5 loại béo phì theo Trung Y và cách giảm cân cổ xưa, đơn giản
Béo phì đã trở thành một bệnh lý phổ biến trong thời đại chúng ta. Căn bệnh này ảnh hưởng đến ngoại hình, lòng tự trọng của mọi người và [là] mối đe dọa về sức khỏe thể chất. Vậy các yếu tố gây ra béo phì là gì? Liệu có giải pháp nào có thể áp dụng cho mọi trường hợp để giảm tình trạng này? Bác sĩ Trung Y Dư Nhã Văn từ Đài Loan gợi ý các cách giảm cân khác nhau cho năm loại béo phì phổ biến, và giới thiệu hai phiên bản giảm cân kiểu CliffsNotes đơn giản, dễ thực hiện.
Béo phì gây hại cho nhiều chức năng sinh lý của cơ thể, làm gia tăng đáng kể nguy cơ bị các bệnh liên quan đến chuyển hóa, tim mạch, hô hấp, và một số bệnh ung thư gây tử vong. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng Trung Y có hiệu quả trong việc điều trị béo phì theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như điều chỉnh vi hệ đường ruột, tăng nồng độ hormone, và điều hòa quá trình chuyển hóa chất béo.
Tây Y cho rằng béo phì là tình trạng tích mỡ do mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao gây ra bởi nhiều yếu tố.
Bác sĩ Dư Nhã Văn từ Phòng khám Trung Y Thượng Tỳ ở Đài Loan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Health 1+1 rằng, Trung Y tin rằng “những người béo phì có liên quan đến [sự tích tụ] đàm.” Định nghĩa của Trung Y về “đàm” bao gồm toàn bộ tất cả các sản phẩm phụ sinh từ những tình trạng bất thường, chẳng hạn mức đường máu cao, lipid máu cao, chất béo trung tính cao, … Do sự mất cân bằng của các cơ quan nội tạng, những “chất thải” này không thể được bài tiết ra ngoài cơ thể mà tiếp tục tích tụ, gây thoái hóa tế bào, từ đó có thể hình thành khối u hoặc mỡ dưới da, nội tạng.
Do đó, Trung Y điều trị béo phì bằng cách giúp các cơ quan nội tạng hồi phục hoạt động bình thường và bài tiết chất thải (bao gồm cả chất béo). Lục phủ ngũ tạng trong Trung Y là cách gọi chung cho các cơ quan và hệ thống hoàn chỉnh của cơ thể. Ngũ tạng bao gồm tâm, can, tỳ, phế và thận; lục phủ bao gồm túi mật, vị, đại trường, tiểu trường, tam tiêu (khoang cơ thể gồm ba phần, chứa tất cả các cơ quan nội tạng), và bàng quang.
Theo các đặc điểm thể chất khác nhau, Trung Y chia béo phì thành năm loại, tương ứng với năm giải pháp khác nhau. Theo quan điểm của Trung Y, con người có thể chất khác nhau. Thể chất là một đặc điểm riêng được hình thành trong quá trình trưởng thành và phát triển, chịu ảnh hưởng của di truyền bẩm sinh cũng như từ môi trường tự nhiên và xã hội sau khi sinh.
Bác sĩ Dư nhấn mạnh rằng những tác động từ cách ăn uống, lối sống, môi trường và các yếu tố khác là chìa khóa dẫn đến béo phì.
Từ quan điểm của Trung Y, Bác sĩ Dư đã phân tích các giải pháp tương ứng với năm loại béo phì. Cô cũng nói thêm rằng một số người khó có thể được phân vào một loại [béo phì cụ thể] mà có sự kết hợp của một vài loại. Hiệu quả trị liệu sẽ tốt hơn trong trường hợp thứ nhất vì bạn có thể tập trung điều trị một loại.
Tỳ hư và đàm ẩm
Tỳ (lá lách) là tạng phủ quan trọng có chức năng vận chuyển và chuyển hóa nước bên trong cơ thể. Tỳ hư làm giảm trao đổi chất, gây ứ nước trong cơ thể, một triệu chứng được gọi là “đàm ẩm.” Y học hiện đại tin rằng lá lách là một cơ quan kiểm soát khả năng miễn dịch, trong khi Trung Y đề cập đến lá lách không chỉ về mặt giải phẫu, mà còn có nhiều khái niệm chức năng khác. Ngoài chức năng miễn dịch, lá lách còn là một phần của hệ tiêu hóa.
Đặc điểm bệnh lý
Đặc điểm bệnh lý của tỳ hư: Cơ, mỡ nhão, thường xuyên phù nề (dưới mắt, tay chân), dễ ra mồ hôi trộm, chàm, dị ứng da, tiết dịch nhiều ở nữ giới, khó chịu khi hành kinh, nhợt nhạt, dễ mệt mỏi. Thường không dùng ba bữa [sáng, trưa, tối] đều đặn và ăn thức ăn nguội.
Giải pháp
1. Các thảo dược trị bệnh
Gạo lúa mạch trắng, đậu đỏ, gừng, hoàng kỳ có thể giúp tiêu trừ phù thũng trong cơ thể, ích tỳ vị.
2. Tăng trao đổi chất
Rèn luyện tăng khối cơ giúp [kích thích] trao đổi chất, tiêu dịch ứ đọng và chất béo. Bác sĩ Dư nói rằng cuốn dược điển Trung Y “Hoàng Đế Nội Kinh” đã đề cập rằng “tỳ vị chi phối các cơ trong cơ thể.” Khi tỳ vị hư, cần vận động các cơ nhiều hơn. Tăng sức mạnh cơ bắp có thể giúp kiện tỳ.
Vị nhiệt, ứ đàm (chủ yếu ở nam giới)
Vị nhiệt được tạo ra từ từ trong quá trình tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, nếu vị nhiệt tích tụ, thường gây cảm giác thèm ăn ngay cả khi vừa ăn xong dẫn đến xu hướng ăn quá nhiều.
Đặc điểm bệnh lý
Đặc điểm bệnh lý của vị nhiệt: ưa ăn vị đậm, thích thịt, thực phẩm ngọt, lạnh. Cần nước thường xuyên, khát nước, và bị trào ngược dịch tiêu hóa.
Giải pháp
1. Các thảo dược trị bệnh
Các thực phẩm bổ sung như táo gai, lá sen, hạt quế, râu ngô và hoàng liên có thể giúp giảm vị nhiệt.
2. Điều hòa các chức năng nội tạng
Dùng châm cứu để thanh vị nhiệt cũng có thể ức chế cảm giác thèm ăn và giảm lượng calorie nạp vào.
Trung Y đã phát hiện ra rằng cơ thể người có hệ thống “kinh lạc”. Học thuyết Trung Y cho rằng kinh lạc là đường dẫn năng lượng bên trong cơ thể. Các cơ quan nội tạng được kết nối với bề mặt cơ thể thông qua kinh mạch. Một số điểm trên kinh lạc có chức năng đặc biệt được gọi là “huyệt.” Kích hoạt các huyệt này sẽ giúp điều trị bệnh của tạng phủ tương ứng bên trong.
3. Tăng trao đổi chất
Tập aerobic nhiều hơn để tăng tiêu hao năng lượng.
Can hư và ứ khí (chủ yếu ở phụ nữ)
Trung Y tin rằng lá gan chịu trách nhiệm vận chuyển khí thông suốt khắp cơ thể, đồng thời điều chỉnh cảm xúc. Can hư gây cản trở lưu thông khí, dẫn đến rối loạn chức năng cơ thể, đồng thời làm thay đổi tâm trạng như trầm cảm, tức giận. Bác sĩ Dư nói rằng tạng can trong Trung Y, không chỉ đề cập đến lá gan như một cơ quan sinh lý, mà còn bao gồm hệ thần kinh tự trị, nội tiết và cảm xúc.
Trung Y cho rằng khí là “năng lượng” hay “sinh lực” cấu thành sự sống trong cơ thể, dùng để chỉ các dưỡng chất nuôi cơ thể như huyết. Khí và huyết phụ thuộc lẫn nhau, chảy khắp cơ thể, có vai trò nuôi dưỡng các cơ quan và mô cũng như duy trì các hoạt động sống còn của cơ thể.
Đặc điểm bệnh lý
Đặc điểm bệnh lý của can hư: Rối loạn nội tiết, mất ngủ thường xuyên, mộng tinh, hồi hộp, lo lắng, thường cảm thấy mệt mỏi.
Giải pháp
1. Thảo dược trị bệnh
Trước tiên điều tiết nội tiết tố, sau đó dùng các loại thuốc làm dịu can, điều hòa khí như hoa hồng, hoa cúc, hoa nghệ tây, và nhân đào.
2. Cải thiện chức năng nội tạng
Có thể dùng châm cứu để điều hòa hệ thần kinh tự chủ, hoặc liệu pháp mùi hương để giảm căng thẳng.
3. Tăng trao đổi chất
Thực hiện các bài tập làm dịu thần kinh, chẳng hạn như Pilates và yoga.
Khí huyết hư
Đặc điểm bệnh lý
Đặc điểm bệnh lý của chứng khí huyết hư: Cơ thể suy nhược, tay chân lạnh, sắc mặt kém tươi, mất cân bằng dinh dưỡng, dễ mệt mỏi, trí nhớ kém.
Giải pháp
Dùng ba bữa [sáng, trưa, tối] điều độ cả về thời gian và lượng thức ăn. Ăn nhiều thực phẩm bổ máu giàu sắt như các loại rau xanh đậm. Tập thể dục nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ nhanh hoặc đạp xe.
Thận dương hư, đàm đục (chủ yếu ở người trung niên và cao tuổi)
Trung Y cho rằng thận là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, là nơi dự trữ các chất và chức năng bẩm sinh của cơ thể, đồng thời kích thích các hoạt động sinh lý. Thận dương giúp kích hoạt các chức năng của các tạng phủ và các mô trong cơ thể. Bác sĩ Dư nói rằng thận dương là cơ quan cung cấp sinh lực cho cơ thể và kiểm soát quá trình trao đổi chất.
Đặc điểm bệnh lý
Đặc điểm bệnh lý của thận dương hư: Rối loạn nội tiết, béo bụng, sợ lạnh, đau lưng, tiểu nhiều.
Giải pháp
Ăn nhiều thực phẩm có tác dụng bổ thận như thịt cừu, tỏi tây, vừng đen. Nên dùng ngải cứu, tắm và xông hơi để tăng quá trình trao đổi chất. Không nên tập thể dục quá sức vì có thể làm cạn kiệt sinh lực.
Liệu pháp đốt ngải cứu là một phần của liệu pháp châm cứu trong Trung Y liên quan đến một số thói quen sinh nhiệt. Đó là một phương pháp điều trị bằng cách đốt lá ngải cứu và dùng que ngải cứu, để làm nóng các huyệt đạo của cơ thể.
Hai cách để giảm cân
Bác sĩ Dư nhấn mạnh rằng sự kiên trì là chìa khóa để giảm cân. Bà đề xuất hai phiên bản CliffsNotes giảm cân, dễ thực hiện.
1. Ăn đúng loại và đúng trình tự: Mỗi bữa ăn nên bao gồm: 1/2 rau nấu chín đủ màu, 1/4 protein chất lượng cao (chủ yếu là thịt nạc và thịt trắng) và 1/4 tinh bột chất lượng cao (gạo, khoai lang, v.v.). Thứ tự ăn là rau hoặc protein trước, sau đó là tinh bột. Những người tiêu hóa kém có thể ăn protein trước để ngăn ngừa mức đường máu dao động quá lớn và tránh tích mỡ.
2. Ngủ đúng giờ: Thói quen lên giường vào lúc 9 giờ hoặc 10 giờ tối có thể tạo tâm trạng ngủ ngon và giúp đi vào giấc ngủ khoảng 11 giờ tối. Không nên ngủ muộn hơn 12 giờ sáng.
Trung Y cho rằng mười hai canh giờ trong ngày (một canh tương đương với hai giờ) tương ứng với mười hai kinh mạch chính của cơ thể. Trong mỗi canh giờ, khí huyết trên kinh mạch tương ứng sẽ đặc biệt dồi dào, tạng phủ do kinh mạch đó chi phối cũng hoạt động mạnh hơn. Đây là lý thuyết dòng chảy nửa đêm đến trưa và học thuyết dòng chảy lên xuống.
Bác sĩ Dư nói rằng kinh lạc túi mật là từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng, và kinh lạc gan là từ 11 giờ tối đến 3 giờ sáng. Trong thời gian ngủ sâu này, cơ thể có thể giải độc hiệu quả. Theo quan điểm của Tây Y, các hormone như hormone tăng trưởng bắt đầu tiết ra lúc 11 giờ đêm, có thể giúp đốt cháy chất béo.
Bấm huyệt để giảm cân
Bác sĩ Dư nói rằng bạn có thể dùng ngón tay, nắm tay hoặc thanh massage để kích thích các huyệt sau.
- Thiên khu (Tianshu)
Nằm cách hai bên rốn khoảng 2 ngón tay theo chiều rộng, huyệt Thiên khu có thể kích thích nhu động ruột.
- Quan nguyên (Guanyuan)
Nằm dưới rốn khoảng 4 ngón tay theo chiều rộng, Quan nguyên là một huyệt thường được dùng trong phụ khoa để điều trị các vấn đề như mất cân bằng nội tiết tố nữ.
- Trung quản (Zhongwan)
Huyệt Trung quản nằm trên rốn khoảng năm ngón tay theo chiều rộng, có thể ức chế sự thèm ăn.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times