Ông Ranil Wickremesinghe được bầu làm tân Tổng thống của Sri Lanka
Nghị viện Sri Lanka đã bầu ông Ranil Wickremesinghe làm tân tổng thống của nước này, bất chấp việc ông ngày càng không được lòng những người biểu tình chống chính phủ, những người xem ông là một đồng minh của người tiền nhiệm.
Ông đã giành được 134 trong tổng số 219 phiếu bầu tại Nghị viện, đánh bại đối thủ của mình là nhà lập pháp đảng cầm quyền Dullas Alahapperuma, người thu về 82 phiếu. Colombo Page đưa tin, lãnh đạo cánh tả Anura Kumara Dissanayake chỉ có được 3 phiếu bầu. Lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa đã rút lại quyết định ứng cử để ủng hộ ông Alahapperuma.
Ông Wickremesinghe, người đang giữ chức tổng thống lâm thời, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các lá phiếu và kêu gọi sự đoàn kết với các đối thủ của mình, bao gồm cả lãnh đạo phe đối lập, để vực dậy nền kinh tế đang sụp đổ của đất nước.
“Chúng ta phải tạo ra một chiến lược mới để tiến lên phía trước,” ông nói. “Người dân không đòi hỏi nền chính trị cũ. Họ yêu cầu Nghị viện tiến hành công việc một cách thống nhất.”
Ông Wickremesinghe, người trước đây từng giữ chức thủ tướng, thay thế cho cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người đã đào thoát khỏi Sri Lanka sau khi những người biểu tình chống chính phủ xông vào dinh thự chính thức của ông để yêu cầu ông từ chức.
Ông Rajapaksa được cho là đã đào thoát đến Maldives trên một chiếc phi cơ quân sự rồi sau đó đến Singapore. Chiến thắng của ông Wickremesinghe có thể làm dấy lên các cuộc biểu tình mới khi những người biểu tình chống chính phủ xem ông là một người trung thành với ông Rajapaksa.
Trước đó những người biểu tình đã chiếm giữ và phóng hỏa tư gia của ông Wickremesinghe để yêu cầu ông từ chức thủ tướng. Ông đã áp đặt tình trạng khẩn cấp sau khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng lâm thời nhưng đã thu hồi lệnh này sau vài giờ.
Trước cuộc bỏ phiếu của Nghị viện, ông đã áp đặt một tình trạng khẩn cấp khác, nói rằng điều này là thiết thực “vì lợi ích của an ninh công cộng, bảo vệ trật tự công cộng, và duy trì các nguồn cung cấp và dịch vụ thiết yếu cho đời sống cộng đồng.”
Ông Wickremesinghe, 73 tuổi, đã trở thành thủ tướng lần thứ sáu hồi tháng Năm, khi ông kế nhiệm ông Mahinda Rajapaksa, người đã từ chức sau khi các cuộc biểu tình kéo dài chuyển sang bạo lực có nguy cơ gây thiệt mạng.
Nền kinh tế sụp đổ
Ông Wickremesinghe đã dẫn đầu các nỗ lực của chính phủ để đàm phán một thỏa thuận cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tìm kiếm các gói cho vay từ các đối tác cho vay lớn, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản.
Hôm 05/07, ông tuyên bố Sri Lanka phá sản và nói rằng chính phủ sẽ cần phải đệ trình kế hoạch tái cơ cấu nợ và tính bền vững của mình lên IMF vào tháng Tám năm nay.
Trong một bài diễn văn trên truyền hình, ông Wickremesinghe nói: “Vực dậy một quốc gia có nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn là điều không dễ dàng, đặc biệt là một quốc gia có dự trữ ngoại hối thấp một cách nguy hiểm.”
Sri Lanka nợ ngoại quốc 51 tỷ USD, trong đó nợ Trung Quốc 6.5 tỷ. Hồi tháng Năm, đất nước này đã vỡ nợ và tuyên bố không thể thanh toán cho các mặt hàng nhập cảng thiết yếu.
Cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có của đất nước đã khiến hàng triệu người dân nước này cần viện trợ cứu sinh, với tình trạng thiếu trầm trọng thuốc men thiết yếu và cắt điện thường xuyên gây nguy hiểm cho hệ thống chăm sóc y tế của đất nước.
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.