Bệnh thận: Kẻ giết người thầm lặng và 7 triệu chứng sớm cần lưu ý
Bệnh thận được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” do thường không có triệu chứng ban đầu rõ ràng. Người ta ước tính rằng có tới 90% người dân Hoa Kỳ bị bệnh thận kinh niên (CKD) hoàn toàn không có triệu chứng cho đến khi bệnh đã ở giai đoạn rất nặng.
Bệnh thận có thể tiến triển đến giai đoạn suy thận, khiến người bệnh phải lọc máu hoặc ghép thận. Bệnh thận cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, như đau tim hoặc đột quỵ.
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang), bác sĩ y khoa, người sáng lập và giám đốc y tế của Viện Y học Tích hợp Dương, đồng thời là bác sĩ Trung và Tây y, cho biết trong chương trình trực tuyến “Bốn khía cạnh của sức khỏe” rằng, gần đây ông đã gặp một số bệnh nhân không quá già nhưng đã bị suy thận.
Tuy nhiên, vì họ đến gặp bác sĩ ở thời điểm quá muộn, các lựa chọn điều trị bị hạn chế rất nhiều. Nếu họ được điều trị sớm hơn, sự suy giảm chức năng thận có thể được ngăn chặn.
Bác sĩ Dương cho biết một số triệu chứng ban đầu của bệnh thận có vẻ như không liên quan đến thận, nhưng thực sự là do chức năng thận suy giảm gây ra.
Dưới đây là bảy triệu chứng liên quan đến bệnh thận mà bạn nên lưu ý:
1. Buồn nôn, nôn và chán ăn
Suy thận có thể gây ra tình trạng tích tụ độc tố, toan chuyển hóa và rối loạn điện giải, từ đó dẫn đến rối loạn tiêu hóa và các triệu chứng như buồn nôn và nôn. Do vậy, bạn nên lưu ý đến vấn đề về tiêu hóa vì chúng có thể liên quan đến bệnh thận.
2. Thiếu máu và mệt mỏi kinh niên
Một trong những chức năng của thận là tổng hợp erythropoietin, một loại hormone kích thích sản xuất tế bào hồng cầu trong tủy xương, cũng như bảo vệ tế bào cơ tim và kích thích tái tạo tế bào cơ tim và mạch máu. Việc suy giảm chức năng thận có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, gây ra triệu chứng mệt mỏi kinh niên.
3. Ngứa trên da
Khi thận không hoạt động bình thường, chất độc không được bài tiết một cách đầy đủ, khiến da bị khô và ngứa. Bệnh thận cũng có thể làm thay đổi nồng độ một số hormone trong cơ thể, từ đó dẫn đến triệu chứng ngứa.
Nếu bạn bị ngứa da, “đừng chỉ đến gặp bác sĩ da liễu và bôi thuốc, hãy nghĩ đến khả năng bạn bị suy thận,” ông Dương nói.
Ngứa da cũng có thể là do thiếu vitamin B6 hoặc kẽm, hoặc nồng độ amoniac trong máu quá cao.
4. Thay đổi lượng nước tiểu
Một trong những chức năng chính của thận là bài tiết nước tiểu. Nếu bạn có vấn đề về thận, nước tiểu của bạn có thể bị đục, có bọt hoặc lẫn máu.
Liệu nước tiểu có bọt là một triệu chứng của bệnh thận? Ông Dương cho biết thi thoảng nước tiểu có bọt là điều bình thường. Tuy nhiên, protein niệu (sự hiện diện của lượng protein dư thừa trong nước tiểu) có thể là dấu hiệu của tổn thương thận và khiến nước tiểu có bọt. Nếu bạn nhận thấy có nhiều bong bóng mỗi lần đi tiểu và bong bóng không biến mất sau 30 giây, ông Dương khuyên bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Nếu nước tiểu có màu tối và vàng, đó có thể là các tế bào máu, nghĩa là bạn đang có tiểu máu. Ngoài ra, hãy nhớ rằng nếu bạn dùng phức hợp vitamin B, nước tiểu cũng có thể chuyển sang màu vàng hoặc đỏ.
Thận chịu trách nhiệm sản xuất nước tiểu, tuy nhiên, lượng nước tiểu có thể giảm khi chức năng thận gặp vấn đề. Điều này là do thận có thể không lọc máu hiệu quả khi bị hư tổn.
Ngoài ra, theo học thuyết Trung y, đi tiểu nhiều vào ban ngày và ban đêm là triệu chứng của năng lượng thận bị suy yếu, còn được gọi là “thận khí hư”. Mặc dù có thể không biểu hiện ở cấp độ hóa học, nhưng các vấn đề về thận có thể xuất hiện ở cấp độ năng lượng.
5. Đau thắt lưng cấp tính và kinh niên
Thận nằm ở vị trí phần lưng dưới. Nếu bạn bị đau lưng dữ dội, hãy thử xem bạn có vấn đề gì về thận hay không. Tình trạng đau thắt lưng kinh niên cũng nên được xem xét một cách cẩn thận. Bệnh thận có thể gây đau thắt lưng kinh niên, đau lan từ thắt lưng đến mặt sau của chân và mắt cá chân dọc theo kinh mạch bàng quang.
Theo Trung y, kinh mạch là những đường dẫn khí trong cơ thể, năng lượng của cơ quan nội tạng sẽ thông qua kinh mạch để đi khắp cơ thể. Khi một căn bệnh xảy ra trong cơ quan nội tạng, kinh mạch tương ứng sẽ xuất hiện vấn đề, từ đó biểu hiện đau và khó chịu trên cơ thể. Nếu thận có vấn đề thì cũng ảnh hưởng đến khu vực kinh mạch của bàng quang.
6. Cảm thấy có mùi vị kim loại trong miệng
Khi chức năng thận gặp vấn đề, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy có vị kim loại trong miệng. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn sẽ ngửi thấy mùi amoniac hăng khi thở ra. Điều này là do lượng urea trong máu tăng cao.
7. Huyết áp cao ở bệnh nhân trẻ tuổi
Cao huyết áp thường hay gặp ở người lớn tuổi. Nếu một người trẻ tuổi bị cao huyết áp, họ có thể đang bị bệnh thận.
Huyết áp cao gây tổn thương các sợi đàn hồi trong thành mạch máu. Điều này làm tổn hại các mạch máu nhỏ trong thận và ngăn thận thực hiện chức năng lọc bình thường. Bệnh thận cũng có thể làm mất cân bằng hormone, gây tăng các hormone dẫn đến cao huyết áp, từ đó tạo ra một vòng xoắn bệnh lý.
Tránh các yếu tố dẫn đến bệnh thận
Ông Dương cũng nhắc nhở mọi người nên tránh những hành vi gây hại cho chức năng thận, bao gồm ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn và tiếp xúc với kim loại nặng, những thứ có thể làm tăng mức độ căng thẳng của thận.
Ông nhấn mạnh rằng những người hút thuốc rất có thể đã hít phải kim loại nặng, và chất nicotin trong thuốc lá cũng dẫn đến cao huyết áp.
Ngoài ra, chất melamine trong đồ nhựa có thể gây ra sỏi thận và suy thận, do vậy, chúng ta nên tránh dùng đồ nhựa đựng thức ăn nóng.
Về mặt dinh dưỡng, ông Dương khuyến nghị nên ăn nhiều thực phẩm có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, đồng thời bổ sung anthocyanin, curcumin, catechin, vitamin C, E và một lượng kẽm thích hợp để giúp bài tiết kim loại nặng.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times