Các nhà lập pháp Hoa Kỳ theo dõi cuộc bầu cử ở Đài Loan với ánh mắt dè chừng Trung Quốc
Khi Đài Loan đang bước vào thời khắc cuối cùng của chu kỳ bầu cử tổng thống, thì cũng là lúc các nhà lập pháp và nhà phân tích chính sách ngoại giao ở Hoa Kỳ đang chuẩn bị dự đoán xem kết quả bầu cử lần này sẽ tác động thế nào đến mối bang giao quốc tế với Trung Quốc.
Nhà phân tích chính sách ngoại giao như ông John Dotson, phó giám đốc Viện nghiên cứu Đài Loan Toàn cầu, đang theo dõi các hành động tiếp theo của Đài Loan và phản ứng của Trung Quốc. Ông nói với NTD News, “Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chắc chắn đang thực hiện một nỗ lực rất sâu rộng nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Đài Loan.”
Ông Dotson, cựu sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ, cho biết những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tác động đến kết quả bầu cử bao gồm các hành động đe dọa quân sự công khai, chẳng hạn như điều động phi cơ quân sự và khí cầu giám sát đến gần hòn đảo. Tuy nhiên, ông cho biết phía Trung Quốc cũng đang theo đuổi một cách tiếp cận ít công khai hơn, bằng việc tuyên truyền và phát tán thông tin giả, cũng như thực hiện những hoạt động nhằm giành được sự ưu ái của các nhân vật chính trị và quan chức địa phương khác ở Đài Loan.
Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan giữa ứng cử viên Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP, gọi tắt là Đảng Dân Tiến) — và là đương kim Phó Tổng thống Đài Loan — ông Lại Thanh Đức, còn được gọi là William Lai, cạnh tranh với ứng cử viên Quốc Dân Đảng (KMT) Hầu Hữu Nghi, hiện là thị trưởng Tân Đài Bắc. Các cử tri chuẩn bị đi bỏ phiếu và quyết định kết quả vào thứ Bảy (13/01).
Như ông Dotson đã mô tả, có một nhận thức phổ biến trong công chúng rằng Quốc Dân Đảng dễ thuận theo ý Trung Quốc hơn, trong khi Đảng Dân Tiến được xem là nghiêng về việc ủng hộ sự độc lập và tách biệt khỏi Trung Quốc và ĐCSTQ nhiều hơn.
“Có những yếu tố trong quá khứ của DPP, nơi mà đảng này … đôi khi được xem là đảng ủng hộ độc lập hơn hoặc … đảng mang bản sắc Đài Loan bản địa hơn,” ông Dotson nói. “Và chính vì lý do đó mà Trung Quốc có thái độ vô cùng thù địch với DPP, dưới thời chính phủ đương nhiệm của đảng DPP.”
Ông Dotson cho biết ông Lại cũng tuyên bố sẽ không khẳng định nền độc lập của Đài Loan về mặt pháp lý, “nhưng chính quyền Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh, vẫn rất thù địch với DPP.”
Trong thông cáo báo chí hôm thứ Năm (11/01), Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc cho biết nếu ông Lại đắc cử, thì ông và Đảng Dân Tiến sẽ “tiếp tục theo đuổi con đường khiêu khích ‘độc lập’ xấu xa cũng như con đường đối đầu và đối nghịch cũ, sẽ chỉ khiến Đài Loan ngày càng rời xa hòa bình và thịnh vượng, ngày càng gần hơn với chiến tranh và suy thoái.”
Dân biểu Mario Díaz-Balart (Cộng Hòa-Florida) cho biết ông không tin rằng cử tri Đài Loan sẽ bị dao động bởi những ảnh hưởng bên ngoài.
“Đó là một nền dân chủ sôi động với quyền tự do báo chí, các cuộc bầu cử mạnh mẽ, như lẽ phải vậy,” Ông Díaz-Balart nói với The Epoch Times. “Vì vậy, tôi không nghĩ rằng người Đài Loan sẽ bị đe dọa. Tôi nghĩ họ sẽ mong chờ được đi bỏ phiếu, như tôi nghĩ họ sẽ làm vậy, và bầu ra một tổng thống mới. Đó là một điều tuyệt vời.”
Cho dù cử tri Đài Loan có đưa ra lựa chọn nào đi nữa, ông Díaz-Balart cho biết Đài Loan “sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội Hoa Kỳ.”
Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee), người phục vụ trong Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện, vẫn kêu gọi cảnh giác. Ông nói với NTD News, “Tôi nghĩ tốt hơn hết chúng ta nên lo lắng về Trung Quốc khi họ sử dụng những tiến bộ công nghệ để đánh cắp cuộc bầu cử đó, và phá hỏng hệ thống đó, khiến những người dân Đài Loan thiện lương không thể tiếp cận sự thật.”
Ông Dotson khẳng định kết quả cuộc bầu cử ở Đài Loan sẽ tùy thuộc vào cử tri, cho nên dù là chế độ ở Bắc Kinh hay chính phủ ở Hoa Thịnh Đốn cũng sẽ không có quyền quyết định kết quả đó.