làm ngọt là một chất thay thế ít calo hoặc không có calo, nhưng trên thực tế, ăn chất làm ngọt có thể làm tăng cảm giác thèm đường của chúng ta, từ đó thúc đẩy chúng ta tiêu thụ nhiều calo hơn. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng những chất làm ngọt này có thể dẫn đến tăng cân, bằng cách ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của hệ vi sinh đường ruột.

Một nghiên cứu đăng trên Tập san Nature năm 2014 cho thấy chất thay thế đường có thể biến đổi thành phần vi khuẩn đường ruột, từ đó gây kháng insulin và cản trở quá trình chuyển hóa glucose của cơ thể.

Những người thường xuyên tiêu thụ chất làm ngọt cũng dễ bị trầm cảm hoặc kém tập trung. Một nghiên cứu với 260,000 người tham gia cho thấy những người uống đồ uống có đường nhân tạo có nguy cơ trầm cảm cao hơn, trong khi những người uống cà phê đen hoặc trà không có chất làm ngọt có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.

Do đó, bạn nên sử dụng chất làm ngọt vừa phải trong chế độ bữa ăn của mình hoặc chọn chất tạo ngọt tự nhiên khác thay thế, chẳng hạn như mật ong, xi-rô cây phong hoặc nước dừa. Nếu bạn lo lắng về việc sử dụng các chất phụ gia không đường, bạn có thể tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.

Châu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn