Nghiên cứu: Chất làm ngọt nhân tạo có thể liên quan đến bệnh tim
Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu cho biết các chất làm ngọt nhân tạo có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, và “không nên được coi là một chất thay thế an toàn cho đường.”
Hiện những phát hiện này đang gây ra nhiều tranh cãi.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh vào hôm 08/09. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra thông tin của hơn 100,000 người Pháp trưởng thành, và đánh giá mức tiêu thụ chất ngọt từ đồ uống, sản phẩm từ sữa, chất làm ngọt dạng viên và các sản phẩm khác trước khi so sánh với nguy cơ mắc bệnh tim của họ.
Các cá nhân đã tự báo cáo cách ăn uống, lối sống và tiền sử y tế của bản thân từ năm 2009 đến năm 2021 như một phần của nghiên cứu NutriNet-Sante.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng đây là một nghiên cứu quan sát, do đó sẽ không thể thiết lập quan hệ nhân quả. Và các nhà nghiên cứu cũng không thể loại trừ khả năng các yếu tố không xác định khác có thể đã ảnh hưởng đến kết quả.
Theo nghiên cứu, khoảng 37% những người tham gia nghiên cứu đã tiêu thụ các chất làm ngọt nhân tạo trung bình 42mg mỗi ngày.
Trong thời gian 9 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 1,502 vấn đề về tim, bao gồm đau tim, đột quỵ và đau thắt ngực. Họ cũng cho biết bệnh tim xảy ra ở 346 trong số 100,000 người tiêu thụ nhiều chất làm ngọt nhân tạo, so với 314 ở những người không tiêu thụ.
Nhìn chung, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 9%.
Họ cho biết aspartame có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các biến cố mạch máu não. Bên cạnh đó, acesulfame potassium và sucralose có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng những phụ gia thực phẩm được hàng triệu người tiêu thụ hàng ngày và có mặt trong hàng nghìn loại thực phẩm và đồ uống này, không nên được coi là một chất thay thế lành mạnh và an toàn cho đường. Điều này phù hợp với quan điểm hiện tại của một số cơ quan y tế,” các nhà nghiên cứu đã viết trên BMJ.
Họ nói thêm, “Kết quả cho thấy rằng chất làm ngọt nhân tạo có thể đại diện cho một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi để phòng ngừa bệnh tim mạch.”
Các nhà nghiên cứu Pháp cho biết những người tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo “có xu hướng trẻ hơn, có chỉ số khối cơ thể cao hơn, hút thuốc nhiều hơn, ít hoạt động thể chất hơn và thường áp dụng thực đơn ăn kiêng giảm cân.” Họ cũng ăn ít rau và trái cây hơn, đồng thời tiêu thụ nhiều “natri, thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, các sản phẩm từ sữa và đồ uống không thêm đường” hơn so với những người không sử dụng chất làm ngọt nhân tạo.
Những tranh cãi xoay quanh chất làm ngọt nhân tạo
Tuy nhiên, một số chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng về những phát hiện mới khi nói rằng nghiên cứu này có thiếu sót.
Ông Naveed Sattar, một giáo sư về y học chuyển hóa tại Đại học Glasgow không tham gia vào nghiên cứu, nói với hãng tin AFP rằng nghiên cứu trên “không thể trả lời câu hỏi được đặt ra.”
Ông nói: “Điều này là do có sự khác biệt lớn về nhiều đặc điểm của những người tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo so với những người không sử dụng.
Bà Tracy Parker, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao tại Quỹ Tim mạch Anh, nói với Telegraph: “Các nghiên cứu quan sát như thế này chỉ có thể cho thấy mối liên quan và cần nghiên cứu hơn để hiểu mối liên quan giữa chất làm ngọt nhân tạo và nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch.”
Bà cho biết thêm: “Mặc dù những phát hiện này không gây ra mối lo ngại quá mức, nhưng bạn nên xem xét lượng đường và chất làm ngọt trong các bữa ăn của mình. Hãy thử cố gắng thay thế đồ uống có ga bằng nước trắng và tăng các loại thực phẩm tốt cho tim mạch, như đậu lăng, các loại hạt và hạt cũng như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.”
Hiệp hội Chất tạo ngọt Quốc tế, một nhóm đại diện cho các nhà sản xuất chất làm ngọt nhân tạo, đã phản ứng với nghiên cứu của Pháp vào hôm 08/09 và nhấn mạnh rằng không có “bằng chứng nhân quả nào cho thấy chất làm ngọt ít/không có calo có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.”
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times