Sự học không chỉ tại nơi học đường
Mở rộng vốn hiểu biết của chúng ta là một hành trình kéo dài suốt cuộc đời
Có rất nhiều người vẫn tiếp tục con đường học vấn sau khi rời ghế nhà trường.
Những bác sĩ, luật sư, y tá, lập trình viên máy tính và nhiều người khác ghi danh vào các khóa đào tạo liên tục, tham dự hội thảo và đăng ký các tạp chí chuyên ngành để cập nhật những thay đổi trong lĩnh vực của mình. Tôi biết một số người làm việc trong các lĩnh vực này là những độc giả nhiệt thành của các tạp chí, nơi họ tìm thấy những ý tưởng mới để cải thiện công việc và dịch vụ dành cho khách hàng mình. Còn những bà mẹ và những người nội trợ luôn tìm kiếm các bí quyết trang trí nhà cửa và nuôi dạy con cái của họ.
Nhận ra những mong muốn này, The Epoch Times đã dành gần một nửa dung lượng báo in hàng tuần cho chủ đề sức khỏe, nuôi dạy trẻ, sắp xếp nhà cửa và nấu ăn. Tất cả nỗ lực nhằm bắt kịp với một thế giới đang thay đổi là điều đáng ngưỡng mộ và cần thiết, là nguồn nguyên liệu sống còn cho cỗ máy mang tên tiến bộ.
Tuy nhiên, chúng ta không cần giới hạn việc học trong phạm vi chuyên môn của mình. Bằng cách bước ra ngoài những ranh giới đó đến những lĩnh vực xa lạ, chúng ta không chỉ có thể góp phần làm giàu kỹ năng của mình mà còn khiến bản thân trở thành con người hoàn chỉnh hơn trong quá trình này.
Hãy bàn đến các lĩnh vực văn học, lịch sử và tiểu sử. Những tác phẩm văn học vĩ đại triển hiện trước mặt chúng ta một loạt các tính cách và tình huống khác nhau, đưa chúng ta vào những hành trình khám phá nội tâm và tâm trí con người. Ví như cuốn tiểu thuyết “Silas Marner” (tạm dịch Lưới trời) xây dựng hai hình ảnh tương phản giữa một người đàn ông chính trực, Silas Marner, với hai tên trộm và một người cha không nhìn nhận con gái mình. Hay tác phẩm “Odyssey” của nhà văn Homer khắc họa hình ảnh một nàng Penelope dù phải trả giá đắt nhưng vẫn chung thủy với chồng của mình là chàng Odysseus. Ngoài ra, còn có tác phẩm “A Christmas Carol” (tạm dịch: Giáng sinh yêu thương) của Charles Dickens cảnh báo về lòng tham và những gì chúng ta sẽ mất nếu quá coi trọng tiền bạc.
Đào sâu kiến thức lịch sử, chúng ta có thể mở mang tầm hiểu biết về quá khứ và hiện tại đồng thời hình thành tư duy đối chiếu với những sự kiện tức thời và những khó khăn cá nhân. Nhờ vào những tường thuật về bệnh dịch hạch thời Trung cổ, về các cuộc chiến tranh tệ hại trên toàn cầu, hoặc thời kỳ Đại suy thoái, chúng ta hiểu tận tường hơn những thách thức của tổ tiên. Từ đó khích lệ chúng ta có thêm lòng can đảm và sức mạnh để đối mặt với những gian nan của chính mình. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thức rõ hơn về các mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết của mình với quá khứ.
Như tiểu thuyết gia Michael Crichton đã viết, “Nếu bạn không am tường lịch sử, thì bạn sẽ không biết gì cả. Bạn là một chiếc lá không biết đến nguồn cội của mình.”
Chúng ta nhận được cảm hứng từ những tác phẩm tiểu sử và hồi ký theo cách tương tự như thế. Ví như nói về thời niên thiếu của Ngài Winston Churchill, một học sinh cá biệt có thành tích học tập kém đã khiến ông không thể vào học tại một trường đại học danh tiếng. Câu chuyện mang lại hy vọng cho những bậc cha mẹ có con đang thất bại trong lớp học. Chủ cửa hàng đang chật vật để tiếp tục việc kinh doanh có thể tìm thấy lòng can đảm và quyết tâm từ cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ulysses S. Grant. Ngài tuy không thành công trong cuộc sống, nhưng đã vươn lên chỉ huy quân đội phương Bắc trong cuộc Nội chiến. Năm 1864, trong khi chiến đấu với quân đội của tướng Robert E. Lee ở Virginia, Ngài đã nói rằng, “Tôi sẽ đánh bại phòng tuyến này cho dù phải mất cả mùa hè.”
Những bài học vô cùng quý báu chỉ dành trao tặng cho những ai sẵn lòng đọc hết những quyển sách trên và hàng nghìn quyển khác .
Một cuộc thăm dò gần đây của công ty Gallup (một công ty tư vấn và phân tích của Mỹ có trụ sở tại Washington, D.C.) cho thấy người Mỹ đang đọc ít sách hơn trước đây. Khi nỗ lực gầy dựng tương lai, chúng ta hãy là những người chống lại xu hướng đáng tiếc đó. Mỗi ngày, hãy tham dự vào những lớp học cao quý nhất và vĩ đại nhất – lớp học với những câu chữ – và tiếp tục con đường học vấn trọn cuộc đời.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.