9 nguyên nhân gây mụn cơ thể đáng kinh ngạc
Mặc dù mụn trên mặt và cơ thể đều có cùng nguyên nhân, nhưng mụn cơ thể có thể bao gồm các yếu tố khác, tuỳ thuộc vào vị trí nổi mụn.
Đa số mọi người thường bị mụn chủ yếu ở trên mặt. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiến triển và trở nên trầm trọng hơn, các bộ phận khác của cơ thể cũng có thể nổi mụn. Mặc dù không phải lúc nào nổi mụn trên mặt cũng đi kèm với mụn cơ thể, nhưng hầu như những người bị mụn cơ thể đều nổi mụn trên mặt.
Mụn cơ thể thường xuất hiện ở lưng, cổ, ngực, vai, và cánh tay trên, ngoài ra cũng có ở mông và cẳng chân. Nguyên nhân thường giống với mụn vùng mặt: Tuyến bã nhờn (dầu) hoạt động mạnh, tích tụ các tế bào chết, và vi khuẩn Propionibacterium acnes (một loại vi khuẩn gây mụn). [Mặc dù] luôn hiện diện trên da, nhưng vi khuẩn Propionibacterium acnes có thể gây ra mụn khi các lỗ chân lông bị tắc do lượng dầu thừa và các tế bào da chết. Tắc nghẽn lỗ chân lông sẽ dẫn đến mụn đầu đen và có thể tiến triển thành mụn trứng cá nếu có vi khuẩn xâm nhập.
Mặc dù mụn trên mặt và cơ thể đều có cùng nguyên nhân, nhưng mụn cơ thể có thể bao gồm các yếu tố khác, tuỳ thuộc vào vị trí nổi mụn. Dưới đây là một số gợi ý về các nguyên nhân gây mụn (cũng như các tình trạng giống mụn) ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Giải quyết được những vấn đề này có thể giúp giảm hoặc thậm chí sạch mụn.
Ngoài các gợi ý bên dưới, bạn cũng cần xem xét về khả năng bị các tình trạng dị ứng hoặc nhạy cảm quá mức với bột giặt hoặc chất làm mềm, hóa chất giặt khô, hoặc các sản phẩm chăm sóc cá nhân (như xà phòng, sữa dưỡng thể, sữa tắm, sản phẩm cạo râu), tất cả đều có thể dẫn đến phát ban giống mụn trên da.
Mụn ở cổ
Mụn ở cổ có thể là do mặc áo quần gây kích ứng cổ hoặc tóc nhiều dầu cọ vào cổ. Các tuyến thượng thận hoạt động quá mức cũng như ăn quá nhiều đường có thể đóng một vai trò nhất định.
Mụn ở vai
Mụn ở vai có thể liên quan đến căng thẳng hoặc cảm giác bị tổn thương. Ma sát từ ba lô, túi đeo vai, dây áo trong, hoặc dụng cụ thể thao cũng có thể là một yếu tố.
Mụn ở lưng
Mụn vùng lưng cũng [có nguyên nhân] giống như ở mặt, do nhiều tuyến bã nhờn (tuyến dầu hoạt động quá mức) so với các bộ phận khác trên cơ thể, vì vậy đặc biệt có thể gây mụn trứng cá (bacne).
Mụn vùng ngực
Mụn xuất hiện trên ngực có thể liên quan đến tiêu hóa kém, nhiễm nấm, hoặc ăn nhiều đồ ăn cay.
Mụn ở cánh tay
Da vùng cánh tay thô ráp hơn so với vùng mặt hoặc lưng và dễ phát triển các đốm nhỏ gọi là dày sừng nang lông. Đây là một tình trạng giống mụn do sự tích tụ quá nhiều keratin (một protein ở da) có thể làm tắc nghẽn các nang lông, dẫn đến các nốt sần trên da. Tẩy da chết nhẹ nhàng có thể hữu ích trong trường hợp này.
Mụn ở bụng
Vùng da bụng hiếm khi nổi mụn vì có rất ít tuyến bã nhờn. Nếu nổi mụn ở vị trí này, thì có thể liên quan đến mức đường máu cao hoặc mặc quần áo quá chặt.
Mụn vùng khung chậu
Mụn phát triển ở vùng khung chậu có thể rất khó kiểm soát vì vùng da ở đây thường giữ ẩm tốt. Sự xuất hiện của mụn nhọt hoặc vết sưng có thể liên quan đến hiện tượng lông mọc ngược do cạo, tẩy lông hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tránh mặc quần trong và quần dài bó sát quá chặt, và nên mặc quần trong bằng cotton.
Mụn ở cẳng chân
Giống như cánh tay, cẳng chân có thể dễ bị dày sừng nang lông. Các tình trạng giống như mụn cũng có thể là do kích ứng từ trang phục hoặc dụng cụ thể thao, cạo lông hoặc lông mọc ngược.
Mụn ở mông
Theo bác sĩ da liễu Suephy Chen, phó giáo sư da liễu và giám đốc đơn vị nghiên cứu các kết quả và lâm sàng da liễu tại Trường Đại học Y khoa Emory, “Trên lý thuyết, bạn sẽ không bị mụn ở mông.” Nhưng khi xuất hiện các nốt ở mông thì bạn sẽ luôn muốn loại trừ, bất kể đó có thực sự là mụn hay không. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra mụn ở mông là viêm nang lông, thường tự biến mất; hoặc hậu bối (nhọt) có thể phát triển nếu viêm nang lông tiến triển sâu hơn. Những nốt giống như mụn cũng có thể do ngồi lâu, ăn đồ cay, và tiêu hóa kém.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times