Sự can thiệp ngày càng mạnh mẽ của ĐCSTQ vào cuộc bầu cử sắp tới ở Đài Loan
Các nhà phân tích cho biết, chính quyền cộng sản Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào ngày 13/01 tới đây.
Cử tri Đài Loan sẽ tiến hành bỏ phiếu trong vòng chưa đầy hai tuần nữa để bầu ra tân chính phủ cho bốn năm tới. Các cuộc bầu cử tự do và công bằng đang bị lu mờ bởi các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc nhằm cố gắng xoay chuyển kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho nước này.
Hôm 13/01/2024, khoảng 19.5 triệu cử tri Đài Loan dự kiến sẽ bầu tổng thống mới và các thành viên của cơ quan lập pháp quốc gia gồm 113 ghế. Ba trong số các đảng lớn nhất ở Đài Loan — Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, đảng đối lập chính Quốc Dân Đảng (KMT) và Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), một đảng tương đối mới được thành lập vào năm 2019 — đều đã ghi danh tranh cử tổng thống và phó tổng thống.
Dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò địa phương là ứng cử viên của DPP — đương kim phó tổng thống Lại Thanh Đức và người đồng tranh cử của ông là bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), người đã từ chức đại diện (trên thực tế làm việc như đại sứ) của Đài Loan tại Hoa Kỳ hồi tháng Mười Một. Ở vị trí thứ hai là ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng Hầu Hữu Nghị, thị trưởng đương nhiệm của thành phố Tân Bắc, và người đồng hành cùng ông là ông Triệu Thiếu Khang (Jaw Shaw-kong), một nhân vật truyền thông địa phương. Còn ứng cử viên của TPP, cựu Thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết (Ko Wen-je), đã chọn một thành viên cùng đảng là nhà lập pháp Ngô Hân Doanh (Wu Hsin-ying) làm người tranh cử liên danh với mình.
Ôm giữ ý định chiếm Đài Loan cho dù là bằng biện pháp hòa bình hay chiến tranh, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ lâu đã có thái độ thù địch với DPP, xem đảng này và nghị trình của họ là những rào cản trên con đường “thống nhất” hòn đảo tự trị này. Đồng thời, nhà cộng sản này cũng ưa chuộng các ứng cử viên Quốc Dân Đảng hơn, những người nhìn nhận là Bắc Kinh ít đe dọa đến an ninh quốc gia của hòn đảo này hơn.
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), một nhà hoạt động và học giả dân chủ Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng có hai yếu tố sẽ quyết định kết quả của cuộc bầu cử: quan điểm của cử tri về mối bang giao Trung Quốc-Đài Loan và các chính sách trong nước liên quan đến kinh tế. Ông nêu ra rằng đại đa số thanh niên Đài Loan không muốn hòn đảo này trở thành một phần của Trung Quốc.
Hôm 31/12/2023, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tái khẳng định ý định chiếm Đài Loan trong bài diễn văn Năm Mới 2024, nói rằng Trung Quốc và Đài Loan “chắc chắn sẽ được thống nhất” và “tất cả người Hoa ở cả hai bên eo biển Đài Loan phải bị ràng buộc bởi một nhận thức chung về mục đích cũng như chia sẻ vinh quang trong công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa.”
Bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga Châu Âu Châu Á (CREAS), cho biết, nhận xét của ông Tập đã được “điều chỉnh cẩn thận” cho cuộc bầu cử ở Đài Loan vào ngày 13/01. Bà nhận thấy ông “có giọng điệu mạnh mẽ hơn so với năm ngoái,” theo bài đăng của bà trên X, trước đây là Twitter.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), đồng thời là chủ tịch DPP, đã trả lời các câu hỏi của giới truyền thông về bài nói của ông Tập sau khi đọc bài diễn văn Năm Mới của bà vào hôm 01/01/2024. Bà Thái cho biết quyết định về bất kỳ mối quan hệ xuyên eo biển nào trong tương lai phải dựa trên “nguyên tắc dân chủ” và “ý chí chung” của người dân Đài Loan.
Bà Thái cũng nêu lên nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử của hòn đảo này bắt đầu từ năm 1996 khi Đài Loan tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên. Bà bày tỏ hy vọng người dân Đài Loan cảnh giác trước những thông tin sai lệch, đồng thời tin tưởng cử tri sẽ đưa ra lựa chọn thông minh.
“Tập Cận Bình là một nhà độc tài sát nhân và một kẻ lưu manh thảm hại muốn ép những người dân yêu tự do của Đài Loan phải sống dưới sự áp bức tàn bạo của Cộng sản,” Dân biểu Carlos Gimenez (Cộng Hòa-Florida) viết trên X để đáp lại bài diễn văn Năm Mới của ông Tập. “Chúng ta sắp bước vào năm 2024, nhưng nhà độc tài Tập đang cố gắng đưa thế giới vào Thời kỳ Đồ đá.”
Sự can thiệp của Trung Quốc
Trong cuộc tranh biện tổng thống hôm 30/12/2023, cả ba ứng cử viên đều cam kết duy trì hiện trạng của Đài Loan. Ông Lại cũng cho biết ông sẽ tiếp tục các chính sách của tổng thống đương nhiệm đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Lại nói trong cuộc tranh biện: “Về cái gọi là Đài Loan độc lập, lập trường cơ bản của Đài Loan là chủ quyền và độc lập của Đài Loan thuộc về 23 triệu người dân của nơi này chứ không phải là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Ông Hầu nói rằng ông phản đối cả nền độc lập của Đài Loan và “một quốc gia, hai chế độ,” một hệ thống chính trị mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông sau khi thuộc địa cũ của Anh này được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Trong khi đó, ông Kha nhấn mạnh rằng duy trì hiện trạng của Đài Loan là “lựa chọn duy nhất.”
Bất chấp một vài điểm tương đồng trong quan điểm của ba ứng cử viên về mới quan hệ hai bờ eo biển, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn ông Hầu giành chiến thắng trong cuộc đua tổng thống. Ví dụ, hôm 22/12, một phóng viên truyền thông trực tuyến họ Lâm (Lin) đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc đăng các cuộc thăm dò giả cho thấy Quốc Dân Đảng đang dẫn đầu. Ông Lâm được cho là đã làm như vậy theo chỉ thị của Đảng ủy ĐCSTQ ở tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc.
Ông Lý Dậu Đàm (Lee Yeau-tran), giáo sư phụ trợ tại Viện Nghiên cứu Phát triển Sau đại học của Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan (NCCU), nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc đã sử dụng YouTube, Facebook, và Twitter nhằm nỗ lực gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử hôm 13/01. Ông Lý cho biết thêm, các chiến thuật gây ảnh hưởng khác gồm đài thọ các chuyến đi đến Trung Quốc cho các quan chức cấp thấp trong chính phủ Đài Loan và các hội nhóm trong các chùa của Đài Loan.
Theo một báo cáo mới từ công ty nghiên cứu Graphika có trụ sở tại New York, một hoạt động gây ảnh hưởng liên quan đến những kẻ đóng giả người dùng Đài Loan đã sử dụng Facebook, YouTube, và TikTok để quảng bá cho Quốc Dân Đảng trong khi chỉ trích các ứng cử viên khác, kể cả ông Lại và ông Kha.
Báo cáo cho biết: “Nội dung theo dõi chặt chẽ vòng tròn tin tức của Đài Loan, nhanh chóng tận dụng các diễn biến tin tức trong nước, chẳng hạn như tranh cãi xung quanh tình trạng thiếu nguồn cung trứng và cáo buộc sử dụng thuốc cho trẻ em mới biết đi ở trường mẫu giáo, để miêu tả các đối thủ của Quốc Dân Đảng là bất tài vô dụng và tham nhũng.”
Hôm 29/12/2023, các công tố viên địa phương ở thành phố Đài Trung, miền trung Đài Loan đã công bố cuộc điều tra chống lại 8 quận trưởng, 28 cử tri Đài Loan và người đứng đầu một công ty du lịch địa phương vì có khả năng vi phạm luật chống thâm nhập của hòn đảo. Các lãnh đạo và cử tri này bị cáo buộc đã trả chi phí thấp hơn giá thị trường cho các chuyến đi đến thành phố Hạ Môn, miền nam Trung Quốc, và gặp các quan chức ĐCSTQ của thành phố này trong chuyến đi. Sáu trong số các lãnh đạo quận đã được tại ngoại và hai người khác bị hạn chế rời khỏi nơi cư trú.
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), cựu giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng theo ông được biết từ các nguồn tin, Văn phòng Sự vụ Đài Loan ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị của Trung Quốc đã được lệnh “gây áp lực riêng” cho các doanh nhân Đài Loan trong hoạt động kinh doanh của họ tại các khu vực để yêu cầu họ ủng hộ các ứng cử viên chính trị mà Bắc Kinh chấp nhận trong cuộc bầu cử tháng Một sắp tới.
Theo dữ liệu do chính phủ Đài Loan công bố vào tháng trước (12/2023), khoảng 473,000 công dân Đài Loan đang làm việc ở ngoại quốc vào năm 2022, trong đó người Đài Loan ở Trung Quốc chiếm đa số, tương đương với 37.5% tổng số.
Rốt cuộc, Trung Quốc có những mục tiêu khác nhau đằng sau nỗ lực tác động đến kết quả cuộc bầu cử ở Đài Loan, theo ông Viên và ông Lý.
Ông Viên nói: “Khiến Đài Loan trở nên hỗn loạn có thể làm giảm mong muốn được sống trong một nền dân chủ như Đài Loan của người dân [Trung Quốc], đồng thời làm cho sự cai trị [của ĐCSTQ] trông có vẻ đỡ bất chính hơn.”
Ông Lý cho biết mục tiêu của Trung Quốc đằng sau nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử là “làm cho Đài Loan chấp nhận thỏa thuận ‘một Trung Quốc, hai chế độ’… đó là ‘khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu.’”
Phản ứng
Kết quả của cuộc bầu cử lập pháp vào ngày 13/01 cũng quan trọng không kém vì sẽ quyết định liệu đảng giành được chức tổng thống cũng có thể chiếm đa số trong cơ quan lập pháp quốc gia hay không.
Ông Nathan Batto, một nhà nghiên cứu cộng tác tại Academia Sinica của Đài Loan, đã dự đoán vào đầu tháng Mười hai rằng DPP có thể sẽ mất thế đa số trong Lập pháp viện sau cuộc bầu cử.
“Nhìn vào cuộc bỏ phiếu gần đây nhất, tôi thấy có vẻ như kết quả có thể xảy ra nhất là một quốc hội treo trong đó TPP nắm giữ cán cân quyền lực hoặc Quốc Dân Đảng hoàn toàn chiếm đa số,” ông Batto nói trong một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức.
Quốc hội treo có nghĩa là không một đảng nào giành được 57 ghế cần thiết để có thế đa số trong cơ quan lập pháp quốc gia.
Ông Batto nói thêm, “Nếu đó là một quốc hội treo và TPP nắm giữ cán cân quyền lực, và ông Kha Văn Triết duy trì quyền kiểm soát mạnh mẽ đối với đảng của mình, thì ông ấy sẽ là người kiểm soát cán cân quyền lực trong cơ quan lập pháp.”
Tại một sự kiện do Viện Brookings tổ chức hôm 14/12/2023, ông Kharis Templeman, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover của Đại học Stanford, cho biết: “Thực sự rất có thể sẽ không có một đảng nào kiểm soát cả hai nhánh của chính phủ.”
“Tôi nghĩ quan điểm thông thường là ngay cả khi ông Lại Thanh Đức giành chiến thắng, ông ấy cũng sẽ không chiếm đa số trong cơ quan lập pháp. Và nếu ông Hầu Hữu Nghị giành chiến thắng, thì ít nhất là ông ấy cũng khó có thể giành được thế đa số cho Quốc Dân Đảng,” ông Templeman nói thêm.
Nếu DPP giành được chức tổng thống và chiếm đa số trong cơ quan lập pháp, ông Lý nói rằng ĐCSTQ có thể phản ứng bằng cách thực hiện các biện pháp mạnh tay chống lại hòn đảo này.
Ông Lý nói: “Nếu ông Lại và bà Tiêu đắc cử và Quốc Dân Đảng và TPP chiếm đa số trong cơ quan lập pháp, [Trung Quốc] sẽ cố gắng thao túng các nhà lập pháp [của Quốc Dân Đảng và TPP] để họ có thể can thiệp vào nghị trình của DPP tại Lập pháp viện.”
Ngược lại, nếu ông Hầu hoặc ông Kha trở thành tổng thống, ông Lý cho rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng ép buộc tân tổng thống áp dụng các chính sách có lợi cho Trung Quốc, chẳng hạn như để hòn đảo này ký Hiệp định Thương mại Dịch vụ xuyên eo biển, một thỏa thuận thương mại song phương đã bị gác lại sau các cuộc biểu tình của sinh viên ở Đài Loan vào năm 2014.
Theo ông Lý, Hoa Thịnh Đốn cũng sẽ phản ứng khác nhau trước các kết quả bầu cử khác nhau.
Ông Lý nói: “Nếu ông Lại và bà Tiêu đắc cử, mối bang giao giữa Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giống như sự hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và các nền tự do trong nhiệm kỳ tổng thống của bà Thái.”
“Nói cách khác, tình hình sẽ trở thành cái gọi là chiến tranh lạnh mới, nơi các nền dân chủ tự do đối đầu với Nga, Bắc Hàn, và Iran, những quốc gia liên minh với ĐCSTQ để tạo thành trục ma quỷ.”
Ông Lý nói thêm nếu cựu thị trưởng Đài Bắc trở thành tổng thống, thì Hoa Thịnh Đốn sẽ yêu cầu ông tuân theo chính sách đối ngoại của bà Thái đối với Trung Quốc.
Nếu ông Hầu trở thành tổng thống tiếp theo của Đài Loan, ông Lý cho biết mối bang giao Đài Loan-Hoa Kỳ có thể lùi lại một bước vì phó tổng thống của ông là ông Triệu, người đồng sáng lập một đảng ủng hộ thống nhất với Trung Quốc vào năm 1993. Theo một báo cáo từ Viện Đài Loan Toàn cầu có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, ông Triệu là một “nhà bình luận chính trị gây tranh cãi” được biết đến với “quan điểm chống Mỹ và thân Trung Quốc quá mức.”