Hiệu quả giữa cách ăn ít carbohydrate và nhịn ăn
Sự khác biệt về hiệu quả giữa việc nhịn ăn và cách ăn ít carb nhiều chất béo (LCHF) là gì? Đôi khi, câu hỏi này giống như đang tranh cãi xem Người nhện hay Siêu nhân mạnh hơn (tất nhiên là Siêu nhân). Nhưng cả hai đều là siêu anh hùng với mục đích làm giảm insulin. Insulin là nguyên nhân gây béo phì và tiểu đường loại 2. Bạn cần hiểu nguyên nhân (cơ bản) nếu muốn có hy vọng điều trị béo phì.
Trong nhiều thập niên, chúng ta đã cố gắng với giả định sai lầm rằng quá nhiều calorie sẽ gây ra béo phì. Tuy nhiên, các nghiên cứu về việc cho ăn quá nhiều và ăn ít đã chứng minh rõ ràng giả thuyết này là sai. Nếu calorie gây ra béo phì thì việc cho ăn quá nhiều calorie sẽ gây ra béo phì. Đúng là như vậy, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Về lâu dài, cân nặng trở lại bình thường. Mặt khác, việc ăn thiếu calorie sẽ dẫn đến giảm cân vĩnh viễn. Nhưng thực tế không phải vậy. Tỷ lệ thất bại của việc giảm lượng calorie như một chiến lược [giảm cân] cơ bản là 99%.
Sử dụng một mô hình hợp lý hơn về béo phì như một rối loạn nội tiết tố (chủ yếu là insulin, nhưng cũng có cả cortisol) dẫn đến giả thuyết rằng tăng insulin sẽ dẫn đến tăng cân lâu dài. Giảm insulin sẽ dẫn đến giảm cân.
Vì vậy, nếu hiểu rằng quá nhiều insulin sẽ gây tăng cân, thì cách điều trị là thực sự rõ ràng. Bạn không phải giảm lượng calorie, mặc dù việc này cũng có thể cần thiết. Bạn cần giảm insulin để giảm cân. Cả cách ăn ít carb và nhịn ăn sẽ hoàn thành được mục tiêu này. Carbohydrate tinh chế là tác nhân kích thích lớn nhất đối với insulin, do đó việc giảm lượng carb sẽ làm giảm insulin. Protein, đặc biệt là protein động vật, cũng làm tăng insulin, vì vậy ăn lượng protein vừa phải và nhiều chất béo là một cách khác để giữ mức insulin ở mức thấp. Nhịn ăn, bằng cách hạn chế mọi thứ, cũng làm giảm lượng insulin. Cách ăn “nhanh chất béo” (tức là không ăn gì ngoại trừ chất béo nguyên chất) cũng có thể đạt được điều tương tự, nhưng các nghiên cứu còn hạn chế. Vì vậy, “bulletproof coffee – cà phê nhiều chất béo” chắc chắn có thể đạt được mục tiêu tương tự là giảm lượng insulin mà không cần giảm lượng calorie, nhưng đơn giản là không có dữ liệu chắc chắn.
Nhưng cách ăn kiêng nào tốt hơn? LCHF hay nhịn ăn? Câu trả lời là nhịn ăn luôn đem lại hiệu quả tốt hơn. Trong một nghiên cứu về cách ăn không có carbohydrate so với việc nhịn ăn ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, cách ăn không có carbohydrate có tác dụng đặc biệt tốt. Khi so sánh sự biến đổi glucose của cách ăn không có carb so với khẩu phần ăn tiêu chuẩn, có thể thấy rằng lượng đường huyết giảm xuống. Nhưng nhịn ăn thậm chí còn tốt hơn.
Nếu bạn đang cố gắng giảm lượng đường huyết, không có gì thực sự có thể đánh bại được việc nhịn ăn. Rốt cuộc, bạn không thể xuống thấp hơn 0. Ngay cả khi đó, cách ăn không có carb vẫn có hiệu quả rất tốt, đem lại 71% lợi ích của việc nhịn ăn mà không cần thực sự phải nhịn ăn. Khẩu phần ăn tiêu chuẩn là 55% carbohydrate, 15% protein và 30% chất béo – không khác xa so với những gì hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng và các hướng dẫn khuyến cáo. Nhưng tỷ lệ này không đủ để kiểm soát lượng đường huyết thực sự.
Khẩu phần ăn không carb có ít hơn 3% carbs (tức là ketogenic hoặc vô cùng ít carb), 15% protein (vừa phải) và 82% chất béo. LCHF gần như đã nói lên tất cả. Lượng calorie cung cấp là 25 kcal/kg (1,750 calorie cho một người đàn ông nặng 70kg) với ba bữa ăn, giống nhau giữa khẩu phần ăn tiêu chuẩn và khẩu phần ăn không carb. Vì vậy, lợi ích của việc hạn chế carb đối với đường huyết KHÔNG chỉ đơn giản là do hạn chế calorie. Kiến thức này thật hữu ích khi nhiều bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng thiếu hiểu biết luôn nói, “Tất cả là do lượng calorie.” Thực ra, trong nghiên cứu này, calorie không có vai trò gì cả.
Mô hình Giảm calorie là Chính (CRaP) đã thất bại trong 50 năm, vì vậy chúng ta nên thay đổi chiến lược này.
Biểu đồ dưới đây khiến bạn phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Nhìn vào cách ăn tiêu chuẩn (Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ – ADA – khuyến nghị), bạn có thể thấy đỉnh đường huyết thực sự cao đến mức nào. Bạn có thể tự hỏi chính mình: Nếu những người tốt ở ADA biết rằng cách ăn tiêu chuẩn khiến mức đường huyết tăng vọt, thì tại sao họ lại khuyến nghị điều đó? Họ đang cố làm hại chúng ta với sự thiếu hiểu biết. Điều này có phần liên quan đến số tiền tài trợ từ Big Food và Big Pharma.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc không ăn carb là chưa đủ? Tôi có rất nhiều bệnh nhân hạn chế carbohydrate nhưng vẫn tăng đường huyết. Lúc này, chúng ta cần nhịn ăn.
Kết quả nghiên cứu thậm chí còn ấn tượng hơn khi nhìn vào mức insulin. Điều này rất quan trọng vì lượng đường trong máu không phải là nguyên nhân chính gây ra béo phì và tiểu đường. Insulin mới là nguyên nhân chính. Toàn bộ chiến lược giảm cân đều xoay quanh việc giảm insulin.
Nhìn vào tổng diện tích bên dưới đường cong, có thể thấy rằng cách ăn không carb có thể làm giảm lượng insulin khoảng 50%, nhưng nhịn ăn có thể giảm thêm 50% nữa.
Tất nhiên, điều này là hợp lý. Khẩu phần ăn không carb vẫn sẽ chứa một số protein làm tăng insulin. Cách duy nhất để giảm lượng insulin là ăn 100% chất béo, nhưng điều này rất không thực tế. Chúng ta thường không dùng dầu ô liu hay mỡ heo nguyên chất như một bữa ăn. Cà phê nhiều chất béo chắc chắn giúp giảm insulin tuyệt vời nhưng hầu như chưa được thử nghiệm trên hàng triệu người qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhịn ăn đã được thời gian chứng minh. Đó là “Khả năng cải thiện nghịch cảnh.” Bằng cách thế nào? Chúng ta càng ăn thực phẩm đã qua chế biến và siêu chế biến (làm tăng insulin) và giả vờ đó là thức ăn thì chúng ta càng cần phải nhịn ăn (để đưa mức insulin về bình thường).
Và KHÔNG CÓ GÌ có thể đánh bại được việc nhịn ăn trong việc giảm lượng insulin. Đây đơn giản là phương pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để giảm lượng insulin. May mắn thay, nhịn ăn cũng không khó như hầu hết mọi người vẫn nghĩ.
Còn glucagon thì sao? Glucagon là hormone đối lập với insulin. Một trong những vai trò sinh lý chính của insulin là ức chế glucagon. Tiến sĩ Roger Unger đã tìm tòi rất nhiều để khám phá vai trò sinh học của glucagon và thường xem đây là hormone quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này không có ý nghĩa gì về mặt lâm sàng. Trong việc điều trị bệnh nhân, glucagon cũng có rất ít hoặc không có vai trò gì.
Hãy để tôi giải thích. Insulin gây tăng cân, do đó cung cấp insulin sẽ gây tăng cân. Giảm glucagon có gây tăng cân không? Không hẳn. Tăng glucagon có làm giảm cân không? Không hẳn. Glucagon đóng một vai trò quan trọng ở gan chuột, nhưng con người thì không hẳn.
Điểm mấu chốt của nghiên cứu này là để củng cố những gì chúng ta đã biết. Insulin là nguyên nhân chính (nhưng không phải duy nhất) gây ra béo phì. Do đó, đối với hầu hết mọi người, giảm insulin là phương pháp tốt nhất để điều trị béo phì. Cách ăn không carb giúp giảm insulin hiệu quả. Nhưng nếu không hiệu quả, nhịn ăn gián đoạn sẽ là chiến lược thậm chí còn tuyệt vời hơn.
Ở bệnh tiểu đường loại 2, khẩu phần ăn không carb có thể giảm mức đường huyết từ 50% đến 70%, và nhịn ăn giúp giảm thêm 30% nữa. Vì vậy, nếu đã biết cách giảm mức đường huyết ở bệnh tiểu đường loại 2 bằng chiến lược ăn kiêng, tại sao chúng ta lại cần dùng thuốc? Câu trả lời tất nhiên là không cần. Bệnh tiểu đường loại 2 là một căn bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times