Nghiên cứu mới cho thấy thịt đỏ không liên quan đến bệnh tim mạch

Cuộc tranh luận về việc thịt đỏ có lành mạnh hay không đã có thêm một luận điểm mới, khi một nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ nhân quả nào giữa thịt đỏ, thịt chế biến và bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu mới đi ngược lại xu hướng gần đây trong các nghiên cứu y khoa cho rằng người ăn thịt đỏ hoặc thịt chế biến phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.

Một nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu UK Biobank từ hơn 1.8 triệu người: với khoảng 460,000 người tiêu thụ thịt chế biến, thịt lợn, thịt bò và thịt cừu. Bất kỳ ai có tiền sử bị bệnh tim đều bị loại trừ khỏi nghiên cứu.

Nhóm tác giả phát hiện việc tiêu thụ thịt đỏ hoặc thịt chế biến không liên quan đến nguy cơ cao hơn mắc bệnh tim mạch. Tất cả tỷ suất chênh (OR) của một người về việc phát triển bệnh tim mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, suy tim hoặc rung nhĩ đều không đáng kể. Tỷ suất chênh bằng 1% có nghĩa là không có sự khác biệt đáng kể giữa việc ăn thịt hoặc không ăn thịt. Tỷ suất chênh trên 1% cho thấy người đó có nguy cơ cao hơn và tỷ suất chênh dưới 1% có nghĩa là người đó ít có nguy cơ hơn hoặc việc can thiệp y tế có tác dụng bảo vệ.

Mối liên quan giữa tiêu thụ thịt bò và bệnh tim thậm chí còn thấp hơn, với tỷ suất chênh là 0.7% nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Những người ăn thịt bò cũng có nguy cơ rung nhĩ (OR 0.85) và suy tim (OR 0.80) thấp hơn nhưng đột quỵ (OR 1.29) cao hơn.

Người ăn thịt heo có nguy cơ cao hơn bị suy tim (OR 1.71), đột quỵ (OR 1.15) và bệnh mạch vành (OR 1.25). Các tác giả nhận thấy những kết quả này không đáng kể về mặt nhân quả sau khi phân tích thống kê.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, việc tiêu thụ thịt cừu cũng không cho thấy bất kỳ rủi ro sức khỏe nào liên quan đến bệnh tim. Giống như thịt chế biến, thịt cừu có kết quả OR không đáng kể với nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, bệnh động mạch vành, đột quỵ, suy tim hoặc rung nhĩ.

Nhóm tác giả viết: “Kết quả này khác với các nghiên cứu quan sát trước đây. Trong thập niên qua, một số nghiên cứu cắt ngang và tiến cứu đã điều tra mối liên quan giữa tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến với [bệnh tim mạch]. Các kết luận rút ra từ dữ liệu sẵn có là không nhất quán.” Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết cần có thêm bằng chứng để xác nhận những phát hiện này.

Các nghiên cứu đã thay đổi trong nhiều năm về vấn đề tiêu thụ thịt đỏ gây hại cho hệ tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ trích dẫn một nghiên cứu năm 2022 xác định rằng vi khuẩn còn sót lại trong ruột sau khi ăn thịt đỏ góp phần gây bệnh tim. Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Food Science & Nutrition (Tập san Khoa học Thực phẩm & Dinh dưỡng) cho thấy tổng khối lượng thịt tiêu thụ, (không phải loại thịt hay hàm lượng chất béo bão hòa), là yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bệnh tim là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong

Bệnh tim là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nữ giới và nam giới Hoa Kỳ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 33 giây lại có một người tử vong vì bệnh tim. Vào năm 2021, gần 700,000 người qua đời do vấn đề về tim, chiếm 1/5 số ca tử vong. Bệnh tim dẫn đến nhiều tốn kém, với gần 240 tỷ USD cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thuốc men và sự mất năng suất lao động.

Các bệnh về tim bao gồm bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp và bệnh tim cấu trúc. Theo CDC, trong khi một số người có thể bị tim bẩm sinh, vấn đề về tim thường là kết quả của lối sống và cách ăn uống. Cao huyết áp, cholesterol máu cao và hút thuốc là các yếu tố nguy cơ chính. Các yếu tố bổ sung bao gồm tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì, sử dụng rượu quá mức, không hoạt động thể chất và ăn uống kém lành mạnh.

Lượng thịt đỏ và thịt chế biến được khuyến nghị

Các tổ chức y tế trên toàn thế giới khuyến nghị mọi người nên hạn chế tiêu thụ thịt – đặc biệt là thịt chế biến – với mức tiêu thụ vừa phải. Ví dụ, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới khuyến nghị hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến, vì một số nghiên cứu cho rằng thịt chế biến liên quan đến ung thư đại trực tràng. Mặc dù các khuyến nghị có thể khác nhau, tổ chức nói trên đề nghị nên giới hạn tiêu thụ khoảng ba phần ăn mỗi tuần, mỗi phần từ 12 đến 18 ounce (340-510 gram).

Tuy nhiên, việc ngưng thịt đỏ hoàn toàn nói chung không được khuyến khích, vì thịt đỏ là nguồn cung cấp protein, sắt, kẽm và vitamin B12 dồi dào.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times


Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn