Sự điên rồ – Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Phi Châu
“Định nghĩa của sự điên rồ chính là làm một việc giống nhau, lặp đi lặp lại nhưng mong chờ những kết quả khác nhau.”
Vì sao chính sách của Hoa Kỳ ở Phi Châu lại điên rồ? Bởi vì chúng ta chỉ làm mọi thứ lặp đi lặp lại, cho rằng người Phi Châu sẽ thân Tây phương, ủng hộ nền dân chủ, thân Mỹ, chống độc tài và chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vâng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) đã quá sai lầm.
Sự điên rồ
Trong một cuộc thảo luận gần đây về Phi Châu, cô Carla Jones, một chuyên gia về Phi Châu đồng thời là giáo sư tại Đại học Sam Houston State, đã đưa ra nhận định sau:
“Tâm lý của một số công dân Phi Châu là họ ủng hộ các lý tưởng của chính phủ dân chủ, nhưng họ thực sự đánh giá cao sự tiến bộ mà các chính phủ phi dân chủ đã cung cấp để tạo điều kiện cho việc tăng trưởng và thương mại. Không còn có thể nhìn nhận cách tiếp cận để xây dựng mối bang giao mạnh mẽ hơn với các nước Phi Châu như thể cả hai bên đều phải chơi theo cùng một quy tắc. Trung Quốc cạnh tranh như thể họ đang ganh đua trong một trò chơi có tổng bằng không, vì vậy trong tương lai, Hoa Kỳ không nên tiếp tục đi theo cách mà họ đã từng làm trong quá khứ.”
Chính phủ đương nhiệm dường như đang bật chế độ lái tự động ở Phi Châu, duy trì một đường hướng định sẵn mà không cần suy nghĩ. Dưới đây là một số hành động mà chính phủ Hoa Kỳ đã và đang thực thi:
Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ đã thực hiện đối ngoại văn hóa trong nhiều thập niên và đã bị giải tán sau khi Mỹ “giành chiến thắng” trong Chiến tranh Lạnh. Các chương trình đối ngoại văn hóa còn lại của Hoa Kỳ là Chương trình Khách tham quan Quốc tế, Chương trình Fulbright, Chương trình Sáng kiến Lãnh đạo Châu Phi, Trung tâm Hoa Kỳ và Góc Hoa Kỳ.
Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ đã cung cấp 9.6 tỷ USD tiền viện trợ cho khu vực Châu Phi cận Sahara trong tổng số 31.7 tỷ USD [tiền viện trợ] vào năm 2021. Trong tổng số tiền viện trợ toàn cầu, thì có 23.3 tỷ USD được tập trung vào viện trợ y tế và nhân đạo. Điều này mang lại lợi ích rất lớn cho những người đang sống trong cảnh nguy khốn, nhưng điều này cũng chỉ giống như sự hỗ trợ mà chúng ta đã cung cấp trong nhiều năm.
Về mặt kinh tế, một thống kê năm 2021 đã nêu bật một vấn đề khác:
Mậu dịch Trung Quốc – Phi Châu đạt tổng giá trị khoảng 254 tỷ USD vào năm 2021, tăng 67 tỷ USD so với năm 2020, và mậu dịch Hoa Kỳ – Phi Châu đạt 64 tỷ USD. Trung Quốc nắm giữ khoảng 62.1% các khoản nợ của Phi Châu, điều này có thể dẫn đến ngoại giao bẫy nợ.
Ông Paul Nantulya, một chuyên gia về Phi Châu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Phi Châu ở Hoa Thịnh Đốn nói rằng, đầu tư chính trị của ĐCSTQ vào Phi Châu là rất đáng kể: “Trong 10 năm qua … các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến thăm Phi Châu 85 lần.”
Trong tám năm cầm quyền, cựu TT Barack Obama, có cha là người Kenya, đã đến thăm Phi Châu bốn lần (công du đến bảy quốc gia). Cựu TT Donald Trump đã không đến thăm Phi Châu lần nào trong nhiệm kỳ bốn năm của mình.
Đó là hệ tư tưởng
Ở Phi Châu, trọng tâm trong nỗ lực của ĐCSTQ là truyền bá tư tưởng. ĐCSTQ có các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”) trên khắp Phi Châu, để vận chuyển hàng hóa Trung Quốc đến Phi Châu cũng như nguyên liệu thô từ Phi Châu đến Trung Quốc. ĐCSTQ đã chuyển sự chú ý sang việc tuyên truyền chính trị và hỗ trợ người Phi Châu trong việc tổ chức chính trị.
Ông Nantulya nhận xét rằng “thông qua Diễn đàn về Cơ chế Hợp tác Trung Quốc – Phi Châu (FOCAC), hiện Trung Quốc đang đào tạo và cung cấp các khóa đào tạo chính trị chuyên nghiệp, đào tạo về hệ tư tưởng cho các tổ chức và đảng phái chính trị Phi Châu nhiều hơn bất kỳ nước công nghiệp phát triển nào khác … cứ ba đến bốn năm thì có từ 80,000 đến 100,000 cơ hội đào tạo.”
Ông nói thêm rằng “không chỉ các phái đoàn Trung Quốc đến Phi Châu, mà còn có các phái đoàn Phi Châu cũng đến Trung Quốc và Trung Quốc cũng thành lập các tổ chức tại lục địa Đen này để đào tạo và tiếp cận nhiều người hơn thuộc giới tinh hoa, và những người ưu tú này không chỉ bao gồm giới tinh hoa chính trị mà còn có cả giới truyền thông … Trung Quốc đang cung cấp học bổng truyền thông 14 tháng cho các phóng viên người Phi Châu. Họ đến và thực tập trong các tổ chức truyền thông khác nhau của Trung Quốc.”
Cuộc chiến giáo dục của ĐCSTQ
Áp lực trong nước của Hoa Kỳ nhằm điều tra nghị trình của các Viện Khổng Tử (CIs) do ĐCSTQ tài trợ đã góp phần khiến rất nhiều Viện Khổng Tử phải đóng cửa. Trong năm 2017, có đến 103 Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ; hiện nay, con số này đã giảm xuống còn 18 viện và thêm nhiều Viện Khổng Tử nữa sẽ phải đóng cửa. Đây là một tin tốt lành. Ở ngoại quốc thì xu hướng này khác hẳn.
Năm 2000, không có VIện Khổng Tử nào ở Phi Châu. Ngày nay, số lượng các Viện Khổng Tử ở Phi Châu cũng nhiều như số lượng tổ chức France’s Alliance Française (hoạt động ở 34 quốc gia Phi Châu với 116 địa điểm). Tính đến 11/2021, các số liệu thống kê sau đây cho thấy sức ảnh hưởng của ĐCSTQ về mặt tư tưởng ngày càng gia tăng:
Có 61 Viện Khổng Tử và 48 Lớp học về Nho giáo (Khổng giáo) ở Phi Châu.
Có hơn 30 trường đại học Phi Châu đã thành lập khoa Hoa ngữ hoặc chuyên ngành Hoa ngữ, và có 16 quốc gia Phi Châu đã lồng ghép các khóa học tiếng Quan thoại vào hệ thống giáo dục quốc gia của họ.
Kể từ năm 2004, Trung Quốc đã cử 5,500 giáo viên và tình nguyện viên dạy tiếng Hoa đến 48 quốc gia Phi Châu.
Trường [giáo dục] hệ tư tưởng của ĐCSTQ được mở tại Tanzania
Ông Nantulya lưu ý rằng, Bắc Kinh và các phong trào cách mạng Phi Châu do ĐCSTQ tài trợ như CCM (Tanzania), ANC (Nam Phi), SWAPO (Namibia), MPLA (Angola), Zanu-PF (Zimbabwe), và Frelimo (Mozambique) đã xây dựng và viện trợ cho Trường [giáo dục] hệ tư tưởng Mwalimu Nyerere ở Tanzania, trong đó Bắc Kinh đã viện trợ 40 triệu USD.
Các nhà lãnh đạo chính trị của Tanzania và của sáu phong trào do ĐCSTQ tài trợ nói trên đã có mặt để tham dự lễ khai trương ngôi trường này hôm 23/02, đây là nơi “đào tạo các quan chức chính trị đảng ở miền nam Phi Châu … vốn là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xuất cảng mô hình quản trị của mình” và “phục vụ các đảng phái chính trị trong khu vực này và là nền tảng để Trung Quốc tăng cường trao đổi với họ như một hình thức “bang giao giữa đảng với đảng,” theo trang tin Báo Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post). Thời gian đầu, sáu quốc gia này sẽ cử những thanh niên trẻ và các nhà lãnh đạo của họ đến để được đào tạo.
Bà Tôn Vân (Yun Sun), giám đốc chương trình về Trung Quốc của Trung tâm Stimson nhận xét rằng, ĐCSTQ đã đào tạo các nhà lãnh đạo và quan chức Phi Châu trong nhiều thập niên. Trong lời điều trần trước Quốc hội năm 2020, bà Tôn lưu ý rằng ngôi trường mới này của ĐCSTQ “mỗi năm sẽ đào tạo khoảng 400 cán bộ quân sự và dân sự từ các phong trào Giải phóng cũ của miền nam Phi Châu. Mỗi năm, có hơn 2,000 cán bộ đảng và quân đội ở Phi Châu được đào tạo tại các trường chính trị của Trung Quốc.”
Đợi đã, còn chưa hết!
Theo bà Tôn, ngôi trường [giáo dục] hệ tư tưởng này không chỉ giúp người dân Phi Châu xích lại gần hơn về mặt tư tưởng với ĐCSTQ, mà ĐCSTQ còn hứa hẹn cung cấp “50,000 cơ hội đào tạo cho các nước Phi Châu, bao gồm cả các quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo về quan điểm, học giả, ký giả, và chuyên gia kỹ thuật. Về cơ bản, đây là giới tinh hoa chính trị, kinh tế và xã hội của Phi Châu cũng như là các nhà lãnh đạo quan điểm sẽ định hình tương lai của lục địa này và mối quan hệ của họ với Trung Quốc.”
Ngoài việc cung cấp “giáo dục” cho người dân Phi Châu, bà Tôn cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh đang “góp phần vào sự phát triển của chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số ở Phi Châu thông qua việc bán các công nghệ giám sát tiên tiến và đang thực hiện một nỗ lực phối hợp để định hình các hãng thông tấn Phi Châu nhằm thúc đẩy các bài tường thuật ủng hộ Trung Quốc.”
Tự hủy hoại chính mình
Chính phủ Hoa Kỳ cũng khuyến khích công dân Hoa Kỳ đến học tập tại Trung Quốc theo các chương trình Học bổng Fulbright và Gilman được Bộ Ngoại Giao chứng nhận, và các chương trình khác của chính phủ Hoa Kỳ như Học bổng Boren và Project Go dành cho các học viên Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Dự bị (ROTC).
Chương trình Fulbright
Kể từ năm 1999, mỗi năm Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã gửi (bằng tiền thuế của người dân) tới 200 sinh viên, giáo sư, giáo viên và chuyên gia lâu năm dày dặn kinh nghiệm người Mỹ đến Trung Quốc và có tới 100 công dân Trung Quốc đã đến Hoa Kỳ theo Chương trình Fulbright. Quốc hội Hoa Kỳ đã phân bổ 105.5 triệu USD trong các năm tài chính 2022–2026 cho Chương trình Fulbright toàn cầu.
Mặc dù chính phủ TT Trump hồi tháng 07/2020 đã hủy bỏ các chương trình trao đổi với Trung Quốc và Hồng Kông do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, bao gồm cả chương trình Fulbright và Peace Corps, nhưng đến tháng 02/2022 Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu để khởi động lại chương trình Fulbright ở Trung Quốc. Các Dân biểu như ông Rick Larsen (Dân Chủ-Washington) và ông Don Beyer (Dân Chủ-Virginia) đã sửa đổi đạo luật H.R. 4521 — Đạo luật CẠNH TRANH của Hoa Kỳ năm 2022 — sẽ khôi phục các chương trình trao đổi Fulbright với Trung Quốc. Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ hiện đang họp để quyết định cách diễn đạt dự luật cuối cùng này để trình lên Tổng thống Joe Biden.
Một chương trình do tư nhân tài trợ là chương trình Học bổng Schwarzman, bắt đầu vào năm 2015. Ông Stephen A. Schwarzman là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Blackstone, một công ty cổ phần tư nhân đang quản lý khối tài sản 731 tỷ USD (tính đến hôm 30/09/2021) với các khoản đầu tư lớn ở Trung Quốc. Ông được liệt kê là người giàu thứ 35 trên thế giới trong danh sách “Billionaires Index” của Bloomberg với khối tài sản trị giá 33.7 tỷ USD. Chương trình Học bổng Schwarzman gửi 200 sinh viên cao học (40% là người Mỹ, 20% là người Trung Quốc, và 40% là những người quốc tịch khác đến từ khắp nơi trên thế giới) đến Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh để lấy bằng thạc sĩ về các vấn đề toàn cầu, được tài trợ toàn phần và kéo dài trong một năm.
Các sinh viên tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa là những cá nhân ưu tú của ĐCSTQ, và trong số các cựu sinh viên của trường này có cả Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cựu Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và cựu Phó Thủ tướng Hoàng Cúc. Tại sao ông Schwarzman lại chọn Đại học Thanh Hoa?
Hàng năm, Trung Quốc đón hơn 490,000 sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Những sinh viên này thể hiện cho điều mà các nhà hoạch định quân sự có thể gọi là một “môi trường giàu mục tiêu” — một cơ hội để truyền bá cho sinh viên những tuyên truyền của ĐCSTQ và xây dựng sự liên kết lâu dài với ĐCSTQ. May mắn thay, một số trường đại học ở Hoa Kỳ đang chuyển các chương trình giảng dạy Hoa ngữ của họ từ Trung Quốc sang Đài Loan.
Bà Tôn Vân lưu ý rằng mục đích của việc thúc đẩy hệ tư tưởng ở Phi Châu chính là để chứng minh rằng “Trung Quốc sử dụng mô hình phát triển của riêng mình, trong đó kết hợp chủ nghĩa chuyên chế chính trị và chủ nghĩa tư bản kinh tế, để cho các nước Phi Châu thấy rằng sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị có thể cùng tồn tại mà không cần một hệ thống dân chủ.”
Đây có thể là thông điệp nền tảng cho các nghiên cứu của gần nửa triệu sinh viên đang học tập ở Trung Quốc mỗi năm, và hơn một triệu sinh viên Trung Quốc đang du học ở ngoại quốc (300,000 sinh viên ở Hoa Kỳ).
Một câu nói nổi tiếng của Vladimir Lenin khiến người ta phải suy nghĩ: “Các nhà tư bản sẽ bán cho chúng ta sợi dây để treo cổ chính họ.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Guermantes Lailari là một sĩ quan khu vực đối ngoại của Không quân Hoa Kỳ đã về hưu chuyên về Trung Đông và Âu Châu cũng như chống khủng bố, chiến tranh bất thường, và phòng thủ hỏa tiễn. Ông đã học tập, làm việc, và phục vụ ở Trung Đông và Bắc Phi trong hơn 14 năm và ở Âu Châu trong sáu năm. Ông từng là Tùy viên Không quân tại Trung Đông, phục vụ tại Iraq, và có bằng cấp cao về quan hệ quốc tế và tình báo chiến lược. Ông nghiên cứu các chế độ độc tài và toàn trị đe dọa các nền dân chủ. Ông sẽ là học giả được Đài Loan tài trợ tại Đài Bắc vào năm 2022.