Nhịn ăn gián đoạn làm chậm sự tiến triển của ung thư vú bộ ba âm tính

Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể giúp ích cho những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú bộ ba âm tính, là loại ung thư có tiên lượng xấu nhất do có rất ít lựa chọn điều trị.

Ung thư vú bộ ba âm tính (Triple-Negative Breast Cancer – TNBC) là loại ung thư vú không có biểu hiện thụ thể hormone, chiếm 10%-15% trong tổng số trường hợp ung thư vú. Ung thư vú bộ ba âm tính phát triển nhanh, tỷ lệ tái phát cao.

Theo một phân tích gộp trên Nutrients (Tập san Dinh dưỡng) ngày 01/07, nhịn ăn gián đoạn có thể giúp ích cho phụ nữ béo phì hoặc thừa cân.

Nhóm nghiên cứu viết, “Những can thiệp lối sống như nhịn ăn gián đoạn có thể mang lại triển vọng lạc quan để cải thiện tiên lượng và khả năng sống sót ở bệnh nhân ung thư vú bộ ba âm tính (TNBC) liên quan đến béo phì, giúp giảm béo phì và giảm gánh nặng tử vong do TNBC.”

Theo các nghiên cứu trước đây, tình trạng thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú bộ ba âm tính ở phụ nữ và làm tiên lượng chung của bệnh xấu đi.

Tỷ lệ sống sót của ung thư vú bộ ba âm tính phụ thuộc vào giai đoạn ung thư được chẩn đoán. 5 năm sau chẩn đoán, những người mắc ung thư tại chỗ (giai đoạn 0–1) có tỷ lệ sống sót là 90%, trong khi những người ở giai đoạn 4 hoặc ung thư đã di căn xa có tỷ lệ sống sót là 10%.

Mặc dù nghiên cứu lưu ý rằng mối liên hệ giữa ung thư vú bộ ba âm tính và béo phì “vẫn còn gây tranh cãi,” nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh mối liên hệ giữa hai bệnh lý này.

Ví dụ, nghiên cứu trước đây cho thấy mỡ dư thừa có thể ảnh hưởng đến ung thư vú theo nhiều phương diện. Theo Medical News Today, mỡ thừa có thể khiến cơ thể sản xuất quá nhiều estrogen, kích thích sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư ở vú. Ngoài ra, mỡ dư thừa có thể làm tăng mức leptin, một loại hormone chịu trách nhiệm duy trì cân nặng. Quá nhiều leptin có thể dẫn đến tăng cân. Hơn nữa, mô mỡ dư thừa có thể làm suy yếu khả năng đề kháng với khối u do những thay đổi cấu trúc mô. Cuối cùng, quá nhiều mô mỡ có thể dẫn đến căng thẳng oxy hóa và viêm mạn tính, gián đoạn sự phát triển của tế bào và các chất điều hòa chuyển hóa của cơ thể.

Một nghiên cứu năm 2022 trên BMC Cancer (Tập san Ung thư BMC) cũng phát hiện rằng ở người béo phì, cytokine do các tế bào mỡ kháng insulin tiết ra có thể làm ung thư vú bộ ba âm tính phát triển và lan rộng khắp cơ thể.

Các tác giả của nghiên cứu trên Nutrients đưa ra giả thuyết rằng, “Có thể gia tăng tỷ lệ sống sót ở những người mắc bệnh ung thư liên quan đến béo phì nếu loại bỏ gánh nặng béo phì.”

Nhịn ăn gián đoạn có ích cho ung thư vú

Nhịn ăn gián đoạn có liên quan đến một số lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm cân, cải thiện chức năng miễn dịch và độ nhạy insulin, giảm căng thẳng oxy hóa, giảm viêm và tăng tuổi thọ.

Về ung thư, các tác giả viết, “Nhịn ăn gián đoạn được cho là có tác dụng chống ung thư, cải thiện hiệu quả hóa trị, giảm tỷ lệ mắc ung thư, hỗ trợ phòng ngừa ung thư và chống lại độc tính của hóa trị.”

Nhịn ăn gián đoạn làm chậm quá trình tiến triển của ung thư vú bộ ba âm tính liên quan đến béo phì bằng nhiều cách, bao gồm phá vỡ chu kỳ tế bào ung thư, giảm mức glucose, cholesterol và các yếu tố gây viêm. Nhịn ăn gián đoạn có hiệu quả hơn ở người béo phì so với người có cân nặng bình thường, làm giảm trọng lượng cơ thể và kích thước khối u.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn