Giúp những người nghiện bước ra khỏi ‘vực thẳm’ của cuộc đời
Có nhiều lựa chọn thay thế cho các giải pháp nghiêm khắc mà nhiều gia đình cảm thấy buộc phải thực hiện với người thân bị nghiện.
Chúng ta đang sống trong một thời đại nghiện ngập. Lạm dụng ma túy, rượu đã gia tăng trong hàng thập niên, với số lượng và mức độ trầm trọng tăng lên đáng kể trong vài năm qua.
Và đó không chỉ là thuốc. Các chuyên gia cho biết, có sự gia tăng đáng lo ngại của các hành vi tự hủy hoại khác, chẳng hạn như nghiện phim ảnh khiêu dâm, nghiện cờ bạc và nghiện ăn uống.
Một số yếu tố có thể góp phần vào xu hướng này, nhưng có một phương pháp chủ yếu mà nhiều gia đình cuối cùng cũng dùng đến để đối phó với những người thân yêu rơi vào tình trạng nghiện ngập.
Tình thương nghiêm khắc là đặc điểm của cách tiếp cận này. Sau khi cố gắng giúp đỡ hoặc cầu xin nhận sự giúp đỡ, chúng ta bắt đầu rời xa họ. Chúng ta cũng không muốn tạo điều kiện cho những hành vi xấu bằng cách liên tục giải cứu một người dường như không thể chịu trách nhiệm với bản thân. Vì vậy, chúng ta yêu cầu họ thay đổi thông qua các giải pháp can thiệp. Cho đến khi người nghiện cuối cùng cũng thừa nhận vấn đề của mình và bắt đầu sửa đổi, bạn bè và gia đình thường được khuyến khích giữ khoảng cách.
Việc rời xa là cần thiết để cho những người nghiện rơi vào “vực thẳm.” Đây là thời điểm mà những tác động [tiêu cực] của chứng nghiện trở nên trầm trọng đến mức nỗi đau đớn cuối cùng sẽ lấn át cơn nghiện.
Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi, trải nghiệm dưới đáy vực thẳm sẽ đem đến một bài học quý giá và lâu dài. Nhờ đó, chúng ta có thể nhận ra hành vi [không tốt] của bản thân, nhận sự giúp đỡ và vực dậy tinh thần. Tuy nhiên, việc chờ đợi một người mà bạn cần đến trong lúc này có thể mất nhiều thời gian hơn và khó chịu hơn nhiều so với bạn tưởng.
Ý tưởng sai lầm
Đó là một cách tiếp cận rất quen thuộc, nhưng một số chuyên gia cho rằng phương pháp này còn có chỗ thiếu sót. Trung tâm Cai nghiện Hoa Kỳ (AAC) mô tả đây là “huyền thoại dưới vực thẳm.”
Trên trang web của nhà cung cấp dịch vụ điều trị nghiện hàng đầu, AAC tuyên bố rằng phương pháp tiếp cận này “có thể gây ra những hậu quả trầm trọng, ở chỗ nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến nhận thức và hành vi của các thành viên trong gia đình và các chuyên gia điều trị đối với người nghiện.”
Bi kịch tiềm ẩn của ý tưởng này là mọi người bị đẩy ra xa nhau vào thời điểm mà sự trợ giúp và giao tiếp là vô cùng cần thiết. Để người nghiện rơi vào sự tuyệt vọng tột độ được cho là một phần của quá trình chuyển đổi, nhưng có thể khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi và bị phản bội. Đồng thời, bạn bè và gia đình cũng sẽ cảm thấy bất lực khi chứng kiến người thân tự hủy hoại cuộc đời mình trong lúc tìm kiếm nỗi thống khổ hơn bao giờ hết.
Khái niệm vực thẳm có thể là phương pháp phổ biến nhất để giải quyết vấn đề nghiện ngập, nhưng không phải là duy nhất. Trên thực tế, các phương pháp ít phổ biến hơn nhưng thành công hơn có thể giúp người nghiện thay đổi, cũng như ít gây đau đớn hơn cho những người liên quan.
Trung tâm Tạo động lực và Thay đổi (CMC) chuyên giảng dạy các kỹ thuật giao tiếp dựa trên bằng chứng như vậy. Những chiến lược này có trong cuốn sách mới của tổ chức, “Beyond Addiction: How Science and Kindness Help People Change – Vượt qua cơn nghiện: Khoa học và lòng tốt giúp con người thay đổi như thế nào.”
Sự tồn tại lâu dài của phương pháp “vực thẳm” trong điều trị cai nghiện là nhờ vào những hiệu quả rõ ràng.
Nhiều người cai nghiện thành công đã kể lại trải nghiệm khó khăn nhất này cuối cùng cũng thuyết phục họ tìm kiếm sự giúp đỡ.
Rõ ràng, tác động tiêu cực của chứng nghiện có thể là chất xúc tác vô cùng thuyết phục để thay đổi cuộc sống của một người. Và chắc chắn rằng bạn bè hoặc gia đình tạo điều kiện cho người nghiện có thể kéo dài hành vi xấu. Nhưng theo ông Ken Carpenter, giám đốc đào tạo tại CMC Foundation for Change, đồng thời là nhà tâm lý học lâm sàng và nhà khoa học nghiên cứu được cấp phép, mô hình “vực thẳm” còn nhiều thiếu sót có thể cho phép hình thành các mối quan hệ trợ giúp trong quá trình này.
“Các thành viên trong gia đình có thể kéo người nghiện thoát khỏi vực đáy của cuộc đời. Những người thân yêu có thể ở bên cạnh để sẵn sàng giúp người nghiện vực dậy tinh thần từ những thống khổ khi họ muốn thay đổi,” ông Carpenter nói.
Tạo sự gắn kết
Thật không dễ dàng để thay đổi một người, nhưng cách tiếp cận đối đầu thường khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Một điểm yếu lớn của mô hình can thiệp trên là dựa vào sự đối đầu, ngay cả khi giọng điệu của cuộc trò chuyện thực tế là bình tĩnh hoặc nhẹ nhàng. Người nghiện sẽ rơi vào thế bí, thường phải cam kết thay đổi và chịu trách nhiệm cho những hành vi ngay lập tức. Cách tiếp cận này gần như không có chỗ cho sự đàm phán. Mục tiêu là để chứng minh mức độ trầm trọng của vấn đề và khơi dậy nhận thức cũng như động lực, nhưng theo ông Carpenter, điều này thường phản tác dụng.
Ông nói: “Nó đẩy mọi người đi theo hướng hoàn toàn ngược lại với những gì chúng ta hy vọng sẽ làm được.”
Một cách tiếp cận đối đầu trong bất kỳ tương tác cá nhân nào có thể dễ dàng tạo ra phản ứng đề phòng. Nếu cảm thấy như đang bị tấn công, chúng ta có khả năng sẽ thu mình hoặc làm tổn thương người đối diện.
Nhưng đối với người cố gắng giúp đỡ chúng ta, có vẻ như chúng ta đang từ chối thay đổi hoặc thừa nhận vấn đề của bản thân. Vì vậy, họ bảo vệ quan điểm của mình mạnh mẽ hơn, dẫn đến căng thẳng, xung đột và vô vọng hơn nữa.
Có thể hiểu được vì sao chúng ta lại cảm thấy hợp lý khi dùng cách tiếp cận đối đầu. Nhìn từ xa, chứng nghiện có vẻ là mất lý trí, tiêu cực và không thể chấp nhận. Mặc dù chúng ta vẫn cần tuân theo các giá trị [đạo đức], nhưng thay vì bắt đầu bằng những yêu cầu và phán xét, trước tiên hãy xem xét việc gắn kết mối quan hệ. Ông Carpenter gợi ý một cách bắt đầu là tìm ra động cơ dẫn đến cơn nghiện.
“Thông thường, gia đình và bạn bè [của những người nghiện] không bao giờ được đề nghị xem xét điều đó. [Mặc dù,] họ thấy việc tìm ra nguồn cơn của chứng nghiện rất hữu ích, vì nó thực sự mở ra cánh cửa cho cuộc đối thoại,” ông nói.
Việc hỏi về lý do đằng sau chứng nghiện không phải để tha thứ, nhưng có thể cho thấy sự đồng cảm chân thành và tạo cơ hội kết nối – điều hiếm khi thấy trong một cuộc đối đầu. Câu hỏi này cũng tạo cơ hội cho người nghiện suy ngẫm về hành vi của bản thân theo cách mà họ có thể chưa bao giờ nghĩ đến.
Ông Carpenter nói: “Khi hỏi mọi người câu hỏi đó, ban đầu họ nghi ngờ tôi, vì đó không phải là điều họ thường nói đến. Họ đã chuẩn bị sẵn các câu trả lời về lý do không nên làm điều đó. Nhưng việc hỏi rằng, ‘Bạn nhận được gì từ nó?’ đôi khi có thể tạo ra sự khác biệt hoàn toàn trong các cuộc trò chuyện.
Chương trình CRAFT
Các kỹ thuật trò chuyện như trên là một phần của cách tiếp cận CRAFT (Củng cố cộng đồng và Huấn luyện gia đình). Chương trình này được thiết kế dành cho gia đình của những người đang chật vật với chứng nghiện.
Trong khi ý tưởng về việc đưa người nghiện vào “vực thẳm của cuộc đời” có nhiều hạn chế, CRAFT cung cấp nhiều tùy chọn hơn để duy trì sự giao tiếp cởi mở.
Ông Carpenter nói: “Tôi sẽ không dồn ép bạn. Tôi muốn hỏi về suy nghĩ của bạn lúc này. Tôi có thể hỏi hoặc chỉ phản ánh lại những gì tôi nghe được. ‘Bạn không muốn thay đổi. Đó là những gì tôi đang nghe từ bạn, đúng vậy không? Hãy vui lòng giải thích thêm.’”
Ông Carpenter nói rằng cách tiếp cận này đem lại sự linh hoạt để điều khiển cuộc trò chuyện mà không dẫn đến xung đột.
Hai nhà nghiên cứu của Đại học New Mexico đã phát triển cách tiếp cận CRAFT và tiến hành một số nghiên cứu trong hơn hai thập niên để chứng minh tính hiệu quả của chương trình. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 70% các gia đình áp dụng chương trình đã thấy người thân của họ tìm kiếm cách điều trị và giảm lạm dụng chất gây nghiện.
Ông Carpenter nói: “Triết lý đằng sau [chương trình] này đó là: Rào cản động lực thực sự không phải là không có nỗi đau khổ, mà là thiếu đi niềm hy vọng.”
Tìm kiếm hy vọng
Nỗi đau có thể là một người thầy tuyệt vời, nhưng hy vọng cũng vậy. Vấn đề là trong khi chúng ta có thể cảm nhận thấy nỗi đau tràn ngập, thì hy vọng thường khó đến.
Nhưng vẫn có một số cách có thể đem đến niềm hy vọng. CMC thừa nhận rằng các con đường phục hồi là rất đa dạng. Một chương trình phù hợp với người này có thể không hiệu quả với người khác. Trên thực tế, nhiều người nghiện đã hoàn toàn hồi phục mà không cần bất kỳ liệu pháp nào.
Bất kể con đường [hồi phục] của bạn như thế nào, các mối quan hệ [gắn kết] sẽ là một nguồn hy vọng đáng tin cậy. Điều đó đến từ việc sẻ chia những câu chuyện về thất bại hay thành công, cũng như trợ giúp nhau vượt qua những thử thách khó khăn.
Duy trì giao tiếp cởi mở sẽ giúp nuôi dưỡng niềm hy vọng [để vượt qua chứng nghiện đáng sợ này].
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times