Sri Lanka sẽ mời Nhật Bản dẫn đầu cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ chính Trung Quốc, Ấn Độ
Hôm thứ Năm (18/08), tổng thống Sri Lanka cho biết ông sẽ mời Nhật Bản dẫn đầu các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ chính của Sri Lanka, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh quốc gia này cố gắng khôi phục nền kinh tế đang sụp đổ của mình.
Tổng thống Ranil Wickremesinghe cho biết ông sẽ tới Nhật Bản vào tháng Chín để thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
“Cần ai đó gọi điện, và mời các quốc gia chủ nợ chính. Chúng tôi sẽ mời Nhật Bản làm điều đó,” ông Wickremesinghe nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Tính đến tháng 08/2022, Sri Lanka có 10 tỷ USD nợ song phương, trong đó 44% là nợ Trung Quốc, theo bộ tài chính Sri Lanka (pdf). Nhật Bản nắm giữ 32% nợ của Sri Lanka trong khi Ấn Độ nắm giữ 10% khác.
Ông Wickremesinghe đã bày tỏ hy vọng cải thiện mối bang giao với Nhật Bản, vốn đang căng thẳng do Sri Lanka đơn phương rút khỏi các dự án phát triển do Nhật Bản tài trợ dưới thời chính phủ trước.
Sri Lanka nợ Trung Quốc khoảng 6.5 tỷ USD và đã đề nghị Bắc Kinh giúp tái cơ cấu các khoản trả nợ. Ông Wickremesinghe cũng đề nghị Trung Quốc sửa đổi các điều khoản của một thỏa thuận hoán đổi tỷ giá theo đồng nhân dân tệ trị giá 1.5 tỷ USD để quỹ này có thể được sử dụng cho việc thanh toán các mặt hàng nhập cảng thiết yếu.
Mặt khác, Ấn Độ đã nổi lên như một cứu cánh của Sri Lanka, khi cung cấp khoảng 4 tỷ USD trong hạn mức tín dụng và các khoản hoán đổi để giữ cho nền kinh tế của đất nước này phát triển trong năm nay.
Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ dường như đang làm phức tạp thêm vấn đề đối với Sri Lanka, quốc gia đã cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm vào năm 2017 để chuyển khoản vay Trung Quốc thành vốn chủ sở hữu. Ấn Độ đã lo ngại rằng cảng này sẽ được sử dụng như một căn cứ quân sự.
Sri Lanka đã cho phép tàu theo dõi vệ tinh Viễn Vọng (Yuan Wang) 5 của Trung Quốc cập cảng Hambantota trong một tuần bất chấp sự phản đối của Ấn Độ do lo ngại vấn đề an ninh. Ban đầu Sri Lanka yêu cầu hoãn việc cập cảng của con tàu này nhưng cuối cùng đã chấp thuận sau “cuộc tham vấn sâu rộng ở cấp cao.”
Cuộc đàm phán của IMF
Quốc gia đang thiếu tiền này cũng đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có được một gói cho vay trị giá 3 tỷ USD. Các đại diện của IMF dự kiến sẽ đến thăm Sri Lanka vào cuối tháng Tám để đàm phán về một thỏa thuận cấp nhân viên của IMF.
Ông Nandalal Weerasinghe, thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka, cho biết hôm thứ Năm rằng các cuộc đàm phán của Sri Lanka với IMF sắp hoàn thành và đã “đạt được gần như tất cả các mục tiêu,” Colombo Page đưa tin.
“Một khi chúng tôi đạt được một thỏa thuận cấp nhân viên của IMF, thì rõ ràng chúng tôi phải tiếp cận các chủ nợ về việc tái cơ cấu nợ với các cố vấn của mình và chúng tôi mới có thể đạt được tiến triển,” ông cho biết, đồng thời hy vọng rằng cả hai bên sẽ đạt được một “thỏa thuận cấp nhân viên của IMF.”
Ông Wickremesinghe nói rằng các khoản chi tiêu sẽ bị cắt giảm “vài trăm tỷ” rupee để chuyển tới các quỹ phúc lợi và trả lãi suất cao. Sri Lanka đã nhắm tới khoản chi 3.9 ngàn tỷ rupee (11 tỷ USD) trong ngân sách cuối cùng của mình.
Việc cắt giảm ngân sách sẽ bao gồm cả bộ quốc phòng, vốn đã giữ mức phân bổ ngân sách cao nhất mặc dù Sri Lanka quốc gia có đa số dân số là người Sinhala đã kết thúc một cuộc nội chiến đẫm máu với phiến quân Tamil hơn một thập niên trước.
Hôm 21/07, ông Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống để thay thế cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người đã đào tẩu khỏi đất nước này hồi tháng Bảy sau khi những người biểu tình xông vào dinh thự tổng thống của ông để kêu gọi ông từ chức.
Nước này đã vỡ nợ vào tháng Năm và tuyên bố phá sản hôm 05/07.
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.