Sự quản lý kém của chính phủ TT Biden làm tăng nguy cơ Nga tấn công hạt nhân
Theo các cựu quan chức và chuyên gia an ninh quốc gia, việc thiếu thông tin tình báo chính xác về học thuyết leo thang hạt nhân của Nga dưới thời Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin, kết hợp với những sai lầm ngoại giao của chính phủ TT Biden, đã tạo ra một sự bế tắc hạt nhân đầy nguy hiểm ở Âu Châu.
Do đó, họ đồng ý rằng khả năng Nga tấn công hạt nhân chiến thuật để thay đổi cán cân quyền lực trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga là khó đánh giá, nhưng mối đe dọa này là có thật.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng sẽ vẫn khó kết luận liệu cuộc chiến này có kết thúc bằng một thỏa thuận điều đình, vì cả hai bên tiếp tục đánh giá thấp mong muốn của tất cả các bên — Ukraine, Âu Châu, Hoa Kỳ, và Nga — về chiến thắng toàn diện trong cuộc chiến này.
Do đó, sự mơ hồ về chiến lược hạt nhân mà chính phủ TT Biden đối mặt có thể làm tăng nhiều nguy cơ hạt nhân trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, bởi vì trước đó TT Joe Biden đã thể hiện một khả năng ngoại lệ về việc hiểu sai ông Putin, mà các chuyên gia cho rằng, sau những tính toán sai lầm của ông Putin, đó cũng là nguyên nhân chính của cuộc chiến tranh hiện nay.
Theo các nhà phân tích, việc những tính toán sai lầm đó cuối cùng có khiến ông Putin bị mất quyền lực hay không cũng là điều khó nói, dẫn đến một sự bế tắc trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và nỗ lực của ông Putin nhằm cùng nhau xây dựng một tân đế quốc Nga.
Ba chuyên gia an ninh quốc gia được The Epoch Times phỏng vấn đều đồng ý rằng không giống như thời Liên Xô, nơi mà người đứng đầu Điện Kremlin ít nhiều chia sẻ quyền lực với Bộ Chính trị, ở nước Nga ngày nay, việc dàn xếp chia sẻ quyền lực với các lãnh đạo khác của ông Putin là không rõ ràng, quá trình mà các quyết định khai triển hạt nhân xảy ra cũng vẫn khó khẳng định.
Ông Putin đe dọa vũ khí hạt nhân, trong khi ông Biden nói về ‘trận chiến quyết định’
Ông Putin được biết đến là người thường đưa ra các lời đe dọa hạt nhân để dập tắt sự phản đối đối với những vụ chiếm đoạt lãnh thổ của ông ấy từ khi sáp nhập Crimea hồi năm 2014.
Khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng Hai, ông Putin đã không lãng phí thời gian trong việc chơi lá bài hạt nhân, đặt các lực lượng hạt nhân của mình vào tình trạng báo động cao, đồng thời cảnh báo các nước khác rằng họ sẽ “đối mặt với hậu quả lớn hơn bất kỳ hậu quả nào mà quý vị phải đối mặt trong lịch sử” nếu họ can thiệp vào cuộc xâm lược này.
Hồi tháng Chín, ông Putin đã ám chỉ đến việc sử dụng vũ khí trong một bài diễn văn trước khi Nga sáp nhập các vùng đất của Ukraine.
“Nếu có một mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện mà chúng tôi có sẵn trong tay để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi,” ông Putin nói. “Tôi không nói suông.”
Các quan chức chính phủ của ông Biden đã đáp trả bằng tuyên bố “hậu quả thảm khốc” nếu Nga khai triển vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi đó, hồi đầu tháng này, ông Biden cho biết cuộc xâm lược của Nga mang đến “viễn cảnh về trận chiến cuối cùng kể từ thời cựu Tổng thống Kennedy và khủng hoảng hỏa tiễn Cuba.”
Hôm 06/10, Tổng thống đã nói: “Ông Putin “không nói đùa khi ông ấy nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí sinh học hoặc hóa học” vì quân đội của ông ấy, quý vị có thể nói, hoạt động khá yếu kém.”
Học thuyết hạt nhân mơ hồ của Nga
Ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời chính phủ Tổng thống Trump, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn rằng những tuyên bố trước đó của ông Biden ngụ ý rằng Hoa Kỳ hiện tại có thể sẽ có các hành động chống lại “những cuộc xâm nhập nhỏ” vào Ukraine, đã thúc đẩy Tổng thống Putin xâm lược Ukraine.
Tương tự, các chuyên gia nhận định, việc Tổng thống Biden và người tiền nhiệm thuộc Đảng Dân Chủ, cựu Tổng thống Barack Obama thiếu các hành động đủ dứt khoát có thể đã khiến Tổng thống Putin đi đến kết luận rằng việc đáp trả bằng vũ khí hạt nhân sẽ buộc Hoa Kỳ phải đàm phán.
Trong khi đó, việc không có bằng chứng rõ ràng nào như một văn bản hoặc nhất trí đối với học thuyết về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, làm tăng thêm sự nhầm lẫn, ông Bolton nói.
“Thật khó để gọi một thứ gì đó là một học thuyết khi họ chưa bao giờ sử dụng nó trong chiến tranh,” ông Bolton nói với The Epoch Times.
“Theo cách tiếp cận của Nga, những cụm từ mà mọi người thường nói đến như ‘leo thang để giảm leo thang’ nghĩa là họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm thị uy phía bên kia và sau đó buộc họ phải giảm leo thang,” cựu quan chức cho biết.
Đó có thể là ngụ ý thực sự của Tổng thống Putin khi đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, “nhưng không phải vì họ tuân theo học thuyết cứng nhắc nào đó,” ông Bolton nói.
Ông nói thêm, Tổng thống Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân khi thấy “hoàn cảnh trở nên thích hợp”.
Hành động sáp nhập tạo cái cớ cho Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân
Theo các nhà phân tích, đó là một lý do khiến Tổng thống Putin nhanh chóng sáp nhập lãnh thổ Ukraine hồi cuối tháng Chín.
Bà Victoria Coates, cựu phó cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Trump, nói với The Epoch Times rằng việc này cho phép Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ điều mà ông gọi hiện nay là “lãnh thổ có chủ quyền” của Nga sau khi sáp nhập.
Theo quan điểm của Tổng thống Putin, việc Ukraine tiếp tục giao tranh là “một cuộc tấn công vào Nga”, bà Coates nói thêm.
Do đó, hành động sáp nhập khiến cho lựa chọn hạt nhân trở nên thực tế hơn — chứ không thể ít hơn — trừ khi cả hai bên đều muốn đàm phán.
Và không rõ liệu có bên nào đã sẵn sàng đàm phán hay chưa.
Ông Bolton nói: “Tôi không biết giải pháp ngoại giao cho việc này là gì”.
Ông nói thêm: “Và quý vị biết đấy, rõ ràng có sự bất đồng quan điểm, nhưng không chỉ người Ukraine nhấn mạnh rằng giải pháp là khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với lãnh thổ Ukraine”.
Hồi đầu tháng này, ông Bolton nhấn mạnh Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã nói với các phóng viên rằng cách duy nhất để chiến tranh kết thúc là “Nga rời khỏi Ukraine”.
Thỏa thuận hòa bình: ‘Nếu có một ai đó làm được điều này, đó có lẽ là ông Trump’
Một chuyên gia cho biết phần lãnh thổ nào cuối cùng thuộc về Ukraine có thể giữ vai trò then chốt trong việc đàm phán hòa bình.
Ông Del Wilber, một cựu sĩ quan tình báo từng làm việc về các vấn đề an ninh ở Âu Châu và Trung Đông, nói rằng, tuy là khó khăn, nhưng một thỏa thuận đàm phán có thể xảy ra sau khi mỗi bên đã đổ đủ máu và phí đủ thời gian.
Ông chỉ ra những hoàn cảnh tương tự trong cuộc chiến tranh Bosnia năm 1995, dẫn đến Hiệp định Dayton.
Ông Wilber nói với The Epoch Times: “Ở Bosnia, họ đã thành lập Cộng hòa Serbia, tuyên bố là một khu vực bán tự trị, chính xác thì vẫn là một phần của Bosnia, nhưng trên thực tế nó tách biệt với Bosnia.”
Hiệp định Dayton có thể được sử dụng một cách tương tự để giữ thể diện cho cả Nga và Ukraine.
Ông Wilber nói rằng số lượng [lớn] các nhóm chủng tộc của Nga, Ukraina và các dân tộc thiểu số khác ở các khu vực bị Nga xâm lược và thôn tính khiến cho viễn cảnh một phe nào đó dành chiến thắng hoàn toàn là bất khả thi, ngay cả khi phần lớn mọi người chỉ muốn hòa bình lập lại.
Ông Wilber nói, bên thua cuộc nếu không tham gia vào một cuộc nổi dậy hoàn toàn thì cũng sẽ có thể góp phần khiến chính trị bất ổn hơn, tương tự như tình huống chia rẽ sắc tộc tại Bosnia.
“Rất tiếc, tôi không biết rằng có bất kỳ ai trong chính phủ Tổng thống Biden đủ trí tuệ để hiểu được điều này và dàn xếp nó hay không,” ông Wilber mô tả về một thỏa thuận tương tự như Hiệp định Dayton.
Vấn đề phức tạp hơn nữa là người Ukraine có những cảm xúc trái ngược nhưng rõ ràng về việc bị Moscow cai trị.
“Thực tế là bản sắc của Ukraine hiện là bản sắc dân tộc, là một sự việc khá gần đây, và đó là điều khiến các cuộc biểu tình của người Maidan và sự thay đổi bộ máy chính quyền vào tháng 02/2014 trở nên mạnh mẽ hơn bởi vì chính Ukraine đã nói rằng ‘Chúng tôi không muốn người Nga đặt ách cai trị lên chúng tôi,” bà Coates nói, đề cập đến các cuộc biểu tình năm 2014 dẫn đến việc lật đổ chính phủ thân Nga được [bầu lên từ một cuộc] bầu cử dân chủ.
Bà Coates nói thêm: “Và có sự căng thẳng sâu sắc trong nước giữa nhóm người cho rằng thời Liên Xô là tốt đẹp rồi, trở thành một phần của nước Nga cũng tốt thôi — và nhóm người đó không phải là một nhóm dân tộc thiểu số nhỏ,” với phần lớn những người muốn độc lập cho Ukraine.
Bà Coates cho biết, kiên quyết né tránh đàm phán của hai bên có thể khiến những đề nghị đàm phán qua trung gian hòa giải của cựu Tổng thống Donald Trump trở nên phi thực tế hơn ở thời điểm hiện tại.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào cuối tháng Chín, ông Trump đã thúc giục một thỏa thuận thương lượng và đề nghị dẫn dắt một nhóm làm trung gian hòa giải cho một thỏa thuận hòa bình.
Bà Coates nói: “Thật khó để tôi hình dung cảnh chính phủ Tổng thống Biden chấp nhận [một cuộc hòa giải do ông Trump dẫn đầu], nhưng nếu có một ai đó làm được điều này, đó có lẽ là ông Trump.”
“Cựu Tổng thống Trump có khả năng nổi bật trong việc làm việc với nhiều nhóm người. Và quý vị biết đấy, ông ấy đã giữ quan điểm rất cứng rắn với Tổng thống Putin về vấn đề Ukraine khi còn đương nhiệm,” bà nói thêm.
Bà lưu ý rằng Tổng thống Putin không tiến hành xâm lược Ukraine lúc ông Trump đang tại chức, nhưng đã làm như vậy dưới thời của các Tổng thống Obama và Biden.
TT Putin được khuyến khích bởi phản ứng của ông Biden, và ông Obama
Đối với bà Coates, ý tưởng về một thỏa thuận đàm phán, hoặc thậm chí là một chiến thắng hoàn toàn, đang trở nên khó khăn hơn bởi vì ông Biden được minh chứng là đã tính toán sai về ý định của Nga và sức mạnh quân sự của Nga, điều này đã khiến các nhà lãnh đạo ở Hoa Kỳ và Âu Châu ngày càng mất lòng tin vào chính phủ ông Biden.
Bà Coates nói: “Tôi sẽ rất thận trọng khi ủy quyền cho chính phủ ông Biden làm nhiều việc vì họ đã quá sai lầm về điều này.”
“Và họ đã rất rụt rè trước vấn đề leo thang, khi ông Putin đã đi ngay đến việc [đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân] trong tuần đầu tiên,” bà nói thêm.
Bà Coates lưu ý rằng các thành viên của Quốc hội đã được báo cáo trước khi cuộc chiến bắt đầu rằng trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine, thì kết quả là Nga sẽ nhanh chóng giành chiến thắng, tiếp theo là sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với một cuộc nổi dậy nhằm tiêu hao sức mạnh của Nga.
“Điều đó hóa ra không diễn ra như vậy. Và vì vậy chúng ta đang ở trong một thế giới hoàn toàn khác với những gì đại loại như một thỏa thuận thương lượng trong tuần đầu tiên của tháng Ba,” bà nói.
Ông Bolton đã đồng ý và nói thêm rằng sau khi ông Putin gặp ông Biden vào năm 2021, người đàn ông quyền lực của nước Nga này có thể đã đi đến kết luận rằng ông Biden, cũng giống như ông Obama vào năm 2014, sẽ không làm gì nhiều để trả đũa Nga trong trường hợp có một cuộc xâm lược vào Ukraine, điều này đến lượt nó cũng đã làm sai lệch chính các ước tính tình báo của Nga về phản ứng của Hoa Kỳ.
“Rõ ràng ông Putin đã coi đây là một cơ hội để mở rộng lãnh thổ chứ không phải để bị mất nhiều hơn, và tôi nghĩ ông ấy cảm thấy quân đội Nga sẽ chiến đấu tốt hơn nhiều so với trước, tất nhiên đó cũng là điều mà tình báo của chúng ta nói với chúng tôi,” cựu cố vấn an ninh quốc gia cho biết.
“Tôi nghĩ ông Putin tin rằng ông Biden cũng giống như ông Obama và về căn bản ông ấy sẽ né tránh những chỉ trích,” ông Bolton nói.
“Bởi vì việc thâu tóm Crimea hồi năm 2014 và thành lập cái gọi là các nước cộng hòa tự trị ở Donbass đã tạo ra phản ứng thực sự rất nhỏ nhoi của phương Tây, đó là một bài học tệ hại để dạy cho Điện Kremlin.”
Cựu cố vấn an ninh quốc gia đã đối chiếu điều này với các hành động trong thời chính phủ TT Trump, mà ông nói là cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí như vũ khí chống tăng Javelin, vốn đã chứng minh là trọng yếu trong việc phòng thủ của Ukraine trước những bước tiến của Nga.
Các chiến thuật của Nga dựa trên các cuộc tấn công hàng loạt bằng xe tăng, sau đó bị phá vỡ bởi những hỏa tiễn Javelin.
Sự tái tạo của Đế quốc Nga thúc đẩy ông Putin
Theo ông Wilber, động lực thúc đẩy Nga là kế hoạch tái tạo đế quốc Liên Xô cũ này. Ông nói thêm, đó là một con gấu đang trong cơn đói nhưng dường như không có răng và móng vuốt để đánh bại sức mạnh tổng hợp của Ukraine, Hoa Kỳ, và Âu Châu, khi đề cập đến sự nhân cách hóa dân tộc của nước này.
Ông Bolton đã đồng ý, nói rằng “ông Putin đã từng nói vào năm 2005 trong một bài diễn văn trước Duma Quốc gia Nga rằng sự tan rã của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20.”
Kể từ đó, ông Putin đã cố gắng từng bước xâm lược và thôn tính các lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ và đã thành công đáng kể.
“Người Nga đã tấn công Gruzia hồi tháng 08/2008; họ tấn công Ukraine vào năm 2014; họ đã làm việc với Belarus, một thời gian đã cố gắng đưa nước này về cùng hội cùng thuyền; họ đã can thiệp về mặt chính trị ở nhiều khía cạnh trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan,” ông Bolton cho biết.
“Vì vậy, tất cả những điều này có thể được hiểu là các bước trong một kế hoạch để có thể đưa mảnh đất Quê hương trở về một khối một lần nữa,” ông nói thêm.
Đối với Âu Châu, việc này mang lại những rủi ro nghiêm trọng — vượt ra ngoài ranh giới đỏ của một đế quốc Nga bành trướng xa hơn nữa đến Tây Âu.
Bà Coates nói: “Lý do nước này quan trọng là vì các tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và khả năng sản xuất điện.”
Bà nói: “[Ukraine] là một quốc gia có năng suất rất lớn — cũng như các vấn nạn tham nhũng tồn tại lâu nay ở Ukraine — đó là lý do tại sao ai cũng đều quan tâm.”
Bà Coates cho biết, mặt khác, Hoa Kỳ đã chậm chân trong việc kết nạp Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bởi vì NATO không chỉ là một phương tiện truyền tải thông điệp cho Hoa Thịnh Đốn, giống như thông điệp về mối đe dọa chiến tranh hạt nhân dành cho ông Putin.
Một khi được kết nạp, dù xảy ra chuyện gì đi nữa, các nước thành viên cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine, nếu không liên minh này sẽ trở nên vô nghĩa.
Bà Coates nói thêm: “Quan niệm rằng chúng ta sẽ để Ukraine gia nhập NATO ngay ngày mai là sai lầm, bởi vì quý vị phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên.”
Bà nói: “Nhưng chúng ta chẳng mất gì cả khi gửi đi tín hiệu rằng chúng ta cởi mở đối với vấn đề thành viên NATO.”
Đáp lại việc Ukraine gần đây yêu cầu giải quyết nhanh chóng đơn xin gia nhập NATO, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói rằng quy trình chấp thuận thành viên “nên được bắt đầu vào một thời điểm khác.”
Bà Coates nói: “Ông Putin để chúng ta chơi trò búng đĩa trong khi ông ấy đùa giỡn về chiến tranh hạt nhân.”
TT Putin đã suy yếu hơn nhưng vẫn nắm quyền kiểm soát
Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng cuộc chiến này đã khiến quyền lực của ông Putin suy yếu hơn tại quê nhà ngay cả khi họ đưa ra các ước tính khác nhau về việc liệu sự suy yếu đó có thể đẩy nhà lãnh đạo này khỏi vị trí quyền lực để ủng hộ ai đó muốn chấm dứt cuộc chiến này hay không.
Ông Wilber nói: “Tôi nghĩ chắc chắn ông ấy đang bị chỉ trích gay gắt ở Moscow, và ông ấy cũng biết điều đó.”
“Tôi nghĩ rất có thể ông ấy gặp phải một vấn đề sức khỏe không mong muốn. Ông ấy đã dấn thân vào một nguy cơ được tính toán trước khi ông ấy thực hiện cuộc xâm lược này, bởi ông ấy cho rằng Ukraine sẽ đầu hàng ngay nhưng rồi khi họ không làm thế, ông ấy đã mang đến rất nhiều tổn thất, nỗi đau, và sự bẽ bàng cho nước Nga.”
Nhưng ngay cả khi [ông Putin] bị buộc phải rời bỏ quyền lực, không chắc rằng bất kỳ ai được chọn trong một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình sẽ làm tốt hơn.
Bà Coates nói: “Tôi không rõ là hiện có ai đó có thể lên nắm quyền mà không giống hoặc tệ hơn [ông Putin].”
Bà nói thêm: “Điều đó do người dân Nga quyết định, và trước đây họ đã đứng lên để thay đổi chính phủ của họ. Đó là quyết định của họ. Tôi sẽ không nói Hoa Kỳ sẽ chỉ cho họ loại chính phủ nào họ nên xây dựng.”
Việc thiếu một quyền lực trung tâm như Bộ Chính trị ở Nga như xưa khiến việc dự đoán cho một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình có thể xảy ra như thế nào trở nên khó lường hơn.
Ông Bolton cho biết, “Vì vậy, đó là một lý do tại sao nếu Nga thay đổi chế độ, nếu điều đó xảy ra, hơn nữa tôi không nghĩ rằng chúng ta sắp chứng kiến điều đó — tuy nhiên so với trước khi xảy ra cuộc xâm lược này thì tôi nghĩ rằng chúng ta đã tiến gần đến thời điểm này hơn rồi — nhưng nếu điều đó xảy ra, có thể rất khó mà thấy việc này được sắp xếp một cách hòa bình như thế nào.”
Trong cả hai trường hợp này, một cuộc chiến bị kéo dài không có lợi cho Nga.
Ông Wilber nói: “Tôi không nghĩ rằng họ có thể đủ sức tiến hành cuộc chiến này lâu hơn nữa.”
Ngân sách quân sự hàng năm của Nga chỉ hơn 60 tỷ USD, chỉ bằng một phần nhỏ so với ngân sách quốc phòng gần 800 tỷ USD của Hoa Kỳ. Con số này không tính đến đến 17.5 tỷ USD vũ khí và trang thiết bị mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine kể từ đầu cuộc chiến.
Theo ông Wilber, không may thay, sự bất cân xứng về các nguồn lực khiến lựa chọn hạt nhân trở nên hấp dẫn đối với ông Putin.
Mang theo hy vọng, ông Wilber nói thêm, “Nhưng dù cho ông Putin có gây ra tất cả những lỗi lầm gì đi nữa, ông ấy không có xu hướng liều lĩnh — không phải cho bản thân ông ta, cũng không phải cho Đất mẹ Nga.”
Bà Coates ít lạc quan hơn, lưu ý rằng ông Putin đã cố gắng biện minh cho mình trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân qua cuộc sáp nhập gần đây.
“Vì vậy, tôi không biết liệu ông ấy có [sử dụng vũ khí hạt nhân] hay không, nhưng ông ấy hiện đang ở trong tình thế mà ông ấy có thể cảm thấy mình có lý do làm việc này với học thuyết quân sự hiện có.”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times