Hướng dẫn cơ bản về bệnh gan nhiễm mỡ: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Tình trạng nhiễm mỡ có thể khiến lá gan dễ bị viêm và để lại sẹo, tiến triển thành xơ gan, ung thư gan hoặc suy gan.
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, đảm nhiệm việc chuyển hóa chất dinh dưỡng, lọc bỏ chất độc và sản xuất các protein thiết yếu. Gan chịu trách nhiệm chuyển hóa chất béo nên sự tích tụ chất béo trong các cơ quan thường xảy ra nhất ở gan. Nếu lượng chất béo tích tụ này vượt quá 5% trọng lượng của gan thì gan được xem là gan nhiễm mỡ.
Khoảng 1/4 người Mỹ bệnh gan nhiễm mỡ và khoảng 5% bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến việc sử dụng rượu. Mặc dù hầu hết các trường hợp gan nhiễm mỡ không gây ra vấn đề trầm trọng hoặc làm gián đoạn chức năng gan, nhưng có thể khiến cơ quan này dễ bị viêm và để lại sẹo xơ hơn, đồng thời có thể tiến triển theo thời gian thành xơ gan, ung thư gan hoặc suy gan.
Ba loại bệnh gan nhiễm mỡ
Có ba loại bệnh gan nhiễm mỡ chính: bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD) và bệnh gan nhiễm mỡ trong thai kỳ
1. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là dạng bệnh gan nhiễm mỡ phổ biến nhất ở những người không uống quá nhiều rượu. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là bệnh gan mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, ảnh hưởng đến 25% dân số toàn cầu. Đây cũng là bệnh gan phổ biến ở trẻ em và tỷ lệ lưu hành đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập niên qua.
Vào tháng 06/2023, một nhóm chủ yếu bao gồm các nhà nghiên cứu về gan và bác sĩ lâm sàng đã đề nghị đổi tên bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu vì họ nhận thấy các từ “không do rượu” và “nhiễm mỡ” này mang tính kỳ thị. Họ đề nghị thay đổi thuật ngữ này thành bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chức năng chuyển hóa (MASLD). Đề nghị của nhóm cũng sửa đổi tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ. Dựa trên các tiêu chí mới của họ, một nghiên cứu riêng biệt cho thấy tỷ lệ bị MAFLD cao hơn NAFLD trong dân số nghiên cứu, với hơn 40% dân số phù hợp với chẩn đoán thay vì 31%.
2. Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD)
Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD) còn được gọi là viêm gan nhiễm mỡ do rượu, liên quan trực tiếp đến việc uống quá nhiều rượu.
3. Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ
Một dạng bệnh gan nhiễm mỡ hiếm gặp khác là gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ (AFLP). Khoảng 3% thai phụ gặp phải các chứng rối loạn gan khác nhau khi mang thai, một số trong đó có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và con.
Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra ở 5 trên 100,000 thai phụ. Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ đặc trưng bởi rối loạn chức năng gan cấp tính, thường xảy ra sau 20 tuần tuổi thai. Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ cần được chăm sóc và can thiệp y tế ngay lập tức để tránh các biến chứng trầm trọng có thể gây ra. Trong những năm gần đây, việc chẩn đoán nhanh hơn và sinh con kịp thời đã làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ do bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ xuống còn 4%.
Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ AFLP là bệnh không rõ nguyên nhân, không thể đoán trước và không thể dự phòng. Các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn và nôn, đau bụng và sưng tấy, tăng huyết áp, vàng da, các vấn đề về đông máu và lú lẫn.
4 giai đoạn của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Hầu hết những người bị NAFLD thường chỉ trải qua giai đoạn đầu, thậm chí thường không nhận thức được điều đó.
- Tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFL): Còn được gọi là gan nhiễm mỡ đơn giản hoặc gan nhiễm mỡ, NAFL được đặc trưng bởi sự tích tụ chất béo trong tế bào gan mà không bị viêm đáng kể và thường vô hại. Tuy nhiên, có thể có cảm giác khó chịu hoặc đau bụng do gan to. Hầu hết những người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường có tình trạng gan nhiễm mỡ.
- Viêm gan mỡ không do rượu (NASH): NASH là một dạng của NAFLD nghiêm trọng hơn liên quan đến viêm gan. Khoảng 20% NAFLD được chẩn đoán NASH, tương đương 5% người trưởng thành ở Hoa Kỳ. NASH có thể được phân loại thành hai loại: nguyên phát, liên quan đến béo phì và tiểu đường mà không uống quá nhiều rượu, và thứ phát, do thuốc hoặc chất độc gây ra. NASH có thể cùng tồn tại với các bệnh gan khác, chẳng hạn như viêm gan C kinh niên.
- Xơ hóa: Xơ hóa là kết quả của tình trạng viêm gan dai dẳng, hình thành mô sẹo quanh gan và các mạch máu gần đó. Mặc dù vậy, gan vẫn có thể tiếp tục hoạt động bình thường.
- Xơ gan: Xơ gan là giai đoạn tiến triển nặng nhất, xảy ra sau nhiều năm viêm gan. Xơ gan làm cho gan co lại, phát triển sẹo vĩnh viễn, gan xuất hiện nhiều nốt sần sùi. Tổn thương không thể phục hồi này có thể dẫn đến suy gan và/hoặc ung thư gan.
3 giai đoạn của bệnh gan nhiễm mỡ do rượu AFLD
- Gan nhiễm mỡ: Trong giai đoạn này, chất béo tích tụ trong mô gan, khiến gan to ra, có thể dẫn đến khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên bên phải.
- Viêm gan do rượu: Tình trạng viêm tế bào gan xảy ra và kết quả khác nhau tùy thuộc vào mức độ tổn thương. Trường hợp nặng có thể tiến triển đến suy gan.
- Xơ gan do rượu: Các tế bào gan phát triển các mô sẹo xơ, dẫn đến tổn thương gan không hồi phục và các biến chứng như tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
AFLD thường cải thiện khi ngừng uống rượu. Tuy nhiên, việc tiếp tục uống rượu có thể dẫn đến các vấn đề trầm trọng về gan.
Các triệu chứng của gan nhiễm mỡ
Được biết đến là bệnh gan “thầm lặng,” bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng tối thiểu, thường được phát hiện tình cờ khi xét nghiệm các bệnh khác hoặc kiểm tra định kỳ, chẳng hạn như xét nghiệm máu.
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sụt cân.
- Yếu ớt
- Mệt mỏi.
- Buồn nôn, nôn
- Chán ăn
- Đau nhẹ hoặc dai dẳng ở vùng bụng trên bên phải.
- Mạch máu hình mạng nhện trên da.
- Ngứa da
- Vàng da
- Buồn nôn, nôn và chán ăn.
- Phù (sưng ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng).
Nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
- Di truyền
- Cách ăn uống nhiều chất béo và tinh bột tinh chế
- Chức năng hệ tiêu hóa kém
- Một số loại thuốc: corticosteroid, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần, và tamoxifen
Nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ do rượu
Lạm dụng rượu có thể dẫn đến AFLD vì uống rượu có hại cho gan. Khi gan phân hủy rượu để loại bỏ khỏi cơ thể, các chất có hại như acetaldehyde sẽ được tạo ra, làm tổn thương tế bào gan, gây viêm và biến tế bào gan bình thường thành tế bào ung thư.
Hơn nữa, rượu làm giảm chất chống oxy hóa, dẫn đến căng thẳng oxy hóa và sản xuất các gốc tự do có thể gây tổn thương và viêm tế bào gan.
Do đó, lạm dụng rượu có thể gây ra nhiều bệnh gan liên quan đến rượu, bao gồm gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và xơ gan.
Nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
- Tuổi tác: Nguy cơ tăng theo tuổi tác. Những người trên 50 tuổi có nguy cơ cao hơn.
- Giới tính: NAFLD phổ biến hơn ở nam giới, trong khi phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh xơ hóa tiến triển cao hơn.
- Chủng tộc và sắc tộc: Về tỷ lệ mắc NAFLD, người gốc Tây Ban Nha đứng đầu, tiếp theo là người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha, với tỷ lệ xuất hiện thấp hơn ở người da đen.
- Béo phì/thừa cân: Người thừa cân có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 đến 30, trong khi chỉ số BMI của người béo phì là trên 30. Theo nghiên cứu, NAFLD được tìm thấy ở khoảng 75% người thừa cân và hơn 90% người bệnh béo phì nặng. Trọng lượng dư thừa, đặc biệt là quanh eo (tức là hình quả táo), có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh. Cụ thể, rủi ro về sức khỏe của nam giới tăng lên khi chu vi vòng eo trên 40 inch (101.6cm), trong khi phụ nữ phải đối mặt với rủi ro gia tăng khi chu vi vòng eo trên 35 inch (89cm).
- Hội chứng chuyển hóa: Còn được gọi là hội chứng kháng insulin, đây là một nhóm các tình trạng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch vành, tiểu đường, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe quan trọng khác.
- Cao huyết áp.
- Bệnh tiểu đường loại 2.
- Cholesterol và triglycerid cao.
- Giảm cân đột ngột và thói quen ăn uống không lành mạnh.
- Phẫu thuật dạ dày.
- Phẫu thuật điều trị bệnh béo phì.
- Rối loạn đường tiêu hóa.
- Suy tuyến giáp
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Viêm gan C
- Hút thuốc.
- Đói và/hoặc suy dinh dưỡng.
- Các bệnh di truyền hiếm gặp, bao gồm bệnh Wilson và hạ betalipoprotein máu.
- Thuốc chẹn calcium
- Một số loại thuốc trị ung thư.
- Corticosteroid
- Estrogen
- Điều trị HIV
Những người không có các yếu tố nguy cơ này cũng có thể phát triển NAFLD, kể cả trẻ nhỏ.
Nguy cơ gan bị bệnh gan nhiễm mỡ do rượu
- Uống rượu: Đây là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất. Việc tiêu thụ rượu có thể làm tăng đáng kể nguy cơ AFLD, khoảng từ 15 ly trở lên mỗi tuần đối với nam và 8 ly trở lên mỗi tuần đối với phụ nữ trong 10 đến 12 tuổi.
- Giới tính: So với nam giới, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh viêm gan và xơ gan do rượu cao hơn, ngay cả khi tiêu thụ cùng một lượng rượu.
- Viêm gan C
Nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ AFLP
- Thiếu hụt 3 hydroxy acyl CoA dehydrogenase chuỗi dài: Khiếm khuyết chuyển hóa này là yếu tố góp phần quan trọng nhất gây ra AFLP.
- Tiền sử AFLP trong lần mang thai trước.
- Tiền sản giật: Là một rối loạn tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ, tiền sản giật góp phần gây ra 9% đến 26% tử vong mẹ ở các nước thu nhập thấp và 16% ở các nước thu nhập cao.
- Hội chứng HELLP: Tan máu, men gan tăng cao và hội chứng tiểu cầu thấp (HELLP) là một tình trạng thai kỳ hiếm gặp nhưng nguy hiểm đến tính mạng. HELLP liên quan đến sự phá vỡ tế bào máu, các vấn đề về gan, xuất huyết và cao huyết áp. AFLP thường liên quan đến tiền sản giật và sản giật.
- Mang thai nhiều lần.
- Mang thai nhi nam.
Gan nhiễm mỡ được chẩn đoán như thế nào?
Việc phát hiện bệnh gan nhiễm mỡ có thể khó khăn vì nó thường không có triệu chứng đáng chú ý.
Bệnh gan nhiễm mỡ có thể được tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ.
Khi nghi ngờ tình trạng này, các chuyên gia y tế sẽ dựa vào tiền sử bệnh, lựa chọn cách ăn uống, lối sống, khám thực thể và các xét nghiệm khác nhau của từng người để đưa ra chẩn đoán chính xác. Những thử nghiệm này bao gồm:
Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm chức năng gan: Đây có thể là một phần của bảng xét nghiệm máu lớn hơn được gọi là bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), bao gồm cả men gan.
- Thời gian protrombin (PT): Đây là xét nghiệm máu tiêu chuẩn dùng để đánh giá khả năng đông máu và hiệu quả của quá trình đông máu.
- Albumin trong máu: Albumin do gan sản xuất, ngăn chặn sự rò rỉ chất lỏng từ mạch máu, và vận chuyển hormone, vitamin và enzyme.
Chẩn đoán hình ảnh
Các xét nghiệm sau đây được sử dụng để phát hiện sự tích tụ mỡ trong gan và các dấu hiệu khác của bệnh gan nhiễm mỡ:
- Chụp cắt lớp vi tính CT
- Chụp cộng hưởng từ MRI
- Siêu âm
- Đo độ đàn hồi cộng hưởng từ (MRE): Kỹ thuật này cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc đánh giá tình trạng xơ hóa gan.
- Siêu âm đàn hồi gan
Các xét nghiệm khác
- Độ nhạy insulin định lượng: Đây là phương pháp đơn giản nhưng chính xác để đánh giá độ nhạy insulin.
- Xét nghiệm kháng insulin
- Sinh thiết gan
Biến chứng của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
- Xơ gan
- Ung thư biểu mô tế bào gan
- Bệnh gan giai đoạn cuối
Biến chứng của bệnh gan nhiễm mỡ do rượu
- Viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát: Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính của cổ trướng.
- Xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản
- Hội chứng gan phổi: Các mạch máu trong phổi giãn rộng gây ra lượng oxy thấp, đồng thời dẫn đến bệnh gan hoặc huyết áp cao ở gan.
- Tràn dịch màng phổi
- Hội chứng gan thận
- Bệnh não gan
- Ung thư gan: Ung thư biểu mô tế bào gan và ung thư đường mật trong gan có thể phát triển từ AFLD.
- Huyết khối tĩnh mạch cửa
- Bệnh cơ tim xơ gan
Biến chứng của bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ AFLP
- Phù phổi cấp
- Suy gan
- Đông máu nội mạch rải rác
- Tử vong
Các phương pháp điều trị tình trạng gan nhiễm mỡ
1. Điều trị tình trạng gan nhiễm mỡ NAFL
Không có loại thuốc nào được chấp thuận để điều trị NAFL. Các chuyên gia y tế nhằm mục đích giải quyết các yếu tố nguy cơ của NAFL và mọi tình trạng sức khỏe liên quan, bao gồm nồng độ lipid trong máu tăng cao và bệnh tiểu đường loại 2.
Trong hầu hết các trường hợp, NAFL sẽ không tiến triển thành tình trạng nặng và có thể hồi phục.
Nhìn chung, các bác sĩ khuyên nên giảm cân để kiểm soát NAFL. Giảm cân có thể làm giảm mỡ gan, giảm viêm và sẹo. Nếu một người thừa cân hoặc béo phì, việc giảm cân thông qua cách ăn uống cân bằng, lối sống lành mạnh và hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện cả NAFL và NASH.
Chỉ giảm 3% đến 5% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm mỡ gan và giảm 7% đến 10% trọng lượng có thể làm giảm đáng kể tình trạng viêm gan và xơ hóa. Tuy nhiên, giảm cân dần dần là điều cần thiết, vì giảm cân nhanh và suy dinh dưỡng có thể làm trầm trọng thêm bệnh gan.
Thay đổi lối sống có khả năng đảo ngược NAFL bao gồm:
- Đạt và duy trì cân nặng khỏe mạnh: Chỉ số BMI lý tưởng là từ 18.5 đến 24.9.
- Ăn uống cân bằng: ưu tiên trái cây, rau, protein nạc và carbohydrate đồng thời giảm thiểu lượng chất béo, đường và muối, đặc biệt phổ biến trong thực phẩm chế biến sẵn. Khẩu phần ăn nhỏ hơn cũng có thể hữu ích.
- Duy trì hoạt động thể chất: Một người nên tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, chẳng hạn như đi bộ hoặc đạp xe. Bất kỳ hình thức tập thể dục nào cũng có thể mang lại lợi ích cho NAFL, bất kể việc giảm cân.
- Tránh hút thuốc: Tránh hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như đau tim và đột quỵ.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, có khả năng dẫn đến những gián đoạn như kháng insulin. Đảm bảo rằng người lớn ngủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm là điều quan trọng để duy trì sức khỏe tốt.
- Tránh hoặc hạn chế sử dụng các thuốc gây tổn thương gan: Hơn 1,000 loại thuốc có thể gây tổn thương gan bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và acetaminophen.
2. Bệnh viêm gan mỡ không do rượu NASH
Các lựa chọn điều trị NASH bao gồm:
- Thay đổi lối sống: Những thay đổi lối sống trên cũng có thể được thực hiện để quản lý và đảo ngược NASH.
- Vitamin E: Bệnh nhân được chẩn đoán NASH thông qua sinh thiết gan không có các yếu tố phức tạp khác như tiểu đường, bệnh tim nặng hoặc xơ gan có thể được khuyến nghị bắt đầu điều trị liên quan đến vitamin E dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế. Khuyến nghị này xuất phát từ những lợi ích tiềm năng của vitamin E trong việc giảm viêm gan, một khía cạnh quan trọng trong quản lý NASH.
- Điều trị bằng Pioglitazone: Pioglitazone, một loại thuốc trị tiểu đường, có thể cải thiện sức khỏe gan và độ nhạy insulin đồng thời giảm mức đường huyết và các dấu hiệu của gan. Pioglitazone cũng có hiệu quả đối với NASH ở bệnh nhân tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2 kết hợp với NAFLD. Tuy nhiên, nó có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ như lượng đường trong máu thấp, sưng chân, khó chịu ở ngực hoặc dạ dày và đau khớp.
- Phẫu thuật giảm cân (giảm cân): Phẫu thuật giảm béo để điều trị béo phì cũng có thể cải thiện tình trạng gan của bệnh nhân. Tuy nhiên, việc theo dõi chặt chẽ thường xuyên chức năng gan sau phẫu thuật là cần thiết do đôi khi có thể xảy ra các biến chứng về gan do thay đổi dinh dưỡng.
- Ghép gan: Ghép gan là một lựa chọn điều trị cho các giai đoạn tiến triển của NASH và nó giúp cứu sống những người mắc bệnh gan giai đoạn cuối (ESLD) do NASH gây ra. Cấy ghép thường là cách duy nhất để khôi phục chức năng gan bình thường và cứu sống bệnh nhân. Sau khi ghép gan, khả năng NASH tái phát là rất ít. Nhìn chung, NASH là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ghép gan ở Hoa Kỳ.
- Phương pháp điều trị thử nghiệm: Một số loại thuốc có hiệu quả tiềm năng tập trung vào việc giảm xơ hóa và giải quyết các khía cạnh khác trong sự phát triển của NASH đang được thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau.
3. Xơ hóa
Hiện tại không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn nào được thiết lập cho bệnh xơ gan. Cho đến nay, các phương pháp điều trị xơ gan hiện có chủ yếu tập trung vào việc ngăn ngừa các yếu tố ban đầu gây viêm gan, chết tế bào gan và căng thẳng oxy hóa, chẳng hạn như:
- Thuốc kháng virus điều trị viêm gan: Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ức chế nhiễm virus viêm gan, có thể làm giảm viêm gan và chết tế bào gan, cuối cùng làm giảm tổn thương gan và ức chế xơ hóa gan.
- Vitamin: Nghiên cứu đã chứng minh rằng nồng độ vitamin C trong huyết thanh thấp hơn có liên quan đến bệnh xơ gan ở nam giới và người Mỹ trưởng thành thừa cân hoặc béo phì bị NAFLD. Tương tự như vậy, nồng độ vitamin D thấp cũng liên quan đến NAFLD và chứng xơ hóa trầm trọng.
- Ghép gan: Xơ gan nặng có thể dẫn đến xơ gan, suy gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thường cần phải ghép gan.
4. Xơ gan
Không có phương pháp điều trị cụ thể nào để chữa bệnh xơ gan (dù có liên quan đến rượu hay không) và đảo ngược tổn thương gan. Tuy nhiên, giải quyết các nguyên nhân cơ bản và kiểm soát các biến chứng có thể làm chậm sự tiến triển và ngăn ngừa suy gan. Những người bị xơ gan sớm có thể trải qua phẫu thuật giảm cân để điều trị béo phì, giúp cải thiện tình trạng gan. Ghép gan có thể là phương pháp điều trị cần thiết cho bệnh xơ gan và bệnh gan giai đoạn cuối.
5. Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu AFLD
Đối với những người AFLD, việc kiêng uống rượu có thể ngăn chặn sự tiến triển của tổn thương gan ở bất kỳ giai đoạn nào, giảm viêm hoặc thậm chí đảo ngược quá trình này.
Các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ có thể đề nghị liệu pháp dinh dưỡng cho những người bị gan nhiễm mỡ do rượu. Suy dinh dưỡng và béo phì là những vấn đề thường gặp ở bệnh nhân nghiện rượu và có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển và tiến triển của AFLD.
Bệnh nhân viêm gan do rượu không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thông qua ăn uống thông thường nên được dùng thực phẩm bổ sung. Ngoài ra, các phương pháp điều trị sau đây có thể được cân nhắc:
- Corticosteroid: Corticosteroid là phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm gan do rượu nặng ở những bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí cụ thể, mặc dù kết quả còn chưa thống nhất. Corticosteroid hoạt động bằng cách thay đổi sự cân bằng cytokine và giảm các cytokine gây viêm đồng thời tăng các cytokine chống viêm. Các chuyên gia thường khuyên dùng prednisolone, một loại corticosteroid được sử dụng vì đặc tính chống viêm và ức chế miễn dịch. Dữ liệu gần đây cho thấy prednisolone cải thiện khả năng sống sót thêm một tháng.
- Pentoxifylline: Trong một số trường hợp, pentoxifylline, một loại thuốc giúp cải thiện lưu lượng máu, có thể được ưu tiên hơn prednisolone.
- Ghép gan: Phương pháp này cũng có thể được sử dụng để điều trị viêm gan do rượu nặng.
Tư duy ảnh hưởng đến gan nhiễm mỡ như thế nào?
Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy suy nghĩ của một người có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc đảo ngược bệnh gan nhiễm mỡ, nhưng nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa NAFLD và rối loạn nhân cách hoặc tâm trạng.
Một nghiên cứu hơn 25,000 người tham gia đã tìm thấy mối liên quan giữa trầm cảm, lo âu và bệnh nhân NAFLD. Phụ nữ bị NAFLD càng dễ bị trầm cảm thì gan nhiễm mỡ càng nặng và bệnh gan giai đoạn sau có liên quan đáng kể đến lo lắng ở phụ nữ. Các nhà nghiên cứu tin rằng các dấu hiệu viêm tăng lên ở những người bị rối loạn tâm trạng có thể giải thích mối liên quan này. Mối liên quan không được báo cáo ở nam giới.
Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với gan nhiễm mỡ
Một số sản phẩm tự nhiên có thể được sử dụng. Hãy luôn luôn tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc y tế trước khi bắt đầu bất kỳ chất bổ sung nào.
1. Thảo dược
Hiện nay, các hợp chất như polysaccharide của trái dâu tây, tỏi, cây kế sữa và các dẫn xuất trà xanh cho thấy có tiềm năng nhất trong việc giải quyết các khía cạnh bệnh lý khác nhau của sự phát triển NAFLD.
- Trái câu kỷ tử: Thành phần polysaccharide trong trái kỷ tử mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm đặc tính chống oxy hóa, điều hòa hệ thống miễn dịch, bảo vệ thần kinh, kiểm soát chuyển hóa glucose và đặc tính chống khối u, bảo vệ chống lại tổn thương gan liên quan đến căng thẳng oxy hóa do ăn nhiều chất béo, cải thiện sức khỏe gan, viêm và xơ hóa.
- Tỏi: cải thiện tình trạng kháng insulin, căng thẳng oxy hóa và chuyển hóa lipid, giảm căng thẳng oxy hóa ở gan. Tỏi lâu năm giúp tăng tái tạo gan sau chấn thương cấp tính và làm giảm các đặc điểm NAFLD, bao gồm nhiễm mỡ, xơ hóa, căng thẳng oxy hóa và viêm.
- Nhân sâm: Chiết xuất nhân sâm và các ginsenoside riêng lẻ này đã chứng minh tiềm năng điều chỉnh chức năng gan và điều trị các rối loạn về gan, bao gồm các tình trạng như nhiễm độc gan, viêm gan, xơ gan, xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.
- Trà xanh: Trà xanh đã được chứng minh rõ ràng về tác dụng phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan.
- Bhumi Amla: Bhumi amla, còn được gọi là Phyllanthus niruri, một loại thảo mộc cổ xưa của Ấn Độ, ngày càng được công nhận là một lựa chọn ăn kiêng tự nhiên để giảm bớt gan nhiễm mỡ.
- Cây kế sữa: Silybin và silymarin, có nguồn gốc từ cây kế sữa, mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho tế bào gan, bao gồm tác dụng chống oxy hóa, điều hòa tình trạng viêm và xơ hóa cũng như điều chỉnh quá trình trao đổi chất.
2. Ăn uống lành mạnh
Bệnh nhân NAFLD nên tiêu thụ ba tách cà phê mỗi ngày, kết hợp bốn muỗng canh dầu ô liu, và nên áp dụng cách ăn Địa Trung Hải ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chất béo lành mạnh để đẩy lùi bệnh gan nhiễm mỡ.
3. Bổ sung acid béo Omega-3
Những người NAFLD và NASH có xu hướng có nhiều chất béo bão hòa và không bão hòa đơn trong gan nhưng lượng chất béo không bão hòa đa lại thấp hơn.
Sự thay đổi về loại và lượng chất béo trong gan có thể dẫn đến tổn thương gan, viêm, oxy hóa và xơ hóa. Các thử nghiệm lâm sàng và phân tích tổng hợp cho thấy rằng việc bổ sung acid béo omega-3, có chứa acid docosahexaenoic (DHA) và acid eicosapentaenoic (EPA), vào bữa ăn hàng ngày có thể làm giảm mỡ gan một cách an toàn và hiệu quả ở những người NAFLD. DHA và EPA được tìm thấy trong các nguồn thực phẩm như cá có dầu (cá hồi, cá ngừ, cá thu) và một số loại trứng.
Làm thế nào tôi có thể ngăn ngừa gan nhiễm mỡ?
Để ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ, điều cần thiết là phải ưu tiên các hành động nhằm nâng cao sức khỏe tổng thể, chẳng hạn như:
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.