Hướng dẫn cơ bản về ung thư vú: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên
Ngoài ung thư da, ung thư vú là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất ở phụ nữ Hoa Kỳ. Đây cũng là loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu, chiếm 12.5% tổng số ca chẩn đoán mỗi năm. Ung thư vú là một căn bệnh phức tạp bắt nguồn từ mô vú, xảy ra khi các tế bào bất thường bên trong vú nhân lên và phát triển không kiểm soát.
Giải phẫu tuyến vú
Vú bao gồm ba phần chính: tuyến, ống tuyến và mô liên kết. Vú cũng chứa mô bạch huyết. Ung thư vú được phân loại tùy thuộc vào nguồn gốc.
Hiểu được sự khác biệt giữa các mô này có thể giúp bạn nhận ra bất kỳ sự bất thường nào để báo lại cho các bác sĩ về sự hiện diện của ung thư vú.
Vú bao gồm các mô sau:
- Tuyến: Có vai trò sản xuất và bài tiết sữa. Tuyến vú chứa các cấu trúc sản xuất sữa gọi là thùy tuyến, hợp thành từ các tiểu thùy nhỏ hơn. Các thùy nối với núm vú bằng một loạt ống dẫn.
- Ống tuyến: Bao gồm một mạng lưới chặt chẽ gồm các ống nhỏ được gọi là ống dẫn. Ống dẫn giúp vận chuyển sữa từ tiểu thùy đến núm vú. Do tính chất dễ thay đổi của các tế bào nên ung thư vú thường phát triển từ đây.
- Mô liên kết: Các mô liên kết của vú là chất keo gắn kết mọi thứ lại với nhau. Mô liên kết bao gồm các thành phần chất béo và sợi, nâng đỡ các mô tuyến và ống.
- Bạch huyết: Mô bạch huyết hoạt động như một hệ thống thoát nước giúp loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa từ vú. Các hạch bạch huyết nằm dưới cánh tay rất quan trọng cho chẩn đoán.
Các loại ung thư vú phổ biến
Ung thư vú có nhiều loại khác nhau, nhưng có bốn loại phổ biến nhất. Biết được sự khác biệt giữa các loại có thể giúp bệnh nhân và chuyên gia chăm sóc y tế đưa ra chẩn đoán và kế hoạch điều trị.
Nhiều loại ung thư vú đề cập đến khái niệm “tại chỗ,” có nghĩa là “tại vị trí ban đầu.” Dưới đây là một số loại ung thư vú phổ biến nhất:
- Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (Lobular carcinoma in situ – LCIS): Loại này thực chất không phải là ung thư, mà chỉ là các tế bào bất thường không xâm lấn, có nguồn gốc từ mô tiểu thùy. LCIS thường không tạo thành một khối tế bào hoặc xâm lấn các mô xung quanh. LCIS được xem là yếu tố nguy cơ phát triển ung thư vú trong tương lai.
- Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (Invasive lobular carcinoma – ILC): Loại ung thư vú phổ biến thứ hai, ILC bắt đầu ở các tiểu thùy và có thể xâm lấn các mô khác. ILC thường phát triển theo đường thẳng, do đó không nhất thiết tạo thành khối nên khó phát hiện hơn.
- Ung thư biểu mô ống tại chỗ (Ductal carcinoma in situ – DCIS): Đây là dạng ung thư vú không xâm lấn phổ biến nhất, vẫn còn giới hạn trong các ống dẫn sữa. Nếu không được điều trị, DCIS có thể tiến triển thành ung thư biểu mô ống xâm lấn.
- Ung thư biểu mô ống xâm lấn (Invasive ductal carcinoma – IDC): IDC là loại ung thư vú phổ biến nhất ở cả phụ nữ và nam giới, bắt đầu trong ống dẫn sữa và sau đó xâm lấn các mô vú xung quanh. Loại ung thư này có nguy cơ cao di căn sang các khu vực khác của cơ thể.
Các loại ung thư vú hiếm gặp hoặc ít được biết đến hơn bao gồm:
- Bệnh Paget ở vú: Dạng ung thư vú hiếm gặp này bắt đầu ở núm vú và thường tiến triển đến quầng vú (vòng da quanh núm vú). Paget vú thường là kết quả của ung thư biểu mô ống tuyến ở bên dưới da.
- Ung thư biểu mô thể tủy và nhầy: Cả hai loại ung thư hiếm gặp này thường hình thành các khối u sờ thấy được và có tiên lượng tốt. Mặc dù có thể hình thành ở bất cứ đâu nhưng ung thư biểu mô nhầy thường xuất hiện ở vú và được gọi là ung thư biểu mô dạng keo.
- Ung thư vú thể viêm: Dễ bị nhầm là nhiễm trùng vú, loại này hiếm gặp, diễn biến cấp tính khiến vú sưng nề và đỏ.
Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của ung thư vú
Phát hiện sớm ung thư vú giúp cải thiện đáng kể kết quả điều trị. Điều quan trọng là phải hiểu biết các dấu hiệu và triệu chứng sớm của bệnh này.
Những dấu hiệu sớm bao gồm:
- Sự thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc biểu hiện bên ngoài của vú.
- Da vùng ngực bị đỏ.
- Rỗ hoặc lõm mô vú, đặc biệt là xung quanh núm vú.
- Khối u ở vùng vú, nách hoặc quanh xương đòn.
- Tụt núm vú mới xuất hiện lần đầu.
- Thay đổi màu sắc và mật độ của mô xung quanh quầng núm vú.
- Tiết dịch núm vú bất thường.
- Đau núm vú hoặc đau vú.
- Nổi hạch bên dưới cánh tay hoặc xung quanh xương đòn.
Bất kỳ thay đổi nào ở một hoặc cả hai vú đều cần đến gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế.
Nguyên nhân gây ung thư vú?
Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn cần hiểu nhiều hơn về cơ chế chính xác đằng sau sự phát triển của ung thư vú, nhưng mối liên quan phức tạp giữa di truyền và môi trường được cho là nguyên nhân chính. Chỉ có khoảng 1 trong 10 trường hợp ung thư vú có liên quan đến các gene di truyền đã biết, nhưng nhiều gene khác có thể góp phần gây ra căn bệnh này vẫn chưa được phát hiện.
Sinh bệnh học
Cơ thể con người được tạo thành từ hàng nghìn tỷ tế bào. Những tế bào này phối hợp hài hòa với nhau để giữ cân bằng nội môi (bên trong) cho cơ thể. Tế bào già, cũ chết đi một cách tự nhiên và được thay thế bằng tế bào mới. Đây là quá trình tái tạo tế bào.
Thỉnh thoảng DNA trong tế bào bị tổn thương, khiến tế bào nhân lên nhanh chóng. Việc mất cơ chế kiểm soát do DNA có thể dẫn đến hình thành khối tế bào khiếm khuyết (khối u). Quá trình này có thể dẫn đến ung thư.
Mặc dù vẫn chưa biết đầy đủ hoặc hiểu rõ điều gì kích hoạt những đột biến này trong DNA của tế bào, nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố quan trọng góp phần đáng kể vào sự phát triển của ung thư vú.
Ung thư vú phát triển qua quá trình sau:
- Thay đổi di truyền ở cấp độ tế bào: Những đột biến này có thể được di truyền từ cha mẹ hoặc xảy ra một cách tự nhiên.
- Phân chia tế bào nhanh chóng: Tiếp theo, các tế bào tổn thương phân chia và phát triển nhanh chóng. Những thay đổi trong cấu trúc DNA đã phá vỡ những giới hạn tăng trưởng bình thường của tế bào, khiến tế bào phân chia không ngừng.
- Hình thành khối u: Một khối u bao gồm các tế bào bị tổn thương bắt đầu hình thành và phát triển bên trong mô vú. Trong các trường hợp ung thư vú, phổ biến nhất là hình thành các khối u ở các mô tiểu thùy hoặc ống dẫn sữa. Các khối u vú cũng có thể được phân loại là xâm lấn hoặc không xâm lấn tùy thuộc vào việc chúng có xâm lấn sang các mô xung quanh hay không.
- Xâm lấn các mô xung quanh và di căn: Ung thư vú xâm lấn xảy ra khi các tế bào ung thư xuyên qua thành của các tiểu thùy hoặc ống dẫn, xâm nhập vào các mô xung quanh. Nếu không được điều trị, ung thư vú xâm lấn có khả năng di căn ra các khu vực khác của cơ thể thông qua đường bạch huyết hoặc đường máu.
Các giai đoạn của ung thư vú
Ung thư vú phát triển theo từng giai đoạn. Biết các giai đoạn là rất quan trọng với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế trong việc đưa ra kế hoạch điều trị. Khi đã chẩn đoán xác định ung thư vú, bước tiếp theo là xác định mức độ lan tràn của ung thư. Quá trình phức tạp này được gọi là đánh giá giai đoạn. Các yếu tố được sử dụng để xác định giai đoạn bao gồm kích thước khối u, di căn hạch, di căn xa, thụ thể hormone và độ mô học.
Ví dụ về giai đoạn ung thư vú bao gồm:
- Giai đoạn 0: Ung thư đã được phát hiện ở giai đoạn sớm nhất, vẫn ở nguyên tại chỗ và chưa lan rộng.
- Giai đoạn 1: Ung thư đã lan ra khỏi vị trí ban đầu đến các mô xung quanh hoặc thậm chí đến hạch bạch huyết vùng. Một khối u có thể đã hình thành hoặc vẫn chỉ là những tế bào ung thư riêng biệt. Tùy thuộc vào kích thước và mức độ lan rộng của khối u, giai đoạn này có thể có chia thành giai đoạn 1A và 1B.
- Giai đoạn 2: Ung thư đã to lên, lan rộng hoặc cả hai. Khối u hiện tại có kích thước từ 2 đến 5cm và có thể có tế bào ung thư ở 2 hoặc 3 hạch vùng. Tùy thuộc vào kích thước và mức độ lan rộng của khối u, giai đoạn này cũng có thể chia thành giai đoạn 2A và 2B.
- Giai đoạn 3: Giai đoạn này có ba điểm khác biệt:
- Giai đoạn 3A: Khối u lớn hơn 5cm và di căn đến 1 – 3 hạch nách. Ngoài ra, có thể không có khối u nhưng tế bào ung thư di căn 4 – 9 hạch nách hoặc hạch vú trong.
- Giai đoạn 3B: Ung thư xâm lấn thành ngực hoặc da vú.
- Giai đoạn 3C: Khối u với mọi kích thước xâm lấn da vú, gây loét hoặc sưng tấy. Ung thư cũng có thể đã xâm lấn thành ngực. Ung thư cũng có thể di căn trên 10 hạch nách.
- Giai đoạn 4: Ung thư đã lan ra ngoài vú và di căn đến các hạch bạch huyết ở xa hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Ai có nhiều khả năng bị ung thư vú
Sự phát triển của ung thư vú bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Giới tính: Ung thư vú chủ yếu gặp ở phụ nữ.
- Tiền sử gia đình: Có người thân thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai bị bệnh ung thư vú làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh. Người thân thế hệ thứ nhất bao gồm mẹ, chị gái và con gái.
- Di truyền: Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, khoảng 5 – 10% ung thư vú có thể bắt nguồn từ đột biến gene BRCA1 và BRCA2 được di truyền từ cha hoặc mẹ. Khoảng 50 – 72% phụ nữ thừa hưởng một trong những đột biến có hại của gene này sẽ phát triển ung thư vú ở độ tuổi 70 hoặc 80.
- Hormone: Hai trong số các hormone nữ là estrogen và progesterone. Khi mất cân bằng, cả hai đều có thể góp phần đáng kể vào sự phát triển của ung thư vú. Có quá nhiều estrogen làm tăng nguy cơ bị bệnh ở phụ nữ.
- Hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC): Những hóa chất phổ biến này được biết là góp phần vào sự phát triển ung thư vú. Phơi nhiễm có thể xảy ra khi tiếp xúc với dụng cụ nấu nướng, nhựa và các sản phẩm vệ sinh hàng ngày. Các chất gây rối loạn nội tiết ngăn chặn các thụ thể estrogen, làm tăng estrogen tự do trong cơ thể. Các EDC phổ biến bao gồm dioxin, nhựa, paraben, thuốc trừ sâu và phthalate.
- Các yếu tố về lối sống và môi trường: Thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc và uống nhiều rượu đều có thể góp phần vào sự phát triển của ung thư vú.
- Căng thẳng: Căng thẳng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhiều bệnh tật, bao gồm cả ung thư vú. Căng thẳng khiến cơ thể sản sinh ra lượng hormone cortisol ở mức cao. Nồng độ cortisol quá cao trong thời gian dài có thể góp phần làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.
Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ không đồng nghĩa sự phát triển của ung thư vú. Trên thực tế, nhiều người sống cả đời với nhiều yếu tố nguy cơ nhưng không bao giờ phát triển căn bệnh này. Tiếp tục nghiên cứu là điều cần thiết để cải thiện các phương pháp phát hiện sớm và các phương pháp điều trị ung thư vú.
Ung thư vú ở nam giới
Nam giới có thể bị ung thư vú. Mặc dù nguy cơ thấp hơn đáng kể so với phụ nữ, nhưng nam giới vẫn cần phải nói chuyện với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế về bất kỳ thay đổi nào họ có thể nhận thấy ở mô vú trên cơ thể.
Các dấu hiệu, triệu chứng và nguyên nhân gây ung thư vú ở nam giới cũng giống như ở phụ nữ.
Chẩn đoán ung thư vú
Một số xét nghiệm và thủ thuật có thể giúp các chuyên gia chăm sóc y tế phát hiện những bất thường và xác định có ung thư hay không. Đây là lý do tại sao việc trao đổi thường xuyên với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế về sức khỏe tuyến vú là rất quan trọng.
Ngay cả khi không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng của bệnh ung thư vú, hãy theo dõi tuyến vú thường xuyên, đặc biệt là sau 40 tuổi.
Việc phát hiện sớm ung thư vú tạo ra nhiều khác biệt về khả năng và kết quả điều trị. Các xét nghiệm sau đây có thể giúp sàng lọc ung thư vú:
- Tự kiểm tra vú thường xuyên: Học cách tự kiểm tra vú đúng cách là rất quan trọng. Sờ nắn tìm kiếm các u cục và điểm bất thường ở từng vú bằng tay. Mặc dù đây là một công cụ sàng lọc quan trọng nhưng không phải là công cụ duy nhất được sử dụng.
- Khám vú bởi nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế: Việc này nên được thực hiện thường xuyên. Sờ nắn mô vú bằng tay để tìm các u cục, các bất thường về màu sắc và dịch tiết cũng như độ dày của các mô.
- Đo nhiệt độ vú: Hình ảnh hồng ngoại của vú với độ phân giải cao có thể giúp sàng lọc ung thư. Tuy nhiên, có rất ít hoặc không có bằng chứng cho thấy tác dụng phát hiện ung thư đủ sớm, [thời điểm] mà có khả năng điều trị tốt nhất. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo không nên sử dụng phương pháp đo nhiệt độ để thay thế chụp nhũ ảnh.
- Chụp nhũ ảnh: Đây là một xét nghiệm tiêu chuẩn dùng tia X để chụp hình mô vú. Các loại chụp nhũ ảnh bao gồm:
- Chụp nhũ ảnh kỹ thuật số 2D: Còn được gọi là chụp nhũ ảnh kỹ thuật số toàn trường (FFDM), xét nghiệm này kết hợp tia X và tín hiệu điện để chụp nhũ ảnh.
- Chụp nhũ ảnh 3D: Xét nghiệm này sử dụng tia X liều thấp được tạo góc đặc biệt để cho hình ảnh chính xác của các lát rất mỏng, giống như hình ảnh MRI. Xét nghiệm này rất hữu ích cho những người có mô vú dày đặc.
- MRI vú: Xét nghiệm này tạo ra hình ảnh chi tiết hơn về mô vú bằng tần số và sóng điện từ.
- Sinh thiết: Sinh thiết vú liên quan đến việc lấy ra một lượng nhỏ mô vú được xem là bất thường. Có một số loại sinh thiết.
- Chụp vú phân tử (MBI): Xét nghiệm này bao gồm một chất đánh dấu phóng xạ được chích vào cánh tay sau đó di chuyển đến mô vú. Tiếp đó, một camera sẽ chụp ảnh chất đánh dấu.
- Siêu âm: Mặc dù thường không được sử dụng trong sàng lọc ung thư vú nhưng siêu âm có thể giúp phát hiện những thay đổi ở vú và đặc biệt hữu ích ở những người có mô vú dày đặc.
Biến chứng của ung thư vú
Chẩn đoán ung thư vú có thể dẫn đến một số biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc. Các biến chứng có thể rất khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn, vị trí và loại ung thư vú và cách điều trị.
Dưới đây là một số biến chứng thường gặp liên quan đến ung thư vú và điều trị:
- Mệt mỏi tăng dần: Mệt mỏi là một triệu chứng phổ biến và dai dẳng ở nhiều bệnh nhân ung thư vú. Nguyên nhân có thể là do chính bệnh ung thư, phương pháp điều trị, mất cân bằng nội tiết tố, căng thẳng và rối loạn cảm xúc.
- Căng thẳng về cảm xúc và tâm lý xã hội: Chẩn đoán ung thư vú có thể gợi đến nhiều loại cảm xúc. Những cảm xúc này có thể thay đổi mà không cần báo trước và trở thành gánh nặng trong cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.
- Phù bạch huyết: Tình trạng này sưng nề cục bộ sau khi loại bỏ các mô bạch huyết, gây tắc nghẽn bạch huyết.
- Triệu chứng mãn kinh: Những triệu chứng này có thể xảy ra do mất cân bằng nội tiết tố, các phương pháp điều trị như hóa trị và liệu pháp hormone.
- Các vấn đề về sức khỏe xương: Tùy thuộc vào phương pháp điều trị, sức khỏe của xương có thể bị ảnh hưởng. Các liệu pháp nội tiết trong điều trị ung thư vú có thể dẫn đến mất mật độ xương làm xương giòn, dễ gãy hơn.
- Các vấn đề về tim mạch: Một số phương pháp điều trị ung thư vú như xạ trị, có thể gây tổn thương các mô kế cận như tim. Các tác nhân hóa trị cũng có thể gây độc cho tim.
Các bác sĩ phải theo dõi bệnh nhân về tất cả các biến chứng kể trên trong quá trình điều trị ung thư vú.
Điều trị ung thư vú
Điều trị ung thư vú phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm vị trí, loại [mô bệnh học] và giai đoạn bệnh. Mong muốn cá nhân cũng được quan tâm đến khi xây dựng kế hoạch chăm sóc.
Các phương pháp điều trị ung thư vú:
- Ức chế hoặc phong tỏa estrogen nếu khối u có thụ thể estrogen.
- Các phẫu thuật như cắt u và cắt tuyến vú để loại bỏ các tế bào và khối u bất thường.
- Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú để loại bỏ toàn bộ vú và các mô xung quanh, chẳng hạn như các hạch bạch huyết.
- Hóa trị sử dụng thuốc để phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư.
- Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Liệu pháp nhắm trúng đích để phát hiện các protein nhất định có trong tế bào ung thư.
Kế hoạch điều trị nên được cá thể hóa mức độ cao để đạt kết quả tốt nhất.
Ảnh hưởng của tinh thần đến ung thư vú
Các chiến lược chẩn đoán ung thư vú nên quan tâm đến tâm trí, thể chất và tinh thần khi ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ mối liên quan sâu sắc giữa tâm trí, thể chất và tinh thần. Chúng ta ngày càng thấy rõ cách suy nghĩ đóng một vai trò rất lớn trong việc điều trị và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau khi chẩn đoán ung thư vú.
Nghiên cứu cho thấy lối suy nghĩ tích cực, kiên cường đóng vai trò quan trọng trong việc đối mặt với chẩn đoán, điều trị, và nâng cao chất lượng cuộc sống. Cảm giác như có một hệ thống trợ giúp nhất quán là điều quan trọng trong việc nuôi dưỡng một tâm thái kiên cường.
Hướng suy nghĩ tích cực trong điều trị ung thư vú có liên quan đến:
- Giảm cơn đau.
- Giảm đau khổ tâm lý.
- Giảm trầm cảm.
- Tăng cảm giác được trợ giúp.
- Tuân theo các phác đồ điều trị tốt hơn.
- Khả năng chịu đựng cao hơn đối với các tác dụng phụ bất lợi có thể xảy ra với các phương pháp điều trị khác nhau.
- Chất lượng cuộc sống tốt hơn
Các phương pháp tiếp cận tự nhiên với bệnh ung thư vú
Nhiều bệnh nhân ung thư vú sẵn sàng thử các cách điều trị thay thế ngoài các phương pháp thông thường mà bác sĩ khuyên dùng. Điều này ngày càng phổ biến hơn khi bệnh nhân được giáo dục nhiều hơn về mọi lĩnh vực sức khỏe.
Những liệu pháp tự nhiên cũng có thể được sử dụng cùng với, thậm chí giúp giảm thiểu một số tác dụng phụ của các phương pháp Tây y.
1. Liệu pháp bổ trợ
- Thiền định: Thiền định và các kỹ thuật cơ thể – tâm trí khác, chẳng hạn như yoga, có thể giúp thả lỏng cơ thể, cải thiện cảm xúc và giảm căng thẳng. Những kỹ thuật này cải thiện toàn diện chất lượng cuộc sống, tăng khả năng phục hồi trong quá trình điều trị ung thư vú.
- Ăn thực phẩm toàn phần: Tránh thực phẩm chế biến sẵn sẽ cải thiện sức khỏe toàn diện.
Bổ sung vitamin và khoáng chất có thể giúp cơ thể cân bằng và hoạt động tốt.
- Hoạt động thể chất thường xuyên: Tập thể dục giúp tăng chức năng tim mạch, cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.
- Liệu pháp mùi hương: Đây là một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng, thả lỏng cơ thể, giảm tác dụng phụ buồn nôn.
- Châm cứu: Phương pháp Trung y này giúp cải thiện sức khỏe bằng cách loại bỏ tắc nghẽn và ứ trệ năng lượng, cân bằng nội tâm, và cải thiện cách suy nghĩ.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Liệu pháp tâm lý này có thể đem lại lợi ích cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư vú.
- Kỹ thuật tự do cảm xúc (EFT): EFT đưa ra cách chữa lành những trải nghiệm cảm xúc trong quá khứ, cho phép một người tiến về phía trước và cảm thấy bình yên hơn. EFT cũng đã được chứng minh là làm giảm tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư vú.
2. Thảo dược
Có nhiều phương pháp điều trị thông thường cho bệnh ung thư vú, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Các phương pháp điều trị tự nhiên như thảo dược, cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng, chống lại tác dụng phụ bất lợi của điều trị, cải thiện tiên lượng và kết cục.
Kể từ thuở sơ khai của nhân loại, các loại thảo dược đã là một phần trong phương pháp điều trị và ngăn ngừa bệnh tật của chúng ta. Một số phương thuốc thảo dược trợ giúp điều trị và chữa lành bệnh ung thư vú bao gồm:
- Tỏi chứa hợp chất sulfuric có tác dụng kích thích đại thực bào và tế bào lympho, cản trở quá trình chuyển hóa tế bào khối u.
- Trà xanh dồi dào polyphenol có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u.
- Nghệ chứa các hợp chất chống viêm mạnh.
- Cúc tím chứa flavonoid kích thích miễn dịch.
- Nhân sâm giúp ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của khối u.
- Mao lương có thể làm giảm các triệu chứng của hóa trị và xạ trị. Hãy thảo luận về việc dùng chất bổ sung này với bác sĩ ung thư trước khi dùng vì mao lương đem lại một số kết quả [điều trị] trái ngược nhau.
- Hạt lanh chứa các hợp chất được chứng minh là làm giảm gánh nặng u. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ ung thư trước khi bổ sung hạt lanh.
Chúng tôi luôn khuyến khích phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế để thực hiện kế hoạch chăm sóc tốt nhất. Đây không phải là phương pháp điều trị hoàn chỉnh cho bệnh ung thư vú; thay vào đó, các loại thảo dược là những chất bổ sung để trợ giúp quá trình chữa lành và phục hồi.
Ngăn ngừa ung thư vú
Mặc dù yếu tố kích hoạt tạo ra các tế bào ung thư vẫn chưa được biết chính xác, nhưng có thể có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ phát triển ung thư vú.
Việc phòng ngừa căn bệnh này bắt đầu từ việc hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh. Điều cần thiết là phải đi kiểm tra ung thư vú thường xuyên như một phần của việc kiểm tra sức khỏe toàn diện hàng năm.
Có một số cách giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, bao gồm:
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times