Chuyên gia: Nghiên cứu của Harvard liên kết thịt đỏ với bệnh tiểu đường ‘không có tính logic’
Một nghiên cứu của Harvard tuyên bố ăn thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ bị tiểu đường. Ý kiến này sau đó bị một chuyên gia dinh dưỡng chỉ trích, cho rằng dữ liệu của các nhà nghiên cứu không đủ sức ủng hộ cho kết luận trên — và tiêu đề được cường điệu quá mức đã dẫn đến thông tin sai lệch.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 19/10 trên Tập san The American Journal of Clinical Nutrition (Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ), tuyên bố rằng những người ăn hai phần thịt đỏ mỗi tuần có thể tăng nguy cơ bị tiểu đường loại 2 so với người ăn ít khẩu phần hơn, và nguy cơ tăng lên khi tiêu thụ nhiều thịt hơn. Các tác giả cũng phát hiện việc thay thế thịt đỏ bằng nguồn protein thực vật, chẳng hạn như các loại hạt và cây họ đậu, có thể giúp giảm nguy cơ tiểu đường.
Tác giả đầu tiên của nghiên cứu, Xiao Gu, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Dinh dưỡng, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng “những phát hiện này ủng hộ mạnh mẽ hướng dẫn về cách ăn hạn chế thịt đỏ và điều này áp dụng cho cả thịt đỏ đã chế biến và chưa chế biến.”
Kết quả nghiên cứu khiến thông tin về thịt đỏ được chào hàng như là bước đột phá trong khoa học dinh dưỡng và được các tổ chức tin tức lớn, như The New York Times, Yahoo, CBS News, New York Post và hãng thông tấn khác đưa tin.
“Ăn thịt đỏ làm tăng đáng kể nguy cơ bị tiểu đường loại 2 – một nghiên cứu cho biết,” đây là tiêu đề trên tờ Jerusalem Post, sau đó được MSN đăng lại.
Tuy nhiên, cơ sở của nghiên cứu cùng vô số bài báo sau đó dường như thiếu căn cứ và có tính xung đột tiềm tàng.
Người sáng lập Liên minh Dinh dưỡng, bà Nina Teicholz, một tác giả điều tra và nhà báo khoa học, nói với The Epoch Times rằng loại dữ liệu được dùng trong nghiên cứu của Harvard không thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa thịt đỏ và bệnh tiểu đường.
Bà Teicholz cho biết: “Đây là một nghiên cứu dịch tễ quan sát, cung cấp những dữ liệu rất yếu. Về mặt khoa học, vấn đề chính là đã có nhiều nỗ lực lâm sàng ngẫu nhiên để kiểm tra giả thuyết rằng thịt đỏ gây bệnh tiểu đường, và kết quả không cho thấy điều đó. Hiện tại, không có bằng chứng nào từ các nghiên cứu tiêu chuẩn vàng chất lượng cao nhất cho thấy thịt đỏ gây bệnh tiểu đường.”
Nghiên cứu trên dường như bị ảnh hưởng bởi những xung đột lợi ích tiềm ẩn. Nhóm các tác giả biên soạn dữ liệu làm việc tại Harvard T.H. Chan School of Public Health, được tài trợ một phần bởi Quỹ Bill và Melinda Gates. Ông Bill Gates là nhà đầu tư của Upside Foods, một trong hai công ty sản xuất thịt tổng hợp được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phê chuẩn. Ông Gates tuyên bố rằng nên thay thế thịt tươi bằng thịt tổng hợp để cứu thế giới khỏi các hiện tượng khí hậu thảm khốc sắp tới do khí nhà kính gây ra.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với Technology Review, ông Gates cho biết tất cả các quốc gia phát triển nên loại bỏ hoàn toàn những nguồn thịt từ bò sống.
Ông Gates nói với người phỏng vấn: “Tất cả các nước phát triển nên chuyển sang dùng thịt bò tổng hợp 100%. Bạn có thể quen với sự khác biệt về hương vị và chắc chắn là họ sẽ làm cho thịt bò có vị ngon hơn theo thời gian. Cuối cùng, khoản phí bảo hiểm xanh đó đủ khiêm tốn để bạn có thể thay đổi mọi người hoặc quy định chung để thay đổi hoàn toàn nhu cầu. Vì vậy, với các quốc gia có thu nhập trung bình trở lên, tôi nghĩ điều đó là khả thi.”
Bà Teicholz cho biết vẫn chưa rõ liệu số tiền từ Quỹ Bill và Melinda Gates có được dùng trực tiếp cho nghiên cứu hay các hoạt động khác tại trường hay không. Tuy nhiên, bà nói rằng có mối liên hệ tài chính giữa những gã khổng lồ trong ngành thực phẩm và các nghiên cứu.
Bà Teicholz cho biết: “Rõ ràng là họ nhận được số tiền khổng lồ từ các công ty công nghiệp thực phẩm, phía sẽ đạt được lợi ích đặc biệt khi loại bỏ thịt khỏi đĩa ăn tối.”
Hơn nữa, một trong những tác giả của nghiên cứu, ông Walter C Willett, một nhà hoạt động ăn chay trường nổi tiếng, từ lâu đã lập luận rằng việc giảm tiêu thụ thịt là cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng của hành tinh.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, chỉ 2% tổng lượng khí thải nhà kính ở Hoa Kỳ đến từ hoạt động chăn nuôi bò lấy thịt, trong khi sản xuất năng lượng và vận tải tạo ra tổng cộng 53% lượng khí thải.
Lịch sử gây tranh cãi
Chương trình khoa học dinh dưỡng của Harvard đã có một lịch sử lâu dài gây ra nhiều tranh cãi.
Người sáng lập Trường Dinh dưỡng Harvard, ông Frederick Stare, đã nhiều lần khẳng định trong suốt những năm 1960 và 1970 rằng ăn nhiều đường không có hại cho sức khỏe, thậm chí còn gọi Coca-Cola là “đồ ăn nhẹ lành mạnh giữa các bữa ăn.”
Trong khi đó, suốt 44 năm làm chuyên gia dinh dưỡng, ông Stare tuyên bố đã huy động được gần 30 triệu USD, phần lớn từ ngành công nghiệp — bao gồm hàng triệu USD từ Kellogg’s và General Foods, cả hai đều bán ngũ cốc có đường — để tiến hành nghiên cứu của mình, theo đến cuốn tự truyện của ông, “Adventures in Nutrition” (Tạm dịch: Những cuộc phiêu lưu trong dinh dưỡng)
Bà Teicholz nói rằng khi quảng bá nghiên cứu như một bằng chứng chắc chắn, các tác giả cùng với phương tiện truyền thông đang khuếch đại thông tin này, đang làm hại sức khỏe cộng đồng.
Bà nói: “Có những bằng chứng trái ngược nhau về cách ăn keto và ít carbohydrate, vốn bao gồm nhiều thịt, thực sự có thể đẩy lùi bệnh tiểu đường, tuy nhiên mọi người có thể làm theo lời khuyên trên vì họ thấy thông tin này đến từ Harvard.”
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times