Cứ 5 phụ nữ thì có 1 người muốn trì hoãn chụp nhũ ảnh
Một nghiên cứu mới phát hiện rằng hầu hết phụ nữ muốn trì hoãn chụp nhũ ảnh đều có nguy cơ mắc ung thư vú thấp.
Nếu được cho biết về tác hại và lợi ích của việc sàng lọc, có khoảng 20% phụ nữ ở độ tuổi 40 sẽ trì hoãn việc tầm soát ung thư vú cho đến khoảng 50 tuổi, theo kết quả khảo sát vào ngày 16/07 trên Annals of Internal Medicine (Tập san Biên Niên Sử Nội Khoa),
Nghiên cứu phát hiện rằng những phụ nữ quyết định trì hoãn chụp nhũ ảnh, một phương pháp chẩn đoán hình ảnh để phát hiện sớm ung thư vú, thường có nguy cơ mắc ung thư vú thấp và thường lo ngại về những tác hại của chẩn đoán quá mức.
Các tác giả nghiên cứu từ Đại học Colorado viết, “Những lý do trì hoãn việc sàng lọc bao gồm không có tiền sử gia đình, nguy cơ ung thư thấp và lo ngại về tác hại của việc sàng lọc.”
“Những dữ liệu này cho thấy nhiều người muốn trì hoãn việc sàng lọc đang cân nhắc các bằng chứng và quyết định rằng việc chụp nhũ ảnh ở độ tuổi hiện tại của họ gây hại nhiều hơn lợi,” các tác giả viết.
Gần 20% người thay đổi quyết định sàng lọc sau khi biết thông tin
Cuộc khảo sát đã đánh giá gần 500 phụ nữ trong độ tuổi từ 39 đến 49. Phụ nữ được cung cấp một công cụ để giúp họ quyết định có nên tham gia sàng lọc ung thư vú hay không. 2/3 số phụ nữ đã chụp nhũ ảnh trước đó.
Công cụ hỗ trợ quyết định tiết lộ những tác hại có thể xảy ra của việc chẩn đoán quá mức. Ví dụ, công cụ này lưu ý rằng 239 trong số 1,000 phụ nữ từ 40 đến 49 tuổi có kết quả dương tính giả khi chụp nhũ ảnh, và 220 người từ 50 đến 59 tuổi cho kết quả dương tính giả.
Công cụ này cũng cho biết việc bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi 40 sẽ cứu thêm 1 mạng sống trong số 1,000 người được sàng lọc. Tuy nhiên, công cụ không truyền đạt những lợi ích khác của việc phát hiện sớm, chẳng hạn như khả năng điều trị ít xâm lấn hơn nếu phát hiện ung thư.
Những người tham gia khảo sát cũng được cung cấp điểm rủi ro ung thư vú cá nhân dựa trên công cụ tính toán rủi ro của Viện Ung thư Quốc gia.
Hầu hết phụ nữ (57.2%) muốn chụp nhũ ảnh ngay cả khi được thông báo về lợi ích và tác hại tiềm ẩn của nó.
Trước khi đọc hướng dẫn quyết định, 8% cho biết họ muốn trì hoãn chụp nhũ ảnh. Sau khi đọc, 18% cho biết họ sẽ trì hoãn chụp nhũ ảnh cho đến 50 tuổi.
Hầu hết phụ nữ chọn trì hoãn việc tầm soát là những người được cho là có nguy cơ ung thư vú thấp hơn, trong khi những người có nguy cơ ung thư vú cao lại không muốn trì hoãn việc tầm soát.
Tuy nhiên, các tác giả không thấy có sự gia tăng về số lượng phụ nữ cho biết không bao giờ muốn chụp nhũ ảnh sau khi đọc hướng dẫn hỗ trợ ra quyết định.
Ngạc nhiên trước dữ liệu chẩn đoán quá mức
Mặc dù chụp nhũ ảnh có thể cứu sống người bệnh, nhưng cũng đi kèm với một số rủi ro nhất định, bao gồm kết quả dương tính giả (không có ung thư nhưng kết quả trả lời là ung thư,) sinh thiết không cần thiết và chẩn đoán quá mức.
Kết quả dương tính giả khá phổ biến. Một nghiên cứu cho thấy cứ 10 phụ nữ được sàng lọc ung thư vú lần đầu thì có một người nhận được kết quả dương tính giả.
Theo một nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia, tại Hoa Kỳ, khả năng một phụ nữ dương tính với ung thư vú khi chụp X-quang thực sự mắc bệnh này là khoảng 7%. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ này có thể thay đổi từ thấp tới 4% đến cao tới khoảng 50%.
Kết quả khảo sát cho thấy 37% phụ nữ rất ngạc nhiên trước số liệu thống kê về tình trạng chẩn đoán quá mức.
Gần như cùng tỷ lệ phụ nữ đó cũng báo cáo rằng dữ liệu về tình trạng chẩn đoán quá mức “rất khác” so với những gì họ biết trước đây.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times