Nghiên cứu: Chăm sóc tâm lý qua điện thoại làm giảm đáng kể mức độ trầm cảm
Trong thời đại dịch COVID-19, các tác giả đã thực hiện một nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay để đo lường sự cô đơn và cách chống lại điều này.
Các nhà khoa học đã phát hiện mối liên quan giữa chăm sóc tâm lý qua điện thoại và việc cải thiện triệu chứng trầm cảm ở người cao niên. Trên thực tế, nghiên cứu mới cho thấy lợi ích của kiểm tra sức khỏe hàng tuần qua điện thoại thậm chí có thể vượt xa thuốc chống trầm cảm.
Nghiên cứu được tiến hành tại Đại học York, Trường Y Hull York và Tees, Esk and Wear Valleys NHS Foundation Trust ở Vương quốc Anh và công bố trên The Lancet (Healthy Longevity – Tuổi thọ khỏe mạnh). Kết quả cho thấy mức độ trầm cảm giảm đáng kể ở những người cao niên nhận được cuộc gọi hàng tuần trong khoảng thời gian tám tuần từ các huấn luyện viên được đào tạo đặc biệt. Qua điện thoại, các huấn luyện viên khuyến khích người bệnh duy trì kết nối xã hội và hoạt động tích cực.
Giải thích kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu bắt đầu trong đại dịch COVID-19 và là dự án lớn nhất từng được thực hiện để đo lường sự cô đơn và cách chống lại điều này. Hàng trăm người trên 65 tuổi mắc nhiều căn bệnh mạn tính tại Vương quốc Anh được yêu cầu tham gia trong khi phải cách ly tại chỗ vì nguy cơ mắc COVID-19 cao. Do vậy, những người này có nguy cơ phát triển tình trạng cô đơn và trầm cảm.
Theo Science Daily, người tham gia nhận thấy mức độ cô đơn về mặt cảm xúc đã giảm 21% trong khoảng thời gian ba tháng. Lợi ích vẫn còn ngay cả khi các cuộc gọi đã dừng, cho thấy những tác động lâu dài.
Ông Carl Nassar, một nhà trị liệu tâm lý và cố vấn chuyên nghiệp được cấp phép, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Kết quả cho thấy, với những người bị cô lập do Covid 19 và không thể quay lại cuộc sống mà họ yêu thích trước đây, hành động đơn giản là tương tác hàng tuần qua điện thoại cũng như khuyến khích tham gia vào cuộc sống đã giúp giảm bớt sự cô lập và chứng trầm cảm đi kèm.”
Có lẽ khía cạnh đáng kinh ngạc nhất của nghiên cứu là so sánh hiệu quả của chăm sóc tâm lý qua điện thoại với thuốc chống trầm cảm trên người bệnh. Science Daily, báo cáo về nghiên cứu, viết rằng các tác giả phát hiện “mức độ trầm cảm giảm đáng kể” và “lợi ích còn lớn hơn so với thuốc chống trầm cảm.”
Tại sao sự cô đơn ở người cao niên là điều đáng lo ngại?
Khoảng 1/4 người cao niên thường xuyên bị cô lập về mặt xã hội hoặc cảm thấy cô đơn. Sức khỏe thể chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của một người có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cô lập xã hội và nỗi cô đơn. Nghiên cứu cho thấy sự cô lập xã hội và cảm giác cô đơn ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong theo nhiều cách, có thể so với việc hút thuốc, béo phì và lối sống ít vận động.
Vấn đề này được cho là nghiêm trọng đến mức Tổ chức Y tế Thế giới gần đây tuyên bố rằng nỗi cô đơn là mối lo ngại về sức khỏe toàn cầu và họ ủng hộ việc cải thiện các nguồn lực cũng như công nhận sự cô lập xã hội và nỗi cô đơn là ưu tiên sức khỏe trên toàn thế giới. Quận San Mateo, California, gần đây đã tuyên bố sự cô đơn là một “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.”
Ông Nassar nói: “Hành động đơn giản là liên lạc với người cao niên mỗi tuần qua điện thoại, khuyến khích họ tương tác với xã hội, kiểm tra xem liệu họ có thực hiện không, có thể đủ để đánh thức và giúp họ kết nối trở lại với cuộc sống. Đó là lời nhắc nhở quan trọng rằng bất chấp sự cô lập xã hội đang lan tràn trong nền văn hóa của chúng ta, đặc biệt là ở người cao niên, sự quan tâm đơn giản của một người đáng tin cậy thường đủ để đưa chúng ta trở lại xã hội.”
Điều gì góp phần khiến người có tuổi cảm thấy cô đơn và trầm cảm?
Người cao niên có nhiều nguy cơ phát triển sự cô đơn và trầm cảm vì họ dễ gặp phải các yếu tố gây ra tình trạng này, chẳng hạn như sống một mình, nghỉ hưu, mất gia đình hoặc bạn bè, bệnh mạn tính, mất thính lực và thị lực.
Ông Nassar nói: “Khi nghỉ hưu, chúng ta rời bỏ công việc và những mạng kết nối xã hội nhỏ bé thông qua công việc. Đó là lúc chúng ta cảm thấy cô đơn, già đi và trôi dạt trong thế giới này. Khi bắt đầu có tuổi và khả năng vận động thể chất giảm dần, chúng ta cảm thấy như bị nhốt lại một chỗ, không thể dễ dàng di chuyển và tương tác với thế giới bên ngoài.”
Điều quan trọng cần lưu ý là sự cô lập xã hội và nỗi cô đơn không phải lúc nào cũng đi kèm với nhau. Ví dụ, gần 14 triệu người Mỹ sống một mình, nhưng nhiều người trong số họ không trải qua sự cô lập xã hội hay cô đơn. Và nhiều người phải đối mặt với cảm giác cô đơn dù có được sự trợ giúp vững chắc từ gia đình và bạn bè. Có lẽ cách hiệu quả nhất để người cao niên không cảm thấy bị cô lập xã hội là tích cực tham gia vào các hoạt động kết nối và ý thức về giá trị bản thân.
Những giải pháp can thiệp giúp chống lại nỗi cô đơn và sự cô lập xã hội
Duy trì sự tích cực và tham gia các hoạt động có ý nghĩa và hiệu quả là chìa khóa để chống lại sự cô lập xã hội và cô đơn. Có nhiều cách khác nhau mà người cao niên có thể thực hiện, bao gồm:
- Thực hiện một hoạt động theo sở thích
- Tình nguyện
- Tham gia vào các nhóm cộng đồng
- Sử dụng công nghệ để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè
Bà Deborah Gilman, một nhà tâm lý học được cấp phép, nói với The Epoch Times qua thư điện tử: “Các sáng kiến gắn kết cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự cô lập xã hội và tăng sức khỏe tâm thần ở người cao niên. Những sáng kiến này có thể bao gồm các trung tâm cộng đồng, câu lạc bộ người cao tuổi, chương trình tình nguyện và các hoạt động giải trí phù hợp với sở thích của người cao niên. Khuyến khích người cao niên đóng góp cho cộng đồng và tham gia các hoạt động mà họ quan tâm có thể tăng cảm giác thân thuộc và tạo tác động tích cực cho xã hội.”
Bà Gilman cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sở thích và hoạt động kích thích trí óc và sáng tạo, chẳng hạn như câu đố, trò chơi, đọc sách, âm nhạc, nghệ thuật và thủ công.
Bà Gilman cho biết: “Tham gia vào các hoạt động kích thích trí tuệ có thể làm tăng gắn kết xã hội và đạt được cảm giác thỏa mãn. Đó là cách để họ thể hiện bản thân và chữa lành cảm xúc. Khuyến khích người cao niên khám phá sở thích và sáng tạo có thể nuôi dưỡng ý thức về mục đích, thành tựu và niềm vui.”
Hoạt động thể chất cũng là phương pháp hữu ích để chống trầm cảm và cô đơn. Bà Gilman cho biết: “Giúp người cao niên tham gia vào các hoạt động thể chất mà họ yêu thích, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội, làm vườn hoặc thái cực quyền, có thể giảm bớt triệu chứng trầm cảm, cải thiện tâm trạng cũng như sinh khí và sức khỏe tổng thể.”
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.