Ngũ Giác Đài tài trợ cho sáng kiến thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
Một hợp đồng sẽ tài trợ cho việc nghiên cứu các phương pháp nuôi cấy tế bào mới và khẩu phần ăn trong quân đội.
Một sáng kiến của Bộ Quốc phòng (DOD) sẽ liên quan đến việc để cho quân đội Hoa Kỳ dùng thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm như một phần của chiến dịch ngăn chặn “biến đổi khí hậu toàn cầu,” theo một tổ chức giám sát gần đây đã thu hút sự chú ý đến sáng kiến này.
Theo một thông cáo hôm 07/03, BioMADE, một nhà sản xuất thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tài trợ và cấp vốn, đã ca ngợi kỷ lục đổi mới của mình khi thông báo tăng mức trần ngân sách các quỹ liên bang lên 500 triệu USD để trợ giúp thực hiện kế hoạch này.
Ông Douglas Friedman, Tổng giám đốc BioMADE, cho biết trong thông cáo báo chí đó, rằng: “Nghiên cứu và phát triển của BioMADE đang mang lại tiến bộ đáng kể về protein, hóa chất, vải, cao su, và hơn thế nữa được sản xuất bằng công nghệ sinh học.”
“Cùng với DoD, BioMADE quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển công nghệ liên quan đến việc giảm thiểu nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu.”
Một tài liệu phác thảo đề xướng của BioMade nêu chi tiết kế hoạch nuôi trồng lương thực bằng cách sử dụng “các phương pháp nuôi cấy tế bào mới phù hợp để sản xuất thịt/protein được nuôi cấy,” và hướng tới “sản xuất khẩu phần đậm đặc chất dinh dưỡng của quân đội thông qua các quá trình lên men.”
Ngũ Giác Đài đã không trả lời các câu hỏi về hợp đồng này.
Ông Jack Hubbard, giám đốc điều hành tại Trung tâm vì Môi trường và Phúc lợi, bày tỏ sự lo ngại sau khi xem xét các tài liệu này.
Ông Hubbard nói với The Epoch Times rằng, “Liệu binh lính Hoa Kỳ có nên thực sự đóng vai chuột lang hay chuột thí nghiệm cho một sản phẩm thử nghiệm mới được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm mà không có bất kỳ nghiên cứu dài hạn nào và công chúng không biết về thành phần không?”
“Tại sao chúng ta đang sử dụng tiền thuế của người Mỹ để cung cấp cho quân đội của mình một sản phẩm mà hầu hết mọi người sẽ không cung cấp cho con cái của họ?”
Các sản phẩm giống thịt nhân tạo được tạo ra bằng cách lấy tế bào thu được từ động vật và đặt vào một khu vực ấm áp, vô trùng—thường là một thùng kim loại—nơi mà sau đó các tế bào này được kết hợp với một dung dịch hóa chất khiến tế bào nhân đôi mỗi ngày một lần. Một số thành phần không được công bố rộng rãi do quyền sở hữu của nhà sản xuất.
Thị trường thịt nhân tạo đã đến Hoa Kỳ rồi.
Hoa Kỳ phê chuẩn các sản phẩm thịt trong phòng thí nghiệm
Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã cho phép hai nhà sản xuất bắt đầu sản xuất và bán các sản phẩm giống thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của họ, đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Singapore, cho phép bán sản phẩm thịt tổng hợp được nuôi cấy từ tế bào động vật.
Ông Bill Gates, một nhà đầu tư của Upside Foods, một trong hai nhà sản xuất thịt nhân tạo được USDA chấp thuận, tin rằng cần thiết phải thay thế thịt để bảo vệ thế giới khỏi các sự kiện khí hậu thảm khốc được dự đoán do hiện tượng khí nhà kính gây ra.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Hoa Kỳ đến từ chăn nuôi bò thịt, trong khi sản xuất năng lượng và vận tải tạo ra tổng cộng 53% lượng phát thải.
Những người chăn nuôi gia súc Hoa Kỳ đang sẵn sàng tranh đấu để bảo vệ định nghĩa của từ “thịt” khỏi các nhà sản xuất các sản phẩm nhân tạo thay thế thịt bò dựa trên tế bào.
Ông Justin Tupper, chủ tịch Hiệp hội Những người chăn nuôi Hoa Kỳ, trước đây đã nói với The Epoch Times, rằng, “Đó là một lằn ranh đỏ. Thật không đúng khi những sản phẩm do nhà máy sản xuất này có thể tiếp thị và bán sản phẩm của họ bằng cách lợi dụng những người chăn nuôi.”
Ông nói thêm: “Chúng ta đang nói về các sản phẩm được nuôi cấy tế bào tẩm hóa chất mà theo một cách nào đó có thể mô phỏng thịt, nhưng chúng không phải là thịt, và người tiêu dùng Mỹ cần hiểu điều đó.”
Các quốc gia khác đã từ chối thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Tháng Tám năm ngoái, Ý đã trở thành quốc gia đầu tiên coi việc sản xuất hoặc tiếp thị thực phẩm này là bất hợp pháp, nhấn mạnh những lo ngại về sức khỏe là lý do chính, sau khi 2 triệu người Ý ký đơn thỉnh cầu kêu gọi cấm các sản phẩm thịt nhân tạo.
Theo ông Hubbard, nếu không có sự phản đối, thì người dân sẽ chứng kiến sự củng cố hơn nữa nguồn cung cấp thực phẩm của quốc gia, khiến các nhà cung cấp nhỏ hơn do gia đình điều hành bị phá sản.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times