Sự sụp đổ của FTX: ‘Cuộc khủng hoảng hoàn hảo’ với nhiều câu hỏi chưa có lời đáp
Như cách mà đại dịch đã được sử dụng để khước từ các quyền Hiến Pháp của người Mỹ và tạo ra suy thoái kinh tế toàn cầu, liệu tình hình của FTX có đóng một vai trò tương tự để vô hiệu hóa mã kim không?
Khi tác động vụ sụp đổ của FTX tiếp tục lan rộng, có một số khía cạnh của sự kiện này đã vượt ra ngoài thế giới mã kim. Và khi càng có nhiều thông tin hơn, thì dường như tình huống này càng trở nên quan trọng hơn.
Một vài sự thật và sự trùng hợp kỳ lạ
Trước hết, bê bối tài chính lớn này đã khiến các nhà đầu tư thua lỗ hàng tỷ USD. Bản thân điều đó khiến cho vụ sụp đổ này trở thành một trong những thất bại tốn kém nhất trong lịch sử. Tốc độ mà FTX thu hút được các nhà đầu tư và mất toàn bộ tiền cũng là chưa từng có. CEO của công ty này, Samuel Bankman-Fried (còn được biết đến với tên viết tắt là SBF), đã đi từ khối tài sản ròng trị giá lên tới 26 tỷ USD xuống về căn bản là phá sản chỉ trong vài ngày.
Thật đáng kinh ngạc khi Bankman-Fried đã có thể thu được một lượng lớn tiền mặt của các nhà đầu tư một cách nhanh chóng và công khai như vậy.
Tại sao điều đó không thu hút một loại điều tra nào đó theo quy định bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia thị trường trong lời làm chứng trước Quốc hội?
Madoff của giới mã kim
Đây là một câu hỏi rất hay vì động lực của sự sụp đổ có liên quan đến hành vi sai trái rõ ràng của Bankman-Fried. Không chỉ các biện pháp bảo vệ căn bản dành cho tiền vốn bị bỏ qua, mà tiền mặt của các nhà đầu tư FTX đã được chuyển vào Alameda Research, một công ty đầu tư thuộc sở hữu của SBF. Đó là một xung đột lợi ích bất hợp pháp và phi đạo đức mà vốn dĩ lẽ ra phải dẫn tới việc buộc các tội danh chống lại anh ta, đặc biệt là khi xét đến phạm vi thiệt hại tài chính. Anh ta đã được mô tả một cách chính xác là Bernie Madoff của giới mã kim.
Tuy nhiên, bằng cách nào đó, thật đáng kinh ngạc, SBF vẫn chưa bị bắt. Hơn nữa, các cơ quan quản lý đã không thấy những cảnh báo rõ ràng này. Hay họ chỉ đơn giản là bỏ qua chúng?
Và nếu các cơ quan quản lý bỏ qua các vi phạm của FTX, thì tại sao lại như vậy?
Câu trả lời đơn giản, mặc dù chắc chắn không phải là câu trả lời duy nhất hoặc hoàn chỉnh, đó là Bankman-Fried và FTX đã và vẫn có mối liên hệ chính trị với những người rất quyền lực. Đó từ lâu đã là một thực tế.
Con trai của các giáo sư Stanford
Một sự thật chắc chắn khác là cha mẹ của Bankman-Fried đều là giáo sư Stanford. Mẹ của anh ta, bà Barbara Fried, giảng dạy các khóa học về thuế thu nhập liên bang, lý thuyết pháp lý, chính sách thuế, công bằng phân phối, và tâm lý học đạo đức. Cha của anh là một chuyên gia về chính sách thuế và đã từng điều trần trước Quốc hội. Cả hai đều có mối liên hệ sâu sắc với giới quyền lực của Đảng Dân Chủ, và cả hai đều thu được lợi nhuận lớn từ FTX với số tài sản trị giá khoảng 300 triệu USD.
Nhắm mắt làm ngơ
Nhưng các chính trị gia có giúp bảo vệ FTX trong suốt quá trình không?
Điều đó cũng còn chưa đủ cơ sở để khẳng định. Tuy nhiên, có một thực tế là giới tinh hoa chính trị ở Hoa Thịnh Đốn, những đại diện được bầu của chúng ta, đã được hưởng lợi rất nhiều từ FTX. Kể từ năm 2019, Bankman-Fried đã là nhà tài trợ lớn thứ hai cho Đảng Dân Chủ, đóng góp số tiền 38 triệu USD về căn bản là được đánh cắp của các nhà đầu tư từ FTX cho đảng này.
Nhưng không chỉ Đảng Dân Chủ được tài trợ bởi FTX. Trong cùng thời gian đó, đồng CEO của anh Bankman-Fried, ông Ryan Salame, người điều hành nhiều bộ phận khác nhau của FTX, đã quyên góp khoảng 20 triệu USD cho Đảng Cộng Hòa. Vì vậy, cả hai đảng đều thu được lợi ích từ những khoản đóng góp tài chính lớn của FTX.
Người ta không thể nào không tự hỏi về mức độ của việc làm ngơ và bảo vệ pháp lý cho những khoản đóng góp mà Bankman-Fried có thể đã mang lại như thế. Đó là suy đoán nhưng không phải là vô lý.
Làm hoen ố Bitcoin
Hơn nữa, hàng trăm triệu USD đã bị đánh cắp từ sàn giao dịch này và chuyển thành bitcoin. Quá trình đó đang biến mã kim hàng đầu của thế giới này thành thiên đường của những tên trộm và làm hoen ố danh tiếng vốn đã bị hủy hoại của Bitcoin. Bitcoin đã gặp khó khăn do chi phí năng lượng liên quan đến việc khai thác tăng lên trong khi giá bitcoin và các nguồn tín dụng sụt giảm.
Thời điểm FTX sụp đổ là một sự trùng hợp khác. Sự trùng hợp này chắc chắn sẽ giúp ích cho đám đông chống mã kim. Các nhà phê bình cảnh báo rằng tiền, đặc biệt là mã kim, quá trọng yếu để giao cho thị trường và các tổ chức phát hành tư nhân.
Lập luận đó nghe có vẻ hợp lý, nhưng nó cũng rất trùng hợp với sự cố FTX xảy ra cùng thời điểm với thông báo công khai của Cục Dự trữ Liên bang và thử nghiệm ban đầu của cơ quan này về Tiền Điện toán của Ngân hàng Trung ương, được gọi là đồng USD điện toán.
Tại sao sự trùng hợp này lại quan trọng? Có ít nhất một vài lý do.
Một cuộc khủng hoảng hoàn hảo cho đồng USD điện toán
Một là sự cố FTX là cuộc khủng hoảng hoàn hảo để giúp “chứng minh” cho công chúng thấy rằng các sàn giao dịch không được kiểm soát, phi tập trung, và ẩn danh, cũng như các giao dịch và sự nắm giữ mã kim nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ liên bang là một mối đe dọa đối với các nhà đầu tư.
Thực tế này là đúng, nhưng điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với các giao dịch địa ốc không được kiểm soát hoặc mua bán xe hơi đã qua sử dụng. Tuy nhiên, sự hỗn loạn của mã kim có thể được dùng để biện minh cho một cuộc đàn áp của liên bang đối với ngành này.
Một lý do khác là công chúng Mỹ sẽ không dễ dàng bị thuyết phục về nhu cầu hoặc mong muốn đối với đồng USD điện toán. Sự sụp đổ của FTX có thể là một cách giúp phá vỡ niềm tin của công chúng vào tất cả các loại mã kim như các khoản đầu tư thay thế an toàn và khả thi nhằm thuyết phục công chúng chấp nhận việc phát hành đồng USD điện toán.
Đồng USD điện toán sẽ minh bạch và có thể lập trình để cung cấp cho Fed các cấp độ kiểm soát mới đối với thói quen chi tiêu của chúng ta, loại bỏ quyền riêng tư, và hạn chế đáng kể quyền tự chủ cá nhân. Nói tóm lại, tiền điện toán là một công thức cho chế độ chuyên chế sẽ được hiện diện như là sự cần thiết cho việc bảo đảm an ninh tiền tệ.
Ai là người chơi trong bóng tối?
Có những điều tò mò khác về FTX và sự sụp đổ đột ngột của công ty này, chẳng hạn như danh tính và ảnh hưởng của người đồng sáng lập đồng thời là CTO (Giám đốc kỹ thuật) Garry Wang của FTX và Alameda Research. Người tên Garry Wang này đã im lặng cho đến nay, và không có nhiều thông tin về anh ta.
Cuối cùng, chắc chắn là trùng hợp khi anh Bankman-Fried tìm kiếm sự cứu trợ từ đối thủ trong ngành của mình, Triệu Trường Bằng (Changpeng “CZ” Zhao), chủ sở hữu của Binance, sàn giao dịch mã kim lớn nhất thế giới. Một số người tin rằng lòng trung thành của doanh nhân Triệu vốn sinh ra ở Trung Quốc vẫn nằm trong tay Bắc Kinh. Điều đó vẫn chưa rõ vào thời điểm này.
Nhưng cũng bí ẩn như những người xung quanh sự sụp đổ của FTX đang tỏ ra là việc làm thế nào sự việc này đã được cho phép xảy ra ngay từ đầu, bí ẩn này lại dẫn đến ít nhất một câu hỏi nữa…
Có phải FTX được thiết kế để sụp đổ?
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times