5 bài thuốc của Trung y giúp giảm bớt sự khó chịu và dưỡng tim trong mùa hè oi bức
Vào mùa hè nóng nực, mọi người thường cảm thấy nóng bức, buồn chán, hơn nữa dễ đổ mồ hôi, tiêu hao khí và tổn âm. Những phương thuốc bí mật giúp dưỡng tâm của Trung y có thể làm dịu đi sự kích động, bổ sung lượng dịch lỏng cơ thể đã mất, đạt được tác dụng tĩnh tâm an thần.
Một phụ nữ trung niên vào mùa hè đều đổ mồ hôi liên tục, thường cảm thấy hồi hộp, tức ngực và khát nước. Sau khi được Tây y chẩn đoán, bà được cho biết rằng mọi thứ đều bình thường và không có vấn đề gì. Nhưng bác sỹ yêu cầu bà phải tập thể dục nhiều hơn, uống nhiều nước hơn và chăm sóc trái tim thật tốt. Bà không thích tập thể dục nên thường xuyên cảm thấy tim mình yếu ớt. Sau đó, thầy thuốc Trung y bảo bà uống “Sinh Mạch Ẩm” để bổ tâm khí. Sau hơn một tháng sử dụng phương thuốc này, các triệu chứng khó chịu về thể chất của bà ấy cải thiện đáng kể.
Khi chúng ta cảm thấy khó thở, đánh trống ngực và tức ngực, điều đó kỳ thực nghĩa là tim không đủ khí, lực đập của tim không đủ nên máu không được bơm đầy, lúc đó cơ thể sẽ cảm thấy không thể lấy hơi. Máu của chúng ta không chỉ được vận chuyển đến đầu và các chi, mà còn cần vận chuyển đến tim và phổi. Khi trái tim của chúng ta đủ khỏe, nó sẽ có đủ khí lực để vận chuyển đầy đủ oxy và năng lượng, như thế chức năng tim phổi của chúng ta mới hoạt động tốt. Vì vậy, điều quan trọng là phải chăm sóc tốt trái tim trong mùa hè.
Sau đây là 5 bài thuốc dưỡng tim mà Trung y thường dùng. Mỗi bài thuốc đều có những đặc điểm riêng và dùng để chữa những “triệu chứng mùa hè.”
1. Chích Cam Thảo Thang: trị chứng hồi hộp, tức ngực, hụt hơi
Dược liệu: Chích cam thảo, nhân sâm, quế chi, sinh khương, a giao, sinh địa hoàng, mạch đông, hạt thầu dầu, táo tàu.
Công hiệu: Bổ khí, dưỡng âm, dưỡng huyết, phục hồi mạch.
Chủ trị: Khí hư thiếu máu, hồi hộp, tức ngực hụt hơi, lưỡi nhạt ít rêu.
Chích Cam Thảo Thang có thể bổ khí dưỡng âm, dưỡng máu hoạt huyết, làm cho mạch máu của chúng ta sung mãn. Chích cam thảo là cam thảo mật ong. Bản thân cam thảo có tác dụng làm dịu, sau khi thêm mật ong, tính bổ của nó sẽ càng mạnh, tác dụng sẽ tốt hơn. A giao là thực phẩm có tác dụng bồi bổ âm. Vì ngoài động lực ra, tim còn cần một số loại thuộc tính âm, mà sinh địa hoàng và mạch đông đều có tác dụng bổ âm, đồng thời còn bổ huyết. Hạt thầu dầu có đặc tính ẩm, có thể tăng cường sức khỏe tim mạch.
2. Sinh Mạch Ẩm: trị chứng đổ mồ hôi, khô miệng, lười nói
Sinh Mạch Ẩm là một bài thuốc rất đơn giản, chỉ có ba loại thảo mộc. Nó còn được gọi là “Phục Mạch Thang”, là một phương thuốc Trung y nổi tiếng được Trương Nguyên Tố, một thầy thuốc Trung y trứ danh ở Dịch Châu sáng tạo ra vào thời nhà Tấn.
Dược liệu: Nhân sâm, mạch môn đông, ngũ vị tử.
Công hiệu: Bổ sung khí và thúc đẩy sản xuất dịch lỏng, giữ âm và dừng đổ mồ hôi.
Chủ trị: Đổ mồ hôi nhiều vào mùa hè, chứng tổn khí thương âm. Mệt mỏi, hụt hơi lười nói, khô họng khát nước, mạch yếu. Ho lâu suy phổi, chứng tổn khí tổn dương. Ho sặc thiếu khí, đổ mồ hôi không tự chủ, khô miệng và lưỡi.
Mùa hè nắng gắt, đổ mồ hôi nhiều, vậy nên sẽ tiêu hao khí và tổn âm. Ví dụ, nếu uống ít nước khi đi ra ngoài, khi trở về sẽ có triệu chứng như say nắng, cơ thể uể oải, không muốn nói chuyện, miệng khô khốc. Trong Sinh Mạch Ẩm, nhân sâm bổ khí, mạch môn đông dưỡng âm. Còn ngũ vị tử có tác dụng hấp thụ acid, phục hồi nguyên khí và dịch lỏng bị hao tổn trong cơ thể do đổ mồ hôi quá nhiều, đồng thời nó cũng có tác dụng dừng đổ mồ hôi.
3. Thiên Vương Bổ Tâm Đan: trị chứng làm việc quá sức, tâm huyết không đủ
Thiên Vương Bổ Tâm Đan xuất phát từ cuốn y thư “Nhiếp sinh bí phẫu” thời nhà Minh. Nó có công thức phức tạp, được dùng để điều trị chứng mất ngủ, hồi hộp, mơ màng và các triệu chứng khác do thiếu máu, hiệu quả rất tốt.
Dược liệu: Thiên đông, nhân sâm, phục linh, ngũ vị tử, viễn chí, cát cánh, đương quy, huyền sâm, toan táo nhân, mạch đông, đan sâm, bách tử nhân, sinh địa.
Công hiệu: Bổ tim an thần, dưỡng âm thanh nhiệt.
Chủ trị: Tâm và thận âm hư thiếu máu, hư hỏa nội động (tâm thận không thông). Hay quên, tim đập mạnh, thiếu ngủ, xuất tinh trong giấc ngủ, lở loét ở miệng và lưỡi, táo bón, lưỡi đỏ ít rêu, v.v.
Sinh Mạch Ẩm chỉ có 3 vị thuốc, còn Thiên Vương Bổ Tâm Đan lại dùng đến 14 vị thuốc, hơn nữa công hiệu rất toàn diện. Vậy, phải chăng chỉ dùng Thiên Vương Bổ Tâm Đan là được rồi?
Nếu các triệu chứng của bệnh nhân ít hoặc rất nhẹ, chẳng hạn như chỉ thiếu khí nhẹ, thì chỉ cần bổ sung bằng Sinh Mạch Âm cho người bệnh là đủ. Còn Thiên Vương Bổ Tâm Đan phù hợp hơn với những người làm việc quá sức, tâm huyết không đủ, yếu tim, chẳng hạn như luật sư, bác sỹ hoặc nhà thiết kế. Những người này thường lo lắng và cần bổ sung toàn diện khí, dưỡng âm, an thần.
4. Cam Mạch Đại Táo Thang: trị chứng khó chịu, cảm xúc bất ổn
Cam Mạch Đại Táo Thang xuất phát từ “Kim quỹ yếu lược” của danh y Trương Trọng Cảnh, thời Đông Hán.
Dược liệu: Cam thảo, tiểu mạch, táo tàu.
Công hiệu: Điều hòa cảm xúc, an thần.
Chủ trị: Chứng nóng ruột ở phụ nữ. Tinh thần mơ hồ, buồn bã muốn khóc, không thể kiểm soát bản thân, ngáp thường xuyên.
Cam Mạch Đại Táo Thang rất hữu ích và thích hợp để làm dịu thần kinh. Ba vị thuốc là táo tàu, cam thảo và tiểu mạch đều tương đối ngọt. Ăn một số đồ ngọt này có thể làm giảm hưng phấn, làm dịu tâm trạng của bản thân.
5. Toan Táo Nhân Thang: trị chứng hư hỏa vượng, mất ngủ
Toan Táo Nhân Thang xuất phát từ “Kim quỹ yếu lược” của danh y Trương Trọng Cảnh, thời Đông Hán. Nó vừa có thể bổ gan và huyết để tĩnh tâm, vừa thanh nhiệt bên trong để tiêu trừ phiền não.
Dược liệu: Toan táo nhân, cam thảo, tri mẫu, phục linh, xuyên khung.
Công hiểu: Bổ máu an thần, thanh nhiệt giải trừ phiền não.
Chủ trị: Mệt mỏi bồn chồn mất ngủ, hồi hộp và đổ mồ hôi trộm, chóng mặt, lưỡi đỏ, họng và miệng khô.
Quách Y Quân (Giám đốc Phòng khám Trung Y Phần Dương) thực hiện
Toàn Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ