Bổ sung kali đúng cách

Dạng kali bổ sung tốt nhất là gì? Tại các quầy thực phẩm sức khỏe có bán kali ở nhiều dạng như gluconate, chloride, aspartate, chelate, … nhưng không tiệm nào cho biết loại nào sẽ dễ hấp thụ hay hữu ích hơn.

Cơ thể cần kali để duy trì hoạt động bình thường của các hệ cơ quan chính, nhất là tim, thận, cơ, dây thần kinh và hệ tiêu hóa. Kali cũng cần thiết để điều chỉnh cân bằng dịch, cân bằng acid-base và huyết áp. Ngoài ra, bằng chứng khoa học cho thấy khi thêm ít nhất 4.7g kali vào khẩu phần ăn mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ, cao huyết áp, loãng xương và sỏi thận. Trái cây và rau quả là một trong những nguồn cung cấp kali tốt nhất, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Mặc dù kali đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, nhưng không nên bổ sung kali trừ khi được bác sĩ kê toa. Tất cả chúng ta đều có thể nhận đủ kali từ các nguồn thực phẩm. Vì vậy, chỉ nên bổ sung kali trong những trường hợp bệnh lý cụ thể. Tình trạng thiếu kali là rất hiếm gặp và thường xảy ra ở những người bị bệnh thận, bệnh đường tiêu hóa và dùng thuốc lợi tiểu.

Mặc dù chuối có lẽ là nguồn cung cấp kali dồi dào nhất mà chúng ta biết, nhưng những loại thực phẩm khác như khoai tây nướng cả vỏ, nước ép mận, mận khô, nho khô, nước ép cà chua, cà chua, hạnh nhân, hạt hướng dương, rau bina và atiso cũng có hàm lượng kali cao. Thịt, cá, thịt gà và các sản phẩm từ đậu nành cũng là những nguồn chứa nhiều kali.

Việc bổ sung kali bằng thực phẩm chức năng mà không có hướng dẫn của bác sĩ có thể dẫn đến tăng kali máu, vốn gây nguy hại đến tính mạng và cần được điều trị y tế ngay lập tức. Nguyên nhân phổ biến nhất của việc tăng kali máu là do suy thận cấp tính hoặc mạn tính, nhưng cũng có thể là do tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) (để giảm huyết áp), thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và các chất chống đông máu như heparin. Tăng kali máu cũng có thể xuất phát từ chứng nghiện rượu, bệnh tiểu đường loại 1 hoặc sử dụng quá nhiều thực phẩm bổ sung kali.

Các triệu chứng của tăng kali máu bao gồm mỏi cơ, chuột rút, suy nhược, tê liệt, nhịp tim bất thường, thay đổi tâm trạng, buồn nôn và nôn. Nếu thiếu hụt kali nghiêm trọng có thể gây tê liệt cơ và nhịp tim bất thường, dẫn đến tử vong. Sự thiếu hụt kali thường xuất phát từ việc mất kali do nôn mửa kéo dài, sử dụng một số thuốc lợi tiểu và một số loại bệnh thận. Hiếm khi việc thiếu hụt kali là do nguyên nhân từ cách ăn uống.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Andrew Weil
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Andrew Weil, M.D., là nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới và là người tiên phong trong lĩnh vực y học tích hợp, một phương pháp tiếp cận theo định hướng chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe bao gồm cơ thể, tâm trí và tinh thần.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn