8 loại thực phẩm giúp giảm lượng đường trong máu
Một số người cho rằng lượng đường trong máu có thể được kiểm soát bằng cách không ăn ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm có đường. Đúng là cân nặng và lượng đường trong máu sẽ thực sự giảm xuống nếu bạn bắt đầu cắt giảm lượng đường, nhưng cơ thể bạn sẽ như thế nào trong 5 năm hoặc 10 năm nữa?
Trung Y nói: “Ngũ cốc vi dưỡng, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung, ngũ quả vi trợ”. Ý rằng: ngũ cốc là thực phẩm cung cấp dinh dưỡng, gia cầm và gia súc là thực phẩm bồi bổ, rau củ là thực phẩm bổ sung, hoa quả là thực phẩm hỗ trợ. Qua đó cho thấy, ngũ cốc là cơ sở để nuôi dưỡng cơ thể con người.
Từ quan điểm dinh dưỡng, ngũ cốc là một nguồn cung cấp đường quan trọng. Đường là một trong ba chất dinh dưỡng chính cung cấp năng lượng cho tế bào, dù là monosaccharide, disaccharide hay polysaccharide,… thì đều đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Từ màng tế bào, thành tế bào, các kết cấu tổ chức cơ bản nhất của cơ thể như DNA và RNA, cho đến việc duy trì hệ thống miễn dịch của con người, đông máu, thụ tinh, tăng trưởng, dự trữ chất dinh dưỡng, cung cấp năng lượng và các hoạt động sinh lý khác…, đều cần đến đường.
Vì vậy, sợ béo phì, sợ đường huyết tăng cao mà không ăn cơm nữa là điều không thể. Bạn vẫn cần ăn cơm, quan trọng là ăn như thế nào, ăn gì, và liệu có phù hợp với vận động hay không. Khi nói đến vận động, rất nhiều người sẽ nghĩ rằng cần phải tập thể dục trong vòng nửa giờ hoặc một giờ, bởi vậy liền từ chối với lý do ngại hoặc không có thời gian. Trên thực tế, bạn chỉ cần vận động 30 giây là được, quan trọng là phải kiên trì. Khi kiên trì được, thì sẽ có thể kéo dài đến 1 phút, 2 phút mỗi ngày, thậm chí là lâu hơn.
8 loại thực phẩm giúp hạ đường huyết
Kết hợp hợp lý những thực phẩm sau đây với cách ăn uống hàng ngày sẽ giúp bạn hạ đường huyết.
Cháo kê, cháo củ mài
Ăn cháo có thể làm giảm lượng đường trong máu, cháo kê hay cháo sơn dược (của mài) đều được. Hãy nấu cháo kê đến mức tạo ra một lớp dầu kê, lớp dầu kê dính dính này sẽ đi vào dạ dày và hỗ trợ thành dạ dày hấp thụ đường.
Theo kinh nghiệm lâm sàng, củ mài cũng có thể hạ đường huyết. Một vị bác sĩ đã cho một số bệnh nhân cao tuổi ăn củ mài trong khẩu phần hàng ngày, sau một thời gian thì thấy đường huyết của họ giảm đáng kể. (Lưu ý: Vì những người khác nhau có thể chất khác nhau, vì vậy cần thảo luận với bác sĩ tùy theo tình trạng của cá nhân).
Khổ qua tứ vật thang
Một thực phẩm rất tốt khác là khổ qua (mướp đắng). Bổ trái mướp đắng làm đôi, cắt khúc, nấu cùng Tứ vật thang (gồm 4 vị: Đương quy, Thục địa, Bạch thược, Xuyên khung). Món canh này tuy có vị đắng nhưng có thể hạ đường huyết. Một số bệnh nhân của bác sĩ Hồ Nãi Văn đã ăn như vậy trong một thời gian, và lượng đường trong máu của họ đã giảm xuống. Bạn có thể ăn từ 2-3 ngày một đợt, sau đó kiểm tra lượng đường trong máu để xem liệu có hiệu quả hay không.
Tứ thần thang
Tứ thần thang là một dược thiện tính bình. Nguyên liệu là sơn dược (củ mài), phục linh, khiếm thực, hạt sen, có người thích cho thêm ý dĩ. Trong số đó, củ mài có tác dụng hạ đường huyết.
Các loại hạt
Ăn các loại hạt (nhân của các loại hạt có vỏ cứng) có thể ổn định lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Hạnh nhân, hồ trăn (hạt dẻ cười), hạt óc chó, hạt điều… đều rất tốt. Bạn có thể dùng chúng như một món ăn nhẹ, hoặc có thể nghiền thành bột, cho vào bánh mì nướng nguyên cám để làm sandwich hoặc ngâm chúng trong sữa đậu nành, mỗi ngày ăn một ít.
Củ cải trắng
Củ cải trắng không chứa nhiều calo, giàu enzym tiêu hóa, còn có tác dụng kiện tỳ vị, giúp duy trì cân bằng lượng đường trong máu và ngăn ngừa ung thư.
Dân gian có câu rằng, “Ăn củ cải uống trà nóng, bác sĩ giận bò xuống sàn”, ý là ăn củ cải sẽ giúp cho cơ thể khỏe hơn, không còn cần tìm đến bác sĩ.
Củ cải trắng có chứa một số chất có thể tham gia vào quá trình tổng hợp và bài tiết insulin, có thể ổn định lượng đường trong máu. Nó còn có một lượng lớn chất xơ hòa tan có thể giúp trì hoãn sự gia tăng đường huyết sau bữa ăn.
Củ cải trắng còn rất giàu calci, giúp cải thiện tình trạng loãng xương ở bệnh nhân tiểu đường. Đặc biệt củ cải khô già thì càng tốt. Ăn củ cải trắng thường xuyên cũng có thể hỗ trợ điều trị bệnh thận, bệnh tim, huyết áp, v.v.
Giá đỗ
Giá đỗ có hàm lượng calo thấp, ngoài ra còn chứa rất nhiều chất xơ và protein chất lượng cao, có thể loại bỏ chất béo trong ruột và nội tạng, cải thiện tình trạng đường huyết cao.
Bí đỏ
Cùi bí đỏ có chứa một chất đặc biệt giúp thúc đẩy quá trình tiết insulin, từ đó làm giảm lượng đường trong máu. Bí đỏ cũng chứa một lượng lớn các nguyên tố vi lượng như Cobalt, một nguyên tố vi lượng cần thiết cho quá trình tổng hợp insulin của các tế bào đảo tụy. Ăn bí đỏ với lượng thích hợp có thể giúp bài tiết insulin và giảm lượng đường trong máu.
Ngoài ra, bí đỏ rất giàu pectin, chất này có thể kết hợp với lượng cholesterol dư thừa trong cơ thể người, rất hữu ích cho những bệnh nhân bị xơ cứng động mạch.
Bài viết do Bác sĩ Trung y Hồ Nãi Văn cung cấp.
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ