Các chất làm ngọt thông dụng có thể ảnh hưởng đến bộ não và liên quan đến chứng trầm cảm
Thực phẩm không-đường có vẻ hấp dẫn, tuy nhiên một nghiên cứu mới cho biết đường giả có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
Nhiều người hạn chế ăn đường vì một số lý do sức khỏe. Nhưng theo nghiên cứu, các chất làm ngọt không đường tìm thấy ở các thực phẩm siêu chế biến như một số loại bánh mì, sữa chua và thanh protein có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Mối liên hệ giữa cách ăn uống và chứng trầm cảm
Nghiên cứu công bố trên Tập san JAMA Network Open năm 2023 đã quan sát cách ăn uống và tình trạng sức khỏe tinh thần của gần 32,000 phụ nữ từ 42 đến 62 tuổi, tất cả đều không bị chứng trầm cảm lúc bắt đầu tham gia nghiên cứu.
Mục tiêu của các nhà khoa học là xác định các thành phần cụ thể trong thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến chứng trầm cảm.
Nghiên cứu kéo dài 15 năm cho thấy nguy cơ trầm cảm tăng gần 50% đối với những phụ nữ tiêu thụ từ 9 khẩu phần thực phẩm siêu chế biến trở lên mỗi ngày, so với những người tiêu thụ ít hơn 4 phần mỗi ngày. Thử nghiệm bổ sung dựa trên các nhóm thực phẩm cho thấy việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến làm từ chất làm ngọt nhân tạo và đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo có mối tương quan chặt chẽ hơn với nguy cơ trầm cảm cao hơn.
Lauren M. O’Flaherty, nhà tâm lý học lâm sàng, giảng dạy tại Trường NYU School of Medicine và được đào tạo về tâm thần học dinh dưỡng, chia sẻ với The Epoch Times rằng, “Nói chung, những người ăn thực phẩm siêu chế biến hoặc các thành phần nhân tạo có xu hướng báo cáo lòng tự tin vào khả năng, năng lực của bản thân thấp hơn, điều này có thể góp phần vào chứng trầm cảm.”
Bà nói, “Bộ não cần có chất dinh dưỡng hợp lý để hoạt động tốt nhất. Cơ thể của chúng ta không được thiết kế để tiêu thụ nhiều hóa chất đã qua chế biến mà rõ ràng, theo nghiên cứu này và các nghiên cứu khác, thì có những điểm bất lợi.”
Khi đánh giá mối liên hệ giữa những thay đổi trong mức tiêu thụ và tỷ lệ trầm cảm, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng họ đã tính đến các yếu tố nguy cơ đã biết và các yếu tố nghi ngờ gây ra trầm cảm như tuổi tác, cân nặng, hoạt động thể chất, sử dụng rượu và thuốc lá cũng như các vấn đề sức khỏe khác.
Chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ra tình trạng ăn uống theo cảm xúc
Nhu cầu cao về thực phẩm ít đường và các công ty thực phẩm đã thay đường ăn trong nhiều loại thực phẩm đóng gói bằng nhiều loại chất làm ngọt nhân tạo hay chất thay thế đường để giữ vị ngọt mà không tăng thêm calories. Nhưng nhiều chất thay thế đường lại ngọt hơn đường ăn hàng trăm lần.
Bà Rhandee Sauer, một chuyên viên trị liệu dinh dưỡng, chia sẻ với The Epoch Times, “Tôi có thể nói rằng 9 trong số 10 khách hàng mà tôi gặp đều nghiện chất làm ngọt nhân tạo ở một mức độ nào đó.”
Bà nói, “Soda dành cho người ăn kiêng là cuộc chiến lớn nhất đối với hầu hết mọi người. Một số thanh protein và bột protein nhất định là những chất phạm tội nặng nhất.”
Ăn “thực phẩm siêu ngọt” đã được chứng minh là làm thay đổi khẩu vị của người ta sang thích loại thực phẩm có vị ngọt hơn của các thực phẩm vốn đã ngọt. Về bản chất, vị ngọt hơn khiến bạn khó hài lòng hơn với một số món ăn hoặc đồ uống ngọt bình thường bởi vì bộ não không còn ghi nhận ngọt bình thường là vị ngọt nữa.
Một số chất làm ngọt thay thế là chất tổng hợp, chẳng hạn sucralose, aspartame, và saccharin. Những loại khác, như allulose, đường cỏ ngọt, và chiết xuất la hán quả thường được gọi là “tự nhiên” hoặc “tốt cho sức khỏe” vì chúng có nguồn gốc từ thực vật.
Bởi vì phần nhiều trong số các chất làm ngọt này có sức thuyết phục hơn so với đường thông thường nhờ ít hoặc không có calories, chúng có thể gây nhầm lẫn cho bộ não và các cơ quan cảm nhận vị ngọt, góp phần dẫn đến ăn quá nhiều. Một nghiên cứu từ năm 2016 đã xác định một số chất làm ngọt tổng hợp truyền tín hiệu sai cho não rằng cơ thể chưa tiêu thụ đủ calories. Điều này báo hiệu cho cơ thể cần ăn nhiều hơn vì cho rằng cần năng lượng nhiều hơn.
Bà Sauer nói rằng việc cố gắng chống lại những cơn thèm ăn này nói dễ hơn làm vì ”chất làm ngọt nhân tạo có khả năng gây nghiện cao.”
Bà cho biết thêm, thực phẩm chế biến sẵn được chứng minh là làm tăng lượng đường trong máu, khiến “một số người có nguy cơ kháng insulin.” Ngoài ra, đồ ngọt tạo ra chất dẫn truyền thần kinh “cảm thấy dễ chịu” (serotonin và dopamine), kích hoạt hệ thống tự thưởng và cải thiện tâm trạng của bộ não, vì vậy nếu một người cảm thấy chán nản thì đây là một lý do khác cho việc ăn uống theo cảm xúc. Nếu việc này xảy ra thường xuyên thì có thể gây tăng cân và ăn uống vô độ, vốn liên quan đến trầm cảm. Hành động này trở thành cơ chế đối phó nhằm kiểm soát và giảm bớt những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như tâm trạng chán nản, lo lắng và căng thẳng.
Bà O’Flaherty nói thêm, “Theo quan sát của tôi, việc ăn uống theo cảm xúc và cảm giác thèm ăn có mối tương quan chặt chẽ với đường, chất làm ngọt nhân tạo và mức tiêu thụ carbohydrate đã qua chế biến.”
“Những người mà tôi đã điều trị cho biết cảm giác thèm ăn tăng lên sau khi tiêu thụ những loại thực phẩm này. Khi chúng tôi nỗ lực kết hợp nhiều thực phẩm thật và nguyên chất hơn, đặc biệt là bảo đảm cung cấp đủ chất đạm, bệnh nhân thường thấy cảm giác thèm đồ ăn có đường biến mất.”
Tại sao các chất làm ngọt có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm?
Cách mà các thực phẩm siêu chế biến như chất làm ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ trầm cảm vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên các tác giả của nghiên cứu cho biết dữ liệu thí nghiệm gần đầy cho thấy “các chất làm ngọt nhân tạo gây ra sự truyền tín hiệu purinergic lên não,” vốn trước đây có liên quan đến trầm cảm. Truyền purinergic là một hình thức truyền tín hiệu giữa các tế bào dựa vào nucleotide và nucleoside purine.
Hệ thống purinergic có thể góp phần vào sự phát triển các rối loạn sức khỏe tâm thần bằng việc ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền thần kinh và các con đường nội tiết tố điều chỉnh tâm trạng, sự thèm ăn và tiêu hóa.
Bằng chứng cho thấy vi khuẩn đường ruột có ảnh hưởng đến tín hiệu purinergic. Điều này giải thích thêm cho việc làm thế nào mà hệ vi sinh vật đường ruột bị gián đoạn có liên quan đến rối loạn tâm trạng và các bệnh nghiêm trọng, gồm béo phì, tiểu đường, bệnh tim và suy giảm nhận thức.
Bà Sauer cho biết, việc thường xuyên sử dụng chất làm ngọt nhân tạo “gây mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột và dẫn đến viêm nhiễm.” Khi đó, “hệ vi sinh vật bị gián đoạn có thể ảnh hưởng xấu đến tâm trạng.”
Một khả năng khác đáng lưu ý, theo bà Sauer, đó là “cơ thể cũng đang bị thiếu chất dinh dưỡng.”
Bà nói, “Điều này gây ra các thiếu hụt được biết là có tác động đến sự thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, trầm cảm và lo lắng.”
Tình cờ, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng quan sát thấy rằng những phụ nữ ăn nhiều thực phẩm ngọt nhân tạo nhất có chỉ số khối cơ thể, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và tăng huyết áp cao hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn, năng lượng thấp và tâm trạng chán nản thường có mối liên hệ với nhau. Bà O’Flaherty nói, “Bộ não và cơ thể của bạn đều là một phần của cùng một hệ thống. Những gì bạn ăn hoàn toàn tác động đến não của bạn.”
Việc bổ sung chứng trầm cảm vào danh sách các vấn đề sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ chất làm ngọt không đường sẽ là vấn đề với những người bị trầm cảm, vốn đang cố gắng giảm cân hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường, hoặc chỉ từ bỏ thói quen ăn đường để có sức khỏe tốt hơn.
Quay về giá trị cơ bản để tránh các chất làm ngọt nhân tạo
Theo bà Sauer, cách dễ nhất để tránh các chất làm ngọt nhân tạo là “hoán đổi thực phẩm nhân tạo và tẩm hóa chất bằng thực phẩm nhiều dinh dưỡng.” Bắt đầu bằng việc đọc danh sách thành phần của sản phẩm; càng ít thành phần càng tốt. Tốt hơn nữa là ăn các thực phẩm toàn phần.
Các chất thay thế đường thường được liệt kê dưới các tên mà nhiều người khó nhận biết, như là advantame, neotame, and acesulfame potassium. Các thực phẩm “không có chất làm ngọt nhân tạo” thường được tạo ngọt bằng các chất làm ngọt có nguồn gốc thực vật như là chiết xuất đường cỏ ngọt, erythritol, sorbitol, xylitol, và la hán quả.
Tuy nhiên, ngay cả khi những chất trên không tiềm ẩn vấn đề. Một số nhãn hiệu đường cỏ ngọt trên kệ siêu thị đã được tinh chế, chế biến kỹ lưỡng và được làm bằng chất độn hoặc các chất thay thế đường khác.
Một nghiên cứu từ tháng 02/2023 cho thấy rằng erythritol có liên quan đến tăng nguy cơ bị bệnh tim và đông máu. Ăn quá nhiều xylitol có thể gây đầy hơi và tiêu chảy.
Các chuyên gia gợi ý rằng những người ăn thực phẩm ít đường để giảm cân nên tiến thêm một bước nữa.
Bà O’Flaherty nói, “Hãy quay trở lại những điều cơ bản. Hãy để đầy tủ lạnh của bạn bằng những thực phẩm toàn phần, tốt cho sức khỏe. Các loại rau và trái cây nhiều màu sắc như quả mọng chứa nhiều polyphenol chống oxy hóa giúp tăng chức năng não và giảm viêm. Tôi cũng khuyên dùng các loại chất béo lành mạnh như dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt hoặc phô mai; các chất béo tốt cho sức khỏe là điều then chốt.”
Bà O’Flaherty chia sẻ thêm rằng để những thay đổi này trở thành thói quen, bạn cần “bắt đầu từ cách suy nghĩ.” Điều gì khiến việc thay đổi hành vi như vậy là quan trọng đối với bạn? Là để cải thiện tâm trạng từ đó trở thành các bậc cha mẹ tốt hơn, để tập trung hơn trong công việc hay chỉ để mặc lại chiếc quần jean yêu thích?
Khi bạn đã cam kết với những động cơ của mình, hãy lập kế hoạch hành động có thể theo dõi được và hệ thống khen thưởng. Hãy dùng nhật ký để theo dõi những gì bạn đạt được.
Nếu bạn bắt đầu cảm thấy choáng ngợp, hãy nhắc nhở bản thân rằng những cảm xúc đó chỉ là tạm thời và có thể vượt qua được.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times