Sứ mệnh đổ bộ lên mặt trăng của Hoa Kỳ có thể gặp rủi ro do ‘thất thoát nhiên liệu nghiêm trọng’
Tàu đổ bộ mặt trăng Peregrine đã bị thất thoát nhiên liệu nghiêm trọng, có thể báo hiệu sự thất bại trong sứ mệnh đầu tiên của Hoa Kỳ lên mặt trăng sau hơn 50 năm.
Nỗ lực đầu tiên của Hoa Kỳ nhằm đưa tàu lên mặt trăng trong hơn 5 thập niên qua có thể bị phá hủy khi “nhiên liệu bị thất thoát nghiêm trọng” do rò rỉ.
Astrobotic Technology, một công ty tư nhân có trụ sở tại Pittsburgh, thông báo rằng tàu đổ bộ lên mặt trăng không người lái Peregrine đã được phóng đi hôm 08/01. Vào sáng sớm, con tàu này đã được phóng đi bằng hỏa tiễn Vulcan của United Launch Alliance (ULA) từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral ở Florida.
Tuy nhiên, ngay sau khi con tàu tách khỏi hỏa tiễn, nhóm nghiên cứu nhận thấy “sự bất thường về lực đẩy” đã ngăn Peregrine định hướng các tấm pin phong năng của con tàu về phía mặt trời và thu năng lượng. Trục trặc này có thể đe dọa “khả năng tàu không gian này hạ cánh an toàn trên Mặt Trăng.” Các kỹ sư đã tìm ra cách cho nghiêng con tàu theo đúng hướng nhờ một “động tác điều khiển ngoài dự kiến,” và sạc pin. Nhưng ngay sau đó một vấn đề khác đã được phát hiện.
“Thật không may, có vẻ như trục trặc trong hệ thống đẩy đang gây ra sự thất thoát chất nổ đẩy rất nghiêm trọng,” công ty này cho biết trong một tuyên bố.
“Nhóm đang nỗ lực cố gắng ổn định sự thất thoát này, nhưng với tình hình này, chúng tôi đã ưu tiên tối đa hóa khoa học và dữ liệu mà chúng tôi có thể thu thập được.”
Peregrine được cho là sẽ chạm xuống mặt trăng vào ngày 23/02. Tàu đổ bộ này trên đường trở thành tàu thương mại đầu tiên chạm xuống mặt trăng nhưng có vẻ như mục tiêu này có thể lâm nguy.
Không may cho Astrobotic, một cuộc chạy đua vào không gian đã nổ ra khi các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh để trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên hạ cánh thành công tàu không gian lên mặt trăng. Một công ty từ Israel đã phá hủy sứ mệnh riêng của mình hồi năm 2019, và một công ty khác từ Nhật Bản cũng gặp điều tương tự hồi năm ngoái. Công ty đối thủ Intuitive Machines của Hoa Kỳ cũng có tàu không gian sẵn sàng bay, với hy vọng đánh bại Peregrine để lên mặt trăng bằng cách đi theo con đường trực tiếp hơn.
Ở giai đoạn này, Astrobotic cho biết họ đang thảo luận về “hồ sơ nhiệm vụ” thay thế, vì vậy nếu Peregrine không thể hạ cánh, nhưng ít nhất con tàu này sẽ có thể hoàn thành một nhiệm vụ khác. Ban đầu, sứ mệnh này, do NASA tài trợ với số tiền 108 triệu USD, là thu thập dữ liệu về bề mặt mặt trăng trước khi các sứ mệnh có con người trong tương lai được khai triển như một phần trong chương trình Artemis của NASA.
Làm việc suốt ngày đêm
Trong một bản tin cập nhật cuối cùng, Astrobotic tiết lộ rằng họ đã nhận được những hình ảnh đầu tiên về tàu của họ trong không gian, đã giúp xác nhận dữ liệu đo từ xa của họ cho thấy một trục trặc với hệ thống đẩy. Tuy nhiên, công ty này vẫn lạc quan, và hứa sẽ cung cấp thêm thông tin cập nhật khi có.
“Dù sao đi nữa thì hiện nay pin của tàu không gian này đã được sạc đầy, và chúng tôi đang sử dụng nguồn điện hiện có của Peregrine để thực hiện tối đa các hoạt động trọng tải và tàu không gian,” công ty cho biết.
“Tại thời điểm này, phần lớn nhóm sứ mệnh Peregrine của chúng tôi đã thức suốt và làm việc chăm chỉ trong hơn 24 giờ. Chúng tôi đề nghị quý vị kiên nhẫn khi chúng tôi đánh giá lại dữ liệu đến để có thể cung cấp thông tin cập nhật liên tục vào cuối buổi tối nay.”
Sau sứ mệnh Peregrine, Astrobotic đã công bố các kế hoạch cho những nỗ lực khám phá mặt trăng tiếp theo với việc phóng Griffin Mission One vào cuối năm 2024. Griffin, tàu đổ bộ mặt trăng lớn nhất kể từ mô-đun mặt trăng Apollo, sẽ mang theo Tàu Thăm dò Vùng cực Volatiles Investigating Polar Exploration Rover (VIPER) của NASA tới cực nam của mặt trăng để tìm kiếm nước hoặc băng.
Hoa Kỳ đã không quay trở lại mặt trăng kể từ tháng 12/1972 khi tàu Apollo 17 đã thành công trong việc đưa các phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt lên bề mặt mặt trăng và mãi mãi lưu danh là những người đàn ông thứ 11 và 12 từng đặt chân lên bề mặt mặt trăng.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times