Chấp nhận thực tế không có nghĩa là từ bỏ
Một thái độ tích cực có thể giúp chúng ta vượt qua nhiều trở ngại.
“Người tính không bằng trời tính” là câu nói cửa miệng của một người phụ nữ mà tôi từng biết. Nếu trời mưa như trút nước vào ngày cô ấy định làm cỏ những luống hoa của mình, thì đó là câu nói sẽ xuất hiện đầu tiên trên môi cô ấy. Nếu một người bạn hủy bỏ kế hoạch ăn tối vì một công việc bất ngờ nào đó thì từ miệng cô ấy cũng sẽ thốt ra câu, “Người tính không bằng trời tính.”
Đôi lúc tôi cũng cảm thấy khó chịu khi cô ấy cứ lặp đi lặp lại câu nói đó. Và cả việc cô ấy đưa ra lời tuyên bố mang tính định mệnh này bằng một giọng điệu vui vẻ, thoải mái cũng gây khó chịu cho tôi. Dường như cô ấy muốn nói rằng, chúng ta không thể làm gì để có thể thay đổi cơn mưa hoặc thay đổi các kế hoạch bị hủy bỏ, vì vậy chúng ta nên vui vẻ chấp nhận và không cần quan tâm đến điều đó nữa.
Và tất nhiên là cô ấy đã thực hiện được điều đó. “Người tính không bằng trời tính” có nghĩa là đã nhận ra quy luật của thực tế. Khi một người thân yêu qua đời, chúng ta có thể chìm vào tuyệt vọng, cảm giác như thể một bác sĩ phẫu thuật vô hình nào đó vừa cắt bỏ một phần trái tim của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể thay đổi được cái chết, cái chết đó vẫn xảy ra – đau đớn, lạnh lùng. Khi công ty của chúng ta thu hẹp quy mô và chúng ta bị mất việc, chúng ta có thể than phiền về vận đen của chúng ta và có thể than vãn tất cả những gì chúng ta muốn than vãn nhưng sự thật thì vẫn là chúng ta đã bị thất nghiệp.
Giờ thì hãy lấy một ví dụ: thực tế đang tác động đến hầu hết các hầu bao của chúng ta. Chi phí để mua các đồ ăn thức uống hàng ngày tăng vọt và càng ngày càng tăng, giá xăng dầu thì chưa từng bao giờ lại cao như thế. Tình trạng lạm phát này có thể khiến chúng ta tức điên lên và chúng ta có thể phàn nàn với nhau rằng Chính phủ đã không kiềm chế được lạm phát, tuy nhiên thì chúng ta cũng chẳng làm được gì để thay đổi lạm phát.
Người tính không bằng trời tính.
Mặt khác, chủ nghĩa định mệnh kiểu như vậy đã chứng minh được điều đó. Một số chính sách quốc gia của chúng ta cũng đã chứng minh được điều này. Đối mặt với nạn buôn lậu ma túy lớn ở khu vực biên giới phía Nam của chúng ta nơi có nhiều vùng trống không được kiểm soát, chính phủ liên bang dường như đã bó tay và quyết định chấp nhận rằng hơn 100,000 người Mỹ sẽ lại chết vì sử dụng quá liều trong năm nay. Thị trưởng của một số thành phố lớn nhìn vào tình trạng tội phạm đô thị ngày một tăng cao, tình trạng vô gia cư và những khu nhà ổ chuột, bẩn thỉu và nhún vai chấp nhận chứ cũng không làm được gì để cải thiện tình hình đó.
Sở dĩ có sự bàng quan này là do mọi người tin vào số phận của mỗi con người đã được sắp đặt sẽ phải xảy ra những sự việc như thế. Ví dụ, tôi biết trong một số gia đình, những đứa con trưởng thành thường không còn gần gũi với cha mẹ nữa. Các bậc cha mẹ than thở về sự xa lánh này, nhưng có rất ít hoặc gần như không có cha mẹ có hành động gì để lôi kéo các con về phía mình. Họ không chủ động tiến gần đến các con, không dùng các hình thức như gửi thư, email hay gọi điện thoại cho các con để tăng thêm sự gần gũi mà thay vào đó, họ chấp nhận mối quan hệ ngày càng xa cách này. Dường như họ nghĩ rằng các con xúc xắc đã lăn đi và trò chơi đã kết thúc.
Trong những tình huống kể trên, dù là chuyện công vụ hay chuyện cá nhân, đều cần phải giải quyết hai vấn đề. Đầu tiên, giống như người bạn của tôi: chúng ta phải biết chấp nhận thực tế và câu thành ngữ “Người tính không bằng trời tính” chính là một phần của công thức này. Nếu vợ hay chồng của chúng ta mất đi, trước tiên chúng ta phải chịu đựng nỗi đau của thảm kịch đó khi tất cả thế giới dường như chỉ là một vết mờ vô tri. Tuy nhiên, cuối cùng, nếu chúng ta muốn tiến lên phía trước, chúng ta phải hiểu rõ thực tế mới này và những câu hỏi hóc búa mới nảy sinh: Làm thế nào để tôi vừa có thể nuôi dạy đứa con trai 9 tuổi của mình vừa đi làm kiếm tiền được? Làm thế nào để một mình tôi có thể quản lý tất cả các công việc được? Làm thế nào một người có thể làm mọi thứ mà hai người đã từng làm?
Sau khi hiểu rõ hơn về hoàn cảnh thực tại thì chúng ta sẽ tiến hành thực hiện bước thứ hai: thảo luận xin ý kiến của mọi người đồng thời kết hợp với những phân tích, suy nghĩ của riêng mình để tìm được con đường đi mới. Chúng ta nên tham khảo ý kiến của gia đình, bạn bè hoặc các chuyên gia tư vấn, cân nhắc các lựa chọn và quay trở về với thực tế.
Dù cho khuynh hướng tôn giáo của chúng ta là gì thì lời cầu nguyện mong được có cuộc sống bình yên của nhóm Alcoholics Anonymous chính là một lời khuyên tuyệt vời cho bước thứ hai: “Chúa ơi, xin ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những điều con không thể thay đổi, lòng can đảm để con thay đổi những điều con có thể và sự khôn ngoan để phân biệt được đúng sai.”
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times