Những lợi ích diệu kỳ khi thực hiện những điều nan giải
Trưởng thành là việc không dễ dàng, nhưng đó là một trong những việc tạo động lực nhất và bổ ích nhất mà chúng ta có thể làm.
Chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày để thực hiện những thói quen tương tự – thức dậy cùng một thời gian, ăn cùng bữa sáng, làm những công việc tương tự tại nơi làm việc, giao tiếp với những người quen cũ, và [lặp lại] việc xem cùng một chương trình TV. Và cứ tiếp tục như thế.
Những thói quen và sở thích có thể giúp chúng ta cảm thấy khỏe mạnh và ít căng thẳng hơn, thậm chí sống lâu hơn. Thói quen là chìa khóa để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nhưng kiểu người chỉ hành động theo thói quen có nguy cơ mắc kẹt trong một con đường nhàm chán, không tận hưởng được những trải nghiệm mới mẻ hoặc những sự khác biệt, từ đó dẫn đến cảm giác chán nản, lười biếng, hoặc tự mãn.
Một điều mà tôi cố gắng truyền đạt cho các con mình là các con của tôi là khả năng thực hiện những công việc khó khăn. Điều này dạy các con biết đón nhận những thách thức theo cách lạc quan, cố gắng tiếp tục phát triển và tận dụng kinh nghiệm đó để tạo động lực tiếp tục học hỏi.
Giống như nhiều bài học tôi dạy cho con, tôi có thể áp dụng nguyên tắc trưởng thành này vào cuộc sống của chính mình. Tôi đã học được rằng thoải mái đôi khi có thể dẫn đến mãn nguyện – nhưng không khiến chúng ta trưởng thành. Thực hiện những việc nan giải không bao giờ là con đường dễ dàng nhưng sẽ mang đến những thành quả lớn nhất.
Thoải mái chính là lực cản lớn nhất của chúng ta
Cảm giác thoải mái là một ước mong phổ quát của nhân loại. Trạng thái thư giãn, đôi khi hưng phấn này khiến chúng ta bị lôi kéo với lối suy nghĩ ổn định. [Chúng ta] cảm thấy cuộc sống tốt đẹp khi ở trong trạng thái thoải mái.
Nhưng cảm giác “tốt” này có thể trở nên trống rỗng và không hài lòng – đặc biệt là khi điều đó khiến chúng ta không thể thực hiện những khát vọng cao cả hơn. Thoải mái có thể là lực cản lớn nhất của chúng ta trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu có ý nghĩa quan trọng nhưng khó khăn.
Đương nhiên là việc cố gắng thoát khỏi vùng an toàn không phải là điều dễ dàng. Khi một điều gì đó mà chúng ta không biết trước mang tính thử thách hoặc [một vấn đề] mới xuất hiện, chúng ta thường có xu hướng rút lui. Đặc biệt trong văn hóa đề cao sự tiện lợi và thoải mái trên hết, chúng ta theo bản năng hướng tới vùng an toàn của những việc dễ dàng thực hiện.
Và đó chính xác là lý do tại sao nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn để bước ra ngoài những điều quen thuộc và dễ dàng. Dưới đây là bốn lý do khiến chúng ta rút lui để thấy dễ chịu hơn:
Nỗi sợ thất bại rất mạnh.
Đó có vẻ là con đường an toàn nhất.
Nói không với điều gì đó mới mẻ dường như dễ dàng hơn nói có.
Chúng ta so sánh bản thân với những người khác và nghĩ chúng ta không bao giờ có thể sống theo những tiêu chuẩn đó.
Nhưng bạn đừng để những khuynh hướng phổ biến này ngăn chúng ta hướng đến những mục tiêu và sự trưởng thành.
Hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu Henry Ford không tiếp tục cố gắng hoàn thiện quy trình sản xuất dây chuyền lắp ráp làm thay đổi ngành kinh doanh ô tô. Bạn có biết ông đã chính thức tuyên bố phá sản hai lần và có hai công ty sản xuất ô tô trước khi thành lập Ford Motor Co. năm 1903?
Hoặc, điều gì sẽ xảy ra nếu Walt Disney từ bỏ giấc mơ sáng lập Disneyland sau khi bị một biên tập viên báo chí nói rằng ông thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay nào?
Và hãy tưởng tượng nếu Theodor Seuss Geisel, hay còn được biết với danh Tiến sĩ Seuss, đã từ bỏ viết sách cho trẻ em sau khi bị 27 nhà xuất bản từ chối.
Những việc nan giải giúp ta trưởng thành
“Bạn sẽ không bao giờ biết được cho đến khi bạn thử làm” là lối suy nghĩ mà tôi cố gắng làm mẫu cho con mình. Đương nhiên là chúng ta có thể ở trong tấm khung an toàn thoải mái của mình, nhưng nếu chúng ta muốn trưởng thành, sống một cuộc đời trọn vẹn, hoặc có một ảnh hưởng quan trọng trên thế giới, chúng ta sẽ cần chịu đựng một chút.
Làm những việc khó khăn đòi hỏi lòng gan dạ, tánh kiên trì và tinh thần dũng cảm. Không có khía cạnh nào trong đó đến từ việc sống một cuộc đời dễ dàng, và tất cả những đòi hỏi này đều cần thiết cho sự trưởng thành.
Trong vài năm qua, khi tôi đã làm việc để tạo ra cả một doanh nghiệp nhiếp ảnh và sau đó là một blog về phong cách sống, tôi đã tìm thấy những lợi ích của sự kiên trì vượt xa hơn những điều thoải mái đơn giản.
Và rồi kể từ đó, tôi không những thấy ít lo lắng hơn khi làm những việc khó, mà còn có ý thức tìm kiếm những việc này như một phương tiện để theo đuổi một tư duy phát triển.
5 lợi ích khi thực hiện những điều khó khăn
Mở ra những khả năng sáng tạo. Một bài viết trên tập san Cerebrum cho thấy rằng, suy nghĩ về khía cạnh sáng tạo sẽ kích thích vùng hải mã của bộ não, nơi dopamin được tiết ra và trung tâm khoái cảm của não hoạt động. Những theo đuổi sáng tạo đòi hỏi một đường cong học tập và có thể không dễ chịu. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ, và nhà văn thành công nhất đều trải qua sai lầm, học từ sai lầm và làm việc để cải thiện.
Chúng ta học được cách tư duy phát triển lâu dài. Thất bại là trải nghiệm không thể tránh khỏi đối với bất kỳ ai đang cố gắng thực hiện những điều mới mẻ hoặc chấp nhận các loại rủi ro cần thiết để tận hưởng những cơ hội mà cuộc sống có thể mang lại. Khi chúng ta lựa chọn tiếp tục hướng đến những mục tiêu thay vì dậm chân tại chỗ, chúng ta sẽ hiểu được cách tận dụng những thử thách và thất bại để trưởng thành hơn, và chúng ta trở nên miễn nhiễm với sự chán nản và cam chịu.
Suy nghĩ chín chắn giúp chúng ta vượt qua những nhược điểm và tận dụng những thách thức. Khi chúng ta tin rằng bản thân có thể làm được những việc khó, chúng ta có yếu tố quan trọng để tận dụng sự linh hoạt của bộ não. Nghiên cứu đã phát hiện rằng những trải nghiệm mới giúp cho các thần kinh não hình thành các kết nối mới. Điều đó có nghĩa rằng những cố gắng của chúng ta sẽ khiến bộ não có thể giải quyết mọi vấn đề tốt hơn. Trải nghiệm trưởng thành này chắc chắn sẽ giúp chúng ta xây dựng khả năng phục hồi, bởi vì chúng ta biết rằng [mọi] cố gắng sẽ biến thành bài học và có thể đạt được các kỹ năng và hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn tốt hơn.
Giúp chúng ta mở mang kiến thức. Giống như việc dành thời gian với một người bạn cho phép chúng ta hiểu họ sâu sắc hơn, khi chúng ta thực hiện những việc khó cũng vậy. Chúng ta có thể hiểu biết về những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân tốt hơn và học cách để tiếp tục theo đuổi một tư duy phát triển bằng cách vượt qua những nỗi sợ đồng thời hướng đến các lĩnh vực mà bản thân quan tâm.
Tiết lộ giá trị của những lời chỉ trích. Làm những việc khó thường đi kèm với nhận những lời chỉ trích. Khi đó, chúng ta sẽ xem đó là phán xét hay là tận dụng để học hỏi. Nếu xem đó là lời công kích vào năng lực của chúng ta, chúng ta có thể đang đóng lại cánh cửa để trưởng thành. Ngược lại, chúng ta sẽ xem đó là một con đường để tiến lên, để chúng ta có thể thay đổi cách tiếp cận hoặc mở rộng lãnh vực mà chúng ta có thể học hỏi.
Tôi đã học được rằng trưởng thành sẽ không xảy ra khi tôi không lắng nghe lời khuyên hoặc phản hồi từ những người khác. Khi tôi chấp nhận những khuyết điểm của bản thân như một cách để trưởng thành, tôi tự tin hơn khi tận dụng những cơ hội mới để làm những việc khó.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times