Sự thật đáng sợ đằng sau “chính sách ba con” của Trung Cộng
Trung Cộng thực thi cuộc Tổng Điều tra Dân số Quốc gia lần thứ 7 (sau đây gọi là cuộc Tổng điều tra) lấy 0 giờ ngày 01/11/2020 làm thời gian tham chiếu. Mặc dù báo cáo chính thức của nhà cầm quyền về cuộc tổng điều tra cho thấy dân số Trung Quốc đang tăng lên, nhưng Trung Cộng đã vội vã cho thi hành “chính sách ba con,” bởi vì nền kinh tế đang tăng trưởng một cách “ổn định với đà phát triển hướng lên,” như tờ báo quốc doanh Nhân dân Nhật báo đã khẳng định hồi tháng 05/2021, hoàn toàn không tương thích với khủng hoảng mức sinh hiện tại ở Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với cơ quan ngôn luận của Trung Cộng Tân Hoa Xã hôm 31/05, một cán bộ cao cấp không nêu tên từ Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình của Trung Cộng đã tiết lộ ba bộ dữ liệu.
Bộ dữ liệu đầu tiên cho thấy rằng Trung Quốc đã ghi nhận sự giảm sút liên tiếp của số lượng đăng ký kết hôn. Theo báo cáo của Tân Hoa Xã, “số lượng đăng ký kết hôn sụt giảm 40% từ 13 triệu xuống còn 8.13 triệu từ năm 2013 đến năm 2020.” Ví dụ, nếu tất cả số lượng đăng ký kết hôn đều là cuộc hôn nhân lần đầu, thì số lượng trẻ em được sinh ra đầu tiên sẽ ít hơn 8.13 triệu.
Bộ dữ liệu thứ hai cho thấy “có sự sụt giảm trong mong muốn có con.” Theo báo cáo, số lượng con dự tính trung bình của các cặp vợ chồng những năm 90 chỉ là 1.66. Ngay cả khi con số này không được tô vẽ thêm, số liệu thống kê cũng đã cho thấy số lượng trẻ em thực tế có thể được sinh ra cũng thấp hơn số lượng trẻ em mọi người dự định có.
Hai nhóm dữ liệu này trùng khớp với hiện tượng xã hội hiện nay ở Trung Quốc gọi là “nằm thẳng” (“lying flat,” chỉ những thanh niên hiện giờ không mưu cầu điều gì trong cuộc sống, không nhà không xe, không kết hôn, không sinh con đẻ cái, phủ nhận khái niệm gia đình truyền thống, sống tối giản, sống buông thả) một hiện tượng đang dần phổ biến trong đa số những người sinh sau năm 90 hơn là việc kết hôn và sinh con theo truyền thống.
Nhóm dữ liệu thứ ba cho thấy rằng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang giảm thiểu đáng kể. Từ năm 2016 đến năm 2020, số lượng trung bình hàng năm của những phụ nữ trong “thời kỳ vượng thịnh để sinh nở” (cách mà Trung Cộng gọi những phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 34) giảm xuống 3.4 triệu, trong khi đó riêng năm 2020, số lượng này đã sụt giảm 3.66 triệu. Nếu chỉ dùng số lượng sụt giảm trung bình hàng năm để tính toán, tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm xuống còn 17 triệu người trong vòng 05 năm kể từ năm 2016. Do đó, có thể khẳng định với một sự nghi vấn hợp lý rằng, tính xác thực của tỷ lệ sinh đã được hé lộ trong cuộc tổng điều tra dân số quốc gia thứ bảy.
Thêm vào đó, số liệu thống kê chính thức này đã cho thấy rằng từ năm 2002, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đã giảm dần, số lượng trẻ em sinh ra từ năm 2002 đã giảm hàng triệu so với số lượng ước tính vào năm 1987. Nói cách khác, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh nở có thể tiếp tục giảm đáng kể mỗi năm trong những thập kỷ tới.
Do đó, nguyên nhân sơ khởi gây ra khủng hoảng sinh sản hiện nay tại Trung Quốc chính là sự sụt giảm số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Hiện trạng này có thể sẽ không được cải thiện, thậm chí khi chế độ cộng sản hoàn toàn loại bỏ các biện pháp điều tiết sinh sản và thậm chí chi trả tất cả chi phí chăm sóc con cái, giáo dục và nhà ở.
Điều đáng kinh ngạc hơn là dữ liệu đằng sau các số liệu thống kê này, chính là thứ đã chỉ ra nguyên nhân gây ra sự sụt giảm số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. “Chính sách ba con” đã gây ra một phản ứng dữ dội hôm 31/05 trên các nền tảng mạng xã hội như Weibo, nhưng ngay ngày tiếp theo, hàng ngàn các bài đăng thảo luận đã bị xóa bỏ.
Cơ quan tuyên truyền của Trung Cộng đã cực kỳ sợ hãi bởi một sự thật rằng trong số rất nhiều những bài đăng có nội dung châm biếm, đã có một số nội dung đụng chạm đến những chủ đề nhạy cảm, từ ẩn ý đến rõ ràng.
Một cư dân mạng đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao số lượng phụ nữ lại sụt giảm đáng kể như vậy?”
Những hồi đáp cho câu hỏi trên bao gồm: “Hãy hỏi những bào thai nữ bị phá bỏ vào lúc đó đấy!” “Những phụ nữ đáng lẽ bây giờ đã đến độ tuổi sinh nở đã không được sinh ra vào thời đó.” “Những phụ nữ trong độ tuổi sinh nở đang còn thiếu kia là những người đã bị cưỡng ép phá thai bởi chính sách Một Con.”
Nếu quý vị tìm kiếm trên google những bài đăng đó, kết quả tìm kiếm sẽ đưa quý vị đến một trang mạng với câu cảm thán rằng: “Xin lỗi… trang này không có điều quý vị muốn tìm.”
Một bài đăng trong nhóm Đậu biện (Douban), một diễn đàn của những cư dân mạng trẻ tuổi, đã đề cập đến ngày kỷ niệm lần thứ 30 của chiến dịch “100 ngày không có trẻ em,” đó là một [chiến dịch] rất lớn nhằm sát hại trẻ sơ sinh và nạo phá thai nhi được thực hiện ở Huyện Quan và Huyện Thần, tỉnh Sơn Đông, vào năm 1991. Ông Tằng Triệu Kỳ (Zeng Zhaoqi) và ông Bạch Chí Cương (Bai Zhigang), hai thư ký của ủy ban quận, đã ra lệnh ép buộc phá thai cho mỗi ca mang thai trong 100 ngày từ ngày 01/5 đến ngày 10/08 năm đó. Trong suốt thời gian này, không có bất kỳ một em bé nào ra đời theo đúng nghĩa đen, và thậm chí đứa con đầu lòng của các cặp vợ chồng mới cưới cũng không được tha. Bất kỳ đứa bé nào còn sống sót sau khi được sinh ra trong thời gian buộc phá thai này đều đơn giản là bị bóp cổ chết. Một bài đăng trên nhóm Đậu biện này đã nói rằng “chính sách Một Con chính là lịch sử của cuộc thảm sát cả một thế hệ những bé gái.”
Có rất nhiều những khẩu hiệu khác nhau ca tụng việc kế hoạch hóa gia đình được tạo ra vào thời đó. Một trong số đó gồm: “Tôi thà tuyệt tử tuyệt tôn còn hơn trở thành nỗi lo của Đảng.” “Có thể thực hiện phá thai nội khoa, ngoại khoa, hay phá thai cưỡng bức, chứ đừng sinh con!” “Thậm chí máu có đổ thành sông, không ai được phép có thêm một đứa con nữa.” “Treo cổ tự tử đã có dây thừng [từ chính phủ]. Muốn uống thuốc độc có ngay một lọ!”
Trong một bài báo có nhan đề “Công khai Phí duy trì Xã hội Bởi sự Liên quan của nó với Sự Vô tội của các Tổ chức Kế hoạch hoá Gia đình,” được đăng trên báo Southern Weekly năm 2013, ông Chi Chấn Phong (Zhi Zhenfeng), một nghiên cứu sinh cộng sự tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), đã tiết lộ rằng tổng số kinh phí thu thập được có thể lên đến 234,627,945,000 USD trong suốt 30 năm qua, bao gồm cả tiền thân của các loại phí duy trì xã hội trước đây như phí phạt nếu có hơn một đứa con hoặc phí phạt do sinh đẻ không được chấp thuận.
Nếu chúng ta chỉ lấy duy nhất khoản phí duy trì xã hội này, thì ước tính khoản phí này có thể lên đến hơn 3 tỷ USD mỗi năm. Trong khi những [con số] ước tính này chắc chắn là không chính xác, nhưng sẽ không có gì là lạ nếu số kinh phí duy trì xã hội thu được lớn một cách bất ngờ. Điều đó cho thấy rằng, các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức có liên quan đã không công khai một cách chi tiết tổng số phí thu được cũng như mục đích sử dụng cuối cùng của họ kể từ tháng 08/2002.
Ông Chi viết trong bài báo rằng, “Chỉ tính riêng Á Châu, 18 quốc gia và khu vực, bao gồm Nhật Bản, Nam Hàn, và Israel đều có mật độ dân số lớn hơn Trung Quốc. Tại Âu Châu, 1/3 các quốc gia và khu vực đều có mật độ dân số lớn hơn Trung Quốc Đại lục. Điều này cho thấy dân số không phải là một gánh nặng.”
Ông Chi cũng chỉ ra rằng “Dực Thành, tỉnh Sơn Tây, đã tiến hành thí điểm cho việc sinh con thứ hai từ tháng 07/1985, và sau đó 28 năm kể từ thử nghiệm này, cho đến năm 2013, dân số địa phương không thấy có bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào. Ngược lại, sự gia tăng dân số của địa phương này còn thấp hơn mức trung bình của cả nước, và tất cả chỉ số về dân số, thể hiện qua tỷ lệ giới tính, đều tốt hơn mức bình quân của cả nước.
Tuy nhiên, chỉ có một đặc khu dân cư tại Trung Quốc, và đó là Dực Thành.
Chính sách một con, hay là chính sách kế hoạch hóa gia đình, khởi nguồn từ bức “Thư ngỏ gửi đến tất cả Đảng viên, Đoàn viên trong việc kiểm soát sự gia tăng dân số của đất nước” được ban hành vào ngày 29/05/1980 bởi Uỷ ban Trung ương Trung Cộng. Lá thư đã khẳng định rõ ràng rằng: “30 năm sau, vấn đề dân số đang nhức nhối hiện nay sẽ được xoa dịu và những chính sách khác về dân số có thể được lựa chọn thi hành.”
Nói cách khác, lời hứa chính trị của Trung Cộng này đã phá sản vào năm 2010, thời gian kỷ niệm 30 năm ngày thực thi chính sách. Đến hiện nay, Trung Cộng vẫn chưa thừa nhận sai lầm của mình, hoặc thậm chí xin tha tội từ một lượng lớn các bà mẹ và trẻ em là nạn nhân của chính sách này. Tuy nhiên, nhà cầm quyền này vẫn còn mong nhận được sự “biết ơn” từ nhân dân Trung Quốc vì chính sách ba con. Mức độ vô liêm sỉ của đảng này cũng kinh hoàng không kém mức độ thống khổ mà các nạn nhân của chính sách một con phải chịu đựng.
Tác giả Trần Tư Mẫn (Chen Simin) là một nhà văn tự do thường phân tích về các vấn đề hiện thời của Trung Quốc. Cô đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2011.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Chen Simin thực hiện
Thiên Minh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: