9 tác nhân căng thẳng tốt cho sức khỏe
Đôi khi, điều duy nhất giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ là một liều căng thẳng có ích cho sức khỏe.
Không phải tất cả căng thẳng đều xấu.
Trên thực tế, nghiên cứu tiếp tục ủng hộ ý tưởng rằng những loại căng thẳng nhẹ nhất định có thể có ích với sức khỏe theo vô vàn các cách phức tạp.
Hóa ra từ trước đến nay, những người bà có thể đã luôn đúng khi nói rằng: Bạn sẽ mạnh mẽ hơn khi vượt qua được những thách thức đầy khó khăn.
Thời nay, tác dụng này, được biết như hiệu ứng hormesis trong sinh học, là kết quả của sự bù đắp quá mức của cơ thể với căng thẳng nhẹ.
Ví dụ nổi tiếng nhất là nâng tạ nặng. Không chỉ giúp cơ thể sửa chữa những vết rách cơ rất nhỏ do chấn thương trong luyện tập, nâng tạ còn xây dựng lại khối cơ đó mạnh hơn và chắc khỏe hơn trước đây, làm tăng kích thước và sức mạnh cơ bắp nói chung.
Mức độ giữ vai trò quan trọng
Căng thẳng sẽ trở nên có hại khi xảy ra với mức độ quá mạnh, hoặc tác nhân gây căng thẳng xuất hiện kéo dài. Ví dụ, việc nâng tạ nặng nhưng không hồi phục đúng cách sẽ làm giảm khả năng tập luyện một cách nhanh chóng. Luyện tập quá mức cũng gây ức chế hệ miễn dịch.
Tương tự như vậy, nếu cố gắng tăng khối lượng tạ quá nhanh, gân và dây chằng có thể không kịp thích ứng, dẫn đến nguy cơ chấn thương trầm trọng.
Điều quan trọng là mức độ [căng thẳng]. Tác nhân gây căng thẳng nên ở mức tương đối nhẹ và bạn nên dành nhiều thời gian để hồi phục giữa các đợt.
Trong phần còn lại của bài viết này, tôi sẽ chia sẻ 9 ví dụ về hiệu ứng hormesis trong các hoạt động hàng ngày. Bằng cách thêm liều lượng căng thẳng phù hợp vào cuộc sống, bạn sẽ giúp bản thân trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và khỏe mạnh hơn để đối mặt với một ngày thử thách.
Tất nhiên, bạn nên kiểm tra với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi mạnh mẽ nào trong lối sống của mình.
9 ví dụ của hiệu ứng hormesis
1. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Ánh sáng mặt trời thường bị mang tiếng xấu. Nhưng trên thực tế, sự thiếu hụt vitamin D – đa số từ ánh nắng mặt trời – là một vấn đề sức khỏe chính trên toàn thế giới. Tắm nắng hợp lý liên quan đến mức độ thấp hơn của bệnh tim mạch và sự bảo vệ chống lại nhiều bệnh ung thư. Tất nhiên, quá nhiều bức xạ từ mặt trời sẽ dẫn đến nguy cơ cao bị ung thư da, vì vậy điều quan trọng là cần thận trọng và bảo vệ làn da trong những thời điểm nóng nhất trong ngày.
2. Nhịn ăn gián đoạn
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng nhịn ăn gián đoạn (từ 12 và 24 giờ một lần) cung cấp vô số lợi ích chuyển hóa. Căng thẳng nhẹ khi chịu đói tốt cho cơ thể khác hẳn với cách nhịn đói kinh niên gây ra. Bên cạnh lợi ích về mặt chuyển hóa, việc nhịn ăn thậm chí có thể biến những món ăn đơn giản nhất thành một bữa tiệc hảo hạng.
3. Xông hơi khô
Hiện nay có bằng chứng thuyết phục rằng việc dùng phòng xông hơi khô thường xuyên giúp tăng tuổi thọ của con người. Một lần nữa, hiệu ứng hormesis giúp giải thích cách cơ thể có thể thích nghi với những cơn nóng dữ dội, ngắn, thường xuyên – và trên thực tế, cố gắng phục hồi tổn thương bằng cách trở nên mạnh mẽ hơn khi mức độ tiếp xúc tăng dần.
4. Tắm nước lạnh
Một tác nhân gây căng thẳng cấp tính khác có ích khác là tiếp xúc với lạnh. Nhiều loại trị liệu bằng nước lạnh đã được chứng minh là làm giảm đau nhức cơ và giảm viêm khắp cơ thể. Một cách đơn giản để bắt đầu là ngâm mình trong bồn nước lạnh. Thật ngạc nhiên, nhiều người cho biết họ có cảm giác “hưng phấn tương tự như người chạy bộ” sau khi ngâm mình trong nước lạnh ít nhất từ 5 đến 10 phút.
5. Tập thể dục cường độ cao
Chúng ta biết rằng tập thể dục tạo ra các gốc tự do, làm tăng huyết áp và gây căng thẳng oxy hóa. Vậy, vì sao chúng ta vẫn nên tập thể dục để tốt cho sức khỏe? Tất nhiên, câu trả lời đơn giản là do hiệu ứng hormesis. Các yếu tố căng thẳng sẽ tạm thời tăng lên trong quá trình tập luyện cường độ cao, nhưng cơ thể trong cố gắng duy trì cân bằng nội môi, sẽ thích nghi theo cách giúp chúng ta khỏe mạnh hơn và trao đổi chất linh hoạt hơn trong tương lai.
6. Hòa đồng với mọi người
Đối với nhiều người, hòa đồng hơn với người lạ và dễ bị tổn thương hơn trong các mối quan hệ hiện có là một thách thức. Chúng ta khao khát một tình bạn sâu sắc hơn, nhưng thay vào đó, chúng ta thường chọn sự thoải mái không cần thiết [khi ở nhà và] dùng các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy rằng căng thẳng ngắn hạn của việc bước ra ngoài xã hội giúp xây dựng một mạng lưới trợ giúp. Mạng lưới này có tác dụng bảo vệ chống lại căng thẳng kinh niên, vốn gây ra nhiều vấn đề thực sự cho chúng ta.
7. Học hỏi những điều mới
Bộ não con người có khả năng thích ứng và thay đổi từ những trải nghiệm mới lạ do tính linh hoạt. Nghiên cứu cho thấy rằng thực hiện các hoạt động thử thách tinh thần, chẳng hạn như học tập nhiều hơn, có liên quan đến việc giảm nguy cơ bị chứng mất trí nhớ. Trên thực tế, bất kỳ nhiệm vụ khó khăn nào về mặt nhận thức sẽ khiến bộ não phản ứng bù đắp bằng cách phát triển và làm chậm quá trình suy giảm nhận thức. Học một ngôn ngữ thứ hai dường như là một cách tác động đặc biệt tuyệt vời nếu bạn đang muốn đón nhận một thử thách mới.
8. Sống tối giản
Chủ nghĩa tiêu dùng (Consumerism) là lối suy nghĩ được định hướng chủ yếu bởi sự thoải mái và tiện nghi. Bất kỳ khi nào “vấn đề” nổi lên – chẳng hạn như sự buồn chán, công việc khó khăn, hay cảm giác khó chịu – giải pháp của chủ nghĩa tiêu dùng là mua một tiện ích hay một gói đăng ký khác để giúp cuộc sống dễ dàng hơn. Nhưng sẽ thế nào nếu tất cả sự dễ dàng này cuối cùng thật sự khiến cuộc sống khó khăn hơn? Nếu lý thuyết về hiệu ứng hormesis là đúng, vậy chúng ta chắc chắn sẽ cần giới hạn, sự ràng buộc, và thử thách trong việc giải quyết các vấn đề để thực sự trưởng thành. Không ngạc nhiên rằng những người theo đuổi lối sống tối giản cuối cùng lại thay đổi cuộc sống theo nhiều cách hơn so với hy vọng ban đầu.
9. Đối mặt với nỗi sợ hãi
Khái niệm cơ bản của trị liệu tiếp xúc rất đơn giản – cách nhanh nhất để vượt qua bất kỳ nỗi sợ nào là tự nguyện đối mặt trực tiếp. Thông thường, cách tiếp cận dần dần sẽ có hiệu quả nhất. Điều quan trọng là bạn cần cảm nhận nỗi sợ và chấp nhận nó. Nếu có thể ngừng trốn tránh và tiếp tục đón nhận những tác nhân gây căng thẳng mức độ nhẹ này, cuối cùng bộ não sẽ thích nghi với sự khó chịu và bạn sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn vì đã [dũng cảm] đối mặt. Trị liệu tiếp xúc rất hiệu quả, trên thực tế, liệu pháp này được xem như tiêu chuẩn vàng để chữa rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và đối phó với sang chấn.
“Người ta nói rằng những con ngựa giỏi nhất sẽ thua khi cạnh tranh với những con chậm hơn và thắng những đối thủ giỏi hơn. Phản ứng bù đắp không đầy đủ do thiếu tác nhân gây căng thẳng, hiệu ứng hormesis nghịch đảo hoặc thách thức đã làm suy yếu những điều tốt nhất của tốt nhất.” ~ Nassim Taleb.
Ghi chú của dịch giả:
(*) Hiệu ứng hormesis: Khi cơ thể tiếp xúc với căng thẳng hóa học, vật lý hoặc thậm chí tâm lý trong thời gian ngắn – cho dù đó là bức xạ, chất độc, thể thao hay căng thẳng – nó sẽ kích hoạt các cơ chế bảo vệ làm tăng phản ứng với căng thẳng, giúp cơ thể chống chọi tốt hơn với các nguy cơ trong tương lai.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times