4 dấu hiệu suy thận và 7 cách giữ cho thận khỏe mạnh
Thận là cơ quan trao đổi chất quan trọng. Thận chịu trách nhiệm loại bỏ chất thải và thuốc khỏi cơ thể, cân bằng thủy dịch trong cơ thể, tiết ra các hormone điều chỉnh huyết áp, và kiểm soát sản xuất hồng cầu. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng 37 triệu người Mỹ trưởng thành bị bệnh thận kinh niên (CKD).
Bệnh thận kinh niên (CKD) thường được gọi là “kẻ sát nhân thầm lặng” vì các triệu chứng thường không xuất hiện cho đến giai đoạn cuối. Tuy nhiên, có những dấu hiệu sớm của suy thận. Tiến sĩ Hà Văn Tinh, bác sĩ từ Bệnh viện Nhân dân thành phố Anh Đức ở Quảng Đông, Trung Quốc, lưu ý trong một chương trình trực tuyến rằng 4 dấu hiệu sau đây có thể cho thấy thận đang suy yếu.
4 dấu hiệu nghi ngờ suy thận
1. Thay đổi số lần đi tiểu
Thông thường, những người khỏe mạnh đi tiểu 6 lần/ngày, tạo ra khoảng 1,000 đến 2,500ml nước tiểu mỗi ngày.
Lượng nước tiểu rất ít hoặc quá nhiều, thường xuyên đi tiểu đêm (nhiều hơn 2 lần mỗi đêm trong vài ngày), hoặc nước tiểu có bọt là có vấn đề.
Nước tiểu có bọt nhiều lần cho thấy lượng protein bài tiết trong nước tiểu tăng lên, có thể là dấu hiệu cho các vấn đề về thận.
2. Toàn thân yếu ớt
Nếu bạn bị tiểu khó và cảm thấy mệt mỏi về thể chất và tinh thần, hãy đến gặp bác sĩ.
Tiến sĩ Joseph Vassalotti, Giám đốc Y tế của Tổ chức Thận Quốc gia (NKF), cho biết chức năng thận suy yếu trầm trọng có thể gây tích tụ chất độc và tạp chất trong máu, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, suy nhược, và khó tập trung.
3. Sưng hoặc tích tụ dịch (phù nề)
Bệnh nhân bệnh thận kinh niên có thể bị phù quanh mắt và các chi dưới do giữ nước và sodium, đây là dấu hiệu giảm bài tiết qua thận và mất cân bằng nội tiết tố.
4. Buồn nôn và nôn
Các triệu chứng tiêu hóa có thể là dấu hiệu của bệnh thận, đặc biệt khi xảy ra suy thận và không thể loại bỏ các chất thải chuyển hóa ra khỏi cơ thể một cách bình thường. Điều này có thể dẫn đến nồng độ urea nitrogen trong máu tăng cao, kích thích niêm mạc đường tiêu hóa và gây buồn nôn và nôn.
Một bài đánh giá về các triệu chứng CKD cho thấy các vấn đề về đường tiêu hóa thường xảy ra ở những bệnh nhân bị bệnh thận kinh niên, đặc biệt là trong giai đoạn muộn.
Bên cạnh các triệu chứng, Bác sĩ Hà cũng chia sẻ 7 thói quen hàng ngày có thể giúp bảo vệ thận và giảm nguy cơ phát triển bệnh thận.
7 cách giữ cho thận khỏe mạnh
1. Không hút thuốc
Theo dữ liệu từ Viện Ung thư Quốc gia (NCI), trong số 7,000 chất hóa học trong khói thuốc lá, có ít nhất 250 chất có hại, và 69 chất gây ung thư. Hút thuốc có thể làm suy giảm hệ tim mạch, khiến cho lượng máu đến thận giảm và dẫn đến tổn thương thận. Hút thuốc cũng là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận do tiểu đường, nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận.
Hút thuốc lá nhiều làm tăng nguy cơ bị bệnh thận kinh niên, đặc biệt là bệnh thận do cao huyết áp và tiểu đường.
2. Uống nhiều nước
Nước rất cần thiết cho sức khỏe thận. Nước có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể, bảo đảm việc đi tiểu thuận lợi, và giúp loại bỏ các chất độc và chất thải dư thừa ra khỏi bàng quang và thận.
Theo một bài báo ngắn gọn được công bố trên tập san The Lancet, một số nghiên cứu quan sát cho thấy uống nhiều nước có thể bảo vệ thận.
Dịch vụ Y tế Vương quốc Anh (NHS) khuyến nghị phụ nữ nên uống 8 ly có dung tích 200ml dịch mỗi ngày, trong khi đàn ông nên uống 10 ly mỗi ngày.
3. Giảm ăn muối
Thận là cơ quan có trách nhiệm bài tiết sodium (muối), và tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tăng gánh nặng cho thận. Tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tổn thương thận và khiến cho việc bài tiết dịch khó khăn hơn, dẫn đến tích tụ dịch làm tăng huyết áp.
Một nghiên cứu cho thấy ăn nhiều muối có thể gây ảnh hưởng bất lợi đối với dòng máu đến thận, do đó làm tăng áp lực cầu thận, đặc biệt là đối với người già, béo phì, hoặc tiểu đường có tỷ lệ nhạy cảm với muối cao.
4. Không nhịn tiểu
Nhịn tiểu có thể tạo ra áp lực quá mức lên bàng quang, dẫn đến sự tích tụ nước tiểu trong cơ thể. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn theo thời gian, có thể gây trào ngược bàng quang niệu quản và dẫn đến viêm thận.
Vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong đường tiết niệu và thường được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi nước tiểu bị giữ lại trong bàng quang, vi khuẩn có thể tích tụ, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
5. Tập thể dục thường xuyên nhưng đừng quá sức
Một nghiên cứu cho thấy hội chứng tiêu cơ vân do tập thể dục có thể gây tổn thương thận cấp tính và chủ yếu xảy ra trong 1 đến 2 ngày sau khi tập thể dục cường độ cao. Ba triệu chứng phổ biến nhất bao gồm nước tiểu màu nâu đục, đau cơ, và giảm lượng nước tiểu.
Một nghiên cứu lâm sàng đã báo cáo về một bệnh nhân nam 26 tuổi bị tổn thương thận cấp tính sau hội chứng tiêu cơ vân do tập thể dục. Bệnh nhân được đưa đến phòng cấp cứu sau khi tập thể dục tại phòng gym. Nghiên cứu cũng cho thấy hướng dẫn chuyên môn từ huấn luyện viên thể hình và bù nước kịp thời có thể giúp giảm nguy cơ bị tổn thương thận cấp tính.
6. Không uống thuốc không kê đơn
Nhiễm độc thận do thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương thận cấp tính trên thế giới.
Ngoài việc gây ra tổn thương thận cấp, nhiễm độc thuốc kinh niên có thể gây nên bệnh thận kinh niên và đôi khi là bệnh thận giai đoạn cuối. Hơn nữa, thuốc có thể can thiệp vào các cơ chế vận chuyển bình thường trong thận, dẫn đến các loại rối loạn điện giải và rối loạn acid-base khác nhau.
7. Tránh thức khuya
Một nghiên cứu cho thấy thời gian ngủ ngắn và chất lượng giấc ngủ kém có liên quan đến sự suy giảm chức năng thận nhanh hơn. Thời gian ngủ ngắn là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh thận kinh niên.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times