Cựu chuyên gia phân tích của CIA nói về Ukraine: Cần tránh ‘lựa chọn giữa sỉ nhục và chiến tranh hạt nhân’
Ông George Beebe đến từ Viện nghiên cứu Quản trị Quốc gia Có trách nhiệm Quincy muốn sử dụng ngoại giao để chấm dứt chiến tranh Ukraine như trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba, khi mà khủng hoảng là vấn đề giữa Điện Kremlin và Hoa Kỳ.
Ông đã cảnh báo về khả năng leo thang hạt nhân của cuộc chiến ở Ukraine trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Süddeutsche. Đồng thời, ông tin rằng việc giảm leo thang bằng ngoại giao là khả dĩ và đề nghị có các cuộc đàm phán bí mật giữa Nga và Mỹ. Giải pháp cho cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962 nên là một hình mẫu.
Nhà phân tích bác bỏ các lập luận về sự bành trướng của Nga
Ông Beebe từng là trưởng phòng phân tích Nga của CIA và là cố vấn chính sách ngoại giao cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney. Viện Quincy là một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn được thành lập từ năm 2019. Viện này được cả nhà từ thiện Mỹ thiên tả George Soros lẫn hai anh em theo phái bảo tồn truyền thống nhà Koch tài trợ. Mục tiêu của tổ chức này là mang lại “sự chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận” cho Hoa Kỳ thông qua chính sách ngoại giao thực tế.
Trong cuộc phỏng vấn với Süddeutsche, ông Beebe phàn nàn rằng một số cơ hội để xoa dịu xung đột này đã bị bỏ lỡ. Một cuộc chiến như vậy có thể tránh được nếu đôi bên có thể tìm ra một thỏa hiệp về trạng thái quân sự của Ukraine. Thực tế cho thấy việc này không thành công cũng một phần là do Nga đã phản ứng “một cách vụng về và phản tác dụng như thường lệ.”
Tuy nhiên, nhà phân tích này cũng phản bác thông tin cho rằng Điện Kremlin sẽ sử dụng các cuộc đàm phán để chuẩn bị cho các bước leo thang tiếp theo. Ông Beebe không xem viễn cảnh như vậy là đáng tin:
“Người Nga thậm chí còn không chiếm được các khu vực giáp ranh trực tiếp với họ, nơi họ được hưởng lợi từ các tuyến đường hậu cần ngắn. Khả năng họ sẽ xâm lược Ba Lan hoặc thậm chí cả Đức là khá thấp.”
Xung đột Ukraine phải được giải quyết trong khi giữ thể diện
Đồng thời, cựu cố vấn của ông Cheney cảnh báo không nên xem hiệu quả hạn chế của các lực lượng vũ trang Nga như một cơ hội để kỳ vọng vào một chiến thắng hòa bình. Việc nhiều người tin vào điều đó đã làm tăng nguy cơ leo thang:
“Thế mà họ tin rằng Nga sẽ chấp nhận một thất bại thông thường và không để chiến tranh leo thang. Rằng Nga sẽ sẵn sàng tiến hành cuộc chiến này theo các quy tắc của phương Tây. Nhưng tôi không nghĩ rằng Nga sẽ tuân thủ các quy tắc này. Chúng ta đã vừa chứng kiến điều đó rồi. Và những cuộc leo thang này sẽ tiếp tục.”
Ông Beebe chủ trương duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine nhưng ông muốn sức mạnh quân sự đi kèm với ngoại giao. Hơn hết, Nga không được rơi vào thế bí. Đây cũng là bài học từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba:
“Cố Tổng thống Kennedy từng nói rằng bài học quan trọng nhất từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba là các lãnh đạo của các cường quốc hạt nhân không được đặt nhau vào vị thế mà sự lựa chọn duy nhất còn lại là giữa sự sỉ nhục và chiến tranh hạt nhân.”
Sự suy tàn của văn hóa ngoại giao, điều hiện đang tạo ra những điều kiện tồi tệ để kết thúc chiến tranh, cũng là hậu quả của Chiến Tranh Lạnh.
Hệ thống nhà nước Nga tạo cơ hội cho ngoại giao bí mật
Thế giới lưỡng cực, trong đó đối thoại giữa các đối thủ ngang hàng dẫn đến tự kiềm chế lẫn nhau, đã không còn nữa. Điều này cũng làm giảm mức độ sẵn lòng cho việc tiến hành đối thoại ngoại giao.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng Mỹ đang hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn Nga với tư cách là một cường quốc cạnh tranh tạo ra một “tình huống rất, rất nguy hiểm.” Tuy nhiên, tính tập trung vào tổng thống rất mạnh mẽ của hệ thống chính trị ở Nga cũng tạo cơ hội cho ngoại giao trực tiếp. Ông Beebe nói:
“Đây là điều cần được Điện Kremlin chú trọng. Lý tưởng nhất là chúng ta phải tiếp xúc bí mật trước, như chúng ta đã làm trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba trong cuộc hội đàm bí mật giữa ông Bobby Kennedy, anh trai của tổng thống và ông Anatoly Dobrynin, đại sứ Liên Xô tại Hoa Thịnh Đốn. Hai người này đóng vai trò quyết định trong việc tìm ra một thỏa hiệp.”
Về phía Hoa Kỳ, một người nào đó nhận được sự tin tưởng hoàn toàn của Tổng thống sẽ phải được giao phó việc này. Ở Nga cần có sự nỗ lực để đưa người đứng đầu Hội đồng Bảo an Nikolai Patrushev lên làm đối tác đối thoại.
‘Những quyết định này nên được thực hiện ở Hoa Thịnh Đốn và ở phương Tây, chứ không phải ở Ukraine’
Về mức độ mà phương Tây vẫn có ảnh hưởng đến các quyết định của Ukraine, ông Beebe chỉ ra sự phụ thuộc của nước này vào phương Tây để tồn tại. Nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây, thì chính phủ ở Kyiv không thể tồn tại được nữa, chiến tranh cũng không thể tiếp tục.
Tuy nhiên, phương Tây đã đầu tư quá nhiều vào các khoản vay cho Ukraine nên cũng có sự phụ thuộc theo chiều ngược lại. Đây là “một vấn đề rất lớn” vì phương Tây không nên đặt an ninh của mình vào tay Kyiv. Do đó, đối với bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, điều sau sẽ được áp dụng:
“Những quyết định này nên được thực hiện ở Hoa Thịnh Đốn và ở phương Tây, chứ không phải ở Ukraine.”
Ông Beebe chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ vì đã không ủng hộ tiến trình Minsk II. Đây là một trong những lý do dẫn đến cuộc chiến ngày nay, vì ông Putin không còn tin vào tính hữu dụng của hình thức đàm phán này.
Vấn đề lãnh thổ khó giải quyết nhất
Trong chừng mực có thể thỏa hiệp với ông Putin, việc Ukraine không trở thành thành viên trong một liên minh quân sự phương Tây là một cách tiếp cận phù hợp. Một thỏa thuận liên quan đến các yêu sách lãnh thổ sẽ khó khăn hơn. Sự thỏa hiệp không thể đạt được trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này ít nhất có thể được kiềm chế thông qua các kênh ngoại giao:
“Đôi khi quý vị phải hàn gắn mọi thứ thay vì sửa chữa chúng ngay lập tức.”
Chỉ mới đây, nhà vật lý học Max Tegmark từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã ước tính xác suất xảy ra leo thang hạt nhân ở Ukraine là ⅙. Xác suất NATO can thiệp quân sự là 80% — xác suất Moscow đáp trả bằng hạt nhân là 70%.
Do Reinhard Werner thực hiện
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức